Rate this post

Cánh của của Room mở toang ra dưới lời kể ngọt ngào của Jack, cậu bé chuẩn bị sang 5. Đằng sau cánh cửa đó với khoá điện tử và mật khẩu là cả 1 thế giới nhỏ bé thu bé là vừa vặn 1 căn phòng 10×10-foot, đó là cuộc sống của Jack và mẹ, Joy.

Joy, hay còn được Jack gọi là Ma, đã chôn vùi những năm tháng thanh xuân tuổi trẻ của mình trong Room sau khi cô bị bắt cóc vào năm 19 tuổi và bị giữ ở đây 7 năm trời. Room không chỉ là 1 câu chuyện về sự vượt lên số phận để trốn thoát khỏi Room, dành lại quyền được sống tự do, mà còn là những thước phim bộc bạch nội tâm và bản chất của nhân vật hậu trốn thoát. Tái hoà nhập với xã hội, cảm giác trở nên lạc lõng, không bắt kịp với dòng nhịp đập phát triển hối hả của xã hội sau 7 năm bị cầm tù đều là những vấn đề mà Joy và Jack phải đối mặt và cũng là điểm nhấn chủ đạo của Room 2015.

Phim được mở đầu và dẫn dắt bởi Jack, cậu bé 5 tuổi với mái tóc dài ngang lưng, đôi mắt to tròn xoe và rất long lanh. Jack đã cùng mẹ, Joy đã sống trong Room hơn 5 năm, là đối với Jack, còn mẹ thì đã 7 năm rồi. Dẫu Room nhỏ như vậy nhưng dưới con mắt của độc giả cùng với các góc quay cận, Room không hề nhỏ một chút nào, và cũng không hề đơn điệu hay buồn chán. Jack và mẹ Ma có đủ việc để làm trong ngày, bên cạnh những sinh hoạt cá nhân bình thường thì đó là những hoạt động tràn đầy năng lượng: tập thể dục, vui đùa hay tràn đầy hy vọng: đọc sách, chơi mê cung hay chơi với chị rắn trứng. Ở những phân cảnh đầu tiên cũng đã thể hiện được nội tâm nhân vật. Nếu Jack là 1 cậu bé sáng sủa, ngây thơ, tươi mới tràn ngập hy vọng và tuổi trẻ thì ta lại thấy Ma một sự già dặn vượt quá số tuổi của cô.

Thực vậy, Ma đã bị cầm tù trong Room 7 năm trời cũng là 7 năm trời tuổi trẻ đẹp nhất của đời người, là những năm tháng đáng ra phải được trải nghiệm những sự mới mẻ của cuộc sống thì thực trạng lại tàn khốc hơn hết: cô liên tục lặp đi lặp lại bị cưỡng và đến cái quyền cơ bản nhất của con người là quyền tự do cũng bị nắm giữ và chi phối bởi gã đàn ông tồi tệ nhất, Old Nick, kẻ đã bắt cóc cô. Nỗi đau về thể chất đã đành, nhưng với Ma, vẫn còn đó một nỗi đau, nỗi sợ lớn hơn: nỗi cô đơn. Cô đơn như con sâu đục khoét tinh thần, nó len lỏi vào từng ngóc ngách của não bộ, khuấy tung mọi thứ cốt chỉ để làm người ta điên tiết lên. Nỗi cô đơn là cội nguồn của sự trầm cảm và kết cục thường dẫn đến những cái chết đơn độc. Nhưng Ma rất khác, cô đã không đánh mất khát khao được sống của mình, trước khi có Jack, cô đã bị giam cầm 2 năm trong Room, và có lẽ với 2 năm đầy đau đớn và tăm tối đó, vẫn còn một ngọn lửa cháy âm ỉ, ngày một lớn dần chực chờ 1 thời khắc để lại thắp sáng cuộc đời cô. Ma vẫn hy vọng vào 1 tương lai tươi sáng hơn cho bản thân, 1 khát khao mãnh liệt. Và khi Jack ra đời, đối với Ma, mối quan tâm lớn nhất, gần như là cả mục tiêu sống còn lại của cô là sự trưởng thành, sự lớn lên của Jack, cả về bên ngoài lẫn hình dáng tâm hồn bên trong. Cô hoàn toàn lờ đi cái răng đang đau đến nhức nhối, chằng hề bận tâm mãi cho đến khi nó tự rớt ra và trở thành món tài sản quí giá nhất của Jack. Ma cảm giác như đã không còn bận tâm đến cuộc sống, sức khỏe của bản thân mình, trái với Jack, một tâm hồn đang lớn lên, giàu năng lượng, tràn ngập tình thương và chất liệu tuổi trẻ tươi mới thì dường như ở Ma là một tâm hồn chai sạn, một tâm hồn bị chà đạp bởi những lần hy vọng rồi lại thất vọng, những lần mong mỏi được cứu bởi ba mẹ cô hay trốn thoát bất thành. Tuy vậy, ngọn lửa sự sống vẫn đang bừng cháy, với Jack, Ma là một con người dồi dào năng lượng: cùng Jack làm mê cung, làm rắn trứng, tập thể dục buổi sáng. Cô đã biến một cuộc sống tù trong 1 căn phòng 11×11 nhỏ bé trở thành 1 thế giới rộng lớn, 1 cuộc sống bận rộn tràn đầy màu sắc cho Jack. Jack là điểm tựa cuối cùng của Ma, là mục tiêu để cô tiếp tục sống tiếp tục tồn tại. Và Ma cũng thấm được cái giá phải trả nếu cô để bản thân và Jack rơi vào vũng bùn của sự cô đơn, nơi mà họ có lẽ không đủ mạnh mẽ để thoát ra khi đã vướng vào. Có lẽ, sự ra đời của Jack là sự cứu rỗi cho Ma, thắp sáng ngọn lửa vốn vẫn đang âm ỉ và Ma cũng đáp lại bằng việc tạo ra một cuộc ông muôn màu cho Jack gói gọn trong 1 can phòng nhỏ sau vườn. Jack là nguồn sức mạnh của Ma nhưng Ma cũng có nguồn nội lực riêng của mình.

107c79b8 1321 11e8 af0b 2e995a9a3302 [Bookademy] Review Phim Chuyển Thể- Sách Room 2015: Khi Tình Yêu Là Không Có Giới Hạn - YBOX

Và cũng ở 2/3 đầu phim, người xem hẳn không thể không nghẹn ngào trước cái bi kịch của nó. Cái bi kịch không phải là sự cầm tù cả về mặt thể xác lẫn tâm hồn, chất bi kịch ấy dường như không rõ ràng nhiều như trong nguyên tác. Nó không phải nằm ở thời điểm sau khi được giải thoát khỏi “Room” mà bi kịch xảy ra vào những đêm Old Nick trở về Room và tiếp tục thực hiện những hành vi cưỡng hiếp đồi bại như thường lệ của y dưới sự chứng kiến của cậu bé chỉ ở độ tuổi tiểu học đang nấp trong Chị Tủ, Jack. Không khỏi xót xa cho tâm hồn ngây thơ non nớt của Jack 1 thì sẽ là gấp 10 lần cho Ma, bởi không một người mẹ nào muốn con mình chứng kiến những cảnh thối tha, vô nhân tính và nhẩm đếm theo từng nhịp ” rung lắc ken két” của chị Giường. Và ở những cảnh phim đó cũng khắc hoạ được hình ảnh của nhân vật phản diện trong film, Old Nick là hiện thân cho sự thất bại của tạo hoá, một gã đàn ông thất nghiệp, không tài lẻ và cả mục đích sống, tồn tại trong dòng đời vơi sự tự ti về chính con người hắn. Old Nick thiếu tự tin đến nối hắn phải bắt cóc Joy với hy vọng sẽ chiếm đoạt được cô, với suy nghĩ rằng bản thân có thể chinh phục được tâm hồn của bất kì cô gái nào. Tuy vậy điểm trừ ở tuyến nhân vật này là sự sơ sài trong cách xây dựng, thiếu chiều sâu. Người xem không biết Old Nick đến từ đâu, liệu có phải quá khứ và tuổi thơ của hắn chính là nguồn cội gốc rễ cho tấn bi kịch lên những con người vô tội: không chỉ là Joy mà là gia đình cô và sau đó là cả Jack.

