Rate this post

   “Sông” – tên gọi của quyển tiểu thuyết mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã đặt tên như chính cách cô đặt cuộc đời cho từng nhân vật. Dòng chảy dịu dàng, êm đềm đôi khi cuồng bạo của sông Di phải chăng cũng là dòng chảy cuộc đời? Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý mà vận vào cuộc đời của các nhân vật.

      Nhà báo tên Ân với nỗi trúc trắc trong lòng khi chàng trai Tú đi lấy vợ, ừm thì “đám cưới vui không?”  như cách đối diện sự thật về một nửa của mình lên xe hoa theo người nhưng trong câu hỏi không đầu không đuôi, những cảm xúc “không màu không mùi” lại văng vẳng khiến tôi đau đến quặn thắt khi hình dung tin nhắn bốn chữ ấy như ngàn vết dao cứa vào Ân để rồi cậu quyết định đi tìm kiếm sông Di, thả những nỗi buồn của mình vào dòng chảy ấy.

      Sông Di, địa danh lạ lẫm mang màu sắc của sự hư ảo, cùng hoạt loạt địa danh khác trong tiểu thuyết mà nhà văn gọi tên. Tại sao là tên Di? Phải chăng tên sông đã nói lên những sự biến đổi, di dời của thời cuộc? Lưu tốc sông Di cũng mang thiên hướng nữ, dân quanh đây gọi là “bà”. Dịu dàng, trữ tình nhưng lại hung bạo khi chỉ sau một đêm liền cuốn đi tất cả vào lòng sông. Ân tìm sông Di để ném những đau buồn kia vào dòng nước, để chúng chảy lặng lờ theo dòng chảy thời gian mà quên đi tất cả?

Sông Nguyễn Ngọc Tư Review Sông - Nguyễn Ngọc Tư

      Chặng hành trình lạ lẫm với câu chuyện tình đã dang dở mà yêu lụy vẫn tiết chất đắng vô vọng trong lòng, quyết định biến mất vào sông để rồi va vào toàn những vô vọng, mòn mỏi khác. Người đồng hành tên Bối thiếu thốn tình thương, bày trò mất tích để chờ người đi tìm mình, để được  thấp thỏm hi vọng ủi an rằng còn có ai đó trên đời nhớ đến mình.

Chàng trai Xu chai lì vì đau thương từ nhỏ, giờ đây bạt đời, dửng dưng tất cả.  Một cô nàng nhà văn sống như ngựa hoang, hưởng mọi lạc thú trong ngang tàng để rồi đời cheo leo, kiệt quệ vì giấc ngủ bỏ rơi… Những phận đời trong “Sông” hiện hữu như cách giải thích của cô Tư “Sống là một bổn phận trời dúi vào tay, cầm thì khổ mà không cầm thì áy náy”.

      Nhiều lúc tôi tự hỏi lòng cô Tư làm bằng gì mà nặn ra được nhiều cái trớ trêu và chênh vênh đến vậy. Quyển Sông của Tư cũng là một hỗn hợp những mảng đời như thế, chỉ có là những mảng ấy không rời rạc, mảng to, mảng nhỏ đều gắn với một dòng sông và một con người quăng đời mình vào dòng sông ấy. Đến cuối cùng, một câu hỏi mở cho chuyện tình của Ân? Chuyện tình “lửng lơ” chăng? Thật đáng tiếc bởi “Gì lửng lơ cũng được, chỉ tình yêu là không”.

       Chất văn cô Tư có bao giờ thôi buồn? Nỗi buồn theo từng cấp độ, có khi len lỏi vào trong tâm trí, có lúc cuộn trào như sóng dữ của sông Di nhưng cuối cùng được hóa giải bằng sự tĩnh lặng như cách Ân để lại một quyển sổ ghi chép, gửi lại tất cả để đến với sông!

       Khép trang sách lại, trong đầu vẫn văng vẳng một câu mà cô Tư đã viết “Có chút nhẹ nhõm khi người ta không mang quá khứ để đến với nhau”.