Rate this post

Gói Thuốc Lá (Thế Lữ) – Dấu Ấn Văn Học Trinh Thám Việt Nam Thời Kì Đầu

Nhắc đến dòng văn học trinh thám Việt Nam cổ điển, có 2 tác giả quan trọng cần phải nhắc tới: Phạm Cao Củng và Thế Lữ. Thế Lữ nổi tiếng với bài thơ “Nhớ rừng”. Học sinh nào cũng được học. Nhưng tài văn chương của Thế Lữ lại bộc lộ mạnh mẽ hơn ở mảng văn xuôi kinh dị và trinh thám, cũng là những dòng văn học không thích hợp cho học sinh mà sách giáo khoa ngại đưa vào. Lớp trẻ bây giờ cũng vì đó mà khi nhắc tên ông thì chỉ biết danh thi sĩ Thế Lữ chứ không phải Thế Lữ một trong những cây bút trinh thám kinh dị xuất sắc Việt Nam

Thế Lữ bắt đầu sáng tác trinh thám từ năm 1937, trong bối cảnh dòng truyện hình sự này chưa được bén rễ ở nước nhà, vì vậy ông chọn cách học theo phong cách viết của Conan Doyle. Ở nước Anh có Sherlock Holmes, còn ở ta cũng có thám tử đại tài Lê Phong. Song hành cùng Lê Phong thời kỳ đó còn có thám tử Kỳ Phát của cố nhà văn Phạm Cao Củng. .Nhưng thật đáng tiếc thời kỳ 1930 – 1945 rực rỡ huy hoàng của nền văn học nước nhà đã sớm chìm nghỉm trong khói bụi thời gian, dòng văn học trinh thám mới đang trên đà lớn mạnh cũng gặp cảnh điêu tàn đó mà phai mờ đi

Lấy bối cảnh Hà Nội vào đầu những năm giữa thế kỉ XX tại xứ An Nam thuộc Pháp, trong 1 căn trọ cũ rích, Huy, Thạc, Bình phát hiện cái xác đẫm máu của người bạn Đường trong tư thế đọc sách với 1 con dao đâm vào lưng. Một danh thiếp ghi những con chữ kì lạ X.A.E.X.I.G nằm bên cạnh Đường. Từ manh mối lá thư cuối Đường gửi cho Lê Phong – nhân vật chính của truyện, tên người Thổ bí ẩn – kẻ có ân oán với Đường từ trước, trở thành điểm ngắm của mọi nghi vấn

Gói Thuốc Lá Thế Lữ Gói Thuốc Lá (Thế Lữ) - Dấu Ấn Văn Học Trinh Thám Việt Nam Thời Kì Đầu

Án mạng kế tiếp án mạng, trong 1 thời gian ngắn, lại thêm 1 vụ án mạng khác nữa xảy ra và lần này là 1 người trong số 3 người bạn khám phá ra án mạng đầu tiên, không chỉ thế, tấm danh thiếp quen thuộc cũng xuất hiện. Sở mật thám dưới sự trợ giúp của “Thiên Tài Trinh Thám” Kỳ Phương bắt tay vào truy nã tên người Thổ. Nhưng Lê Phong lại phản đối nghi vấn đó. Vậy là Kỳ Phương, Lê Phong, mỗi người một chiến tuyến trong vụ cá cược ai sẽ tóm được tên hung thủ trước

Có thể coi Lê Phong chính là Sherlock Holmes phiên bản Việt Nam. Từ cái tài phân tích cặn kẽ hiện trường án mạng cho đến thói hơi “ngông”, thích huênh hoang, thậm chí trong những trường hợp nước sôi lửa bỏng hay căng thẳng tột độ vẫn có thể bông đùa cười cợt, làm vẻ mặt “ta đây đếch sợ gì”. Nhưng khi nhìn kỹ lại những câu nói bông đùa tưởng chừng “không nghiêm túc ” ấy lại hàm chứa những ẩn ý quan trọng cho vụ án

Nhìn chung, tôi cảm nhận cuốn sách có lối viết truyện hấp dẫn, ngắn đến dễ sợ và lôi cuốn đến phút chót. Quả thật do nhiều năm đọc trinh thám cổ điển của Conan Doyle và Agatha Christie nên tôi dễ dàng dự đoán được hung thủ qua cách thức gây án và motif quen thuộc. Tuy nhiên không thể phủ nhận xét vào bối cảnh thời đó, viết được một truyện hình sự hấp quả thực tài năng của tác giả đã đạt đến đỉnh cao, quả thực quá tài! . Tên truyện cũng là một dấu hỏi lớn, một bí ẩn cần được giải mã. Một gói thuốc nhỏ có tác dụng gì trong vụ án này? Nếu muốn biết,….. bạn phải kiên nhẫn xem đến kết truyện.

Hồi đầu năm 2015, trong 1 lần tạt  qua tiệm sách Nhã Nam Phạm Ngọc Thạch coi sách mới , tôi vô tình thấy lại cuốn “Vàng và máu” của cố nhà văn đã được tái bản, với bìa mới đẹp mê hồn và quỷ dị làm sao. Biết được tin công ty Nhã Nam cùng Hội Nhà Văn đã cho in bộ Việt Nam Danh Tác có bao gồm nhiều sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cũ, tôi rất mừng. Lúc đó tôi lại nhớ về cuốn truyện trinh thám đó với lòng tràn đầy hy vọng Nhã Nam sẽ tiếp tục tái bản cuốn sách, làm mới lại tên tuổi nhà văn giúp các bạn trẻ được trải nghiệm tinh hoa văn học xưa.

Đáng buồn thay, 2 năm sau, “Vàng và máu” bỗng dưng ngừng tái bản và tuyệt nhiên biến mất cho đến nay, di sản cố nhân lại chìm vào quên lãng xa rời thế hệ bạn đọc. Nhưng, trong lòng tôi vẫn ấp ủ hy vọng, là một ngày kia sẽ thấy một “Gói thuốc lá” và “Vàng và máu” mới được bày trên kệ gỗ cùng cảnh đầy ắp những bạn đọc đang háo hức đọc kiệt tác của cố nhân như bao danh tác Việt Nam 1 thời đó…