Rate this post

CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN – Tổng quan về khoa học chính trị ở VN

Update: Mình đã chỉnh sửa lại cho các bạn đọc trên máy đọc sách Kobo. Mời bạn tải bản cập nhật bên dưới.

Sách về khoa học chính trị bằng tiếng Việt, do người Việt viết gần như không có, ai muốn tìm hiểu thì phải đọc sách dịch (hầu hết là của NXB Tri Thức) hoặc đọc sách của NXB Chính trị QG Sự thật hay giáo trình của trường Luật. Sách dịch của NXB Tri Thức cũng phần nhiều là dịch lại các cuốn kinh điển từ thời Khai sáng ở châu Âu, kiểu như Khế ước xã hội, Chính thể đại diện, Bàn về tự do…của các triết gia chính trị và nói chung là dịch khá lủng củng vì cũng khó dịch. Những cuốn sách này có tính khai sáng nhiều về khoa học chính trị nhưng lại thiếu tính cập nhật và đã quá cũ. Sách chính trị mà viết vào khoảng giữa thế kỷ 20 đến nay rất khó được xuất bản hoặc bị cắt xén nhiều, do nhiều đoạn nhạy cảm chính trị khi phê phán chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Ông Nguyễn Trần Bạt cũng có mấy cuốn có đá gà đá vịt sơ sơ về chính trị nhưng nghe nói cũng cấm tái bản.

Sách giáo khoa trường Luật của VNCH có 2 cuốn Luật Hiến pháp của Lưu Văn Bình (đệ nhất CH) và Nguyễn Văn Bông (đệ nhị CH) có nội dung khá đầy đủ, khoa học về khoa học chính trị và có sự đánh giá khá xác thực về chủ nghĩa CS. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì 2 cuốn này cũng bị thiếu tính cập nhật do khoa học chính trị phát triển liên tục theo sự thay đổi của chính trị thế giới.

Dưới chế độ CS, khoa học chính trị là vấn đề nhạy cảm và cấm đoán, có lẽ còn nhạy cảm hơn cả các tác phẩm kinh điển như “Cô giáo Thảo” và “Chú Kim”, sách khoa học chính trị rất dễ bị quy chụp là sách PĐ. Sách chính trị chính thống được dạy trong các trường ĐH chủ yếu nói về chính trị học Mác Lê nin, SV ngành luật được học chi tiết hơn nhưng cũng bị cắt xén rất nhiều. Vì thế nên người dân VN, thậm chí cả trí thức và giới công chức trung cao cấp (được coi là đang hoạt động chính trị), hầu hết là không rành về khoa học chính trị, lý do chính là do họ không quan tâm, các vấn đề chính trị đã có đảng và nhà nước lo. Giới hoạt động, mà mình hay gọi là anh em dân chủ, không có nhiều người thành thạo về khoa học chính trị, hoặc họ không chém FB về vấn đề này nên mình không biết. Có lẽ những người mình cho là thực sự thiểu biết về lĩnh vực này chỉ không đếm đủ 10 ngón tay. Đó là điều rất đáng tiếc.

Trong hoàn cảnh đó, cuốn Chính trị bình dân của Phạm Đoan Trang ra đời trên trang Amazon, có lẽ với tham vọng lấp đi phần nào khoảng trống kiến thức khoa học chính trị của người Việt.

Mời bạn đọc tải về ebook Chính trị bình dân của Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang

Vài nhận xét về cuốn sách và tác giả:

Phạm Đoan Trang là 1 người hoạt động, đấu tranh cho dân chủ đã khá lâu. Nguyên là 1 nhà báo và thạo tiếng Anh nên tác giả có lợi thế về khả năng viết lách và nguồn tư liệu nước ngoài. Vì là người (tạm cho là) tham gia hoạt động chính trị nên tác giả có những kiến thức từ thực tiễn ở VN, đó là lợi thế lớn so với các dịch giả hay tác giả “salon”. Tuy nhiên, khoa học chính trị thường là ngành mà giới luật sư (tốt nghiệp ngành luật) là hiểu biết nhất. Tất nhiên là nếu muốn hiểu đầy đủ thì phải tự đọc sách ngoài chứ kiến thức trong trường ĐH thì cũng què cụt. Đó là điểm thiệt thòi, không đáng kể, của tác giả.

Với mục tiêu “khai dân trí” về khoa học chính trị, cuốn Chính trị bình dân có cách viết khá “bình dân”, có nhiều ví dụ từ thực tiễn nên tương đối gần gũi, dễ hiểu với những ai quan tâm đến lĩnh vực này.

