Rate this post

Có lẽ mỗi cuốn sách là một khu rừng được tạo nên bởi hàng trăm ngàn con chữ. Tôi mong bạn đừng chạy một mạch băng qua khu từng mang tên Phẩm cách của lời nói này. Bạn hãy từ từ dạo bước như đang tản bộ trong công viên yên tĩnh vào sớm mai.

review Phẩm Cách Của Lời Nói
review Phẩm Cách Của Lời Nói

Chỉ một lời nói bất cẩn buông ra,
phẩm cách đã lộ diện.
Mùi hương của riêng ta, tính tình của riêng ta,
tất cả đều thể hiện trong lời nói.

Đọc một cuốn sách không phải là hành động đọc suy nghĩ và tâm hồn của tác giả mà rốt cục chính là đọc “bản thân“. Hi vọng mỗi khi lật mở một trang trong cuốn Phẩm cách của lời nói này, bạn đọc sẽ không ngừng tự đặt câu hỏi về lời nói cũng như thế giới quan của bản thân.
Sau khi gấp cuốn sách lại, tôi mong thỉnh thoảng bạn đừng dùng đôi môi mà hãy dùng đôi tai để chiếm được trái tim người đối diện. Và tôi cũng mong rằng sự chân thành sâu thẳm trong trái tim bạn có thể xoa dịu những đớn đau trong lòng người ấy.
Tôi mong rằng bạn hãy tiến gần thêm chút nữa về phía người quý giá bên cạnh bạn lúc này. Tôi thành tâm nguyện cầu điều đó.

Hi vọng mỗi lời nói của bạn,
đối với một ai đó,
là một bông hoa rực rỡ

– Ki Ju Lee –

Ngày còn bé, chúng ta vẫn thường được dạy rằng:

“Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”

Chỉ cần một lời nói bất cẩn buông ra, phẩm cách đã lộ diện. Mùi hương của riêng ta, tính tình của riêng ta, tất cả đều thể hiện trong lời nói. Lời nói có khi còn trở thành tiêu chuẩn để đánh giá sức cạnh tranh của một cá nhân. Xu hướng cho rằng người ăn nói giỏi là người hấp dẫn ngày càng gia tăng. Có lẽ bởi vì thế mà rất nhiều người nói lời nào cũng sắc bén như dao và biết bao nhiêu nhà diễn thuyết có thể kể những câu chuyện kích động khiến khán đài vang dội.

Mọi năng lượng hướng ra bên ngoài đều cùng lúc tác động vào bên trong. Sức mạnh của lời nói cũng không phải là ngoại lệ. Lời nói không phải đối tượng có thể dễ dàng phân tích hoặc bừa bãi tìm một câu trả lời, Ki Ju Lee – tác giả người Hàn Quốc nổi tiếng với best seller “Nhiệt độ ngôn ngữ” đã nhận ra rằng nếu như con người có nhân phẩm thì lời nói cũng có “ngôn phẩm”.

Xuyên suốt Phẩm cách của lời nói, tác giả đã đưa ra một thông điệp chính, đóng vai trò như sợi chỉ đỏ xâu chuỗi toàn bộ nội dung trong quyển sách lại với nhau: “Nhân hương” – Hương thơm riêng của mỗi người tỏa ra từ lời nói.

Dựa theo đó, nội dung của sách hướng dẫn bốn bài học để cải thiện kỹ năng lắng nghe và ăn nói, dùng ví dụ ngoài đời sống để chứng minh cách áp dụng các kỹ năng đó. Những nội dung này tương đương với bốn chương sách:

  • Chương 1: Dĩ thính đắc tâm (Biết lắng nghe thì mới có được lòng người),
  • Chương 2: Quả ngôn vô hoạn (Nói ít thì bớt lo âu),
  • Chương 3: Ngôn vị tâm thanh (Lời nói là âm thanh của trái tim),
  • Chương 4: Đại ngôn viêm viêm (Lời nói to lớn chứa đựng sức mạnh).

Trong mỗi chương lại chia thành có những mục nhỏ, ví như Tôn trọng, Lắng nghe, Cách nhìn, Biểu hiện, Kết nối, v.v.. Quyển sách không chỉ giúp bạn xem xét lại ngôn ngữ, lời nói, phong cách giao tiếp mình thường sử dụng mà còn tạo động lực thúc đẩy bạn rèn luyện bản thân và làm chủ cảm xúc.

Đánh giá cá nhân về Phẩm Cách Của Lời Nói
Phẩm Cách Của Lời Nói
Phẩm Cách Của Lời Nói

Mình là một người chỉ thích đọc thể loại tản văn và self-help bởi tính tiện lợi của chúng, nhưng thể loại self-help này mình lại rất kén chọn, lý do đó là mình khá sợ và e dè trước một số cuốn mang tính khuyên răn, dạy bảo nhiều hơn. Nhưng đối với Phẩm cách của lời nói, tác giả đã khéo léo lồng ghép các câu chuyện trước rồi mới đưa ra cách hướng dẫn, chỉ ra điểm đúng, sai trong câu chuyện ấy. Có thể nói, cuốn sách này chính là sự kết hợp giữa hai thể loại tản văn và self-help, nội dung các câu chuyện rất đa dạng, từ những điều tầm thường, nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày, trong mối quan hệ của tác giả đối với người thân, bạn bè cho đến các câu chuyện từ triều đại Joseon, cựu Tổng thống Mỹ Obama hay Psy – ca sĩ Hàn Quốc với điệu nhảy ngựa Gangnam Style nổi tiếng khắp thế giới. Nói một cách ngắn gọn, nội dung của Phẩm cách lời nói dẫn dắt ta đi từ cánh rừng này qua cánh rừng khác, về cả chính trị, về cả gia đình hay cả những điều nhỏ bé, dung dị nhất. Bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian để đọc nhưng để ngẫm lại về bản thân, trở về câu chuyện cả chính mình thì đó là cả quá trình, và nhiệm vụ còn lại là ở chính bạn, cuốn sách không cho bạn lời khuyên hay dạy bạn nên thế này hay thế kia, quyết định nằm ở chính mỗi cá nhân chúng ta.

Tạm kết, đọc một cuốn sách không phải là hành động đọc suy nghĩ và tâm hồn của tác giả mà rốt cục chính là đọc “bản thân”. Tác giả Ki Ju Lee hi vọng mỗi khi lật mở một trang trong cuốn “Phẩm cách của lời nói” này, bạn đọc sẽ không ngừng tự đặt câu hỏi về lời nói cũng như thế giới quan của bản thân. Sau khi gấp cuốn sách lại, mong bạn đừng dùng đôi môi mà hãy dùng đôi tai để chiếm được trái tim người đối diện. Và mình tin rằng, sự chân thành sâu thẳm trong trái tim mỗi con người chúng ta có thể xoa dịu những đớn đau trong lòng người khác.

Hi vọng mỗi lời nói của bạn, đối với một ai đó, là một bông hoa rực rỡ.

Thank you for reading!

Photo & review by Thu Hồng Hoàng