Rate this post

Đọc truyện ngắn, tiểu thuyết mãi cũng thấy chán nên hôm nay tôi quyết định sẽ đọc thơ để “đổi gió” một chút. Tôi tìm thấy cuốn Cánh Én Mùa Xuân, một cuốn thơ thiếu nhi cũ của nhà xuất bản Kim Đồng trên một trang web chuyên về sách xưa. Và thật tốt khi tôi đã không bỏ lỡ một cuốn sách dễ thương như vậy.

Cuốn sách khiến tôi yêu thích ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi bìa sách xinh xắn, tiếp nữa là các hình ảnh minh hoạ bên trong không màu mè, cầu kỳ mà vẫn đẹp dung dị và đáng yêu. Nó khiến tôi nhớ tới những cuốn sách giáo khoa của mình trước đây.

Cánh Én Mùa Xuân gồm có những bài thơ của các cây bút “nhí” thập niên 60-70 thế kỷ trước như: Hoàng Hiếu Nhân, Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên, Chu Hồng Quý và một số tác giả nhỏ tuổi khác.

Những bài thơ đó đều hết sức trong trẻo, dễ thương nói lên tình yêu quê hương, đất nước hồn hậu và thuần khiết của những đứa trẻ quê nghèo. Trong số đó tôi thích nhất những bài thơ của Cẩm Thơ và Hoàng Hiếu Nhân – một “thần đồng” thơ ca sánh ngang với Trần Đăng Khoa thời ấy.

Xem thêm: Review Bốn mươi năm nói láo – Vũ Bằng

Cánh én mùa Review Cánh én mùa xuân

Thơ Nhân tình cảm mà sắc sảo, vừa giàu liên tưởng vừa giàu chất triết lý: “Không ai thương mẹ bằng mặt trời thương quả đất / Đi suốt ngày vẫn chiếc hôn nóng rực / Những chiếc hôn đêm tối vẫn ấm lòng” ( Mặt Trời).

Hay những câu thơ khiến tôi rưng rưng xúc động trong bài thơ Bọn Trẻ Quê Em:  “Có đứa chưa từng biết ô tô tàu hỏa / Nhưng phân biệt rất tài Thần sấm, Con ma… Có đứa ham chơi quên cả giờ ăn / Vẫn nhớ ngày giặc hành hình anh Trỗi…”

Đây là hai bài thơ nằm trong chùm thơ đoạt giải A cuộc thi sáng tác thơ do báo Thiếu niên tiền phong tổ chức năm 1972 của Hoàng Hiếu Nhân. Khi đó, cậu bé Nhân chỉ mới mười tuổi. Sau này các bài thơ của tác giả đã được nhà xuất bản Kim Đồng in lại trong tập thơ Quả Địa Cầu năm 2016, hai năm sau khi Hoàng Hiếu Nhân qua đời.

Xem thêm: Hành trình thức tỉnh của tâm linh

Giống như Hoàng Hiếu Nhân thời đó, Cẩm Thơ cũng được nhiều người biết đến với bài thơ Chú Giải Phóng Quân(1969): “Chú là chú em / Chú đi tiền tuyến, nửa đêm chú về / Ba lô con cóc to bè / Mũ tai bèo, bẻ vành xòe trên tai…”. Bài thơ này đã từng được đưa vào chương trình giảng dạy của trường phổ thông cấp một.

Hoàng Hiếu Nhân và Cẩm Thơ là hai tác giả nổi bật nhất trong tập thơ. Cả hai tác giả cùng với những người bạn thơ đồng trang lứa của mình bằng tài năng thiên phú đã góp phần, cho dù rất khiêm tốn, làm nên diện mạo của thơ ca thiếu nhi Việt Nam nói riêng và thơ ca chống Mỹ cứu nước nói chung.