3.7/5 - (3 bình chọn)
  • DẶM XANH (THE GREEN MILE)
  • Tác giả: Stephen King. Dịch giả: Anh Tuấn
  • Thể loại: Trinh thám, văn học cổ điển

Dường như chưa từng có cuốn tiểu thuyết nào khiến tôi khóc nhiều lần như cuốn Dặm Xanh. Tôi không rõ là vì câu chuyện thực sự cảm động (90% chắc là vì vậy) hay vì tôi đọc nó trong lúc cả thể trạng và hoàn cảnh sống nhất thời đều đang không ổn, dẫn đến tâm lý yếu đuối nên dễ khóc (ồi mà mọi thường tôi có mạnh mẽ chút nào đâu). Nếu bỏ qua những thời điểm sũng nước mắt thì còn lại tôi phải thừa nhận Dặm Xanh là câu chuyện tuyệt vời nhất của tháng 3/2022, và không chừng sẽ là một trong những câu chuyện tuyệt vời nhất trong suốt quãng đời đọc sách của tôi.

Truyện được viết ở hai khoảng thời gian khác nhau: các sự kiện chính diễn ra ở thì quá khứ vào năm 1932 tại quận Cold Mountain thuộc bang-nào-đó-mà-tôi-cũng-không-biết-nữa, còn ở thì hiện tại là nhân vật chính của truyện đang trải qua những ngày tháng cuối đời ở viện dưỡng lão và hằng ngày viết lại câu chuyện của đời mình. Nhân vật chính là Paul Edgecomb, quản giáo nhà tù tại Cold Mountain vào năm 1932. Ông cùng các đồng nghiệp làm việc tại Khu E, là khu mà các tù nhân trải qua những tuần lễ cuối cùng trước khi bị xử tử trên ghế điện. Mùa thu năm ấy, nhà tù nhận vào gã da đen khổng lồ John Coffey, bị kết án là hung thủ của vụ cưỡng hiếp và sát hại dã man hai đứa trẻ sinh đôi 9 tuổi. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Paul và John đã (kiểu như) tâm linh tương thông (xin lỗi vì tôi dùng cách diễn đạt đậm chất Tung Cụa này, nhưng tôi chưa nghĩ ra cách nào khác để miêu tả chính xác hơn). Ngoài John Coffey, Khu E cũng giam những tù nhân khác, tuy họ đều là phạm nhân đã gây ra những tội ác khủng khiếp không thể dung thứ, nhưng qua cách mô tả của tác giả, những quản giáo và phạm nhân này hình thành một xã hội thu nhỏ, có cả tốt lẫn xấu chứ không chỉ có xấu. Paul Edgecomb bị bệnh nhiễm trùng tiết niệu rất nặng, và vào năm 1932 thì căn bệnh này chưa thể được chữa trị dễ dàng. Nó khiến mỗi lần ông đi vệ sinh là một lần chịu cực hình. Thế nhưng, vào một ngày nóng bức không có gì đặc biệt, John đã chữa khỏi bệnh cho Paul chỉ bằng một cú chạm tay.

DẶM XANH [Review] Dặm xanh

Xem thêm:
[Review] Lâu đài cát
[Review] Lịch sử tư tưởng Trung Quốc
[Review sách] Mây Khói Vàng Son

Tôi mong rằng đoạn tóm tắt truyện với những câu từ lõm bõm và cách diễn đạt chập chững của mình sẽ không khiến độc giả khác mất hứng với cuốn Dặm Xanh, vì tôi cho rằng đây là một quyển sách tuyệt đối đáng đọc. Dặm Xanh là cuốn tiểu thuyết cổ điển thứ hai tôi đọc trong vòng chưa đến nửa tháng, chất trinh thám không nhiều, thậm chí bố cục truyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại có thể khiến một số bạn đọc chê là dài dòng khó theo dõi. Tuy vậy, qua phần giới thiệu thì tôi biết được rằng Dặm Xanh được viết theo lối chương hồi, mỗi chương được xuất bản thành một tập nhỏ, hồi sau thường lặp lại đoạn cuối của hồi trước như một cách nhắc cho độc giả nhớ, còn hồi trước thì toàn kết thúc bằng một câu rất gây tò mò hồi hộp, buộc độc giả phải lập tức đọc tiếp. Cuốn sách hơn 500 trang mà tôi đọc chỉ trong hai ngày, đủ hiểu rằng Stephen King đã gieo vào câu chuyện của mình ma lực mãnh liệt như thế nào. Mà cũng chưa cần đến câu kết thúc chương, ngay giữa những đoạn bình thường, tác giả cứ hay viết mấy câu đại loại như “Liệu tôi có nói vậy nếu biết trước điều sắp xảy ra không?”, thế là người đọc phải vội vàng ngấu nghiến vì đoán rằng chỉ sau vài câu nữa thôi, một chuyện long trời lở đất nào đó sẽ diễn ra.

