Rate this post

Tác giả: Cáo biển non xanh

Sachvui.vn review audio

“… dẫu số phận bi thảm đến đâu, thì việc gây bất hạnh cho người khác cũng không mang lại hạnh phúc cho bản thân, trái lại còn khiến nỗi đau thêm dai dẳng. Thù hận tưởng chừng tiêu tan, thật ra là tồn tại dưới một hình hài khác, gặm nhấm thêm nhiều linh hồn lương thiện, đem lại khổ đau cho nhiều người nữa”.

Tết cổ truyền Việt Nam năm nay rơi vào đúng các ngày ngay trước Lễ Tình Thương, nên từ hai mấy tháng Chạp tôi đã cân nhắc chọn đọc cuốn nào đem lại tâm trạng tốt cho mình để hên cả năm. Điểm qua một lượt các “em” sách giấy trên kệ, tôi quyết định gửi gắm vận may của mình cho tác giả Chan Ho Kei. Ngay đêm Giao Thừa, ôm quyển “Người trong lưới” đọc được gần trăm trang thì tôi biết ngay mình đã chọn đúng. Suốt mấy ngày đầu năm, tôi cứ lải nhải với người nhà rằng “Ôi con chọn được cuốn sách quá đỉnh để đọc mấy ngày này”.

Review sách người trong lưới

Âu Nhã Văn là cô bé 15 tuổi đang học trung học. Cha bị tai nạn lao động qua đời nhưng công ty toa rập với bên bảo hiểm để ăn chặn tiền bồi thường của gia đình cô, mẹ vất vả cả đời cũng không đủ sức đem đến cuộc sống sung túc cho cả nhà, chị gái Âu Nhã Di không học Đại Học mà đi làm để kiếm tiền nuôi hai chị em. Vốn là người nội tâm, nhạy cảm, không thể chống chọi với sóng to gió lớn ập đến với mình, Văn nhảy lầu tự sát ngay lúc chị gái Di vừa đi làm về. Rơi vào hố sâu tuyệt vọng điên cuồng, Âu Nhã Di cảm thấy mục đích sống của mình đã trở nên vô nghĩa. Thế nhưng, mục đích sống mới xuất hiện, đó là tìm và báo thù những kẻ trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên cái chết thê thảm của em gái cô. Di thuê thám tử tư điều tra, nhưng vụ việc nhanh chóng hiện rõ tính chất phức tạp đến mức thám tử cũng từ chối.

Khi đọc phần giới thiệu nội dung truyện, tôi nửa tin nửa ngờ vào độ lôi cuốn của “Người trong lưới”, vì nghĩ rằng nạn nhân là một cô bé nhảy lầu tự sát, không ai đẩy xuống, không có di thư, vụ án nghe có vẻ đơn giản làm sao có thể viết nên một cuốn sách to dày như thế. Thế nhưng, chỉ mới đọc mười mấy trang, tôi đã nghẹn lòng xót thương gia cảnh của Âu Nhã Di, đồng thời lập tức đặt mình vào vị thế của cô khi thấy cô cũng là mọt sách và làm việc trong thư viện. Nghề nghiệp của nữ chính khiến tôi chủ quan cho rằng cuốn “Người trong lưới” đúng là viết ra dành riêng cho mình! Đây là câu chuyện trinh thám – tâm lý Xã Hội phản ánh rõ nét Xã Hội Hong Kong nói riêng và Xã Hội hiện đại của loài người nói chung.

