Rate this post

“Vẫn điên rồ sau bấy nhiêu năm.”

Cuốn sách mang tựa là môt con số, 69, tức là năm 1969 ở Nhật Bản. Giai đoạn sau Thế Chiến II, một nước Nhật bại trận vẫn còn đang chìm trong khủng hoảng, với quân đội Mỹ đóng quân tại nước mình, với giới trẻ nổi loạn, không tìm được giá trị sống, mất phương hướng trong cuộc đời.

Bàng bạc trong truyện là hình ảnh nước Nhật rệu rã, với giới trẻ Nhật cũng như giới trẻ khắp thế giới vào năm đó, những năm bắt đầu thập niên 70 của rock ‘n’ roll, của phản chiến, của quần loe, của ma túy, của hippie, của tự do tình dục, của bất mãn, của phản xã hội, của lạc lối và của chống chiến tranh.

Một lý do mình yêu thích 69 là quan điểm chống chiến tranh VN của tác giả Ryu. Không dưới một lần ông để nhân vật của mình thốt lên những câu thoại phản đối Mỹ xâm lược VN, phản đối cuộc chiến tranh vô nghĩa. Đọc những câu thoại ấy mình cảm thấy bừng bừng trong trái tim tình yêu dành cho ngòi bút phản chiến của Ryu.

Trên cái nền màu trầm buồn ấy, Ryu vẽ nên một thiên truyện rất đỗi trong sáng về tuổi học trò, về tuổi 17 nổi loạn, bốc đồng, mạnh mẽ nhưng cũng lại yếu đuối, thơ ngây và khờ dại. Lý do thứ hai mình yêu cuốn sách này của ông. 69 khắc họa Kensuke Tanizaki, cũng là tuổi 17 của chính Ryu, cùng nhóm bạn của cậu với Yadama, Iwase, Fuuku v.v.. với đủ mọi trò nghịch ngợm ở trường.

sách 69 Review "69"

Trót có cảm tình với cô bạn gái có đôi mắt trong veo như mắt nai Bambi, Kazuko Matsui, biệt danh Lady Jane, Ken tự biết mình kém cỏi mọi mặt nên cậu dám liều mạng tổ chức nhiều trò ấn tượng để lấy le với Lady Jane. Nào là rủ mấy thằng bạn vấy bẩn trường học, khoác ngoài là những thông điệp to lớn như phản đối ban giám hiệu nhà trường hay phá tan ngày hội thể thao quốc gia, khiến nhà trường bị phong tỏa.

Mặc dù hậu quả là Ken cùng đồng bọn bị cấm túc trong 119 ngày, nhưng cậu dương dương tự đắc xem mình cùng nhóm của mình là những người hùng. Và đúng là kể từ đó nhóm của cậu nổi tiếng thật, chả thế mà Lady Jane đã gửi cậu cả một bó hoa hồng bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Ken lại càng hăng tiết vịt. Cậu liều lĩnh nhờ các nhóm trong trường hợp tác tổ chức một buổi nhạc hội, có cả chiếu phim và kịch tự biên tự điễn. Tất nhiên có Lady Jane cùng hợp tác, cũng lại để lấy le với gái.

Với tên gọi “Đại Nhạc hội Bình Minh Dựng Đứng,” trên vé vẽ hình một em gái tô son môi và đằng sau là hình ảnh một dương vật dựng đứng, bên trong là cảnh núi lửa phun trào. Wow! Impressive! Nhạc hội thành công tuy nhiên chuyện tình giữa Ken với Lady Jane thì lại xịt. Nó rất giống với những mối tình bọ xít, đầy đủ những dư vị đắng cay ngọt chát, những dại khờ ngốc nghếch của cả hai, để rồi mai sau những gì còn đọng lại chỉ là tiếc nuối.

Đọc 69 tôi vừa cười với những trò nghịch dại của nhóm Ken lại vừa thấy tiếc nuối. Tiếc cho tình yêu dại khờ, trinh nguyên mới chớm nở giữa Ken với Lady Jane. Chàng đã được thần may mắn ban cho ba cơ hội đến với Lady Jane, thế nhưng chàng đều phá hỏng cả ba.

