Rate this post

Cũng như chơi trò “Waldo ở đâu[1]”, chỉ có điều người chơi ở đây không phải những đứa trẻ mà là các nhà khoa học thần kinh hàng đầu thế giới; và người mà họ tìm kiếm, thay vì Waldo, lại là một cụ bà tóc quăn mặc áo len chui đầu – có thể là bà của bất cứ ai.

Các nhà thần kinh học đang cố tìm câu trả lời cho một câu hỏi ban đầu tưởng chừng khá đơn giản. Tất cả chúng ta đều có những ký ức về bà của mình, hay về ngày đầu tiên cắp sách đến trường. Và câu hỏi đặt ra là những ký ức ấy được lưu giữ ở đâu? Các nhà khoa học chỉ biết rằng họ sắp đi đến một kết luận có những mối liên hệ đáng ngạc nhiên, không chỉ với Sinh vật học mà với tất cả các ngành công nghiệp trên thế giới, thậm chí với cả khủng bố quốc tế và những cộng đồng vùng sâu vùng xa.

Ðã từ lâu, các nhà khoa học cho rằng não bộ của chúng ta – cũng như những bộ máy phức tạp khác – có cấu trúc phân tầng từ trên xuống. Ðể lưu trữ và quản lý các ký ức của cả đời người, não bộ cần thực hiện một chuỗi mệnh lệnh. Thuỳ não phụ trách việc này, và các nơ-ron lưu giữ ký ức có trách nhiệm báo cáo lại cho thuỳ não. Khi chúng ta cần gợi lại một ký ức, thuỳ não – hoạt động như một siêu máy tính – sẽ nhận thông tin gửi đến từ một nơ-ron xác định nào đó. Bạn muốn nhớ lại những kỷ niệm của mối tình đầu? Hãy tìm đến nơ-ron số 18.416. Hay ký ức về thầy giáo chủ nhiệm năm lớp Bốn nằm ở nơ-ron số 26.124.394.

Ðể chứng minh giả thuyết này, các nhà khoa học cần chỉ ra rằng mỗi khi chúng ta cố gợi lại một ký ức đặc biệt nào đó, các nơ-ron xác định sẽ được kích hoạt. Từ những năm 1960, các nhà khoa học đã gắn các điện cực và cảm biến lên đối tượng tham gia thí nghiệm rồi cho những người này xem hình vẽ các đồ vật quen thuộc, hy vọng rằng mỗi lần đối tượng thí nghiệm nhìn thấy bức hình quen thuộc thì một nơ-ron xác định sẽ được kích hoạt. Các đối tượng đã bỏ ra hàng giờ đồng hồ nhìn chăm chú những hình vẽ, còn các nhà khoa học thì quan sát và chờ một nơ-ron nào đó phản ứng. Họ cứ thế chờ đợi và chờ đợi.

Thay vì tìm ra mối tương quan rõ ràng giữa ký ức và các nơ-ron thần kinh thì các nhà khoa học lại gặp phải một mớ bòng bong. Mỗi khi đối tượng thí nghiệm được cho xem một hình vẽ, rất nhiều nơ-ron khác nhau cùng được kích hoạt. Và hơn thế nữa, đôi khi cùng một nhóm nơ-ron lại có phản ứng với nhiều bức hình khác nhau.

Ban đầu các nhà khoa học nghĩ đã có trục trặc gì đó về mặt kỹ thuật, có thể là các bộ cảm biến không đủ chính xác. Nhiều thập kỷ sau đó, các nhà thần kinh học tiếp tục lặp lại nhiều lần thí nghiệm tương tự, các thiết bị đã tinh vi và chính xác hơn rất nhiều nhưng vẫn chẳng thu được kết quả gì có ý nghĩa. Có chuyện gì vậy nhỉ? Chắc chắn là ký ức của chúng ta phải được lưu trữ ở một nơi nào đó trong não chứ.

Một nhà khoa học tại MIT[2]tên là Jerry Lettvin đã đề xuất một ý kiến: Giả thuyết rằng mỗi ký ức chỉ được lưu trữ trong một tế bào não là hoàn toàn sai lầm. Ông cho rằng các nhà khoa học muốn xác định sự phân cấp trong não bộ, nhưng điều đó không hề tồn tại. Giả thuyết của Lettvin là trí nhớ không phải được lưu trữ trong một số nơ-ron đặc biệt nào đó có nhiệm vụ truyền thông tin lên thùy não, mà được phân phối ở nhiều phần khác nhau trong não bộ. Ông dùng thuật ngữ “tế bào bà ngoại” để chỉ nơ-ron thần kinh tưởng tượng lưu giữ ký ức về bà. Bức tranh về bộ não mà Lettvin vẽ ra ban đầu có vẻ thô sơ và không có tính tổ chức. Tại sao một bộ máy suy nghĩ phức tạp như não bộ lại suy luận theo cái cách kỳ cục như vậy?

