Rate this post

Tên sách: Mật Mã Tây Tạng

Nhà Văn: Hà Mã

Số tập: 10 (ở 1 số phiên bản, quyển 10 được phân ra 2 tập là 10* và 10**)

Đây là tác phẩm rất hay dành cho những ai đam mê thể loại Historical fiction pha lẫn Adventure và có chút Fantasy. Mình đọc cũng kha khá các bài bình luận về bộ truyện này, ai thích thì rất thích mà ghét cũng phê phán rất nhiều. Cá nhân mình thì nằm bên phía thích nhiều hơn ghét, mình đánh giá bộ này 4/5

Mật Mã Tây Tạng Review Mật Mã Tây Tạng

Review nội dung:

Câu chuyện xoay quanh chuyến phiêu lưu của nhân vật nam chính Trác Mộc Cường Ba. Trác Mộc Cường Ba sinh ra trong một gia đình trí giả ở Tây Tạng. Cha anh là bậc trí giả có học thức uyên bác về tôn giáo, lịch sử, văn hóa… rất được người dân tôn trọng và sùng kính, nhà nước cũng rất nể trọng học thức và địa vị của ông với người Tạng.

Tuy nhiên, từ nhỏ Trác Mộc Cường Ba lại không hứng thú với những thứ liên quan đến tôn giáo, thay vào đó anh lại thích nghiên cứu về chó ngao Tây Tạng hơn.

Nói là thích chứ thật ra anh “cuồng” chó Ngao thì đúng hơn. Trong 1 lần tình cờ, Trác Mộc Cường Ba có được tấm ảnh chụp con Tử Kỳ Lân, loài chó ngao truyền thuyết, vua của các loài ngao sói. Thế là anh lập kế hoạch cùng người thầy của mình là giáo sư Phương Tân đi tìm loài chó ngao quý hiếm đó.

Nhưng không ngờ trong quá trình tìm kiếm Tử Kỳ Lân, số phận lại mở ra cho anh một cuộc tìm kiếm khác: Bạc Ba La thần miếu, kho báu vĩ đại của Phật giáo, của nhân loại đã bị chôn vùi trong dòng thác lịch sử.

Càng cuốn vào hành trình tìm kiếm Tử Kỳ Lân và Bạc Ba La thần miếu, Trác Mộc Cường Ba lại càng có nhiều cuộc tao ngộ kỳ lạ với đồng đội, kẻ thù, và với chính số phận của mình nữa. Liệu rằng cuộc tìm kiếm Bạc Ba La thần miếu có phải là ngẫu nhiên đến với anh không? Có bao nhiêu tổ chức, bao nhiêu quốc gia từ trước đến nay đã để ý tới kho báu ngàn vàng này?

Bạc Ba La thần miếu màu nhiệm kia rốt cuộc do ai xây dựng, dân tộc trí tuệ siêu phàm nào đã cất giấu nó ở nơi đâu?

Phải trả giá như thế nào mới tới được đấy?

Xin mời các bạn đọc để trải nghiệm hành trình đầy thú vị mà nhà văn Hà Mã tài năng đã vẽ nên nhé.

Cảm nhận sau khi đọc (có spoil nội dung nên ai chưa đọc thì cân nhắc khi xem nhé):

Ưu điểm – Khuyết điểm:

– Bộ truyện khá dài và lượng kiến thức tác giả đưa vào quá nhiều nên nhiều lúc làm mình choáng. Sự am hiểu về lịch sử, địa lý, văn hóa, tôn giáo, thiên văn, y học…rất rất nhiều lĩnh vực làm mình khâm phục tác giả 8x này. Đọc xong, lượng kiến thức của các bạn sẽ tăng lên khá nhiều, tuy nhiên có những cái tác giả hư cấu, nên nhớ phân biệt được. Từ tập 1 đến tập 5 rất hấp dẫn, mình đọc ko thể ngừng được, từ tập 6-10 độ hấp dẫn có giảm dần nhưng vẫn còn hay.

Trác Mộc Cường Ba và nhóm của mình trải qua 5 cuộc phiêu lưu chính:

Chuyến thứ nhất là: băng rừng nguyên sinh ở Nam Mỹ tìm đến Thành Phố Trắng của người Maya (đây là chuyến đi đầu tiên và theo mình là hay nhất trong các chuyến, cũng vì nó mới mẻ và đầy kỳ bí) để tìm pháp bảo “Tòa thành được ánh sáng tỏa chiếu” có chứa bản đồ của khu vực Shang ri la nơi đặt Thần Miếu.

Chuyến thứ hai là: đi tìm đảo Huyền Không Tự, nơi các Mật Tu Giả người Qua Ba (tộc người trí tuệ siêu phàm, mà nếu còn tồn tại chắc ko ai địch lại để tìm thấy bản đồ sông ngầm để tới Shangri La.

Thì ra con đường tới Shangri La có hai lối: một là đi qua ngọn núi thiêng cao chọc trời, mây phủ gió tuyết điên cuồng, hai là vượt dòng U Minh Hà tăm tối, lạc lối như xuống địa ngục. Cả 2 lối này đều chết người, chả có lối nào an toàn cả. Tuy nhiên, lối đi U Minh Hà được đánh giá là có phần ghê gớm hơn lối vượt núi thiêng.