Cả truyện chỉ có một nạn nhân tử vong, còn lại đều là quá trình điều tra diễn tiến đầy phức tạp, nhưng tôi thấy từng đoạn từng câu đều hấp dẫn. Có nhiều chỗ tôi không hiểu vì dùng nhiều thuật ngữ thuộc ngành Công nghệ Thông tin (IT) nhưng tôi cố gắng không đọc lướt đoạn nào. Sau vài chục trang, tôi tự hỏi tác giả phải tìm hiểu kỹ về IT đến mức nào để có thể viết được những đoạn văn chứa đựng nhiều kiến thức phức tạp và chính xác như thế, nhưng khi giở bìa gấp trước ra xem thì tôi vỡ lẽ rằng tác giả Chan Ho Kei đã tốt nghiệp khoa Khoa học Máy tính thuộc Đại Học Trung văn Hong Kong. Một người học và làm trong ngành công nghệ mà viết tiểu thuyết điêu luyện như thế, thật sự đáng ngưỡng mộ và học hỏi. Chan Ho Kei đã chiếm trọn sự yêu thích và quan tâm của tôi từ sau cuốn 13.67. Tôi cũng có thể khẳng định tác giả Hong Kong này đọc RẤT nhiều sách (vì đọc nhiều là một trong những yếu tố giúp viết hay), trong cuốn này có đề cập đến vài tựa sách tiểu thuyết cổ điển lẫn hiện đại thuộc vài thể loại khác nhau, cả truyện kiếm hiệp và thể loại trinh thám Nhật, cụ thể như sau:

+ “Thiên long bát bộ” của Kim Dung

+ “Thú tội” của Minato Kanae

+ “Đêm trắng đi hoang” của Higashino Keigo

+ “Bí kíp quá giang vào ngân hà” của Douglas Adams

Đọc khoảng trăm trang đầu thì tôi nghĩ cốt truyện cũng đơn giản, nhưng càng đọc tôi càng nhận ra mình đã lầm. Phía sau vụ nhảy lầu tự sát của cô bé 15 tuổi là mạng lưới đan xen dày đặc của các mối quan hệ trường lớp, ác tâm của những kẻ gọi là bạn bè, ác ý và sự vô cảm của cư dân mạng, sự thờ ơ không cố tình của người chị ruột… tất cả hình thành nên tấm lưới uất ức từ từ siết chặt lấy cô gái nhỏ.

Trong truyện có hơn ba lần tác giả nhắc đến “chọn lọc tự nhiên” bằng những câu văn tương tự nhau, chẳng hạn như “Ở thành phố này, chỉ kẻ mạnh mới sống sót được. Nếu không muốn làm kẻ bị bóc lột, chúng ta chỉ còn cách trở thành kẻ đi bóc lột… Đừng khờ khạo cho rằng ở hiền gặp lành” hoặc “Trong xã hội cá lớn nuốt cá bé, người ta chia nhau ra đóng vai kẻ lợi dụng và người bị lợi dụng, ai am hiểu cách lợi dụng nhược điểm của con người đều có thể đặt chân lên con đường thành công”.

Tuy vậy, độc giả sẽ hiểu rõ không phải ý tác giả là “chỉ kẻ mạnh mới tồn tại nổi”, mà sẽ cảm nhận được tính nhân văn sâu sắc của truyện. Không biết vì tôi đọc lúc thể trạng đang không tốt hay vì bắt gặp những chi tiết đau lòng mà đôi lúc tôi phát hiện mắt mình ươn ướt.

Nếu trong 13.67, người đọc thích thú khi ngay chương đầu đã bắt gặp việc ứng dụng khoa học công nghệ vào điều tra phá án, thì đến “Người trong lưới”, các chi tiết về khoa học máy tính xuất hiện dày đặc khiến tôi không khỏi liên tưởng mạnh mẽ đến cuốn “Sát nhân mạng” của Jeffery Deaver, đương nhiên là những dòng viết về công nghệ trong “Second Sister” mang tính thời đại hơn “The blue nowhere” nhiều, vì cuốn của Trần Hạo Cơ ra đời sau cuốn của bác Deaver tận 19 năm, tính theo thời gian trong truyện là 14 năm. Qua phần Lời Bạt cuối truyện của tác giả Chan Ho Kei, tôi cũng biết thêm một từ mới, là “thủ pháp cá trích đỏ” (red herring). Nhưng cụm từ tôi thích nhất, sẽ học hỏi và áp dụng sau khi đọc cuốn này là “tấn công phi kỹ thuật”.

Như đã viết ở trên, tôi cảm thương với gia cảnh và đồng cảm với nghề nghiệp của Âu Nhã Di, nhưng khi thấy Di hơi kém cỏi trong việc cập nhật công nghệ thì tôi có chút ngán ngẩm (tội lỗi quá), nhưng tôi buộc mình phải thấu hiểu rằng một phụ nữ trẻ vất vả kiếm sống trong một xã hội chỉ cho phép kẻ mạnh tồn tại thì không còn hơi sức và khả năng kinh tế để quan tâm đến những thứ đồ chơi công nghệ phức tạp đắt đỏ.

