Rate this post

Sau thành công vang dội của The Conjuring 2, các fan của dòng phim kinh dị tiếp tục hướng sự chú ý vào tác phẩm tiếp theo của James Wan – Lights Out. Chỉ có điều, lần này vai trò của anh không phải là đạo diễn mà là nhà sản xuất. Trước đây, James Wan cũng đã từng thử sức với vị trí này cùng Annabelle nhưng cá nhân tớ thấy phim không thành công lắm. Cũng chính phim này đã khiến tớ tí nữa tuyệt giao với việc đến rạp xem phim kinh dị. Vì vậy, khi quyết định sẽ đi xem Lights Out, tớ đã xác định sẵn 2 khả năng có thể xảy ra: Một là The Conjuring phiên bản 2, hay cùng lắm là thêm một bom xịt giống Annabelle nữa thôi. Nhưng đúng là ở đời chẳng thể nói trước điều gì vì phim này hay ngoài sức tưởng tượng luôn.

.

Lights-Out-official-poster

.

Cảnh báo: Có SPOIL. Cân nhắc kỹ trước khi đọc!!!!

.

– Lights Out xoay quanh câu chuyện về 2 chị em Rebecca và Martin. Mỗi khi tắt đèn, họ đều thấy có một sinh vật lạ xuất hiện. Như mọi người đã biết, đây là dự án được phát triển từ phim ngắn cùng tên của nhà làm phim David F. Sandberg (Bạn có thể xem ở đây). Phim khai thác nỗi sợ cơ bản của rất nhiều người: Bóng tối. Đôi lúc, cái khiến chúng ta sợ không phải bóng tối, mà là những thứ lẩn trốn trong đó. Dù chỉ dài vẻn vẹn gần 3′ nhưng phim cũng đã khiến nhiều khán giả thót tim vì giật mình.

Tuy thừa hưởng ý tưởng độc đáo của Lights Out, nhưng khi Lights Out bản điện ảnh ra mắt, tớ vẫn khá hoài nghi. Làm thế nào để triển khai câu chuyện ngắn ấy thành một bộ phim chiếu rạp, hoặc là bộ phim với thời lượng chỉ 81′ liệu có làm nên chuyện? Nhưng lúc bước ra khỏi rạp, tớ mới thấy 1h21′ ấy rất đáng đồng tiền bát gạo.

– Ngay từ giây phút đầu tiên, Lights Out đã đi thẳng vào đề bằng cách chiêu đãi khán giả với những cảnh quay rợn tóc gáy. Mạch phim khá chặt chẽ, nhanh gọn khi người xem có thể dễ dàng biết được nguồn gốc xuất thân của sinh vật xuất hiện sau khi ánh đèn vụt tắt. Cũng phải thôi, người ta chưa kịp hỏi đã tự khắc tên mình lên sàn nhà rồi còn gì nữa. May mà con ma này không ở trong The Conjuring, chứ nếu không đã phải siêu thoát luôn từ vòng gửi xe rồi :v

Nhân vật bí ẩn của chúng ta tên là Diana, là bạn của Sophie – mẹ của Rebecca và Martin. Diana được tìm thấy ở tầng hầm năm 13 tuổi do bị bố nhốt ở đó. Cô ta mắc phải một căn bệnh kỳ lạ khiến làn da trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Họ gặp nhau khi Sophie đến bệnh viện Mulberry để điều trị bệnh trầm cảm. Sau đó, Diana trở thành đối tượng cho 1 nghiên cứu nhưng thử nghiệm lần đó thất bại nên ai cũng nghĩ cô ta đã chết. Nhưng sự thật là Diana đã lợi dụng Sophie để tiếp tục tồn tại.

– Tuy nói Lights Out có nội dung đơn giản nhưng phim cũng có một số chi tiết khiến người xem phải bất ngờ. Từ đầu phim, chúng ta vẫn cứ ngỡ bố của Becca bỏ đi từ khi cô mới 10 tuổi. Chính điều này đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, suy nghĩ và các mối quan hệ của Becca sau này (Vấn đề này tớ sẽ đề cập rõ hơn ở phần sau). Nhưng ở đoạn cuối, Diana đã tiết lộ mình chính là người đã giết bố của Becca, rồi sau này là Paul – bố dượng cô. Mục đích của ác ma là khiến cho Sophie không còn ai để dựa vào, từ đó tinh thần trở nên bất ổn để nó dễ dàng kiểm soát bà.