Ở phần còn lại của film chính là cảnh trôn thoát của 2 mẹ con và những tình tiết cuộc đời của họ sau cuộc trốn thoát ấy.

Nhìn chung thì màn trốn thoát của 2 mẹ con có hơi “phi Hollywood” một tí xíu. Làm sao Ma có thể dự đoán được là Old Nick sẽ đi chiếc xe bán tải với cả một khoảng trống vời vợi đằng sau cho chú bé Jack thoải mái lăn lộn vùng vẩy rồi ngắm trời đất trong dạt dào hương vị của tự do. Và hơn hết, may mắn có vẻ đóng 1 vai trò rất quan trọng trong cuộc đào tẩu này, bằng cách nào đó, Old Nick dễ dàng tin vào cái chết của Jack và trong suốt quãng đường đi tẩu tán Jack, Old Nick không hề trong 1 phút giây nào mảy may nhìn vào gương hậu được gắn trong xe. Tuy Room 2015 là 1 phim mang đậm tính chất tâm lý tình cảm, nhiều hơn là hành động gây cấn nhưng việc có nhiều vấn đề trong logic là một điểm trừ trong việc xây dựng kịch bản film: hoặc là tác giả và đạo diễn hoàn toàn xem nhẹ chi tiết và phân đoạn ấy hay đó là cái cách mà film muôn truyền tải thông điệp: “ác giả ác báo”. Dẫu vậy thì cứ cho film muốn đưa đến thông điệp ấy thì có vẻ đã thất bại trong việc truyền tải một cách rõ rang hơn bởi lẽ nhìn toàn cảnh thì cả quá trình trốn thoát, may mắn đóng vai trò rất lớn trong việc che phủ đi sự thiếu sót đầy lỗ hổng.

Sau khi trốn thoát thành công, dường như rắc rối vẫn chưa buông tha Jack và mẹ. Họ thoát khỏi 1 căn phòng, đánh sập một cánh cửa để cốt chỉ dẫn đến một căn phòng khác rộng lớn hơn với một canh cửa to hơn và vững chắc hơn. Như lời vị bác sĩ đã từng dự báo: “Ở tuổi của Jack, mọi thứ vẫn chưa là quá muộn”. Nhưng ở tuổi của Ma, mọi thứ khó khăn hơn rất nhiều, áp lực đến không chỉ từ sự quấy rầy của báo chí khi họ liên tục đào sâu vào quá khứ đầy đen tối và nhục nhã của cô, đó là áp lực từ sự thích nghi và là để rũ bỏ cuộc sống cũ. Trước khi Ma bị bắt cóc, cô đã từng có 1 cuộc sống rất đẹp, là thành viên đội chạy tiếp sức, vừa nổi tiếng lại co gương mặt rất khả ái, 1 cuộc sống dễ dàng với 1 tương lai tươi sáng nhìn thấy trước được. Và cô bị giam cầm 7 năm, 7 năm là quá dài cho Ma để co thể thích nghi được với bước chạy hối hả không ngừng nghỉ của thời gian. Cuộc sống cũ của cô đã bị tàn phá nặng nề, cô bước ra khỏi Room với 1 ý niệm của cuộc sống ở tuổi 19 nhưng cuộc sống của cô giờ đây là cuộc sống của tuổi 26 mới mẻ. Trái lại với Ma, Jack lại dễ dàng hơn với việc hoà nhập vào cuộc sống mới, không còn sự chật chội của Room nữa, tuy vậy cậu cũng vướng vào khoảng thời gian đầu đầy khó khăn bởi ở trong Room, Jack chỉ có biết mỗi Ma, Ma là bạn thân nhất của Jack, những người bạn còn lại đều vốn dĩ là những vật vô tri vô giác. Và có lẽ, điểm khác biệt duy nhất ở Ma và Jack đó là ở 2 tâm hồn, so với một tâm hồn già nua, cằn cỗi của Ma thì tâm hồn của Jack lại giàu năng lượng, dễ dàng tiếp nhận cái mới, dễ thay đổi hơn. Nếu ví tâm hồn như 1 căn phòng thì căn phòng của Jack là một căn phòng với cánh cửa dễ mở hơn cả, đó không phải là 1 căn phòng bị khoá kín như của Ma. Ma đã thoát khỏi 1 căn phòng để rồi cô lại bị nhốt vào 1 căn phòng khác, căn phòng của tâm trí, chinh căn phòng ấy ngăn chặn những làn sóng thích nghi đổi mới, và chính nó đã đưa Ma vào sự trầm cảm.

