Rate this post

Tác giả: Matsumoto Seicho. Dịch giả: Phan

Thể loại: Trinh thám cổ điển Nhật

Khi thấy thông tin phát hành cuốn “Lâu đài cát” của tác giả Matsumoto Seicho, tuy bìa không phải tông màu xanh dương nhưng không hiểu sao tôi cứ nhớ mãi về cuốn sách này, cảm thấy rất muốn đọc nó. Bẵng đi vài tháng, nhân dịp trò chuyện với người anh chưa từng gặp mặt, tôi ỉ ôi nài nỉ và chưa đầy 24 tiếng sau thì được anh ấy tặng sách. Đọc được hơn 1/3 quyển, tôi hơi chán với nhịp truyện chậm và cách viết có vẻ quá kỹ lưỡng của tác giả, nên định dừng đọc, đợi lúc nào có hứng sẽ tiếp tục. Thế nhưng, nghĩ đến tấm lòng của người tặng sách đã nồng nhiệt chìu chuộng, tôi cố gắng đọc tiếp và bắt đầu cảm thấy hào hứng khi chỉ còn 1/3 cuối truyện.

lau dai cat [Review] Lâu đài cát

Vốn không thích và luôn tránh đọc trinh thám cổ điển, tôi lại gặp ngay cuốn “Lâu đài cát” là một quyển trinh thám cổ điển. Tôi không nhớ rõ nhưng có lẽ bối cảnh truyện vào khoảng thập niên 50~60 ở Nhật, vì đó là sau khi Thế Chiến I chấm dứt, điện thoại di động và Internet chưa được phát minh, hầu hết mọi liên lạc đều bằng điện thoại bàn, và để thu thập thông tin ở nơi khác thì cảnh sát phải dùng phương tiện công cộng như xe bus, tàu hỏa, taxi. Sáng sớm một ngày trung tuần tháng 5, người gác phanh ở nhà ga Kamata cầm đèn đi kiểm tra các đoàn tàu thì phát hiện một tử thi với tử trạng thê thảm bị bỏ lại ngay dưới đoàn tàu sắp lăn bánh. Ngoài lực lượng cảnh sát địa phương, có cả Phòng chuyên trách hung án của Sở Cảnh Sát Tokyo tham gia điều tra. Sau khá nhiều ngày mà họ không phát hiện thêm điều gì mới, kể cả danh tính của nạn nhân. Qua lời khai mù mờ của vài nhân chứng ít ỏi thì kẻ tình nghi chẳng có đặc điểm nhận dạng nào đáng chú ý, đã vậy cứ như biến mất vào hư không. Rốt cuộc, nhờ vào một danh từ “Kameda” mà các nhân chứng nghe được, cảnh sát mới coi như có chút manh mối.

Xem thêm:
Người đàn ông tưởng nhầm vợ mình là cái mũ
Không ai có thể làm bạn tổn thương trừ khi bạn cho phép
Review Nếu chỉ còn một ngày để sống – Nicola Yoon

Như tôi đã viết ở đoạn đầu, cách viết của tác giả Matsumoto Seicho có vẻ rất kỹ lưỡng, chậm rãi, mỗi đoạn đều mô tả chi tiết hành động của các nhân vật, nội dung nói chuyện của họ, thậm chí ghi lại nguyên văn nội dung những văn bản mà họ đọc hoặc tra cứu… nên tổng thể bị kéo dài, tôi thường xuyên đọc lướt vù vù. Thêm vào đó, khi chứng kiến các nhân vật nữ quá sức lụy tình, tuổi đời thì trẻ trung, nhan sắc xinh đẹp, tính tình ngoan ngoãn mà cứ để mình bị lợi dụng bởi những gã đàn ông có hơi hướm ái kỷ + psychopath (rối loạn nhân cách chống đối xã hội) thì tôi bực bội và không muốn đọc tiếp. Tuy vậy, vì nghĩ đến công sức tác giả đã viết sao cho thật chỉn chu, nghĩ đến tấm lòng của người tặng sách, và bản thân cũng hơi tò mò với động cơ gây án + kết cuộc của truyện, tôi đã ráng đọc tiếp. 1/3 cuối truyện quả thật rất đáng đọc, nhịp truyện đỡ chậm, nhiều chi tiết được tỏ lộ, độc giả bắt đầu hình thành cảm xúc thương xót nên có đối với các nạn nhân, và sự căm ghét không thể tránh khỏi đối với kẻ thủ ác.

