Rate this post

Thằng Quỷ Nhỏ – Nguyễn Nhật Ánh

Tình yêu thời thanh xuân luôn thật đẹp và mang theo rất nhiều cảm xúc. Nó đi qua rất nhanh nhưng cũng để lại biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp dù vui hay buồn. Khi về già nhìn những cặp đôi mà thốt lên “ Ôi! đúng là tuổi trẻ! “ thì đó là hồi tưởng một thời thanh xuân đẹp đẽ biết yêu và biết ghét. Nhất là tuổi học trò, những tình cảm trong sáng khi biết rung động, hay muốn quan tâm một ai đó như một hồi ức đẹp.

Đã có rất nhiều nhà văn lấy hình ảnh trường lớp để tạo những kỉ niệm không phai như Iwai Shunji với tác phẩm Thư tình, Cecelia Ahern với Nơi cuối cầu vồng. Và ở Việt Nam, ngoài những tác phẩm cho mà chúng ta vẫn biết như Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang thì nhà văn còn viết rất nhiều những truyện dài và tiểu thuyết mang đậm dấu ấn học đường.

Ảnh chụp Màn hình 2021 01 21 lúc 9.44.10 SA Review sách Thằng quỷ nhỏ

Với những tác phẩm tiêu biểu như Bồ câu không đưa thư, Phòng trọ ba người, Cô gái đến từ hôm qua, Bong bóng lên trời… tuổi học trò với những tâm tư cảm xúc được tái hiện hoàn hảo qua những trang viết. Đó chính là những điều làm nên tên tuổi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người được gọi là hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ. Trong số các tác phẩm của mình, có một tác phẩm mang cái tên rất lạ nhưng để lại ấn tượng cũng như mọi kỉ niệm buồn vui khi đọc xong. Hãy cùng tìm hiểu xem có điều gì trong tác phẩm mang tên Thằng quỷ nhỏ.

Nội dung cuốn sách kể về một nữ sinh mới chuyển đến ngôi trường mới tên Nga. Cô được phân ngồi cạnh người có biệt danh là thằng quỷ nhỏ, điều khiến cho Nga rất quan ngại lúc đầu. Thế nhưng sau đó cái biệt danh đó lại không như cô vẫn tưởng tượng, Quỳnh- thằng quỷ nhỏ lại là một chàng trai khá hiền lành và luôn bị các bạn bắt nạt trêu chọc. Từ một vụ vướng áo trong xe đạp, hai người đã có cơ hội trò chuyện với nhau.

Một tình cảm bắt đầu nảy sinh giữa hai người, Quỳnh luôn mang cho Nga những gì cô thích và mối quan hệ giữa họ ngày càng tốt đẹp. Thế nhưng với phong cách của Nguyễn Nhật Ánh, thường một câu chuyện tình đẹp luôn có kẻ thứ ba chen vào, và ở đây là Khải. Quỳnh có một bí mật luôn giấu người mình thích bên cạnh tình cảm không dám ngỏ, và liệu bí mật đó có khiến cho Nga giận anh?

Với những câu văn đọc là thấy cái “thứ ba học trò” hiện về, Nguyễn Nhật Ánh đã thổi hồn cho các nhân vật của mình. Từ cách xây dựng cốt truyện lẫn những miêu tả sinh động mà có phần dí dỏm, hài hước tuổi học trò như khi suy nghĩ của Khải về Quỳnh “ hắn đúng là một con quỷ lúc nào cũng ám mình, con chim ẩn mình chờ hãm hại người khác, sự hồn nhiên và cả một không gian thanh xuân hiện lên trước mắt độc giả. Nếu như trong Socrates đang yêu của Kyoichi Katayama, Sakutaro dùng những cuộn băng ghi âm thay cho lời tỏ tình với Aki thì ở đây Quỳnh tìm cách để biết và tặng Nga những cuốn sách, đóng sách, nhạc… mà cô ấy thích.

Phải kể đến phong cách nghệ tình yêu đẹp nhưng chỉ dấu trong lòng. Nguyễn Nhật Ánh luôn có những cách thức và thủ pháp để tạo những bất ngờ vào cuối chuyện. Chính những điều đó tạo nên dư âm cũng như những tiếc nuối trong lòng người đọc. Chúng ta đã từng thấy hình ảnh cô em “hiền thục” trong bài thơ mang đầy tâm tư tình cảm của Phán, mối tình đã chết của Chương với Quỳnh trong Còn chút gì để nhớ, cậu bé Trường và chị Ngà trong Đi qua hoa cúc.

Thì trong tác phẩm này, yêu là nhìn người mình yêu hạnh phúc, luôn tìm cách làm cho người mình thích vui dù có phải che đậy điều gì đó. Bí mật bị phát hiện cũng như khoảng cách mà bức tường vô hình ngăn cách hai người có lẽ là một sự hối tiếc của thanh xuân. Hình ảnh cuốn sách mạ những dòng chữ được Nga cạo có lẽ như một lời từ biệt, một sự hối hận đầy lưu luyến của tình yêu.

Kết thúc cuốn sách là đoạn kết cho một

tình cảm thanh xuân học trò đẹp mà cũng đầy lưu luyến. Dư âm và lưu luyến để lại chính là điều làm nên cái hay và nét đặc sắc của Thằng quỷ nhỏ. Cá nhân người viết nhận thấy phải chăng Nguyễn Nhật Ánh đang vẽ lại bức tranh thời trẻ của mình qua những tác phẩm cũng như nhân vật trong đó?