Rate this post

Nhắc đến Nhật Bản, hẳn mọi người đều nghĩ đến Kimono, sushi, đến rượu sake, khung cảnh núi non hùng vĩ, đến lễ hội hoa anh đào – loài hoa tượng trưng cho sự thanh cao, tái sinh – đến sự phục hồi, phát triển kinh tế thần kì sau chiến tranh thế giới thứ hai. Song bên cạnh đó, nhắc đến Nhật Bản đồng thời cũng nhắc đến sự cô độc, căng thẳng, trầm cảm, đến những chuyến tàu điện ảm đạm, lặng yên, tiếc nuối… Vâng! Và “Mắt đá” của nhà văn/ nhà làm phim Otsuichi là một trong những tác phẩm thể hiện rất rõ sự cô độc, tiếc nuối đó.

Bao gồm bốn truyện ngắn ma mị, “Mắt đá” khiến mình thở dài bởi hình ảnh dán mắt xuống lòng sông khi tìm cẳng chân mẹ của đứa con trai yếu ớt, khiến mình mơ màng, không rõ thực hư khi đọc đến đoạn Hajime ôm chặt cậu bé ngồi ở hàng ghế cuối cùng trên chuyến xe bus, khiến mình lặng người trước tình cảm mà Blue dành cho Ted, khiến mình, sau tất cả đã mỉm cười vì nhìn thấy lá thư Yu gửi cho cả nhà!

Review Mắt Dá Review Mắt Đá

Định kiến xã hội, không nhận được sự quan tâm đúng mực từ gia đình hay đơn giản là hiểu lầm đã dẫn đến những câu chuyện đáng tiếc. Gía, trong “Mắt đá”, nhà nội của nhân vật tôi bớt nghiêm khắc hơn một chút, người mẹ thích chụp ảnh ấy để ý đến con cái hơn một chút và giữa họ có sự thấu hiểu, cảm thông thì hẳn người mẹ đã chẳng nghĩ quẩn, chẳng xa con, chẳng dằn vặt. Hay trong “Blue”, phải chi cô chị Wendy cùng ba mẹ Ted kiên nhẫn hơn, bình tĩnh hơn thì Ted đã không lầm lì, bướng bỉnh như vậy.

Mọi thứ đều có nguyên do, mỗi đứa trẻ đều có những đặc điểm tính cách riêng biệt nên mỗi đứa trẻ sẽ phù hợp với một cách thức giáo dục khác nhau. Ted chưa ngoan phải chăng là vì các thành viên trong nhà chưa thật sự đặt bản thân vào cậu, đồng hành cùng cậu, chưa tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với cậu?

“Phựt. Phựt. Chỉ khâu đứt từng mũi, từng mũi. Đồ bông trên đôi tay bé nhỏ của Ted đang dần bung ra. Một cơn gió thổi qua, khiến miếng vải xanh, sợi len rồi cả bông bên trong ruột nó bay tan tác.

Trên tay Ted chỉ còn lại chiếc huy hiệu đính trên nền vải xanh đã sờn rách te tua.” – Bốn câu văn, hai từ gợi tả âm thanh “phựt, phựt” cùng một số từ miêu tả hình ảnh cuối cùng của Blue nhưng tuyệt nhiên, không có từ nào miêu tả tâm trạng Ted. Ted nghĩ gì? Ted có ổn không?

Sau khi Blue tan biến, em vẫn là “đứa trẻ hư” vốn dĩ hay lặng lẽ thậm chí trầm cảm như những chuyến tàu điện Nhật Bản, ảm đạm, buồn bã, quạnh quẽ giữa màn đêm tĩnh mịch, cô liêu?

Em sẽ ra sao, sẽ thế nào hả Ted?

Đánh giá: 8/10

Tác Giả: Hoa Sữa