Rate this post

“Nào các anh em con người, hãy nghe tôi kể chuyện đã xảy ra như thế nào. Chúng ta không phải anh em của ngươi, các người sẽ vặn lại, và chúng ta không muốn biết. Và quả thực đây là một câu chuyện ảm đạm, nhưng cũng mang tính khuyến thiện, một truyện ngụ ngôn thực thụ, tôi đảm bảo với các người. Sẽ hơi dài đấy, thì đã có nhiều chuyện đến thế xảy ra cơ mà, nhưng nếu có thật như thế thì các người cũng có vội vã gì lắm đâu, may mắn một chút là các người có đủ thời gian thôi. Và rồi chuyện đó lại còn liên quan đến các người nữa: các người sẽ thấy rõ nó liên quan đến các người. Đừng nghĩ tôi tìm cách thuyết phục các người một điều gì; mà ý kiến của các người đâu quan hệ gì đến tôi. Sau từng ấy năm, tôi quyết định viết, chỉ là để sắp xếp lại mọi chuyện, vì tôi, không phải vì các người. Đã từ lâu, chúng ta bò đi trên mặt đất như một con sâu, chờ đợi con bướm huy hoàng màu trắng mờ vốn ẩn sẵn trong chúng ta lộ diện. Rồi thời gian trôi, nhộng không thấy đâu, chúng ta ấu trùng vẫn hoàn ấu trùng, tình hình thật đáng ngao ngán, mà làm gì được đây? tự tử, dĩ nhiên, vẫn là một lựa chọn. Nhưng nói cho đúng, tự tử không hấp dẫn tôi mấy. Tôi từng, cái này thì hẳn nhiên rồi, nghĩ nhiều đến chuyện đó; và nếu quả thực phải viện nhờ đến nó, cách tôi làm sẽ là như sau: tôi sẽ đặt một quả lựu đạn ngay sát tim và ra đi trong một cơn vui nồng nhiệt. Một quả lựu đạn thuôn nhỏ mà tôi sẽ nhẹ nhàng rút chốt trước khi thả lẫy, miệng mỉm cười khi nghe tiếng lò xo bật khẽ, tiếng động cuối cùng mà tôi nghe thấy, ngoài tiếng tim đập trong tai. Và rồi cuối cùng là hạnh phúc, hoặc nếu không thì cũng phải là bình yên, và những bức tường văn phòng lấm chấm mẩu thịt nát bấy. Mấy bà lao công sẽ phải dọn, họ đựơc trả tiền để làm việc đó, kệ nó. Nhưng tôi nói rồi, tự tử không hấp dẫn tôi. Ngoài ra tôi cũng không biết tại sao, có thể là một mảnh vụn xưa cũ nào đó của luân lý triết học còn sót lại, khiến tôi tin rằng chúng ta sống đâu phải để vui đùa. Thế thì để làm gì? tôi biết làm sao được, hẳn là để kéo dài, để giết thời gian trước khi nó giết ta. Và trong trường hợp đó, trong những giờ bỏ phí đó, viết xứng đáng là một trò tiêu thời gian không kém cạnh gì những trò khác. Không phải vì tôi có rất nhiều thời giờ để mất, tôi là một người bận rộn; tôi có cái mà người ta gọi là một gia đình, một công việc, vậy là có trách nhiệm rồi, tất cả những cái đó đều mất thời gian, không còn nhiều để kể lại kỷ niệm đâu. Nhất là khi kỷ niệm thì tôi không thiếu, thậm chí còn ở một số lượng đáng kể. Tôi là một nhà máy sản xuất kỷ niệm thực thụ. Tôi hoàn toàn có thể dành cả đời sản xuất ra kỷ niệm, dù cho giờ đây người ta trả tiền cho tôi để sản xuất đăngten. Thực sự là tôi hoàn toàn có thể không viết. Đó có phải là một bổn phận đâu: sau chiến tranh, tôi là một người kín đáo, nhờ Chúa, tôi không bao giờ cần, giống như vài đồng nghiệp cũ, viết hồi ký để thanh minh, vì tôi không cần phải thanh minh điều gì, cũng không phải vì mục đích tiền bạc, vì tôi kiếm tiền cũng khá. Một lần, ở Đức, trong một vụ làm ăn, tôi nói chuyện với giám đốc một hãng đồ lót lớn, tôi muốn bán đồ đăngten cho ông ta. Vài người bạn cũ giới thiệu tôi cho ông ta; thế rồi, không cần hỏi làm gì nhau, chúng tôi biết ngay được là sẽ phải làm gì. Sau cuộc nói chuyện diễn ra hết sức suôn sẻ, ông ta đứng dậy rút từ tủ sách một cuốn sách tặng cho tôi. Đó là hồi ký in sau khi chết của Hans Frank, General-Gouverbeur Ba Lan; sách tên là Đối mặt với máy chém….”.