Rate this post

Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng tổ chức triển khai quán triệt đến các chi, đảng bộ ngành, cơ quan trong khối tuyên truyền; phổ biến đến các đảng bộ cấp huyện, trực thuộc để phối hợp; đồng thời, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo Hội Nhà báo cùng các cơ quan báo chí trong tỉnh và các ngành liên quan cụ thể hóa, tổ chức thực hiện. Năm 2009, Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Thông báo kết luận số 221-TB/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp hội nhà báo Việt Nam” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới” và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí”. Từ năm 2004 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tạo điều kiện cho hội viên hoạt động báo chí, tăng cường công tác quản lý thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh.

Thông qua việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, các cấp ủy đảng địa phương, cấp ủy đảng cơ quan báo chí, cán bộ, hội viên, phóng viên, biên tập viên ý thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của Hội Nhà báo là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước. Hàng năm, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp gỡ lãnh đạo, phóng viên báo chí của tỉnh và phóng viên các báo Trung ương, báo ngành và địa phương khác thường trú trên địa bàn tỉnh vào dịp đầu năm mới và kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của giới báo chí, kịp thời ghi nhận những kết quả đạt được của báo chí đóng góp vào thành tựu chung của tỉnh.

Trong nhiều năm, Hội Nhà báo tỉnh đã không ngừng củng cố, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động. Hội có trụ sở riêng, được cấp kinh phí hàng năm, có biên chế chuyên trách; Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2015 – 2020 là 09 đồng chí. Tổ chức Hội phát triển nhanh chóng, từ 100 hội viên sinh hoạt ở 6 chi hội (năm 2005) đến nay có trên 150 hội viên sinh hoạt tại 05 chi hội trực thuộc. Công tác chính trị tư tưởng luôn được quan tâm đẩy mạnh. Hàng năm, Hội đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức các lớp nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cho tất cả hội viên, phóng viên báo chí. Đẩy mạnh việc triển khai sâu rộng các nội dung quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, gắn với thực hiện học tập và làm theo Bác, việc tu dưỡng, rèn luyện của người đảng viên. Hội viên, phóng viên, những người làm báo trên địa bàn tỉnh có ý thức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”… Cán bộ, hội viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong tác nghiệp; là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, bám sát thực tiễn cuộc sống để phản ánh kịp thời, trung thực và hiệu quả các mặt đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cấp ủy và chính quyền địa phương.

Về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, trong 15 năm qua, Hội Nhà báo tỉnh thường xuyên đổi mới, đa dạng về phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động. Hội đã phối hợp với Học viện Báo chí tuyên truyền, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí Trung ương, Sở Nội Vụ, Trường Chính trị tỉnh… tổ chức 30 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho trên 300 lượt hội viên; bình quân mỗi năm mở 02 lớp. Ngoài ra, nhiều Chi hội trực thuộc như Báo Quảng Bình và Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Bình đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên theo đặc thù loại hình báo chí. Một trong những sinh hoạt nghiệp vụ của Hội Nhà báo tỉnh là tổ chức các giải báo chí định kỳ, nhằm đánh giá kết quả tác nghiệp của những người cầm bút trên lĩnh vực báo chí, đồng thời, góp phần giúp các cơ quan báo chí phát hiện và bồi dưỡng nhân tài để bổ sung lực lượng kế thừa, phục vụ sự nghiệp phát triển báo chí tỉnh nhà. Giải báo chí tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện từ năm 1997, Giải được tổ chức 2 năm một lần. Đến năm 2015, trước sự đổi mới và phát triển của báo chí, Giải báo chí tỉnh được nâng cấp lên xét theo định kỳ hàng năm và trao giải vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6). Ngoài ra, các chi hội cũng đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt, những câu chuyện cảm động, ảnh đẹp báo chí… thu hút sự tham gia tích cực của hội viên, phóng viên.

Hội thực hiện mỗi năm ra 2 kỳ đặc san Người làm báo Quảng Bình vào dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 và Tết Nguyên đán, ngoài ra biên tập, xuất bản thêm một số đặc san nhân dịp chào mừng Đại hội Nhiệm kỳ Hội Nhà báo tỉnh, chào mừng đại hội đảng các cấp và các sự kiện lớn khác của tỉnh. Đặc san đã trở thành tài liệu nghiệp vụ để giao lưu với Hội Nhà báo các tỉnh, thành trong nước. Thông qua các hoạt động này, góp phần giúp hội viên mở rộng tầm nhìn, hội nhập sâu rộng hơn để nâng cao trình độ, bổ sung kiến thức làm báo mang tính chuyên nghiệp, hiện đại hơn.

Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh thường xuyên chỉ đạo Ban Kiểm tra và các Chi hội Nhà báo trực thuộc chủ động, kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng và quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, phóng viên; kiên quyết đấu tranh, lên án các hành vi cản trở các nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Việc động viên, khen thưởng được Hội quan tâm thực hiện, đi vào nền nếp. Hội đã xây dựng quy chế động viên, khen thưởng hàng năm, khen thưởng đột xuất và đề nghị các hình thức khen các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí, nhất là những tập thể, cá nhân trực tiếp hoạt động ở những địa bàn khó khăn.

Công tác phối hợp trong chỉ đạo hoạt động báo chí được thực hiện chặt chẽ. Hội Nhà báo tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông duy trì tổ chức hội nghị giao ban báo chí hàng tháng. Từ đó, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ quan báo chí, kịp thời ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được, đồng thời, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, định hướng công tác tuyên truyền trong tháng tiếp theo. Các kỳ họp giao ban còn là nơi để các cơ quan báo chí phản ánh tình hình dư luận xã hội, đề xuất ý kiến cho công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trên địa bàn. Hội thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh tổ chức giao lưu, hội thảo, tọa đàm, tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác, thống nhất nội dung tuyên truyền theo từng chủ đề, qua đó, giúp cho hội viên cập nhật thông tin kịp thời, có những tác phẩm báo chí chất lượng, sát thực tế, đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền; tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các cơ quan báo chí cũng như hội viên, đặc biệt là tạo tiếng nói chung cho các cơ quan báo chí.

Tuy vậy, thời gian qua, nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh còn chậm đổi mới, hoạt động của Hội có lúc còn đơn điệu, chưa tạo được sức thu hút đối với hội viên; vai trò tư vấn, phản biện đối với những vấn đề có liên quan đến hoạt động báo chí còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số cán bộ Hội, chi hội, hội viên chưa nhiệt tình, chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động Hội; thực hiện chưa hiệu quả Quyết định số 979-QĐ/HNBVN của Hội Nhà báo Việt Nam về việc sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương,…

Để tiếp tục xây dựng Hội Nhà báo tỉnh thực sự vững mạnh, xứng đáng là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo, phát huy khả năng, trí tuệ, sự nhiệt tình và tâm huyết của hội viên nhà báo trong công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thông tin báo chí. Xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, đổi mới về phương thức hoạt động, tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà báo trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; là trung tâm đoàn kết giữa các cơ quan báo chí và hội viên, là cầu nối nghiệp vụ báo chí với các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Thường xuyên bồi dưỡng lý luận chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm báo; bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhà báo; khen thưởng kịp thời đối với đơn vị và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, định hướng cho phóng viên, hội viên sáng tạo, chủ động phát hiện, khai thác, phản ánh sâu sát các nội dung trọng tâm trên các lĩnh vực. Những tác phẩm báo chí phải thực sự chất lượng, tạo sự hấp dẫn và thu hút. Tổ chức cho hội viên các chuyến đi thực tế sáng tác, các buổi hội thảo, tọa đàm về nghiệp vụ, tham gia các chương trình hoạt động xã hội, từ thiện. Phối hợp, trao đổi, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ với Ban biên tập các cơ quan báo chí, lựa chọn đăng tải nội dung các cuộc họp báo của tỉnh, phát biểu của ngành chức năng; kịp thời phản hồi thông tin, định hướng dư luận về các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Duy trì việc phát động và nâng cao chất lượng các giải báo chí của tỉnh và khuyến khích hội viên tham gia giải báo chí toàn quốc và khu vực tổ chức hàng năm, kịp thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng báo chí. Ban Chấp hành Hội tiếp tục phát huy vai trò, đề ra chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, phân công trách nhiệm cụ thể, củng cố hoạt động các Chi hội trực thuộc và hội viên, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác tuyên truyền trong tình hình mới.

KD