ef21a94a 1321 11e8 8ab4 2e995a9a3302 [Bookademy] Review Phim Chuyển Thể- Sách Room 2015: Khi Tình Yêu Là Không Có Giới Hạn - YBOX

Và cao trào của phim bùng nổ khi Ma tổ chức họp báo, để nói về cái quá khứ mà cô vẫn còn ám ảnh sợ hãi. Nữ phóng viên đã chạm đến mọi góc tăm tối của Ma với chỉ một câu hỏi: Tại sao, khi sinh Jack, cô đã có cơ hội để Jack lại bệnh viện. Có lẽ, cậu sẽ có 1 cuộc sống tốt hơn, hay chí ít là an toàn hơn rất nhiều.” Đây là một câu hỏi đầy sâu sắc vì chạm vào những góc khuất rất “con người”. Ma đã sống trong nỗi cô đơn 2 năm liền, chỉ một mình cô đơn độc đối chọi, cô cần 1 nguồn sáng khác, một mục đích, mục tiêu sống, 1 con người thật để xoá tan cái không khí cô đơn ấy, để trò chuyện, để ngắm nhìn, để bám víu vào thay cho những viễn cảnh hy vọng về 1 cuộc giải cứu mà cô cho rằng có lẽ không còn khả năng xảy ra nữa. Đó là sự ích kỉ của Ma, của con người, một góc tối tăm. Dĩ nhiên Ma giữ Jack lại với cô vẫn còn đó là sợi dây liên kết mạnh mẽ của người mẹ và con của mình nhưng Ma thực xem việc đó là xấu xa, rằng là cô đã đặt bản thân của mình cao hơn lợi ích và sự sống của Jack, đức hy sinh bị nuốt trọn bởi nỗi cô đơn, khát vọng được quan tâm, được sống đúng nghĩa. Hệ luỵ của câu hỏi đó chính là hành vi tự sát của Ma, cô đã vén bức màn nội tâm, nhìn sâu vào cái bản chất không đẹp đẽ đó, nó đã nhấn chìm Joy. Cuộc phỏng vấn diễn ra và Jack cũng chứng kiến, cậu vẫn đang hoà nhập tốt nhưng cậu cần Ma hơn hết. Jack hiểu chuyện, cậu biết điều gì Ma đáng lẽ nên làm. Và khi Ma ở viện gọi về cho Jack, cuộc nói chuyện ngắn ngủi nhưng ý nghĩa. Jack nói trên điện thoại:” I picked. I picked for both of us”. Cậu đã chọn đứng dậy, đánh sập cánh của của Room, là để có cơ hội nhìn thế giới mà Ma đã từng kể cho cậu nghe, là để được nhìn thấy những thứ thật hơn nữa, nhưng cậu chọn sự lựa chọn ấy hơn hết là bởi vì Ma cần điều đó. Jack không chọn chỉ cho bản thân cậu, cậu chọn cuộc sống và cuộc sống đó phải có Ma và cậu cũng yêu cầu Ma hãy sống cho cậu, như cách cậu cũng đã hy sinh, chịu đánh sập những rào cản bên trong mình để được tận hưởng làn gió mới của 1 thế giới mới. Và sau đó cậu nhờ bà cắt phăng đi bụi tóc dài mà cậu rất quí, cậu nói đó là cội nguồn sức mạnh của cậu, 5 năm cho búi tóc ấy mọc đủ dài, là 5 năm mà Ma chịu đựng trong cảnh giam cầm, là 5 năm bị cưỡng hiếp làm nhục nhưng cũng là 5 năm ở cùng nhau của 2 mẹ con. Búi tóc như một cách mà Jack muôn nhắn nhủ với Ma rằng cô đã có thể vượt qua 7 năm đau đớn, có thể chịu đựng rồi nung nấu và cuối cùng là tự do thì những khó khăn bây giờ cô đang đối mặt, là hoàn toàn có thể bị đập tan, như cách Jack đã từng nói ở những giây đầu của film: “If you dont mind, it doesn’t matter”.

