Rate this post
  • Tác giả: Romain Coique
  • Review: Châu Minh

Chúng ta đang sống trong một thời đại cổ vũ sự khác biệt. Có thể dễ dàng chứng minh điều này bằng cách quan sát những hiện tượng bỗng dưng “nổi tiếng” trên mạng xã hội, rất nhiều người vốn không hề giỏi giang hay xuất chúng, họ chỉ đơn giản là “làm những điều không ai làm”.

Ai cũng muốn trở nên khác biệt, nổi bật – một cách tích cực – nhưng để bỗng dưng nghĩ khác, làm khác với những thứ lâu nay chúng ta vẫn quen thuộc thì lại không đơn giản. Nếu bạn vẫn đang loay hoay với điều này, hãy thử tham khảo cuốn sách Vĩnh biệt lối mòn của tác giả Romain Coique.

Ngay từ đầu cuốn sách, tác giả đã chỉ ra một sự thật phũ phàng: bản thân chúng ta không làm chủ suy nghĩ của mình như vẫn tưởng. Thứ nhất, con người cũng như rất nhiều loại động vật khác, tồn tại một loại phản xạ có điều kiện nhằm đưa ra những quyết định tức thời, đảm bảo sự sinh tồn. Tuy nhiên, đặc tính này cũng khiến hành động của chúng ta chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, bao gồm gia đình, xã hội.

vĩnh biệt lối mòn
vĩnh biệt lối mòn

“Từ khi còn rất nhỏ, chúng ta đã học cách ngửi, quan sát, ăn uống, đọc, nói và viết dưới sự chỉ bảo của cha mẹ, người thân cũng như dưới tác động của môi trường xung quanh. Sự tác động này sẽ theo chúng ta trong suốt cuộc đời và được gọi là định hướng từ xã hội. Chúng được ghi lại trong não bộ thông qua việc quan sát, lắng nghe và lặp lại một cách vô thức.”

Không dừng lại ở đó, những điều chúng ta nghĩ cũng chịu ảnh hưởng từ những gì chúng ta nghe-nhìn-đọc trên internet. Rất nhiều thông tin trên internet là sản phẩm của truyền thông. Chúng khéo léo định hướng chính những khao khát, mong muốn của con người, từ việc sở hữu vật chất cho tới xây dựng sự nghiệp và tìm kiếm các mối quan hệ.

Chúng ta quan sát thế giới nhưng không thể đưa ra nhận định về mọi thứ một cách độc lập như mình tưởng. Vậy thì có gì lạ nếu như hàng trăm, hàng ngàn hay hàng triệu người đều có cùng một cách nghĩ như nhau?

Để thật sự “vĩnh biệt lối mòn” trong tư duy, tác giả của cuốn sách này sẽ đề xuất cho bạn một số gợi ý, chẳng hạn như:

Học cách quan sát thế giới một lần nữa thông qua con mắt của chính mình, bắt đầu bằng việc hiểu bản thân muốn gì, xác định các cơ hội và sẵn sàng đón nhận thất bại.

Thiền để đạt được trạng thái vô thức, từ đó quan sát bản thân một cách khách quan và bình tĩnh.

Đi tìm câu trả lời qua 7 câu hỏi chủ đạo: Ai? Cái gì? Ở đâu? Như thế nào? Tại sao? Khi nào? Bao nhiêu?

Đây là những câu hỏi quan trọng để tìm được một công việc lý tưởng, mục đích cao cả của cuộc đời, từ đó tìm ra cách để hoàn thành chúng.

Bài học lớn nhất mà mình rút ra được từ cuốn sách này đó là, để có thể trở nên sáng tạo, sống một cuộc đời chủ động, thì bạn phải hiểu được chính mình, chẳng hạn như cách bạn phản ứng với thế giới xung quanh, những mong muốn sâu thẳm mà chính bạn đôi khi cũng chối bỏ (vì không thấy ai làm hoặc suy nghĩ như mình), học cách chấp nhận những mặt tốt/xấu và các giá trị của bản thân.

“Hãy biết vị tha cho những điểm chưa hoàn hảo của bản thân và nhìn nhận thẳng thắn về chúng mỗi ngày. Khi tự ngắm mình trong gương, hãy trân trọng những nét độc đáo trên gương mặt bạn. Hãy chấp nhận rằng mỗi cá thể hoàn toàn khác biệt về hoàn cảnh cũng như môi trường giáo dục.

Hãy tạo cho mình thói quen nhanh chóng nhận biết những quy tắc ứng xử nhằm dễ dàng thể hiện bản thân hơn. Hãy tập trung vào những giá trị của bản thân. Hãy cởi mở hơn để học hỏi về cuộc sống, và những con đường mà ta bước đi sẽ trở nên đáng quý hơn rất nhiều.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *