Rate this post

Có những nỗi đau không nói nên lời, và cũng có những nỗi đau dù nói ra cũng chẳng thể nhẹ nhõng hơn. Dân lưu vong – cụm từ gắn với những kẻ rời bỏ tổ quốc hoặc bị lưu đày vì chiến tranh. Có lẽ vì cũng là một kẻ lưu vong nên Remarque quá thấu hiểu những nỗi đau tha hương, những tác phẩm về dân lưu vong của ông như những thước phim sống động và chân thực đến ngỡ ngàng.

BÓNG TỐI THIÊN ĐƯỜNG

– ERICH MARIA REMARQUE –

Tuy nói rằng Remarque quá thấu hiểu tình cảnh của dân lưu vong thì hơi quá, bởi bản thân ông khi lưu vong sang Thụy Sĩ hay các nước khác thì ông đã tự chủ về kinh tế bằng những tác phẩm của mình rồi. Nhưng nếu phủ nhận những tác phẩm của ông viết về dân lưu vong đó chính là báng bổ cảm xúc của hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người lưu vong.

Sự cay đắng, dằn vặt ở “Bóng tối thiên đường” đến từ chính từ tận sâu trong ông, sự mong mỏi được trở về quê hương, nhưng đến cuối đời Remarque vẫn chưa thể trở về. Những nhân vật trong “bóng tối thiên đường” cũng tượng trưng cho tất cả những cảm xúc của ông vậy.

Bóng tối thiên dường Review Bóng tối thiên đường

Robert Ross- một người tốt bụng nhưng đoảng mệnh, tên anh ta được nhắc đi nhắc lại trong truyện, nhưng người được nhắc đến chưa bao giờ là anh ta. Nhân vật chính của chúng ta, anh “Robert” sau khi bị trụ xuất khỏi Đức đã được “Robert Ross” trao lại cái tên của mình cùng các giấy tờ, bởi nhờ nó anh mới thể sống tiếp. Chỉ sau đôi ba trang đầu tiên ta đã cảm nhận cái gọi là “được sống” nó quan trọng như nào ở thời chiến qua lời Ross:

“Hầu như tôi đã quên hẳn tên ba mẹ đã đặt cho tôi. Người ta dễ dàng quên khuấy đi biết bao nhiêu điều khi cuộc sống đang gặp nguy hiểm.”

Lưu lạc trên đất Mỹ -thiên đường của nhiều người- Ross như lạc lõng giữa New York. Thành phố này quá chiều lòng người, anh như có mọi thứ và cũng như chẳng có gì trong tay cả. Sau tất cả những ngày tháng trốn chạy khắp Châu Âu, trốn biệt dưới căn hầm tối tăm của một bảo tàng, lo lắng về bọn SS, về trại cải tạo, về cái chết,…thì giờ đây anh chẳng còn điều gì vướng bận nữa cả.

Nhưng cái khốn nạn của con người là: ta tìm mọi cách để lủi đi, sau những cơn lo về cái chết thì ta lại muốn trở về quê hương đang đẫm máu. Anh luôn tả về khoảng thời gian ở Châu Âu bằng tất cả những từ ngữ kinh khủng nhất: những ký ức về nó như một thứ kinh tởm và buồn nôn, bám riết lấy anh ngày qua ngày.

“Trong bóng tối như thế này ta không thể cảm nhận thấy vị của thuốc lá. – Kahn nói. – Thật là tuyệt diệu nếu trong bóng tối ta không cảm thấy nỗi đau, có đúng như thế không anh?”

Đúng vậy, ở cái nơi mà người ta gọi là “thiên đường” Ross lại thấy bản thân bị giày vò hơn bao giờ hết. Những ly Martini hay Volka, những bữa bò hầm, những cuộc hội hẹn, tiền bạc, sự ưu ái,… tất cả, tất cả chúng chỉ càng làm Ross lạc lối và túng quẫng thêm.

Một thứ “kí sinh” như anh rõ ràng chỉ là một kẻ không Tổ Quốc, một thứ lưu vong vật vờ giữa chốn xa hoa tráng lệ của New York. Càng thoải mái với bản thân mình, những buổi đêm của anh lại càng dài ra và dằn vặt hơn. Anh run lên vì sợ hãi, những cơn mộng mị như bao lấy anh, dù rằng anh cách chiến tranh cả ngàn cây số. Và cứ như thế:

Nỗi đau càng trở nên xót buốt hơn khi con người sợ hãi”.