Ở những tình huống cuối phim khán giả còn được chứng kiến sự xuất hiện của 3 tuyến nhân vật phụ nhưng đóng vai trò rất quan trọng. Đó là ba mẹ ruột của Ma, Robert, và người chồng thứ 2 của mẹ Ma, Leo và mẹ của Ma, bà của Jack. Trái ngược với sự mở lòng, sẵn sàng đón nhận sự trở về của Ma với Jack của Leo và bà Jack, thì người ba ruột của Ma lại không vượt qua được quá khứ của cô con gái thân thương của mình, mà hiện thân quá khứ tối tăm đó là Jack của hiện thực. Qua đó, film cũng phần nào khắc họa được tính cách của tuyến nhân vật phụ này, dù không sâu sắc nhưng rất hài hòa, tạo nên dấu ấn. Nếu Robert gặp quá nhiều khó khăn trong việc chấp nhận đứa cháu ruột của mình thì Leo lại dễ dàng trở thành 1 người bạn thân của Jack, chiếm được trọn vẹn cảm tình của cậu bởi sự chân thành của ông. Có lẽ bản thân người bố ruột của Ma, Robert cũng đang gặp vấn đề riêng của ông, cũng đang bị cầm tù trong 1 Room khác, 1 căn phòng được xây dựng bởi lòng tự trọng? Về phần mẹ của Ma, bà đã cho thấy được tinh thần và sức mạnh của những người phụ nữ thời hiện đại.

ec681d5a 1322 11e8 90ea 56c566ee3692 [Bookademy] Review Phim Chuyển Thể- Sách Room 2015: Khi Tình Yêu Là Không Có Giới Hạn - YBOX

Cảnh cuối cùng của film, Jack và Ma trở về Room là 1 trong những phân đoạn đáng giá nhất phim, đó là thời điểm đầy ý nghĩa với cả 2 nhân vật. Đối với Jack, dẫu cậu bị nhốt trong Room, bị tước đoạt đi tự do, nhưng đối với cậu khoảng thời gian ở trong Room vẫn là tuổi thơ cậu, và hơn tất cả, đó là khoảng thời gian cậu được ở cùng với Ma, đó chính là sự ràng buột ruột thịt, một tình yêu thương của người con dành cho người mẹ. Miễn là được ở bên nhau thì không có nơi nào là tồi tệ cả. Còn đối với Ma, lần trở về này đánh dấu sự hồi sinh tâm hồn của cô, cô đã chấp nhận được quá khứ tối tăm ấy và đối mặt với nó, nhìn trực diện vào nó, một sự mạnh mẽ, sự hồi sinh được vun vén và nuôi dưỡng bởi tình yêu thương.

