Rate this post

Tác giả: Huyen Hath 

Sachvui.vn Review Audio

Những câu chuyện cổ tích như “Lọ Lem” hay “Cô bé quàng khăn đỏ” thì có lẽ bất cứ ai trong mỗi chúng ta đều đã quá quen mặt rồi đúng không nhỉ? Bởi ta được lớn lên cùng với chúng và cùng say mê với những câu chuyện màu hồng long lanh và tuyệt đẹp khi ta được sống như một công chúa, hoàng tử thứ thiệt. Nhưng càng lớn lên, ta càng nhận ra rằng: thế giới này vốn chẳng hề hường phấn như truyện cổ tích vẫn kể và vì thế những câu chuyện như “Lọ Lem”, “Công chúa tóc mây” chẳng khác nào một lời nói dối ngọt ngào về thế giới ngoài kia! Nhưng sẽ thế nào nếu một ngày những nhân vật như Cinderella, Rapunzel hay Snow White không còn ở trong thế giới màu hồng xưa cũ của họ nữa mà chuyển đến một Trái Đất ở tương lai khi con người và cyborg cùng chung sống?

150060696 1154103458375800 927813447700547084 o Review sách Nếu lọ lem là một Cyborg (The Lunar Chronicles)

Ôi chao nghe đến đây đã có ai tò mò về câu chuyện này chưa nhỉ? Nhưng thật tiếc quá ý tưởng này không phải của tôi đâu, mà là của tác giả yêu thích của tôi – Marissa Meyer trong bộ sách đầu tay của cô: The Lunar Chronicles. Bộ sách đầu tay được nữ tác giả người Mỹ cho xuất bản gồm có 4 tập truyện (Cinder, Scarlet, Cress và Winter) cùng 2 cuốn ngoại truyện đặc biệt (Fairest và Stars Above). Lấy bối cảnh Trái Đất sau khi thế chiến thứ IV kết thúc, The Lunar Chronicles, hay còn được biết tới với cái tên Việt hóa “Biên niên sử Mặt trăng”, đưa người đọc vào một thế giới ở tương lai rất xa khi các quốc gia trên Trái Đất đã sát nhập hàng trăm đất nước thành năm khu vực duy nhất. Khoa học thời kỳ này đã phát triển đến mức cực độ với sự hiện diện của những phát minh vốn rất quen mặt với các fan của dòng tiểu thuyết viễn tưởng như tàu lượn, cyborg hay các loại android cử động, nói chuyện không khác gì con người thứ thiệt. 

Với 4 tập truyện của mình, trong mỗi cuốn Marissa Meyer lại vẽ nên những câu chuyện hoàn toàn mới mẻ cho một nhân vật cổ tích tưởng chừng như rất quen thuộc nhưng lại lạ lẫm đến vô cùng, đó là Cinder – cô nàng Lọ Lem xinh đẹp, nhân hậu nhưng lại là một cyborg bị khinh thường, xa lánh; là Scarlet – cô cháu gái trong câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ” can đảm và cá tính với mái tóc đỏ rực đầy kiêu kỳ; đó còn là Cress – nàng Rapunzel đáng yêu nhưng nay lại xuất hiện với thân thế là một thiên tài công nghệ và cuối cùng xin giới thiệu với các bạn, Winter – nàng Bạch Tuyết nghiêng nước nghiêng thành nhưng lại mắc chứng bệnh tâm thần với khả năng điều khiển tâm trí người khác.

Là một bộ truyện khoa học viễn tưởng có yếu tố lãng mạn pha đôi nét cổ tích nên tôi không hề khó hiểu khi thấy “Biên niên sử Mặt trăng” dễ dàng chiếm được thiện cảm của một số lượng đông đảo các độc giả. Đó cũng chính là lý do vì sao ngay từ khi xuất bản lần đầu tiên, bộ tiểu thuyết đã nhanh chóng trở thành một trong những đầu sách best-seller của năm 2015 và được người dùng Amazon đáng giá ở mức 4,8/5 – một mức điểm rất tốt trong dòng các tác phẩm dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. 

Lối kể chuyện khéo léo và linh hoạt của Marissa Meyer thực sự khiến người ta phải ngỡ ngàng khi nó vẽ lên rất tròn trịa một viễn cảnh tương lai vừa lạ vừa quen, ở đó những câu chữ như đang bay lên trong không trung rồi cả thế giới của câu chuyện cứ vậy mà hiện ra trước mắt bạn. 

Trong các bài review tôi từng đọc, có người thậm chí đã ví cây bút của nữ tác giả Marissa tựa như một “chiếc đũa thần” và cô như một bà tiên đỡ đầu nhân hậu đang hóa phép cho những câu từ kia thành muôn “phép màu huyền diệu”. Mang trong mình một bối cảnh hết sức hiện đại vì thế những thông điệp mà truyện truyền tải tới các độc giả của mình cũng hiện đại và thức thời không kém, đó là tuyên ngôn về một tình yêu vượt lên sự khác biệt trong vẻ ngoài và sự khiếm khuyết, là lá cờ giơ cao vì một thế giới nơi mà bất cứ ai cũng có quyền được sống, được lựa chọn cuộc đời mình, đồng thời câu chuyện cũng là một lời cảnh tỉnh rằng không có bất cứ giống loài nào là cao cấp hơn tất thảy giống loài khác và bất kỳ món quà nào cũng mang theo một cái giá rất đắt đi kèm.

Khi mới đọc những dòng review đầu tiên về tác phẩm này, tôi đã vô cùng phấn khích bởi vì nó quá lạ và hơn hết là quá “điên”. Tất nhiên việc viết lại các câu chuyện cổ tích từ lâu đã là một trào lưu vô cùng nổi tiếng nhưng có lẽ rất hiếm có ai mang tất cả những câu chuyện ấy xào nấu trong một thế giới hoàn toàn khác mà lại hay và hợp lý được như Marissa Meyer. 

Nếu bạn là một fan chân chính của dòng tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nhưng muốn đổi gió với một tác phẩm pha nét cổ tích hay bạn chỉ đơn thuần muốn trải nghiệm một thế giới thật khác so với hiện tại để quên đi tình hình bệnh dịch đáng sợ đang bùng phát thì sao không thử cho The Lunar Chronicles một cơ hội nhỉ? Nó rất đáng đấy, hãy thử suy nghĩ nhé!