Chuyến thứ ba: vượt đỉnh núi Tư Tất Kiệt Mạc để tìm lối vào Shangri La nhưng thất bại. Đây là chuyến đi theo mình vừa tốn thời gian, vừa chả thu hoạch nhiều, tác giả nên rút ngắn lại để  truyện đỡ dài.

Chuyến thứ tư: vượt dòng U Minh Hà tăm tối, đầy khủng khiếp đến Shangri La -> đây là chuyến đi khủng khiếp nhất mà mình đọc thấy mệt mỏi, nhức đầu luôn.

Và cuối cùng là cuộc phiêu lưu ở vùng đất Shangri La với ngọn núi Tu Di đầy hung hiểm bao gồm 3 tầng.

Tầng 1 là nơi động vật thời tiền sử và người Hạ Qua Ba sống, họ sống để canh giữ ko cho ai xâm phạm Shangri La bằng đường U Minh Hà..

Tầng 2 là nơi các bộ lạc, bộ tộc những người từ thời xa xưa, xa lắm lưu lạc tới đây để trốn chiến tranh. Ở tầng này đã xảy ra câu chuyện tình của Trương Lập (thành viên trong nhóm thám hiểm của Trác Mộc Cường Ba). Lúc đầu mình thấy rất mệt khúc này vì nó dài dòng và mất thời gian, chả ăn nhập mấy với chuyến phiêu lưu.

Nhưng sau ngộ ra chắc do chuyện tình của nam chính Trác Mộc Cường Ba với Đường Mẫn, Lữ Cánh Nam chán quá, ko có chút gì ly kì, nên tác giả mới đưa ra 1 tam giác tình yêu cho nhân vật phụ là Trương Lập với Mã Cát (cô gái thuần khiết của bộ lạc), và Quách Nhật Niệm Thanh vị vương tử của bộ lạc để cứu vãn “phần tình yêu” trong bộ truyện. Thì tam giác tình yêu này lại hay cực kỳ, tuy nhiên hơi giống mấy phim cung đấu . Tập này (tập 9) mình đọc mà phải dừng mấy lần để cảm xúc lắng xuống rồi mới đọc tiếp được, vì nó xúc động đến khóc luôn 

Tầng 3 nơi có Tử Kỳ Lân và Bạc Ba La Thần Miếu và người Thượng Qua Ba sống thì khá chán. Cuộc phiêu lưu trong Miếu Thần đáng mong chờ từ đầu truyện tới giờ lại chán ngắt, dở hơn cả Địa Cung Aput và Đảo Huyền Không Tự, chắc tác giả hết ý tưởng rồi hay sao ấy.

Các cạm bẫy trong Bạc Ba La Thần Miếu cứ như là thi học sinh giỏi Toán quốc gia hay Olympic ấy, vô mỗi ải là cứ giải giải toán, còn main chính chúng ta thì ăn gian xài máy vi tính tính rồi ra đáp án ko ah Mé nó mắc cười.

Còn 1 điều vô lý từ đầu tới cuối truyện mà mình rất bức xúc: đó chính là nhân vật nữ chính Đường Mẫn, người yêu của nam chính. Một nhân vật hết sức vô lý, tới phi lý:

-Tham gia hành trình tìm Bạc Ba La vì….tình yêu. Cô gái 20t yêu một người đàn ông 45t, đáng tuổi cha mình.

-Hành trình đâu phải như đi du lịch, nguy hiểm trùng trùng, chết lên chết xuống mà cũng ráng đeo để đi theo -> Yêu gì dữ zị trời.

-Lúc đầu thì yếu đuối, ỏng ẹo, sau mấy tháng huấn luyện đặc biệt thì tự nhiên vượt được hết mọi nguy hiểm để băng rừng nguyên sinh. Tính luôn cả thời gian vừa huấn luyện, vừa phiêu lưu là 2,3 năm thì cô vượt được hết tất cả cuộc phiêu lưu.

Ngay cả khi rất nhiều người phe địch lẫn phe ta đều chết vì những nguy hiểm trong cuộc hành trình, mà toàn là những người đàn ông “sừng sỏ”, lính đánh thuê, nhà thám hiểm các thể loại chết như rươi, cô vẫn còn sống. Cô sống còn dai hơn bất kỳ nhân vật nam nào trong truyện. Quá phục, nhưng dù sao cũng hiểu cho tác giả, cô giữ vai trò cú twist cuối cùng nên cần để cô sống chứ ko ai làm twist 

Tóm lại, truyện hay ở yếu tố lịch sử, kỳ bí, …..nhưng chưa hay ở cách xây dựng nhân vật, và tác giả có xu hướng “tự hào dân tộc” quá đáng, nên ai ko thích bác Trung thì đọc sẽ rất ghét. Nếu ai tư tưởng thông thoáng hơn thì đây vẫn là bộ truyện đáng cho các bạn bỏ thời gian đấy.