Rate this post

“Mình tiêu hết bốn ngày cho cuốn sách này. Ba ngày để đọc qua phần một, và chỉ nửa ngày để SỐNG trong chiến loạn ở phần hai.”

Nhân gian nằm nghiêng là hành trình ngược dòng lịch sử của Huỳnh, một cô gái hiện đại phước đức không mắc bệnh bánh bèo. Đừng liên tưởng tới thể loại xuyên không của ngôn tình. Bởi cái chuyện Nhân gian nằm nghiêng là ngôn tình nó cũng thật y như chuyện Quang Trung là bồ tèo với Càn Long và là “tình yêu vĩ đại” của Nguyễn Ánh.

Mình chia Nhân gian nằm nghiêng thành hai phần.

Phần một: Suýt được

Phần hai: Quá được

Phần một, nói một cách văn hoa, thì là khoảng lặng trước cơn bão, là dòng sông yên ả với những đợt sóng ngầm. Mà hễ mạch truyện cứ nhẹ nhàng một chút thì rất có triển vọng mình sẽ bỏ sách xuống. Mình khoái mạch truyện nhanh, kịch tính, dồn dập. Và trên thực tế thì mình đã bỏ sách xuống thật. Rồi sau đó, do tiếc rẻ con chữ mình lại bưng lên đọc tiếp.

Ngôn từ trong Nhân gian nằm nghiêng quả thực đáng đồng tiền bát gạo. Mình thích cái cách Hằng sáng tạo với con chữ, thích cái cách mà nét trẻ trung, hiện đại dung hòa với chất cổ xưa. Một phong cách đố tìm ra ở những tác phẩm dã sử được viết lên bởi một cây bút tên tuổi. Và mình tin điều đó sẽ giúp Nhân gian nằm nghiêng dễ dàng tiếp cận với giới trẻ hơn.

Phần một còn là bức tranh toàn cảnh về văn hóa cổ xưa. Trang phục, kiến trúc, tục xăm mình, tục để tóc ngắn, cạo trọc đầu, ném trầu trao duyên, tết Đoan Dương, Trừ Tịch, lối xưng hô quân thần,… Mình phải ngả nón khâm phục sự kiên trì của Hằng trong việc tra cứu tư liệu lịch sử Việt Nam, một trong những tư liệu thuộc hàng khó tra cứu bậc nhất thế giới (vì chiến tranh, loạn lạc và tự phá hoại). Thật may là Hằng không quá sa đà vào việc khoe khoang hiểu biết, nhồi nhét văn hóa vô tội vạ mà lạc luôn khỏi cốt chuyện. Hằng cũng khoe, nhưng khoe kín đáo. Hằng để cốt truyện tự nó dẫn dắt độc giả đến với cốt hồn cốt túy của dân tộc.

Nhân Gian Nằm Nghiêng Nhân Gian Nằm Nghiêng

Phần quá được của Nhân gian nằm nghiêng bắt đầu khi giặc Mông Nguyên tràn qua biên quan, ải Nội Bàng vỡ nát. Hưng Đạo vương đã có màn chào sân (lần hai) rất xứng đáng với tiếng tăm lừng lẫy trong sách sử. Đây là một trong hai trường đoạn mình thích nhất trong truyện. Còn trường đoạn thứ hai là cuộc đào thoát ngoạn mục của vua Trần ở Tam Trĩ nguyên, một trường đoạn hùng tráng đậm chất điện ảnh. Theo nguyên tắc cứ cái gì càng hay càng quý thì càng phải ủ kĩ, mình xin dừng phần này ở đây.

Một điều nữa khiến mình mê mẩn là dàn trai đẹp trong Nhân gian nằm nghiêng cực kì hùng hậu, toàn những nhân vật nổi đình nổi đám: Trần Khâm, Nhật Duật, Quốc Toản, Ích Tắc,… cả Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng vô cùng đẹp lão. Và đặc biệt là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, anh này khiến mình lần đầu tiên trong đời nhận ra đầu trọc mới thật dễ thương ghê gớm.

Tuy nhiên, tuyến nhân vật cũng là một điểm trừ của truyện. Quá nhiều nhân vật khiến cho khi phân chia đất diễn xong thì mỗi người chỉ được nửa mét vuông nho nhỏ. Nhân vật chính không nói, nhưng nhiều nhân vật phụ khá mờ nhạt, thậm chí có người mình còn không hiểu mục đích họ đến với thế giới này là gì nữa. Nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều, bởi dù sao đấy cũng chỉ là kép phụ của phụ. Tội nghiệp khủng khiếp! Tuy vậy, trong trường hợp Hằng muốn phát triển tiếp phần hai, thì cái chỗ thừa thãi này sẽ trở thành một dàn cast cực kì hứa hẹn.

Một điều đáng tiếc nữa là yếu tố tình yêu trong truyện quá khan hiếm. Dàn cast từ nam đến nữ đều quá bận rộn với trọng trách giải cứu thế giới. Cái tình tiết mùi mẫn nhất là một anh nào đó trong bộ sậu trai đẹp (xin phép không tiết lộ danh tính) giữ khư khư cái khăn duyên của bạn Huỳnh tới tận hai mươi mấy năm. Điều duy nhất mình thốt lên được là: “Khăn mua đâu bền dữ!”

Cuối cùng mình xin chốt lại một câu thôi. Hãy đọc Nhân gian nằm nghiêng, hãy sống giữa những con người đã tạc tên mình vào sử sách và cảm nhận huyết quản sục sôi hào khí Đông A.