Và không chỉ mỗi Ross, những người Đức lưu vong ở Mỹ cũng phải chật vật, cố mà đeo bám nơi thành phố này, tuy mỗi người đều có những cách sống riêng, nhưng sau thẳm trong họ: chiến tranh, bọn SS, Hitler,… vẫn là những thứ ám ảnh đến cùng cực.

Vài người trong họ trở nên bỉ ổi, vô sỉ, vài người khác yếu đuối, chấp nhận thực tại, cũng có vài người rũ bỏ tên riêng,…Nhưng những câu chuyện của họ không hề dư thừa, tuyến nhân vật phụ này chính là sự củng cố cho quyết định cuối cùng của Ross, mỗi một bước ngoặc của truyện đều từ chính những suy nghĩa/hành động rất “con người” của họ.

Những con người ở đây cũng có thể gọi là mạnh mẽ, cũng có thể gọi là yếu đuối. Họ sống với sự bế tắt không thể nào gỡ được, để rồi nó chuyển hóa thành nước mắt, thành máu và cái chết. Lòng mình như chết lặng giữa đêm khi đọc đến những trường đoạn tuyệt vọng của những con người lúc nào cũng mạnh mẽ này, vì họ quá mạnh mẽ nên họ vô cùng yếu đuối.

“ Chả lẽ thế ư? Chẳng lẽ tôi không được khóc khi không có nguyên do chính đáng sao? Chẳng lẽ mọi chuyện đều phải có phải có nguyên do sao?”

“Thật là kỳ lạ, đôi khi người ta chỉ cần nói tới điều nhỏ bé nhất để hỗ trợ mình thôi. Được nói chuyện với một người nào đó từng gặp được là mọi chuyện đâu vào đó cả.”

Không biết mình đã khen câu này bao nhiêu lần rồi, nhưng văn chương của Remarque là một cái gì đó rất nghệ thuật, rất tình người. Ngoài những dòng văn đanh thép về chiến tranh, thì trong văn chương của ông vẫn luôn có những trường đoạn đẹp đẽ, mỹ lệ đến nỗi ta quên khuấy đi mọi sự u tối đang vây quanh mà thẩn thơ say mê ngắm cái đẹp đó. “Bóng tối thiên đường” không thiếu những cảnh miêu tả đẹp đến nức lòng mà còn chứa đựng một câu chuyện tình đầy sâu lắng. Và đó cũng chính là điều duy nhất Ross day dứt về New York, Natasha bước vào cuộc đời anh một cách tình cờ, và rồi để lại trong anh một ngọn lửa cháy rực vì yêu, để anh phải thốt lên rằng:

“Hãy để tôi yên, hỡi con người từ thế giới khác tới đây! Hãy đừng bỏ tôi trước khi tôi bỏ em. Em sinh ra trên cõi đời này để cứu chuộc người khác. Em là hiện thân của sự bùng nổ không kìm nén lại, cũng là sự yên ổn đến vô cùng”.

“Bóng tối thiên đường”- đến thiên đường cũng tồn tại những góc khuất của nó, còn nơi “không phải là thiên đường” cũng sỡ hữu những ánh sáng riêng. Nước Đức thời điểm đó đang nằm trong sự sai trái, chối bỏ chính những người con của mình, nhưng những con người như Ross, Karn hay Betty chưa từng chối bỏ quê hương.

Họ -những kẻ lưu vong- luôn mong mỏi ngày trở về, có người trong họ gục ngã trước khi đủ cam đảm để về, có người dù ở giữa ranh giới sống chết vẫn mong ngóng tin tức quê xa, nhưng họ vẫn dành một mốt quan tâm đặc biệt cho quê hương.

Đây cũng là quyển sách cuối cùng của Remarque, sau “Ba người bạn”, “Bản du ca cuối cùng” và những tác phẩm khác của mình, đây chính là những lời tâm sự cuối cùng của tác giả về chuyện đời ông và nỗi ngoắc ngoải mong ngóng được trở về, dù sau cùng ông vẫn không thể trở quê hương.

Mỗi lần đọc tác phẩm của ông mình đều muốn trốn vào một góc nào đấy để mà nhấm nháp nó, nhấp cái sự thật tàn khốc của chiến tranh, cảm nhận hết những áng văn chương vừa đẹp đẽ vừa u buồn của ông và chỉ mong bản thân không khóc.

Rate: 8.5/10

Tác giả: Bảo Phúc