Rate this post
Sachvui-tien-khong-mua-duoc-gi-michael-sandel

Review “Tiền không mua được gì”

Tác giả: Michael Sandel

Với mình, Michael Sandel là soái ca, mà đã là soái ca trong lòng thì cứ sản phẩm ra là fan ruột mua luôn không thèm coi giá, không thèm liếc review hay coi mục lục gì sất. Và quyển sách này, “Tiền không mua được gì”, được mình mua trong sự si mê cuồng điên ấy :))

Giỡn chứ mình mới chỉ đọc có hai quyển sách của thầy này thôi, mà tại thích cách thầy đặt vấn đề quá nên làm lố xíu. Thầy là giáo sư ngành triết học chính trị tại Đại học Harvard, nói chuyện triết mà hài hước, dễ thương và rất dễ hiểu. Đợt tháng ba vừa rồi trường Fulbright có mời thầy về Việt Nam, mình cũng háo hức dữ lắm, mà cái chị Vy chị Na mắc dịch làm người ta phải hoãn lại

Nói về quyển sách, trước tiên về câu hỏi ngay tựa sách “tiền không mua được gì?”, chắc ai cũng dễ dàng có câu trả lời. Riêng mình, mình đọc quyển này trong khoảng thời gian đại dịch bệnh SAR-CoV-2 đang hoành hành khắp thế giới, mình nghĩ rằng tiền không mua được mạng sống của hơn 100,000 người vừa qua đời; không mua được sức khỏe, hệ miễn dịch của những người đang phải cách ly điều trị; và tất nhiên, với rất nhiều người đang lo sợ, tiền không mua được sự bình an. Hơi ngộ nhưng thật sự là tiền cũng đã từng không mua được khẩu trang, nước rửa tay và cả giấy vệ sinh khi bỗng nhiên những thứ này trở thành hàng khan hiếm.

tien khong mua duoc gi Tiền Không Mua Được Gì?

Trong quyển sách này, thầy Michael không đưa ra một danh sách chính xác những cái a tiền có thể mua hay những cái b nào không thể, mà dẫn ra một loạt ví dụ và cùng phân tích dưới góc nhìn của thị trường tự do và góc nhìn từ khía cạnh đạo đức.

Dưới góc nhìn của thị trường tự do, ở đó, hàng hóa được định giá bằng tiền. Mình tạm hiểu là hàng hóa được lưu thông và giá cả được điều tiết bằng chính sức mua và sức bán (cầu và cung). Như vậy, khi hàng hoá khan hiếm, giá cả sẽ tăng. Thị trường khẩu trang ở Việt Nam hay thị trường giấy vệ sinh ở Úc phát sốt suốt mấy tuần vừa qua là ví dụ minh họa rõ ràng nhất. Khi dịch Sars-Covid bùng nổ, nhu cầu những mặt hàng này tăng cao, nguồn cung chưa kịp đáp ứng, và chúng trở thành những mặt hàng khan hiếm khiến người ta săn lùng và phải xếp hàng hàng giờ để mua. Vậy thì việc giá khẩu trang tăng 5-7 lần rõ ràng tuân theo quy luật thị trường, tại sao chúng ta lại bức xúc, ít nhất là ở Việt Nam như mình thấy?

Khẩu trang chỉ là ví dụ của mình, còn  một loạt ví dụ khác trong sách “nhức nhối” hơn sẽ chỉ ra một khiếm khuyết lớn của thị trường mà dễ bị bỏ qua, là đạo đức. Tiền có thể mua được một suất xếp hàng ưu tiên, một suất học vào trường chuyên lớp chọn, một quả thận, một lần bán dâm, hay thậm chí là cả một người nô lệ, nhưng khía cạnh đạo đức là điều chúng ta cần xem xét, nghĩa là, việc mua bán những thứ ấy có làm giảm hay thậm chí là thay đổi giá trị của chính mặt hàng đó không? Việc dùng tiền để mua một giải thưởng có làm giá trị của giải thưởng bị xói mòn, việc dùng tiền khuyến khích học sinh đọc sách có làm lệch lạc mục đích của việc đọc?

Khác với ‘Phải trái đúng sai” (“What’s the right thing to do”), tác giả chỉ gợi mở vấn đề là chính, mình thấy trong “Tiền không mua được gì” thầy có quan điểm riêng và kết luận rất rõ ràng, mà chốt hạ ở một ý mình rất tâm đắc: Có những thứ tiền có thể mua được nhưng không nên dùng tiền để mua.