Rate this post

Sachvui.vn Review Audio

Đôi lời trước khi vào bài review: Mình là một độc giả có cái nhìn khá khắt khe đối với một số tình tiết nhất định trong sách, nhưng ngoài điều đó, mình thuộc loại dễ chịu. Cho dù một cuốn sách có lối đi khá từ tốn, chỉ cần nó hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải một câu chuyện nào đó, thì đối với mình là đủ rồi. Và vụ án lần này cũng vậy. Mình có chê, có khen cuốn này, nó ở tầm ổn với mình, không đến mức nhạt toẹt, cũng không đến mức phải khen ngợi vỗ tay bôm bốp. Nếu bạn muốn hiểu vì sao, bạn có thể đọc tiếp, nếu bạn chỉ cần nhiêu đây thông tin, thì bạn có thể dừng ở đây được rồi.

vu an magn o nha khach nui hakuba Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba

Có phải phần lớn các câu chuyện trong sách của tác giả Keigo đều bắt đầu từ một vụ án? Có lẽ chỉ là một phần. Điều lôi kéo các nhân vật vào con đường “điều tra” chính là sự cố chấp của họ đối với sự mất mát mà họ vừa gặp phải. Sự mất mát đó có thể là người thân, là ký ức, là một điều gì đó mà họ trân quý nhưng đã bị huỷ hoại bất ngờ. Nhưng điều giống nhau là, họ đều không tin vào kết quả mà họ nhận được và luôn có gì đó thôi thúc họ tìm hiểu những gì đã xảy ra. Naoko Hara cũng rơi vào tình trạng như thế, khi người anh trai mà cô trân quý đột ngột mất mạng trong kỳ nghỉ dài, để lại trong cô vô vàn nuối tiếc và một bức bưu thiếp lạ lùng còn bỏ ngỏ. Chính vì không nỡ để phần tình cảm này trôi tuột đi, cô năn nỉ người bạn Makoto cùng nhau trở về nhà khách Mẹ Ngỗng sau một năm ngày anh trai mất, để tìm hiểu sự việc.

Với tâm thế “tìm hiểu” chứ không phải “điều tra”, nên Naoko và Makoto tiến hành khá thận trọng để không gây nên việc gì rắc rối. Naoko được biết rằng mỗi năm, sẽ có một tốp du khách nhất định đến trọ tại nhà khách này, nên cô hy vọng qua đó sẽ có thể tìm được manh mối nào đó trả lời cho thắc mắc của cô. Nhà khách Mẹ Ngỗng khá nhỏ, chỉ có tầm bảy phòng, và dàn nhân viên cũng không nhiều lắm, nên quy mô của vụ này không lớn.

Tuy nói là vậy, nhưng số nhân vật ở mỗi phòng hiện lên không quá rõ nét, mà mờ mờ nhạt nhạt. Mình chỉ đặc biệt ấn tượng với cặp vợ chồng bác sĩ lớn tuổi ở phòng Cầu London và Mẹ Ngỗng Già, rồi anh chàng Kamijo ở phòng Cối Xay ( vì anh này hay đánh cờ với ông bác sĩ, và có nói vài câu hints thúc đẩy Naoko); còn lại, các nhân vật nhân viên như Ông Chủ, Ông Đầu Bếp và hai nhân viên cũng không được khắc hoạ rõ ràng lắm, nên cảm giác cũng bình thường. Các nhân vật du khách khác khiến mình rất hay bị lẫn vào nhau, chỉ trừ cặp vợ chồng trẻ (vì họ là một cặp) nên phần nhân vật mình không đặc biệt ấn tượng chú ý.

Câu chuyện diễn ra theo hướng một chiều, tức là theo lối nhìn và cách suy nghĩ của hai cô gái không chuyên, tính tình cũng đôn hậu, nên thực sự không có được sự kịch tính. Thêm vào đó là bối cảnh và không gian nơi diễn ra vụ việc, không có những yếu tố “cầm tù” thường thấy như trong các vụ án khác (như là bão tuyết, mất đường dây điện thoại, độc đạo nối liền bị phá huỷ,…) nên không tạo được cảm giác nghẹt thở.

Tâm tính các nhân vật đều đều, không có người gây chuyện thị phi, không có người xấu tính, mà ai cũng tỏ ra lịch sự trong một khuôn phép chuẩn mực, nên có thể nói là hình tượng tác giả xây dựng trong tập này không hề ấn tượng. Vì không có sự mâu thuẫn, không có những bi kịch liên tiếp nối liền nhau, không có sự ngờ vực nên vụ án này trôi lướt như món mì Nagashi-Somen nước chảy, câu chuyện cứ đều đều trôi đi nhẹ nhàng cho đến khi trong các du khách có người mất mạng.

Nhưng điều mình không ngờ là ngay khi cảnh sát xuất hiện, cũng không làm tình hình căng thẳng thêm được chút nào. Phần lớn vụ án lần này tập trung vào các bài đồng dao tiếng Anh treo trong các căn phòng và cách thức giải mã chúng.

Hai cô gái Naoko và Makoto không phải là dân chuyên, cũng không phải dạng nhạy bén xuất thần, nên công việc giải mã cũng tiến triển từ từ nhờ vào một số kiến thức đúc kết được từ kinh nghiệm đọc truyện trinh thám của Makoto. Và cứ như thế, Naoko và hai cảnh sát viên mỗi bên một phần công việc, nhưng lại tìm ra được hung thủ và dễ dàng khiến hắn khai nhận. Nói đến khúc này mình cũng phải thanh minh một chút, thực chất hung thủ cũng chối đây đẩy cho đến khi bị tung ra át chủ bài cứng cựa khiến hắn không thể chối cãi nữa, chứ không phải vừa chỉ mặt gọi tên thì đã khai nhận ngay.

Điểm chê nhiều nhất của mình với tác phẩm này chính là mấu chốt vụ án phòng kín. Nói thật mình thấy cách thức này bị cầu kỳ hoá và không vần thiết, vì vốn dĩ hung thủ có thể dùng một mánh lới duy nhất và rất nhỏ để xử lý vụ này, nhưng nó lại biến thành một cỗ hàng hoá khá cồng kềnh. Thêm nữa là phần giải mã các bài đồng dao, nếu như gói gọn các bài này lại một chút sẽ tốn hơn, vì có một số bài định sẵn chỉ để làm nền, còn những bài mấu chốt thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có nhiêu đó. Nhưng mình vẫn cảm giác hai cô gái này giải lụi nhưng vẫn trúng.

Điểm khen: Câu chuyện ổn, ổn về mặt ý nghĩa nhân sinh, ổn về mặt tâm lý tình cảm sâu khuất của người tham gia vào vụ án ( dù không được đi sâu quá nhiều). Việc sử dụng các bài đồng dao tiếng Anh quen thuộc cũng tăng phần tình cảm của mình với ý tưởng của tác giả. Câu nói mà mình thích trong tập này chính là “Ngươi đã lặp đi lặp lại một tội ác không đáng giá một xu.” Câu nói này khiến mình suy nghĩ, có chăng trước giờ những kẻ gây tội ác đem hậu quả và lợi ích lên bàn cân để so sánh rõ ràng rồi cân đo chúng với lương tâm của chính mình không? Sau khi bị vạch trần, họ đều bảo họ hối hận, nhưng cuối cùng thì chút lương tâm đó của họ, chẳng có chút giá trị nào.