Rate this post

Phóng to

Được biết, dù thời điểm công bố rơi vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, nhưng hiện nay cả học sinh, thầy cô giáo và không ít phụ huynh luôn xôn xao “đoán già đoán non” môn này, môn kia.

Không chỉ học sinh khối THCS, hàng ngàn học sinh khối THPT cũng thấp thỏm không kém trong khi chờ ngành giáo dục công bố 6 môn thi tốt nghiệp. Tội nghiệp học sinh, dù phải chờ đến cuối tháng 3 mới “xổ số” nhưng nhiều trường đã chạy đua ráo riết với chương trình, chạy trước thời gian để chuẩn bị cho học sinh vượt “vũ môn”.

Có nhiều trường đã hoàn tất chương trình học kỳ 2 từ hôm trước Tết con Gà. Ngay thời điểm này, học sinh nhiều trường THPT đã bước vào giai đoạn luyện thi và không ít trường đã tổ chức cho học sinh “thi thử đại học” (!?).

Một không khí “nóng”, khẩn trương bao trùm như cuộc tập dượt cho một trận đánh lớn. Khổ nỗi, học sinh vào cuộc như vận động viên lội tự do giữa dòng, bởi các em cũng chưa biết môn nào sẽ được chọn để thi tốt nghiệp.

Suốt mấy năm qua, chuyện thời điểm công bố môn thi tốt nghiệp đối với cả 2 khối THCS và THPT, “là bình thường, không có gì mới mẻ” với những ai có con đi học, với những người gắn bó với ngành giáo dục. Nhưng ngẫm nghĩ mới thấy chuyện “bình thường” lại chứa đựng nhiều điều không bình thường.

Vì sao hàng chục ngàn học sinh phải chờ ngành giáo dục “xổ số” môn thi ? Người ta lý giải: Nếu công bố trước thì học sinh sẽ học môn này, bỏ môn kia; các trường sẽ dạy theo kiểu “đánh điểm”, đối phó, luyện thi… Rút cuộc, để chống cách dạy và học đối phó, ngành giáo dục đã… đối phó bằng cách chừa một số môn thi tốt nghiệp để công bố vào giờ chót.

Chính sách này có phải là giải pháp hữu hiệu ? Rõ ràng là không. Bằng chứng là để… đối phó lại với Bộ và Sở, nhiều trường đã bày ra mọi cách để dạy trước, tăng tiết, dạy thêm, truy bài, luyện thi, thi thử… Hậu quả, nạn nhân không ai khác là học sinh.

Có người lập luận mục đích của chính sách trên nhằm giúp học sinh học đều các môn, trở thành “con người toàn diện”. Nhiều phụ huynh – từng là học sinh – đã ra đời, thành đạt, đang công tác… chắc hẳn lạ lẫm với giải pháp… toàn diện này, hậu quả nhiều hơn hiệu quả, học sinh ngày nay ngán học hơn ham học.

Chuyện giờ chót công bố môn thi tốt nghiệp làm người ta liên tưởng đến những chính sách giáo dục “na ná” như công bố điểm sàn vào đại học, công bố điểm chuẩn và 4 nguyện vọng vào các trường THPT… mà hậu quả là nhiều phụ huynh và học sinh “lo bạc tóc, chạy hụt hơi”.

Gần đây, đã có nhiều ý kiến đặt vấn đề : Thi vào trường kinh tế, học làm kinh tế nhưng đầu vào hà cớ gì phải thi đủ 3 môn (Toán, Lý, Hóa) ? Trở lại chuyện công bố môn thi, chẳng lẽ không có giải pháp nào khác ngoài giải pháp “xổ số” – như một chính sách giáo dục kiểu “đánh đố”, “đối phó”… ?