Lúc vất vả lắm mới được ở một mình với Lady Jane, khi nàng đã chìa môi ra, nhắm mắt lại sẵn sàng đợi chờ một nụ hôn, nhưng Ken toàn thân run lẩy bẩy, miệng chàng khô khốc, sững sờ nhìn làn môi như đóa hồng nhung của Lady Jane mà chẳng biết làm gì, ngoài câu nói rủ nàng đi ngắm biển mùa đông nhé. Rồi đến khi cùng thiên thần đi ngắm biển mùa đông trong chuyến picnic, Ken lại một lần nữa phá hỏng nó bằng cách rủ Jane đi xem phim kinh dị Việc Máu của Capote. Hix! Chuyến đi kết thúc bằng bữa trưa nhạt nhẽo rồi ai về nhà nấy. Một nụ hôn cũng chẳng có! Để rồi cuối cùng nàng lấy chồng, chàng đơn côi. Mọi mối tình ngốc xít đều kết thúc như vậy hay sao?

Tác giả Ryu đã miêu tả chính xác cảm xúc của cái tuổi 17 ngỗ nghịch nhưng cũng lại chân thành, yếu đuối, thơ ngây. Dõi theo hành trình của Ken tôi như được thấy hình ảnh mình trong đó, Thằng nhóc tuổi 17 ngu dại, chẳng biết gì về cuộc đời.

Tôi tự hỏi nếu tôi là Ken ở nước Nhật năm ấy thì liệu tôi có làm được những việc như Ken từng làm. Không chỉ dừng ở khắc họa tuổi 17 hoa mộng, Ryu cũng không quên vẽ nên hình ảnh nước Nhật kiệt quệ, mất phương hướng, bị quân đội Mỹ chọn làm nơi đồn trú gây nên bất mãn trong giới học sinh, sinh viên, hình ảnh những người thầy hách dịch, độc đoán như thể muốn gợi lại hình ảnh quân phiệt Nhật Bản một thời hùng cứ. Cái giấc mộng lúc nào cũng nghĩ mình là bá chủ, đi bắt nạt những kẻ yếu đuối hơn mình, cái giấc mộng luôn luôn cho rằng mình là kẻ thắng trận.

Mình vẫn nhớ mãi đoạn cuối truyện, khi sau bao nhiêu năm trời xa cách, lúc này Ken đã trở thành một nhà văn nổi tiếng, thì Lady Jane bất ngờ gọi điện thoại cho Ken. Sau khi nói chuyện vài câu nàng gửi cho chàng một lá thư, lá thư cuối cùng. Qua bao nhiêu năm tháng, cái nhiệt huyết của tuổi trẻ vẫn còn. Nó làm cho cuộc đời của chàng và của nàng trở nên lộn xộn. Hai người vẫn sống cuộc đời hai mặt, đung đưa đi trên sợi dây cuộc đời, chông chênh giữa hai bờ hiện thực và mộng tưởng. Tuổi trẻ là phá hủy và trên nền hoang tàng ấy, tuổi trẻ sẽ dựng xây.

“Từ khi trở thành nhà văn, tôi có nhận được một vài lá thư của nàng và một cuộc điện thoại. Lúc nàng gọi, tôi đang nghe bài Alone Alone của Boz Scaggs.

“Đó có phải là bài của Boz Scaggs không?”

“Ừ.”

“Anh vẫn còn nghe Paul Simon chứ?”

“Không, không nghe nữa rồi.”

“Em cũng nghĩ vậy. Em thì thỉnh thoảng vẫn còn nghe.”

“Dạo này em ra sao rồi?”

Nàng không trả lời câu hỏi đó. Và rồi vài ngày sau nàng gửi cho tôi một lá thư:

“”Khi nghe giọng nói của anh trên nền nhạc của Boz Scaggs em như trở về thuở học trò. Em cũng thích Boz Scaggs, nhưng giờ em không nghe nữa. Cuộc sống của em trong vòng một năm qua ngày càng trở nên tồi tệ vì thế em nghe Tom Waite rất nhiều. Em muốn quên đi sự tồi tệ này nhưng em nghĩ cách duy nhất khả thì là bắt đầu một cuộc sống mới…””

“Cuối thư nàng viết một dòng tiếng Anh từ bản nhạc của Paul Simon:

“Vẫn điên rồ sau bấy nhiêu năm…”

I met my old lover on the street last night,

She seemed so glad to see me, I just smiled,

And we talked about some old times,

And we drank ourselves some beer,

Still Crazy After All These Years.

Still Crazy After All These Years

Điểm: 8/10

Tác giả: Nguyen Quang Huy