Dài dòng nãy giờ, tôi vẫn chưa viết lý do chính khiến tôi mê mẩn Dặm Xanh: đây là một câu chuyện hết sức nhân văn, thông điệp được truyền đạt là mỗi người hãy cố gắng sống tử tế hết mức có thể, đối xử với đồng loại – và cả những sinh linh không phải đồng loại – bằng sự thấu hiểu, tôn trọng và thương yêu. Bối cảnh truyện diễn ra vào năm 1932 và năm 1996 ở Mỹ, năm 1932 thì tình trạng phân biệt chủng tộc còn vô cùng gay gắt, người da màu không được xem như con người; còn năm 1996 thì tình trạng bắt nạt đối với kẻ yếu xảy ra ở cả những nơi lẽ ra chỉ nên tồn tại lòng thương và sự chăm sóc đầy kiên nhẫn. Khi đọc Lời Nói Đầu khá dài và biết rằng trong truyện có một chú chuột, tôi hơi ngán ngẩm nghĩ rằng ‘Không lẽ đây là truyện động vật hay truyện trẻ con sao?’, nhưng rốt cuộc đến chương viết về chú chuột đó thì tôi vừa đọc vừa khóc, khóc xong thì lập tức đi âu yếm nựng nịu chú mèo đen của tôi – ừ thì chúng đều là động vật mà, và khi mình không thể bày tỏ tình thương với một chú chuột trong tiểu thuyết thì mình hoàn toàn có thể bày tỏ tình thương với chú mèo mình nuôi trong đời thực.

Tôi cũng bất ngờ với chính mình vì ưa thích cuốn Dặm Xanh nhiều như vậy. Truyện có vô số những câu đậm chất văn chương, nhưng cũng không ít câu miêu tả trần trụi dễ sợ. Các nhân vật chính hầu hết đều là nam, vai trò của họ trong truyện là quản giáo và tù nhân, tức là toàn những gã đàn ông to lớn, bặm trợn, nói năng bỗ bã, mùi mồ hôi chua lòm. Vậy mà tôi lại thấy câu chuyện vô cùng hay và tràn đầy tình người.

“Không phải lúc nào người ta cũng hiểu rằng nhã nhặn không đồng nghĩa với mềm yếu, và đó là lúc cần đến những người như tao. Tao chả cần phải thanh lịch làm gì. Tao cứ thế nói toạc ra thôi. Vậy nên nghe cho rõ này: nếu mày nuốt lời là bọn tao chết mẹ luôn. Nhưng rồi bọn tao sẽ tìm mày – dù có phải đi tận sang Nga đi chăng nữa – và làm thịt mày, không chỉ ở lỗ hậu đâu, mà là bất cứ cái lỗ nào trên người mày luôn. Bọn tao sẽ làm vậy cho đến khi mày ước gì được chết đi, rồi bọn tao sẽ đổ giấm vào những chỗ đang chảy máu. Mày hiểu rồi chứ?”

>> Lúc đọc đoạn trên, tôi rất khoái chí và vừa đọc vừa cười, vì nó được nói bởi một người đàn ông mạnh mẽ, quả quyết và thường ngày rất TRẦM TĨNH.

