Rate this post

KHÓ TẢ NHƯ ĐANG PHẢI CỐ MÔ TẢ MỘT CẢM XÚC VẬY!

   “Nhạc lá” đơn giản, nhẹ nhàng nhưng lại khiến tôi rung động và bùng nổ cảm xúc. Tôi đã đọc cuốn sách nhỏ xinh này với niềm hân hoan kỳ lạ, hoàn toàn nhập tâm và đã thực sự sống trong tác phẩm.

137275704 1339969389703608 7589897155051015935 n Review Nhạc Lá

   Tôi có một ‘năng lực”, (nghe như mấy gã dị nhân học trò của giáo sư X ấy nhỉ?) đó là khi chạm vào 1 quyển sách tôi có thể biết nó hay hay không, nói chính xác hơn thì phải là tôi có thể biết ngay nó có hợp với mình hay không. “Nhím thanh lịch” và “Cưỡng cơn gió bấc” là 2 ví dụ điển hình cho cái “năng lực” khó hiểu kia. Cả 2 cuốn tôi đều tìm thấy ở các nhà sách cũ và đều chỉ chạm vào gáy chứ chưa hề thấy bìa, thậm chí còn lần đầu tiên biết tên sách luôn.

Một cơn rùng mình xuất hiện, tôi moi 2 cuốn ra khỏi núi sách cũ, thất vọng vì 2 cái bìa xấu đau, xấu đớn nhưng vẫn mua không cần suy nghĩ vì tôi tin trực giác không bao giờ lừa phỉnh mình. 2 cuốn đó đều tuyệt cú mèo. Tôi đã mua “Nhạc lá” với trải nghiệm tương tự, cuốn sách không hề gây ấn tượng với tôi bởi chiếc bìa, nhưng trực giác mách bảo tôi hãy chọn nó, đừng để vẻ ngoài đơn sơ kia đánh lừa. Tôi tin theo và cũng không hề thất vọng.

   Thằng bạn thân hồi đại học từng cười tôi bởi tôi đã khóc khi lần đầu nghe Toni Braxton hát “Un-break my heart”. Nó hỏi tôi có hiểu gì không mà xúc động đến vậy? Tôi bảo: tao không hiểu lời bài hát nhưng tao cảm nhận được nội dung qua giai điệu và cảm xúc của cô gái khi cô ấy hát, âm nhạc là thứ ngôn ngữ không biên giới mà. Khi “bắt mạch” được một tác phẩm, dù là âm nhạc, hội họa, tiểu thuyết, điện ảnh… người thưởng thức sẽ rơi vào một trạng thái bay bổng như khi nhập định vậy.

Người thưởng thức trong phút chốc sẽ như thoát li thực tại, tiến vào không gian của tác phẩm. Xúc cảm sẽ tuôn trào tự nhiên như hương hoa bị dồn tích trong chiếc hộp kín rồi bỗng dưng nắp hộp mở bung ra. Thật khó diễn tả, khó như đang phải cố mô tả một cảm xúc vậy. Khi khó và bí quá người ta dễ nói cùn: “Thôi thì bạn cứ đọc đi rồi biết!” mà quên mất rằng trải nghiệm của bạn là của riêng bạn, chẳng ai có chung trải nghiệm dùng đang cùng thưởng thức một tác phẩm cả.

   Tôi biết với 1 tác phẩm được dán nhãn cho thiếu nhi, tôi đang trình bày phức tạp quá, đã thế lại chẳng đả động gì đến nội dung tác phẩm cả. Tôi sợ việc sa đà trình bày nội dung sẽ phá hỏng trải nghiệm trọn vẹn của bạn đọc, giống y như bạn đi xem triển lãm hội họa mà lại đọc tên tranh trước khi ngắm tranh, hay nghe nhạc không lời lại cứ để ý đến tên bản nhạc vậy. Vì vậy tôi cảm ơn tất cả các bạn đọc đã kiên nhẫn đọc được tới tận những dòng này.