Còn nhân vật Nem, ban đầu tôi không ưa anh ta, chỉ thích bí danh của anh ta vì nó khiến tôi liên tưởng đến đồ ăn. Sau đó tôi đoán anh ta tên thật là Inoue Satoshi. Càng đọc, tôi càng liên tưởng Nem với thiên tài hacker trong cuốn “Sát nhân mạng”.

Tuy bối cảnh truyện là Xã hội Hong Kong hiện đại năm 2015, cốt truyện phức tạp nhiều chi tiết nhưng tôi vẫn tự cho phép mình đúc kết khuôn mẫu của mối quan hệ giữa nam nữ chính trong truyện: Di giống như nàng Lọ Lem nghèo khổ kiên cường vượt qua những trắc trở trong cuộc sống, nhưng trong cái rủi có cái xui à không có cái may, số phận đưa đẩy khiến nàng tình cờ gặp được bậc quân vương đội lốt ăn mày, văn võ toàn tài, hào hiệp giúp đỡ kẻ yếu nhưng cứ luôn khẩu xà tâm Phật. Tuy bây giờ tôi không còn mơ mộng ảo tưởng như hồi trước nhưng với diễn biến + phần cuối truyện, tôi không khỏi nghĩ đến mấy bộ phim cổ tích Disney với câu “Và họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau”!

Tôi đồng ý với lý thuyết chọn lọc tự nhiên – kẻ mạnh mới tồn tại được – mà tác giả Chan Ho Kei nhiều lần nêu lên trong truyện, nhưng tôi không đồng ý với tư tưởng rằng để trở thành kẻ mạnh / hoặc đã vốn là kẻ mạnh thì tự cho mình quyền sinh sát, không quan tâm đến nỗi khổ của người khác, có thể thản nhiên giết người hoặc nhìn người khác lâm vào chỗ chết, miễn là họ không ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Nếu ai cũng nghĩ vậy mà sống thì trần gian sẽ trở thành địa ngục. Trong khoảng thời gian đọc “Người trong lưới”, tôi có duyên nghe được vài câu rất hay, khiến tôi cảm thán sâu sắc với nội dung cuốn sách này: “Con người phải biết đủ trong cuộc sống, gặp nghịch cảnh không oán hận, gặp thuận cảnh không cao ngạo, chỉ có luôn tu sửa hành vi chính mình và biết quan tâm giúp đỡ người khác thì bản thân mới đạt được hạnh phúc”.

Nghe nói cuốn này dịch thiếu nửa chương 9 và toàn bộ chương 10, tuy đã được một đại công tử nhân hậu tặng ebook tiếng Anh nhưng vì lười nên tôi chưa đọc bản Anh, chỉ mới đọc bản Việt + chương 10 do anh Nabil Kamal dịch (xin cảm ơn anh nhiều). Về bản dịch Việt của IPM, kẻ mù công nghệ như tôi đọc thấy rất hay, rất dễ hiểu trừ những đoạn tôi không hiểu. Sách được trình bày đẹp, chữ in to rõ, bìa trước dường như thiết kế theo phong cách truyện tranh Nhật, bạn nào nếu vì cái bìa của 13.67 mà chưa muốn mua đọc thì có lẽ cũng không quá thích bìa của “Người trong lưới”, riêng tôi thì yêu cả hai cuốn. Cũng như với 13.67, “Người trong lưới” được tôi đưa vào danh mục sách mà tôi sẽ mua thêm để tặng người khác.

Tôi cố gắng viết và cố ý đăng review cuốn này vào 14-2 như một cách bày tỏ lòng hâm mộ của mình đối với tác giả Trần Hạo Cơ, nhưng nếu có ai thành lập fanclub thì tôi không tham gia đâu. Lần sau có dịp vào tiệm mì Tàu, tôi sẽ thử gọi “Sen lớn thêm xanh ít bánh nước riêng cải trụng rưới không dầu” xem chủ quán sẽ trầm trồ hay sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ dị.