Rate this post

“Văn minh là sự kết hợp đầy đủ các yếu tố tiên tiến tại thời điểm xét đến để tạo nên, duy trì, vận hành và tiến hóa xã hội loài người. Các yếu tố của văn minh có thể hiểu gọn là di sản tích lũy tri thức, tinh thần và vật chất của con người kể từ khi loài người hình thành cho đến thời điểm xét đến”.

Từ trước đến nay, ở Việt Nam, chúng ta đã có vô vàn nghiên cứu, sách, tài liệu về những giá trị tri thức và tinh thần của con người, từ vùng núi cao trùng điệp đến miền đồng bằng sông nước. Tuy nhiên, ở đâu đó, vẫn có những giá trị dù vô cùng giản đơn và gần gũi nhưng lại chiếm một phần không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển của con người Việt Nam. Đó chính là những cái bừa, lưỡi búa, cái chén, cái khạp luôn có mặt dưới mái nhà của mỗi hộ gia đình Việt Nam, dù nghèo hay giàu, dù xưa hay nay.

Là một nhà nghiên cứu văn hóa uy tín, đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ thuật, văn hóa dân gian của người Việt, ông Phan Cẩm Thượng đã viết nên cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt”, để nói lên hết cái hay, cái đồ sộ của kho tàng văn minh vật chất dân tộc ta, từ khi chỉ mới là những công cụ thô sơ từ cách đây 3000 năm, cho tới tận những chiếc áo dài của những năm 30 thế kỉ trước.

Xem thêm: Bỏ Cũ Thay Mới

van minh vat chat cua nguoi viet Văn Minh Vật Chất Của Người Việt

Chỉ khi cầm lên và đọc, ta mới không khỏi trầm trồ, kinh ngạc về sự sắc bén và tinh xảo của công cụ chế tác bằng đá của người Việt ngay từ buổi bình minh nhân loại tại khu vực núi Đọ. Ta đọc, đọc để hiểu được xã hội của ông cha cách đây mấy nghìn năm, họ ăn mặc thế nào, sinh hoạt ra sao, làm việc kiểu gì, để rồi đột nhiên đánh tay một cái đầy thích thú: “Thì ra cha ông ta ngày xưa là như thế!”

Quyển sách Văn minh vật chất của người Việt vừa có thể coi như một quyển bách khoa toàn thư, vừa có thể coi như một tập truyện. Mỗi một chương trong sách là một khía cạnh nổi bật về đời sống sinh hoạt của người Việt xưa, cung cấp cho người đọc một cái nhìn đầy đủ và tổng quát nhất. Tuy nhiên, câu từ trong sách lại không hề khô khan, dài dòng mà được viết theo lối tản văn ngẫu hứng, gần gũi mà thú vị như đang kể chuyện. Bên cạnh đó, sách cũng cho ta tiếp cận với rất nhiều hình ảnh, tư liệu có thật, như những cái bát, cái tách, cái âu hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội lẫn Tp.HCM. Những đồ dù vật giản đơn thôi nhưng lại là sự tích tụ sâu sắc của tâm hồn và văn hóa của một dân tộc đã trải qua hơn 4000 năm lịch sử.

“Văn minh vật chất của người Việt”, nghe đâu có cảm giác thật gần gũi, thú vị, nhưng cũng ngầm ẩn ít nhiều xót xa. Khi thời gian trôi qua, những giá trị bình dị tốt đẹp của người Việt lại dần phai nhạt đi, dần trôi vào quá khứ mà không thể níu lại. Dù cho quyển sách đã được gấp lại, hẳn là những bâng khuâng vẫn sẽ còn hiển hiện trong tâm trí chúng ta: “ Chúng ta phải làm gì để tỏ lòng biết ơn với ông cha vì những gì mà họ đã xây đắp nên ngày hôm nay?

Thanh Trúc