Rate this post

Với tác phẩm đầu tay The Sympathizer, nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã đạt được một thành tựu to lớn của một tác giả di dân da màu : đi thẳng vào “dòng chính” của văn học nghệ thuật Bắc Mỹ. Đã có nhiều sách vở viết về chiến tranh Việt Nam, nhưng “từ lâu có sự khô hạn trầm trọng những tác phẩm (…) mà tiếng nói chính là người Việt”. Nguyễn Thanh Việt khắc phục được thiếu sót đó. Trên đây là nhận định của nhà thơ Trịnh Y Thư về cuốn Cảm Tình Viên – The Sympathizer, giải Pulitzer 2016.

Tháng 04/2016, giải Pulitzer, một trong những phần thưởng cao quý nhất của văn học Hoa Kỳ, đã được trao tặng cho một cây bút Mỹ gốc Việt : Nguyễn Thanh Việt với cuốn tiểu thuyết đầu tay The Sympathizer (Cảm tình Viên), Nhà xuất bản Grove Press, 2015. Trước đó, The Sympathizer được báo New York Times bình chọn là một trong số 100 cuốn sách độc đáo của năm 2015.

Trong khuôn khổ chương trình hôm nay, nhà thơ Trịnh Y Thư từ Hoa Kỳ phân tích về tác phẩm được ca ngợi như “là một cuốn tiểu thuyết sâu sắc, có chiều kích lịch sử và chính trị cao rộng”, và ông giới thiệu qua về tác giả Nguyễn Thanh Việt, người đã chen chân vào câu lạc bộ khép kín của những văn sĩ bậc thầy trong dòng văn học phương Tây.

“Tiểu thuyết bắt người ta phải đánh giá lại chiến tranh Việt Nam”

RFI : Xin kính chào nhà thơ Trịnh Y Thư. Nhà văn Mỹ gốc Việt, Nguyễn Thanh Việt, trước khi nhận được giải thưởng Pulitzer ngày 18/04/2016, đã được giới phê bình xem là hiện tượng mới trong làng văn học Hoa Kỳ. Thưa ông đánh giá thế nào về những lời khen tặng đó và vì sao công luận lại chú ý nhiều như vậy đến tác phẩm đầu tay của một nhà văn Mỹ gốc Việt ?

Trịnh Y Thư : “Con người mắc kẹt trong lịch sử và lịch sử mắc kẹt trong con người”. Nhà văn Mỹ James Balwin nói vậy trong tập tiểu luận Những ghi chú của đứa con bản xứ (Notes of a Native Son) xuất bản năm 1955. Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên), Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào.

Năm 2016, cuốn The Sympathizer đi vào lịch sử với giải thưởng Pulitzer bộ môn văn học, giải thưởng cao quý nhất của quốc gia Mỹ, trao tặng hằng năm cho những tác giả xuất sắc thuộc các ngành văn chương, báo chí.

Trước đó, cuốn sách đã được văn giới Bắc Mỹ không tiếc lời ca ngợi như một tác phẩm tiểu thuyết sâu sắc, có chiều kích lịch sử và chính trị cao rộng ; là tiếng nói mới đầy khích động trong văn học Mỹ ; là cuốn tiểu thuyết bắt người ta phải đánh giá lại chẳng những chiến tranh Việt Nam mà cả cặp phạm trù chính trị – văn hóa Mỹ ; là một tác phẩm văn học đúng nghĩa nhất bởi nó “mở rộng ý thức con người ra khỏi giới hạn của thân xác và những cảnh huống cá nhân”.

Đâu đó người ta còn so sánh Nguyễn Thanh Việt với Joseph Conrad, Graham Greene, Denis Johnson và George Orwell, những tác giả thuộc loại kinh điển của văn học phương Tây.

Tôi xin mượn câu nói của nhà văn Robert Olen Butler tuyên bố về tác phẩm này như sau : “Nguyễn Thanh Việt chẳng những đã đem lại tiếng nói hiếm hoi và trung thực cho khối tác phẩm văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, với cuốn sách, anh còn vượt qua những đường biên lịch sử, chính trị, quốc gia và nói lên được chủ đề muôn thuở trong văn học : cuộc kiếm tìm bản ngã và bản nguyên ở tầm mức phổ quát. The Sympathizer là một tác phẩm đầu tay sáng chói của một nhà văn có chiều sâu và tài năng”.