Rate this post

Thierry Maugenest là một dịch giả văn học người Pháp, và cũng đã có vài tác phẩm cho bản thân mình. Những tiểu thuyết của Maugenest như Manuscript MS 408 (2005) hay La Poudre des rois (2004) đều được ông viết theo hơi hướm cổ điển, huyền bí nhưng cũng không kém cạnh về số lượng kiến thức về lý luận triết lý hay các lĩnh vực liên quan đến câu chuyện.

Mang một chút bí hiểm và tâm linh, phong cách của Maugenest được đánh giá là phá vỡ các nguyên tắc thường thấy trong các câu chuyện trinh thám cũng như các quy tắc tường thuật câu chuyện.

Bí Ẩn Di Cảo 408 là một câu chuyện hư cấu, dựa trên một giai đoạn lịch sử có thật. Năm 1293, Triết gia nổi tiếng Roger Bacon, người được gọi là Doctor Mirabilis (người thầy tuyệt vời) đã rời nhân thế sau khi hoàn thành bản di cảo cả đời của ông, và mã hoá nó một cách thận trọng.

Bí Ẩn Di Cảo 408 Bí Ẩn Di Cảo 408

Ông phó thác bản mã hoá và bản giải mã cho người đồ đệ của mình là Jean de Paris, hy vọng anh sẽ bảo vệ tốt tâm huyết của mình. Kể từ đó đến thế kỷ thứ 21, trải qua hàng trăm năm, rất nhiều người từ các đời vua chúa, đến các bậc học giả đều muốn giải mã được bản di cảo này, nhưng hễ ai có dấu hiệu liên quan mật thiết đến đích đến cuối cùng của bản giải mã, đều hoặc là phát điên, hoặc là rơi vào tình trạng sống thực vật vĩnh viễn.

Bí ẩn về di cảo 408 không hề làm nguội đi sức nóng của những người khao khát về nó, mặc dù đã xảy ra rất nhiều chuyện không hay, cho đến khi Macus Calleron, một đặc vụ FBI, và là cựu sinh viên nghiên cứu và say mê sách cổ, vào cuộc điều tra.

Tuy nhiên, câu chuyện, như đã nói, không đi theo hướng điều tra đơn thuần của thể loại trinh thám, mà lại đi theo hướng khám phá và giải mã. Một số đoạn mã của Di Cảo 408 được đem ra phân tích tỉ mỉ và đan xen nhiều đề tài triết học. Hai luồng dẫn truyện ở hai thời không và tuyến nhân vật không hề liên quan giữa hiện đại và quá khứ tạo nên bầu không khí âm u lạnh lẽo và tăng thêm phần bí hiểm cho tác phẩm. Tuy vậy, câu chuyện khép lại là “không lời giải thích” cho những vụ việc đã xảy ra.

Sở dĩ mình gọi là “vụ việc” chứ không phải là “vụ án”, là vì những việc không may xảy ra lên người những người nghiên cứu Di Cảo 408 không được xác định là có tác động trực tiếp của con người, mà được đẩy trách nhiệm qua cho sức ảnh hưởng quá lớn của bản Di Cảo. Cá nhân mình thấy tác giả xử lý khúc này hơi đuối và có phần không triệt để.

Tình tiết câu chuyện gây tò mò, nhưng chưa đủ sức hấp dẫn vì phần lớn các nhân vật có thêm được thông tin một cách dễ dàng và may mắn, chưa đủ sức thuyết phục. Câu chuyện gây hứng khởi lúc đầu, nhưng cái kết lại tàm tạm chưa đạt đến mức mình kỳ vọng. Tuy nhiên nếu ai thích các đề tài giải mã, có thể đọc thử và tìm hiểu về Di Cảo 408 xem sao, vì đây là một vật có thật từng gây xôn xao giới học thuật thế giới và hiện đang được lưu trữ trong thư viện trường đại học Yale.