Với tham vọng tất cả trong một, nên nội dung sách khá là rộng về KHCT. Độc giả sẽ có được hiểu biết tổng quát về hầu hết các khía cạnh của KHCT. Như các khái niệm cơ bản về chính trị học, thế nào là hoạt động chính trị, dân chủ, độc tài (độc đoán), khái niệm về chính quyền, nhà nước, tam quyền phân lập, các chủ nghĩa (xã hội, phát xít, tự do, bảo tồn-bảo thủ…), khái niệm về các chế độ chính trị đã và đang có trên thế giới, các bộ máy chính quyền trên thế giới.

Người đọc cũng có được kiến thức cơ bản về khái niệm cánh tả, cánh hữu và những đặc điểm của mỗi phe. Đây là vấn đề gây tranh cãi khá nhiều trên facebook trong thời gian qua.

Qua cuốn sách, chúng ta cũng có được góc nhìn tổng quát về chính trị Việt Nam, về bộ máy nhà nước “tam quyền trong một”, về hiến pháp và pháp luật VN, về vai trò của lực lượng vũ trang trong việc bảo vệ chế độ và trấn áp người dân, khái niệm về dân chủ XHCN (dân chủ tập trung), về cách thức “bầu cử” và sự vận hành của quốc hội… Tất cả được so sánh với từng nội dung tương tự ở các nước dân chủ như Anh, Pháp, Mỹ, Bắc Âu…

Với tham vọng đem lại lượng kiến thức chính trị khổng lồ như vậy nên cuốn sách không tránh khỏi các thiếu sót, thậm chí có những lỗi kiến thức khá cơ bản hoặc có những vấn đề quan trọng thì tác giả lại viết khá sơ sài nhưng 1 số nội dung thực tiễn lại trình bày dài lê thê.

Chẳng hạn, tác giả cho là chế độ bán tổng thống (như ở Pháp) thì tổng thống nắm luôn quyền thủ tướng (như chế độ tổng thống kiểu Mỹ). Hoặc, khi nói về các hình thức của CNXH, tác giả lại bỏ qua, không nhắc đến các quốc tế CS, hoàn toàn không đả động đến quốc tế 4 (CS đệ tứ).

Tác giả không hề dùng 1 dẫn chứng nào về hiến pháp, pháp luật và bộ máy chính quyền của VNCH như 1 sự so sánh, theo mình cũng là thiếu sót, vì đó là ví dụ gần gũi với hàng triệu nhân chứng sống người Việt. Tác giả còn cho là Hiến pháp 1946 của VNDCCH là HP dân chủ, ưu việt nhất của VN từ trước đến nay, mình cho là tác giả đã quên mất 2 bản HP VNCH, nó dân chủ và chuyên nghiệp hơn HP 1946 rất nhiều (bản HP 1946 rất sơ sài như 1 bản đề cương mà thôi, nhưng nó vẫn là bản HP dân chủ nhất của nước VN CS).

Ngoài ra, có lẽ do không có được sự trợ giúp của những biên tập viên chuyên nghiệp, nên cuốn sách cũng còn nhiều lỗi lặt vặt, mình cho là lỗi biên tập. Chẳng hạn như cách mạng tháng 10 xảy ra ở Liên Xô (lúc đó chưa ra đời)! Mình để ý, thiếu sót nhiều nhất của cuốn sách lại chủ yếu ở kiến thức về Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như thế giới. Có lẽ do tác giả không ưa Chủ nghĩa Cộng sản nên ít tìm hiểu?! Có lẽ tác giả cần hợp tác với Ban Tuyên giáo TƯ và các GS của trường Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để bổ sung và hiệu chỉnh 1 số nội dung! Tuy nhiên, các lỗi này chủ yếu là lặt vặt về lịch sử đảng, không ảnh hưởng đáng kể đến cách đánh giá của tác giả về CNXH hay nền chính trị VN.

Với mong muốn giành cho độc giả đại chúng, mình cho cuốn sách quá dài, có lẽ chỉ nên gói gọn trong khoảng 200-300 trang thay vì 500 trang như hiện nay. Nhưng cho dù với độ dày tới 500 trang, mình vẫn cho là cuốn sách là cần thiết và có giá trị với những ai bước đầu quan tâm đến khoa học chính trị như 1 cuốn sách nhập môn. Cuốn sách có lẽ rất cần thiết cho các bạn SV (đặc biệt là SV ngành Luật), thế hệ tiếp quản 1 bộ máy nhà nước mới đã và đang từng bước phải thay đổi, cải cách. Điểm trừ của cuốn sách là giá quá cao đối với những người cần đọc (giới SV), hi vọng là tác giả không phản đối khi cuốn sách bị phát tán lậu!

Không như lo ngại của anh em an ninh, mình không thấy cuốn sách này có tư tưởng cực đoan, chống phá chế độ, tuy vẫn có những chỉ trích, đánh giá tương đối mạnh mẽ tới bộ máy chính quyền đương thời.