Rate this post
  • Đánh giá: 10/5 sao
  • Review: Minh hiền

“… một số phản đối rằng họ bị cướp một cách trơ tráo, và đó là sự thật hoàn toàn khi kẻ khác tự lột bỏ của cải với vẻ lãnh đạm, như đang nghĩ là suy cho cùng thì trên thế gian này chẳng có gì thuộc về chúng ta theo nghĩa tuyệt đối, lại một sự thật quá hiển nhiên khác nữa…”

“Chân lý lớn nhất nói rằng kẻ mù nhất là kẻ không muốn thấy.”

mu loa Review Mù Lòa - José Saramago

Lâu lắm lắm rồi mới có 1 cuốn sách làm mình thấy thỏa mãn đến như vậy. Không còn gì để chê, mình đọc từng chữ một, đọc chậm cực kì, để mình có thể để những con chữ tràn vào mình, bởi đây là một cuốn sách mang một tư tưởng lớn, một tiểu thuyết đầy triết lý, ẩn chứa bên trong những sự thật, về cuộc đời, về xã hội, và nổi bật là về vấn đề nhân cách của con người. Khi bị dồn đến bước đường cùng thì cũng là lúc con người ta bộc lộ hết tất cả sự tha hóa của bản thân, sự ích kỉ đến tột cùng và cũng là lúc con người ta sống thật hết với bản tính vốn có.

Là câu chuyện kể về một đại dịch có tên “Mù Trắng”, tức người ta bị mù sẽ thấy một màu đen hoàn toàn, nhưng loại mù này đối ngược lại, khiến họ chỉ nhìn thấy 1 màu trắng “như rơi vào biển sữa”. Bệnh dịch nhanh chóng lây lan ra và rồi cũng đến ngày tất cả mọi người đều bị mù, trừ một người đàn bà duy nhất.

Mù Lòa đối với tớ thực sự là tuyệt tác. Sau khi bị mù, con người từ xã hội văn minh 1 bước quay lại xã hội nguyên thủy, sử dụng bạo lực, dục vọng, những thứ xấu xa nhất để giải quyết vấn đề. 4 giai đoạn bao gồm xâm chiếm, chiến tranh, nạn đói và chết chóc được phân chia khá rõ ràng khi bệnh dịch này ập đến. Từ lúc từng người một hóa mù vì lây của nhau (xâm chiếm); lúc họ phải chiến đấu giành lại công bằng, sự sống và danh dự cho bản thân họ trong khu cách ly (chiến tranh); tất cả mọi nơi đều đổ nát, con người ăn tất cả những gì họ sờ mò thấy, kể cả thịt sống, chưa kể con vật còn ăn thịt người đã chết (nạn đói) và (chết chóc) thì xảy ra ở muôn nơi, muôn nẻo đường đầy xác, phân người, chó hoang và chim chóc cắn xé những người xấu số không qua nổi nạn dịch này. Nhưng quan trọng hơn cả là trong từng giai đoạn thì bản chất của con người ta cũng được bộc lộ ra theo nhiều cách khác nhau. Tác giả đã bóc trần những sự thật hiển nhiên đến đau lòng một cách vô cùng khéo léo, cực kì sắc, mọi chi tiết đều rất sâu và có những mối liên quan khá lớn với nghệ thuật, tôn giáo mà mình phải tìm hiểu từ những bài phân tích mới thấy được, đúng kiểu wowww. Con người ta “chả ngại cái điều chó gì” vì đằng nào cũng có ai nhìn thấy mình đang làm gì đâu, thế nên cứ cái gì nhục bần nhất, kinh tởm nhất, xấu hổ nhất là bth e ngại chưa dám làm thì nay họ đã làm rất thoải mái với một suy nghĩ “chả ai thấy tao làm”. Đó cũng là sự đau đớn kinh khủng nhất của người đàn bà còn nhìn thấy. Bà phải chứng kiến những cảnh kinh dị nhất, “những thứ cứt nhất” xảy ra khi họ nghĩ họ làm trong sự trắng xóa của người khác, không ai có thể quan sát thấy. Và bà ước bà cũng mù như mọi người luôn cho xong. Ừ thì nói một cuốn sách tràn đầy triết lý không hề sai tí nào, nhưng mình thấy mọi triết lý trong đây không hề mang tính dạy đời mà phát ra từ những đáy sâu của những tâm hồn bị tổn thương quá nhiều.

Người mù cần gì tên, giọng nói của họ chính là họ rồi, chắc hẳn đây là một phần của việc toàn bộ tác phẩm không hề xuất hiện 1 cái tên nào, từ tên người cho đến tên phố, quốc gia,… Mọi thứ bắt đầu từ những thứ tự nhiên, tự nhiên có 1 ông bị mù, thế nên ông này trong toàn tác phẩm có “tên” là Ông Mù Đầu Tiên, cô gái xuất hiện với cái kính đen đeo trên mấy thì gọi là Cô Gái Đeo Kính Đen, thằng bé đi khám vì mắt lác gọi là Thằng Bé Mắt Lác,… Tuyến nhân vật khá ít, dễ theo dõi là dễ tưởng tượng cực kì nha.

Nhưng quan trọng hơn cả là tác giả để cho người đọc thấy được niềm hi vọng trong những lúc tưởng chừng như cả thế giới này đã hết rồi. Từ việc có 1 người đàn bà mắt sáng ngay từ đầu, mang một tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng xả thân và chiến đấu với những thứ rác rưởi bất lương, bảo vệ bản thân và danh dự cho tất cả đàn bà nói riêng, lợi ích cho cả tập thể người mù nói chung. Mọi việc bà làm đều hướng về một hướng rằng có 1 ngày tất cả mọi người sẽ nhìn thấy trở lại, tiếp thêm tinh thần cho tất cả những người đang tuyệt vọng, mang những tâm hồn ở dưới vực thẳm lên lại thế gian này để họ không nản chí.

Trong này nhắc đến cực kì nhiều những câu châm ngôn, và ôi 100đ cho dịch giả luôn. Mình đánh giá rất cao bản dịch của Phạm Văn, câu cú mượt mà, từ ngữ không quá mỹ lệ nhưng cũng không hề tầm thường, truyền đạt đủ và thấm. Nói chung hayyyy.

Mù Lòa được viết theo một lối không mới, nhưng không phổ biến và khá kén người đọc, tức là mọi câu đối thoại của các nhân vật không được gạch đầu dòng hay cho vào ngoặc kép gì hết, liền tù tì 1 mạch từ đầu đến cuối, xuống dòng ít cực kì nên cảm quan mình thấy tuy sách khoảng 400tr nhưng dung lượng khá lớn. Nhưng mình lại thấy hay cực khi tác phẩm được viết theo lối này, khiến câu chuyện diễn ra liên tục liên tục, rất cuốn hút và không thể rời mắt. Mình cho rằng nếu nói quá nhiều thì sẽ làm lộ hết những phần hay bạn sẽ cảm nhận được nên là đọc đi thôi cả nhà ơi.  Ngoài ra mình đọc bài của anh Đặng Xuân Lương phân tích còn thấy tác giả có chủ ý cho những chi tiết liên quan đến Thần Khúc, Thần Thoại, số 7 bí ấn và những tác phẩm nghệ thuật của Van Gogh, Francisco Goya,… vào nữa, thực sự là một kiệt tác văn chương lun đó các bạn ơi