Ngay sau sự việc John Coffey (đọc giống coffee) chữa lành chứng nhiễm trùng tiết niệu cho Paul Edgecomb, tôi liên tưởng đến cuốn “Nơi chốn lưu đày” của Jodi Picoult, một quyển sách mà tôi rất rất không thích, tiếc tiền mua và vội vã cho nó ra khỏi nhà sau khi đọc được vài chục trang. Tôi không bài xích phép màu xảy ra trong truyện trinh thám, nhưng nếu phép màu đó mang hơi hướm tôn giáo quá đậm đặc, thì đó không phải gu của tôi. Thành thật mà nói, Dặm Xanh cũng chứa đựng không ít những câu thể hiện tín ngưỡng của các nhân vật, cụ thể là lòng tôn thờ Chúa, vì các nhân vật đều là người Mỹ. Thế nhưng, tôi vẫn có thể nhẫn nại đọc hết, là vì thông điệp của câu chuyện quá cao đẹp, gieo vào lòng tôi những mơ mộng thực tế. Tôi mạnh dạn cho rằng Dặm Xanh nên được đọc bởi các quản giáo nhà tù và tất cả mọi người khác (hehe), vì câu chuyện đáng đọc này sẽ góp phần giúp người đọc phân biệt phải trái đúng sai, chậm rãi nhận ra và quyết định đứng về phía chính nghĩa.

“Tôi mệt mỏi vì phải bước trên con đường này, cô độc như một con chim cổ đỏ trong mưa. Không có bất cứ người bạn đồng hành nào hoặc ai đó nói cho tôi biết chúng tôi đến từ đâu hay đang đi tới đâu hay tại sao. Tôi mệt mỏi vì mọi người tệ bạc với nhau. Như thể trong đầu tôi có những mảnh kính vỡ. Tôi mệt mỏi với những lần mình muốn giúp đỡ nhưng không thể. Tôi mệt mỏi vì phải ở trong bóng tối. Hầu như lúc nào cũng đau đớn. Chúng quá nhiều…”.

Sau gần cả bài review nói quanh quẩn mà không-biết-có-giúp-người-khác-hứng-thú-với-sách-hay-chưa, tôi nghĩ mình cũng nên nói một chút về tựa đề Dặm Xanh. Màu xanh này là xanh vỏ chanh, không phải xanh dương, không phải sắc màu đại diện cho hy vọng hay hòa bình. Dặm Xanh trong truyện cũng không gợi chút hy vọng hoặc hòa bình nào cho những người nhìn thấy nó. Tôi thấy tác giả Stephen King đã chọn một tựa đề thật đặc sắc cho cuốn tiểu thuyết của ông: một dặm không quá dài nhưng cũng không hề ngắn, và dù là Green Mile trong tiếng Anh hay Dặm Xanh trong tiếng Việt đều khiến người chưa đọc truyện liên tưởng đến đồng cỏ, nhưng tôi nói bạn biết nha, không phải đồng cỏ đâu.

Trong lúc đọc, tôi nhớ ra là cách đây mười mấy năm, tôi đã được xem bộ phim Dặm Xanh bằng đĩa DVD, cảnh hành hình trên ghế điện đã ám ảnh tôi suốt nhiều năm, nhưng nay khi đọc những cảnh ấy được mô tả rõ ràng bằng chữ, tôi không sợ hãi nữa mà chỉ thấy thương cảm. Tôi không tìm hiểu kỹ trước khi viết review này, nhưng lờ mờ cho rằng dường như cách xử tử bằng ghế điện đã bị dẹp bỏ thì phải. Trong trường hợp cần chấm dứt mạng sống của những tên đại gian ác thì tôi nghĩ một viên đạn hoặc một con dao là đủ, và không nên xử tử một con người trước sự chứng kiến của “khán giả” (tuy nói vậy nhưng nếu tôi là người nhà nạn nhân thì không biết tôi có nghĩ khác hay không). Sau khi đọc xong Dặm Xanh, dù rất ưa thích quyển sách nhưng tôi tuyệt đối sẽ không tìm phim để xem lại, vì các dây thần kinh yếu đuối của tôi sẽ không chịu nổi đâu.

Cảm ơn vị sư huynh học giả trời Tây đã tặng em Biển quyển sách tuyệt vời này. 1980 novel vui lòng không copy review này để quảng bá sách, tôi xin cảm ơn.

(Sea, 7-3-22) – Review: Cáo Biển Non Xanh – Group: Hội Review dạo [Sách]