Trong truyện có một nhóm nhân vật trẻ tuổi mang tư tưởng cách tân trong nhiều lĩnh vực. Qua nhiều đoạn viết về nhóm này, về tư tưởng, hành động, lời nói của họ, tôi mơ hồ nghĩ rằng tác giả Matsumoto Seicho muốn thể hiện và nhấn mạnh sự khác biệt rõ rệt (và đôi lúc là đối chọi gay gắt) giữa thế hệ trước và thế hệ sau, lấy ranh giới là Thế Chiến I ở Nhật. Bên cạnh quá trình điều tra phá án được miêu tả rất chi tiết, tác giả cũng đưa vào truyện không ít kiến thức khoa học mới mẻ về âm nhạc, âm thanh, kịch, phim ảnh… Hồi trước, lúc đọc truyện của bác Jeffery Deaver và gặp những đoạn phân tích khoa học, tôi luôn chịu khó đọc hết, nhưng càng có tuổi càng ít kiên nhẫn, giờ gặp những đoạn khoa học mà khó hiểu thì tôi lướt nhanh, chỉ tập trung vào yếu tố trinh thám. Với cuốn “Lâu đài cát”, tôi cho rằng tác giả đã bỏ nhiều tâm huyết để đem đến một tác phẩm hoành tráng và hoàn chỉnh cho độc giả. Kiểu trinh thám suy luận này có lẽ sẽ làm hài lòng rất nhiều độc giả mê thể loại cổ điển. Đọc đến cuối truyện thì tôi gặp đoạn này:

“ ’Lâu đài cát’ ra mắt không phải ở dạng sách, mà ở dạng truyện dài kỳ đăng báo, gồm 337 hồi đăng tải từ 17/5/160 đến 20/4/1961 trên ‘The Yomiuri Shimbun’… Tác phẩm thu hút mối quan tâm sâu rộng của người đọc nhiều thế hệ, cũng khiến nó được chuyển thể thành phim rất nhiều lần suốt 60 năm qua…”.

Vốn đã quen với hình tượng những phụ nữ mạnh mẽ trong truyện trinh thám Âu Mỹ như Amelia Sachs hoặc Tracy Crosswhite, tôi rất bất nhẫn với sự yếu đuối cam chịu của các cô gái trong “Lâu đài cát”. Truyện thể hiện rõ một xã hội Nhật Bản vẫn còn bị ảnh hưởng toàn phần bởi tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ, người vợ thậm chí không được trò chuyện về công việc của chồng. May mà nhân vật chính Imanishi Eitaro là một cảnh sát mẫn cán, làm việc đến phờ phạc cả người, chứ không thì với kiểu nằm trong chăn đọc báo để vợ cơm bưng nước rót như thế, anh ta nhất định sẽ chuốc lấy những lời phê phán của tôi.

Cả truyện không có tòa lâu đài cát nào, nhưng khi đọc xong, độc giả sẽ nhận ra hình tượng “lâu đài cát” dùng ám chỉ điều gì. Tuy nhiên, tôi không đồng tình lắm với ý nghĩa của “lâu đài cát” trong cuốn này. Một lâu đài dù là bằng cát hoặc xây trên cát, tuy sớm muộn cũng sẽ trở về với cát, nhưng sự hiện diện của nó không gây hại cho ai. Còn “lâu đài cát” trong truyện này, những người xây nên nó đã bất chấp tất cả, không màng đến cả nhân tính của mình.

Cuốn sách này được dịch và biên tập khá kỹ, ngoại trừ chỗ “tòa nhà điều độ” nên thay bằng “tòa nhà điều hành” thì tôi không tìm được lỗi nào khác để bắt bẻ. Bìa sách khá hợp với nội dung. Tuy bản thân không chuộng trinh thám cổ điển nhưng tôi vẫn muốn nói rằng “Lâu đài cát” của Matsumoto Seicho là một quyển sách không nên bỏ lỡ đối với mọi mọt trinh thám.

(Sea, 1-3-22)

Review: Cáo Biển Non Xanh – Groups: Hội Review dạo [Sách]