Nghe thì có vẻ không được hợp lý cho lắm, nhưng chính cấu trúc phân phối này của não bộ giúp nó trở nên linh động hơn. Ví dụ như nếu ta muốn xóa đi một vùng ký ức của ai đó, nếu não bộ có cấu trúc phân cấp, ta có thể dễ dàng xác định nơ-ron thần kinh chứa ký ức ấy và hạ gục nó, thế là xong. Nhưng với mô hình của Lettvin, để xóa đi được một ký ức sẽ không đơn giản vậy. Chúng ta sẽ phải tiêu diệt rất nhiều nơ-ron khác nhau – bài toán sẽ phức tạp hơn nhiều.

Giống như các nhà thần kinh học đi tìm “tế bào bà ngoại”, khi xem xét thế giới bên ngoài não bộ, rất tự nhiên, chúng ta cũng đi tìm một trật tự, một sự phân cấp. Khi nhìn vào một công ty Fortune 500, một đội quân, hay một cộng đồng nào đó, như một phản xạ tự nhiên, chúng ta sẽ đặt câu hỏi: “Ai là người phụ trách ở đây?”

Cuốn sách này nói về những gì sẽ xảy ra khi không có ai là người phụ trách và không có phân chia cấp bậc gì. Bạn nghĩ sẽ xảy ra tình trạng không tuân lệnh, thậm chí hỗn loạn; nhưng trên nhiều vũ đài, đôi khi thiếu đi sự lãnh đạo truyền thống lại tạo ra những nhóm đầy sức mạnh có thể làm khuynh đảo cả nền công nghiệp và xã hội này.

Tóm lại, một cuộc cách mạng đang bùng nổ dữ dội xung quanh chúng ta.

Không ai nghĩ rằng một Shawn Fanning ngồi trong phòng ký túc xá Ðại học Northeastern năm 1999 lại thay đổi được cả thế giới. Cậu sinh viên năm nhất, 18 tuổi, ngồi gõ bàn phím và tự hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người có thể chia sẻ âm nhạc với nhau? Chương trình Napster ra đời, và đã giáng cho ngành công nghiệp thu âm một đòn choáng váng. Nhưng Fanning chỉ là người nêu ý tưởng chứ không phải vị tướng chỉ huy cuộc tấn công này. Toàn bộ cuộc chiến được tiến hành bởi một đạo quân gồm những người chia sẻ nhạc: giới thanh niên, sinh viên đại học, và cả những nhà kinh doanh luôn mang Ipod bên mình.

Cách đó nửa vòng trái đất, khi Osama bin Laden rời Ả Rập đến Afghanistan, ít ai có thể hình dung chỉ vài năm sau ông ta đã trở thành người bị truy lùng gắt gao nhất thế giới. Trong thời điểm đó, quyền lực của Bin Laden có vẻ như rất giới hạn. Một người phải sống trong hang thì còn có thể điều hành những việc gì? Nhưng Al Qaeda đã trở thành một tổ chức đầy sức mạnh bởi Bin Laden chưa bao giờ giữ vai trò là một người lãnh đạo truyền thống.

Năm 1995, một kỹ sư dè dặt đăng lên mạng danh sách những sự kiện sắp xảy ra ở Vịnh San Francisco. Craig Newmark chưa bao giờ dám mơ trang web của ông sẽ thay đổi được cả ngành công nghiệp báo chí. Năm 2001, một thương gia về hưu lập ra những bài tham khảo miễn phí cho trẻ em. Ông không hề nghĩ rằng những cố gắng của mình một ngày nào đó sẽ cho phép hàng triệu người cùng sử dụng một chương trình gọi là “wiki” và tạo ra một cơ sở dữ liệu thông tin lớn nhất ngày nay.

Cú đánh vào ngành công nghiệp thu âm, vụ khủng bố 11 tháng Chín, sự thành công của quảng cáo rao vặt trực tuyến và bộ bách khoa toàn thư mở, tất cả đều được điều khiển bởi một lực lượng giấu mặt. Lực lượng đó càng bị tấn công thì càng trở nên mạnh mẽ, càng hỗn loạn lại càng mềm dẻo, càng cố gắng kiểm soát nó, nó càng trở nên khó lường.

Sự phân tán đã ngủ yên hàng ngàn năm. Nhưng sự xuất hiện của Internet đã giải thoát cho sức mạnh ấy, xô đổ cung cách kinh doanh truyền thống, thay đổi toàn bộ nền công nghiệp, tác động đến cách mà chúng ta liên hệ với nhau và ảnh hưởng đến cả chính trị thế giới. Nếu như trước đây người ta xem chuyện thiếu cấu trúc là điểm yếu của việc lãnh đạo cũng như của một tổ chức thì giờ đây đặc điểm đó lại trở thành tài sản quý giá. Có vẻ như các nhóm hỗn loạn đã khiêu chiến và đánh bại các tổ chức được thành lập chính quy. Luật chơi đã thay đổi.

Ðiều này đã trở nên hết sức rõ ràng trên những bậc thềm của Tòa án Tối cao Mỹ, nơi mà một vụ án cấp cao lại trở nên kỳ cục một cách đáng ngạc nhiên.