Có thể thấy toàn phim như một lời ca ngợi không chỉ riêng cho tình yêu thương ruột thịt giữa Jack và mẹ mà đó còn là sự tán dương cho sức mạnh nội lực của Ma. Ma vốn dĩ rơi vào trầm cảm sau sự tái hòa nhập với cộng đồng, đó là do sự mưu cầu một cuộc sống bình thường với một người chồng bình thường và một gia đình bình thường, nhưng sau khi bị bắt cóc, mọi thứ vỡ tan. Ma chỉ trơ trọi một mình chống lại mọi áp lực nhưng cô với tình yêu, sự hi sinh của những người thân xung quanh đã vượt qua mà không cần bất cứ một người đàn ông nào. Ở những cảnh cuối film, Ma và Jack cùng nhau trải nghiệm mọi thứ trên đời, đó cũng là cách để cô tập luyện và tự nhủ không bao giờ phải bị nhốt trong căn phòng của tâm trí nữa. Đó là sức mạnh nội lực không chỉ của riêng Ma mà còn đại diện cho cả toàn thể những người phụ nữ hiện đại. Bên cạnh đó film cũng đã dấy lên nhiều câu hỏi về quyền con người. Liệu cuộc sống còn ý nghĩa nếu như không còn thực tại, không còn ước mơ, bị cầm tù cả về thể xác lẫn tâm hồn. Vs Joy những năm đầy khi chưa có Jack hẳn sẽ là những tháng năm đầy ắp bởi những nỗi đau đớn về thể xác, tuyệt vọng và cô đơn, như là những vết cắt đã thành sẹo trên những thước phim cuộc đời cô. Điều gì làm cho con người trở nên “người” chứ không phải là “con”? Phải chăng đó là những dự định, những tương lai hoài bão, những xúc cảm được phát triển thông qua những mối quan hệ.

Đánh giá:

Gần như ở hầu hết thời gian, Room 2015 được tai hiện từ nguyên tác với một chất liệu màu sắc trong lành nhẹ nhàng nhưng lại rất lạnh lẽo. Có lẽ dụng ý của đạo diễn và tác giả chấp bút không chỉ dừng lại ở việc thể hiện sự lãnh lẽo cô đơn của cái mùa đông lạnh ở thời khắc giao mùa sắp sang xuân trong film mà sự lạnh lẽo tối tăm đó còn là đại diện cho những tháng ngày giông tố hiện tại và sắp tới cho cả 2 mẹ con Jack và Joy. Nhưng sự nhẹ nhàng, tinh khiết của chất liệu ấy theo cách nào đó là phản ánh tính chất của góc nhìn trẻ thơ: mọi thứ thật rõ ràng, trong trẻo và tinh khiết tựa như dòng suối trong veo len lỏi qua từng ngóc ngách của từng phân cảnh, cuốn trôi đi mọi tạp phẩm và mở ra một góc nhìn rõ ràng nhưng lại rất mới mẻ trong lành và thanh bình từ đôi mắt của Jack.

Về diễn xuất, với sự vào vai hoàn hảo của Brie Larson vs Ma và Jacob Tremblay với Jack, phim đã truyền tải được tất cả những xúc cảm mà bộ film mang đến.

“Đôi Mắt là cửa sổ tâm hồn”. Thật vậy bất cứ một diễn viên giỏi nào cũng phải cần có khả năng bộc lộ nội tâm nhân vật thông qua đôi mắt của mình và Jacob Tremblay với đôi mắt của 1 cậu bé 9 tuổi khi đó đã mở toang cánh cửa tâm hồn của cậu bé vừa bước sang 5, Jack. Với đôi mắt to tròn long lanh cùng với nhiều cảnh quay vs góc máy cận, Jacob từng bước dìu dắt người xem vào cái nội tâm phong phú và màu sắc đến kinh ngạc của Jack to lớn: đầy chất trẻ con lại rất sành đời đầy triết lý. Những tưởng giọng văn đẫm chất con nít của Emma Dononghue trong nguyên tác Room sẽ là 1 rào cản cho bất cứ 1 diễn viên nhí nào có thể đảm nhận thì với đôi mắt to tròn, trong vắt mà mở tung mọi cánh cửa cảm xúc, đưa con người ta dạo 1 vòng xung quanh căn nhà của nội tâm và cho người ta nếm thử cái cảm giác được là trẻ con 1 lần nữa, đôi mắt ấy đã chính thức đánh sập cái rào cản ấy. Thật sự sẽ rất khó có thể hình dung hình ảnh của Jack dưới sự thể hiện của 1 diễn viên nhí khác vì Jacob Tremblay đã thực sự xoá nhoà cái khoảng cách tưởng chừng là vời vợi giữa chuyển thể và nguyên tác này. Sự ngây thơ của Jack còn được thể hiện qua nhiều chi tiết lớn nhỏ, từ những hành vi rất thường ngày mà đạo diễn đã khéo léo đưa vào film: từ những bước chạy ngắn ngủn nhưng thoăn thoát trong Room, lúc chơi bóng vs bạn hay những lần nằm vắt vẻo trên cầu thang ở nhà ông bà hay thả mình trôi nổi trên sàn nhà gỗ với đôi mắt dán đăm chiu vào trần nhà với một nét xa xăm vượt quá tầm của 1 cậu bé 5 tuổi.