– Phim tên là Lights Out nên tất nhiên là sẽ không thể thiếu những cảnh bật đèn tắt đèn liên tục. Khi ánh sáng nhường chỗ cho bóng tối, Diana sẽ lập tức xuất hiện và khiến người xem giật mình thon thót. Mà công nhận mấy người trong phim này cũng cứng thật. Thấy có người lạ đứng lù lù lúc mình tắt điện mà còn cố đứng lại để bật tắt thêm mấy lần nữa. Phải mình chắc chạy lâu rồi =)))). Giây phút các nhân vật chật vật tìm đường đến chỗ công tắc điện hoặc đến nơi có ánh sáng hay làm đủ mọi cách để duy trì tia sáng cuối cùng cũng khiến khán giả phải hồi hộp như thể chính họ đang là người đang phải chạy đua với tử thần. Nói thật là hôm đi xem phim này tớ thấy dân tình còn hét to hơn cả khi xem The Conjuring 2 nữa. Kết hợp thêm với phần âm thanh cực kỳ chân thật và sống động như tiếng xương gãy răng rắc lúc Diana di chuyển, tiếng kin kít chói tai khi cô ta khắc tên mình lên gỗ,… Chắc chắn sau khi xem phim này, sẽ có nhiều thanh niên yếu tim không dám tắt đèn lúc đi ngủ :v

– Nếu như bên cạnh yếu tố hù dọa cần có của một bộ phim kinh dị, một điểm sáng khác của Lights Out là phim còn đi vào khai thác tâm lý nhân vật, đặc biệt là 2 nhân vật Rebecca và Martin. Trong vụ án Những Cây Dẻ Đỏ, Sherlock Holmes từng nói: “Anh Watson, nếu người ta có thể nghiên cứu cha mẹ để đoán ra các khuynh hướng của một đứa bé, thì người ta cũng có thể nghiên cứu đứa bé mà “hiểu được” cha mẹ nó”. Điều này cho thấy tác động to lớn của gia đình đến những đứa trẻ. 2 chị em Rebecca chính là ví dụ tiêu biểu cho câu nói này.

Bố bỏ đi từ năm 10 tuổi, từ đó không có thư từ hay tin tức gì. Mẹ thì tâm lý không ổn định do ảnh hưởng của bệnh trầm cảm. Cô bé Rebecca lớn lên trong một gia đình như vậy. Chính vì thế, khi trưởng thành, Becca hoàn toàn mất niềm tin vào tình yêu và hôn nhân. Điều này thể hiện rõ trong mối quan hệ của cô với Bret. Trong khi Bret nghĩ anh là bạn trai của Becca thì cô không cho là như vậy. Với Becca, Bret chỉ đơn giản là chàng trai mà cô đang hẹn hò, và vì họ đã qua lại được 8 tháng nên anh được xếp đầu bảng. Các cuộc tình trước của Becca đều không kéo dài quá nửa năm; hay việc cô không muốn Bret qua đêm tại nhà mình; không muốn anh để lại bất kỳ thứ gì, kể cả một chiếc tất,… Tất cả cho thấy cô không mấy mặn mà với chuyện tình cảm. Kể cả khi Bret tỏ ý sẵn sàng nghe chuyện quá khứ của Sophie thì Becca cũng không muốn tâm sự cùng anh. Có thể bề ngoài, mọi người thấy Becca là một cô gái mạnh mẽ với những bộ đồ tối màu chất lừ (Chẳng biết tớ có nhớ nhầm hay không nhưng trong phim Becca hầu như không mặc váy), làm việc ở cửa hàng xăm với những poster kỳ dị dán đầy phòng, nhưng tất cả là không đủ để che giấu sự yếu đuối bên trong. Chỉ với vài câu đối thoại ngắn ngủi, chúng ta dễ dàng nhận ra tình cảm của Bret dành cho Becca nhiều thế nào. Becca hiểu điều đó nhưng cô không hề có ý định muốn tiến xa, chỉ cần một người hẹn hò là đủ. Cô không muốn gắn bó dài lâu, sợ cái gọi là hôn nhân, sợ ràng buộc, sợ trách nhiệm, sợ tan vỡ, sợ chia ly, sợ cuộc sống sau này sẽ giống như bố mẹ mình.

