Rate this post

Review: Châu Minh

Tuổi trẻ rực rỡ là một cuốn tiểu thuyết được viết bằng lời kể xen kẽ của hai cô nữ sinh cấp 3 Jasmine và Chelsea. Có lẽ đây là cuốn sách đậm tinh thần nữ quyền nhất được ra mắt trong năm nay tại Việt Nam. Khi mà nhiều người vẫn còn đang tranh cãi xem nữ quyền là gì và nó có ý nghĩa như thế nào trong đời sống xã hội thì rất có thể bạn sẽ tìm thấy một câu trả lời thú vị thông qua câu chuyện của nhóm học sinh trong Tuổi trẻ rực rỡ, bên cạnh những thông điệp nhân văn khác.

Định nghĩa lại tiêu chuẩn về phụ nữ

Một trong những nỗ lực của nữ quyền là giải phóng phụ nữ khỏi những tiêu chuẩn vô lý và sự đánh giá của đám đông. Jasmine – một cô nàng da màu với ngoại hình quá khổ, thường xuyên bị nhắc nhở về các vấn đề cân nặng bởi chính mẹ mình, hay cái nhìn ái ngại của những người xung quanh đã viết trên blog như sau:

“Dù thế nào bạn cũng sẽ bị đánh giá là quá bánh bèo, quá điệu đà, quá đàn bà mà thiếu đi chất ngây thơ, quá ngây thơ mà thiếu đi chất đàn bà.

…cả thế giới đang mong đợi bạn trở thành người nội trợ, trong khi bạn muốn được ra ngoài săn bắn. Như thể bạn là một ngọn lửa hoang đang bùng cháy, trong khi những người khác lại chỉ muốn dập tắt đi. Người ta nói bạn khóc thid được nhưng đừng bao giờ để lộ cơn thịnh nộ hay sự tức giận từ đáy sâu.”

Trong trường hợp của nhân vật Chelsea trong Tuổi trẻ rực rỡ, cô luôn thấy bất bình vì những gì mà truyền thông và các tạp chí tô vẽ trong đầu phụ nữ. Đó là luôn phải trông gợi cảm, nóng bỏng, bắt kịp xu hướng trang phục tới thông thạo những bí quyết quyến rũ. Dường như chỉ có một hình mẫu duy nhất mà phụ nữ nên theo đuổi, và hình mẫu đó càng gần với mong muốn của đàn ông càng tốt.

Tuổi Trẻ Rực Rỡ Cuốn Tiểu Thuyết Thay Dổi Suy Nghĩ Về Nữ Quyền Tuổi Trẻ Rực Rỡ - Cuốn Tiểu Thuyết Thay Đổi Suy Nghĩ Về Nữ Quyền

Trong khi phụ nữ cũng muốn trở nên thông minh hơn, mạnh mẽ hơn, họ cũng quan tâm đến thể thao, những thứ mang tính trí tuệ như “nghịch lý số học”, “tọa độ trên không” hay “hiệu ứng cánh bướm”…

Khuyến khích cá nhân cất tiếng nói của riêng mình

Trong một tập thể, tiếng nói của một cá nhân đơn lẻ nếu trái với đám đông còn lại thường bị bỏ qua. Thường thì người ta sẽ nản chí mà bỏ cuộc.

Nhưng Chelsea Spencer trong Tuổi trẻ rực rỡ thì không. Ban đầu cô gái tham gia vào CLB Những nhà thơ của trường trung học, nhưng sau đó cô đã quyết định rời CLB vì chẳng ai trong CLB đồng ý với cách thể hiện quan điểm của cô về chủ nghĩa nữ quyền.

Và kết quả là Chelsea cùng Jasmine tự thành lập một CLB, hoạt động dưới dạng một trang blog để được thoải mái nói lên những suy nghĩ của mình. Kết quả là ngoài mong đợi, rất nhiều bạn trẻ cũng có cùng suy nghĩ như cô.

Trong môi trường gia đình truyền thống, đặc biệt là ở các quốc gia Á Đông như Việt Nam, tiếng nói cá nhân thường bị đè nén. Chúng ta được bố mẹ dặn dò từ nhỏ là HÃY NGHE LỜI, thay vì chủ động đưa ra quan điểm cá nhân.

Những đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ rụt rè, sợ bị kỳ thị vì suy nghĩ quá khác biệt. Nhưng chính những suy nghĩ khác biệt ấy lại rất có khả năng tạo ra những cá nhân kiệt xuất và thay đổi những vấn đề cố hữu của xã hội.

Tuổi trẻ rực rỡ khắc họa nên những nhân vật vừa gần gũi vừa đầy kịch tính. Họ có những vấn đề giống như chúng ta, đó là bạn bè, gia đình, tình cảm với crush, nhưng hơn nữa là một ý thức mạnh mẽ về những gì đang diễn ra trong xã hội và chọn cách phản ứng táo bạo. Đó là điều truyền cảm hứng nhất trong cuốn sách này.