Và nhân vật Jack còn thật hơn nữa với sự bướng bỉnh khó chịu mà Jacob đã thể hiện. Những lần Ma không làm vừa lòng Jack hay cái lần Jack phải luyện tập cuộn mình trong tấm nệm rất dày để hòng thoát khỏi Room, đi cùng với sự khó chịu đó là tiếng khóc tiếng hét đầy hỗn loạn, đó vừa là sự hỗn loạn nội tâm của Ma vừa là sự ngây thơ ngờ nghệch của Jack, chỉ vừa sang 5. Và có lẽ điểm cộng lớn nhất ở Jacob Tremblay là cậu được trời phú cho chất giọng con nít vượt cả sự con nít, một chất giọng rất dễ thương mà dễ dàng làm tan chảy con tim của bao khán giả ngay từ những phút giây đầu tiên từ khi cậu cất tiếng nói để bắt đầu cho cả 1 cuộc hành trình rất dài về sau.

Về phần Brie Larson, cô đã đem tới sự bất ngờ với phần thể hiện tuyệt đỉnh của mình trong vai một người mẹ trẻ. Larson đã xuất sắc thể hiện tất cả phức cảm của một con người bị cầm tù, sống trong sự trầm cảm, đối mặt với nỗi cô đơn nhiều năm liền. Với đôi mắt ấy, đôi khi ta thấy một Ma đầy căm phẫn, sự phẫn nộ chực tuôn ra chỉ với 1 biến cố dù là nhỏ nhất, thấp thoáng trong từng cảnh phim ta lại thấy 1 Ma thẫn thờ, không còn muốn sống, bất cần, trầm cảm và cũng với tài diễn xuất ấy, ta cũng thấy 1 Ma giàu hy sinh và tình yêu của cô dành cho Jack là to lớn đến nhường nào. Và tất cả, tất cả những điều ấy đều được thể hiện ngọt lịm dưới sự hoá thân đầy hi sinh của Brie Larson, vốn theo trường phái method acting, đã dành cả 1 tháng khoá mình trong phòng để cảm nhận được tất cả những cung bậc cảm xúc của nhân vật. Và thực vậy, cô đã hái được quả ngọt với vai diễn này, 1 giải Oscar cho phần thể hiện xuất sắc nhất trong vai nữ chính và rất nhiều để cử khác đến từ Golden Globe.

38d28ec8 1323 11e8 b7db cac091044fd5 [Bookademy] Review Phim Chuyển Thể- Sách Room 2015: Khi Tình Yêu Là Không Có Giới Hạn - YBOX

Kết

Vốn là một film mang nặng chất tâm lý tình cảm, ra đời vào năm 2015, Room 2015 vấp phải sự cạnh tranh của rất nhiều tác phẩm kinh điển được đạo diễn bởi nhiều đạo diễn tài năng như The hateful Eight của Quentin Taratino hay The Revenant với sự góp mặt của nam tài tử Leo DiCaprio,… tuy vậy, Room của Lenny Abrahamson vẫn biết cách tỏa sáng và để lại dấu ấn riêng trong lòng khán giả với một cốt truyện ý nghĩa và khả năng diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên chủ đạo. ​Và do đó, dù rất khác với những thể loại film thương mại đang xuất hiện nhan nhãn trên màn ảnh rộng, Room 2015 vẫn là 1 minh chứng cho sự hoà quyện đến mê hoặc của nghệ thuật, triết lý và những bài học cuộc sống đọng lại trong tâm trí người xem.

Tác giả: Quốc Bảo – Bookademy

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: sachvui.co/bookademy.vn