Hoàn cảnh của Martin hiện tại có rất nhiều điểm tương đồng với tuổi thơ của Becca trước đây: Bố mất, sống cùng người mẹ có tâm lý không ổn định; suốt ngày tự nói chuyện một mình trong ngôi nhà rộng lớn lúc nào cũng bị bao phủ bởi bóng tối,…Nhưng hoàn cảnh ấy lại tạo ra 2 con người có tính cách trái ngược nhau. Nếu như Becca bị buộc phải trở nên mạnh mẽ thì cậu em Martin lại là đứa trẻ bị buộc phải già trước tuổi. Còn nhỏ như vậy nhưng Martin lại rất người lớn. Lúc nào cũng nhắc mẹ nhớ uống vitamin, không muốn phải ngủ trong bóng tối thì tự kiếm một cái đèn pin rồi chui vào bồn tắm nằm ngủ mà không kêu than một tiếng nào, không quên động viên Becca trước khi được nhân viên bảo vệ trẻ em dẫn đi: “Đừng lo, dù sao em cũng ngủ được một chút rồi”. Ngay cả lúc Becca muốn kéo Martin chạy trốn khi nguy hiểm cận kề thì cậu bé vẫn khăng khăng muốn quay lại để cứu Sophie vì “đó là mẹ của chúng ta”. Chính cậu em Martin đã giúp Becca hiểu được, đôi khi, chạy trốn không phải biện pháp duy nhất vì cô không thể trốn chạy cả đời. Cách tốt nhất để vượt qua nỗi ám ảnh này chính là đối mặt với nó. Đôi khi, để có thể đặt niềm tin vào người khác, cô phải học cách tin tưởng chính mình trước. Từ đó, Becca thấy được Sophie yêu cô nhiều thế nào, đồng thời cũng nhận ra nỗi khổ mà mẹ mình phải chịu đựng bấy lâu nay khi phải là người đứng giữa. Sophie đã rất mệt mỏi vì không thể chọn giữa bạn thân và các con. Bà yêu Becca và Martin nhưng cũng không thể bỏ mặc Diana. Nhưng khi nhận ra Diana muốn làm hại chị em Becca, bà đã làm một việc mà người mẹ nào cũng sẵn sàng làm vì con mình: Lựa chọn cái chết để 2 con được sống. Và từ đó, cô có thêm dũng khí thừa nhận tình cảm của mình với Bret thông qua việc đồng ý dành cho anh 1 ngăn kéo để để đồ.

– Becca đã phải chịu nhiều đau khổ từ nhỏ nhưng gờ đây, cô còn có Bret. Anh cứ lặng lẽ quan tâm, chăm sóc cô, ở bên cô kể cả những lúc nguy hiểm nhất. Theo như motif quen thuộc của phim kinh dị, người yêu của nhân vật chính thường tèo rất nhanh nên tớ khá lo cho số phận của Bret. Nhưng cuối cùng anh này lại sống dai kinh khủng luôn, đến Diana cũng không làm gì được. Phá được đèn pin thì có ánh sáng từ màn hình điện thoại. Giẫm nát cái điện thoại thì anh chơi hẳn đèn pha ô tô.

Lights Out còn có một cảnh không thể quen thuộc hơn với những ai chuyên cày phim kinh dị: Đi báo cảnh sát nhưng chỉ cử có 2 người đến để rồi bị giết ngay từ vòng gửi xe. Dù vẫn kịp gọi hỗ trợ đấy nhưng khi cả một đội quân được trang bị súng ống đầy đủ đến nơi thì mọi chuyện đã xong xuôi từ đời nào rồi.

– Lights Out rất được lòng cả giới phê bình lẫn khán giả. Bằng chứng là phim được chấm 6.8/10 trên IMDb (Khoảng 1 tháng trước, lúc tớ bắt đầu viết bài thì con số này còn cao hơn cơ), trên Metascore là 58, thậm chí đã từng có thời điểm phim này được xếp vào hạng tươi roi rói a.k.a 100% trên Rotten Tomatoes nhưng giờ “chỉ còn” 76% thôi.

=> Lights Out là phim kinh dị mà bạn không nên bỏ qua trong hè này. Với thành công ngoài mức tưởng tượng trong khi kinh phí chỉ vẻn vẹn 5 triệu đô, phim đã được bật đèn xanh cho phần 2. Hãy cùng hồi hộp chờ xem nhân vật bí ẩn nào sẽ gieo rắc nỗi sợ hãi cùng với bóng tối nhé!!!

.

Ngoài lề: Hình như mùa phim bom tấn đã chuyển từ cuối tháng 6 đầu tháng 7 sang tháng 8 hay sao ấy. Có những ngày tháng chờ mốc mồm chẳng có phim nào hay, thế mà dạo gần đây tuần nào cũng phải vác xác ra rạp (Nghe khổ ghê :v). Nào là Suicide Squad, Train To Busan, The Shallow, Don’t Breath, Mechanic: Resurrection. Kín lịch xem phim rồi!!!!