Rate this post

Triết lý nhân sinh của người Trung Hoa thời hiện đại

(LV) – Trung Hoa là một đất nước rộng lớn, có nền văn hoá lâu đời trên thế giới, có lịch sử phát triển khoảng 5.000 năm, là nơi có nhiều phát minh vĩ đại như: Thuốc súng, la bàn, giấy viết…. Người Trung Hoa từ thời xa xưa đã có những ý tưởng độc đáo và sâu sắc về phương châm sống, về quan niệm sống trên nhân gian.

Lịch sử đất nước Trung Hoa cũng đã đóng góp cho nhân loại nhiều nhà hiền triết, những danh nhân vĩ đại như: Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử…. cùng những nhà thơ trác việt như Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Bạch Cư Dị ….

Nhà cải cách xã hội vĩ đại của Trung Hoa thời cận đại Lương Khải Siêu (1873 – 1929), có một lời khuyên rất hay cho mọi người, đại ý là: “ Mỗi ngày ta nên để ra một ít thời gian đứng ngoài cuộc đời. Sau mỗi tháng, mỗi năm đều phải dành thời gian thích đáng để làm việc đó. Người tầm thường thì luôn bị cuộc đời cuốn đi, khó có thể dừng lại được, kẻ sĩ thường hay xa rời cuộc sống của nhân quần, khó hoà nhập đời thường. Chỉ có những người có văn hoá, làm chủ được mình, mới vừa luôn hoà nhập với đời thường, lại vừa có thể tách ra khỏi cuộc đời thường nhật vào bất cứ lúc nào để nhìn lại chính mình, nhìn lại cuộc đời đã đi qua…”.

Tư tưởng ấy thật cần thiết cho mỗi con người, mang đậm tính triết lý, song lại rất thanh cao. Người Trung Hoa hiện đại đã diễn đạt một phương châm sống, một nhãn quan của cuộc sống theo “cách của người Trung Hoa”, đó là: “Một trung tâm, Hai một chút, Ba quên, Bốn có, Năm phải”.

ImageHandler Trang chủ - Làng Việt

Những nội dung cơ bản của triết lý nhân sinh

Một Trung tâm là lấy sức khoẻ làm trung tâm. Hai một chút là thoải mái một chút và hồ đồ một chút. Ba quên là quên tuổi tác, quên bệnh tật và quên hận thù. Bốn có là có nhà ở, có bạn đời, có bạn tri âm và có sổ tiết kiệm. Năm phải là phải vận động, phải hoà nhã, lịch sự, phải biết cười, phải biết kể chuyện và phải tự coi mình là người bình thường.

Vậy “Một trung tâm” theo quan niệm của người Trung Hoa là gì ? Thường thì con người ta mãi tới lúc già yếu, hoặc khi ốm đau mới thấy sức khoẻ vô cùng quí giá. Rất may là chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn, y học ngày càng hiện đại nên tuổi thọ của con người sẽ còn cao hơn nữa. Câu ca “Sáu mươi tuổi chưa phải già/ Bảy mươi tuổi vẫn còn là trung niên” có lẽ sẽ không quá cường điệu đối với một số đông người Trung Hoa hiện đại. Hạnh phúc thay khi ai đó có một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể cường tráng và khoẻ mạnh.

“Hai một chút” đối với người Trung hoa là trong cuộc sống, đừng nên đạo mạo quá, đừng lúc nào cũng lên gân lên cốt quá. Ta hãy sống thật hồn nhiên như mình vốn có. “thoải mái một chút” là hợp với tự nhiên, bởi cuộc sống không thể lúc nào cũng căng như sợi dây đàn. Lỡ có sai thì hãy tự nhủ “hồ đồ một chút” chưa sao. Thậm chí hồ đồ nghiêm trọng sẽ phải trả giá đắt, đôi khi hối cũng không kịp nữa đâu.

Điều “Ba quên” là để cho lòng mình được thanh thản. Lỡ đã già rồi, lỡ mang bệnh tật rồi thì hãy quên đi, “quên đi tuổi tác” và “quên đi bệnh tật”. Hãy vui sống mỗi ngày bằng những công việc thường nhật có ích cho chính mình, cho những người thân yêu và cho đời. Cuộc đời riêng của mỗi chúng ta chỉ có thể thật thanh thản khi biết “quên hận thù”. Tuy rằng “quên hận thù” là việc làm không dễ đối với nhiều người, nhưng sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta thực lòng mong muốn có sự thanh thản trong tâm hồn.

Điều “Bốn có” của người Trung Hoa xem ra khá đời thường, dung dị và thiết thực, “có nhà cửa” và “có bạn đời”, tức là có một gia đình yên ấm, hạnh phúc. Cho dù thế giới này có văn minh, hiện đại đến đâu, biến đổi thế nào chăng nữa thì mãi mãi gia đình vẫn là tổ ấm, là tế bào bền vững của xã hội, là nơi trú ẩn cuối cùng đáng tin cậy cho những tâm hồn cô đơn đang bị tai hoạ phũ phàng rượt đuổi.

Không buồn gì bằng không “có bạn tri âm”, như thể “rượu ngon không có bạn hiền” vậy. Sống trên đời, ai cũng ít nhiều có bạn, những bạn tri âm, đồng cảm với mình, giống như “Bá Nha với Tử Kỳ” thì không phải người nào cũng có. Thiếu bạn tri âm, cuộc đời sẽ thiếu hụt đi một mảng lớn.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là chúng ta phải có của ăn, của để ở một chừng mực thích hợp, phù hợp với khả năng tài chính của mỗi người, dành dụm phòng khi xa cơ, lỡ vận…

Điều “Năm phải” lại khuyên chúng ta thực hiện một phong cách sống có văn hoá và lành mạnh. Trước hết “phải vận động” vừa phải và bền bỉ. Duy trì nếp tập thể dục thường xuyên, tuỳ theo điều kiện của mỗi người. Đó là cách tốt nhất để giữ cho thân thể được khoẻ mạnh và tinh thần sảng khoái.

Thứ hai là “phải hoà nhã, lịch sự”. Đó là phong cách không thể thiếu được đối với mỗi người, cho dù ở lĩnh vực nào và ở cương vị xã hội nào. Nét văn hoá ấy là của chung nhân loại, dân tộc nào cũng có, bất kể ở trình độ văn minh nào. Ta cũng hiểu rằng người có văn hoá không hẳn là người có học thức cao.

Thứ ba là “phải biết cười”. Biết cười có duyên không phải dễ. Không phải ai cũng ưa hài hước và tính hài hước không phải luôn có sẵn trong mỗi con người. Những người dễ cười, cũng như dễ khóc, thường là tốt bụng. Và đa số những người có tính hài hước thường giàu lòng vị tha.

Thứ tư là “phải biết kể chuyện”, tức là phải biết kể lại những điều mình biết một cách khúc chiết, rõ ràng, biết diễn đạt ý kiến của mình một cách sáng sủa. Nói rộng ra là phải biết giao lưu tư tưởng với mọi người. Người biết kể chuyện luôn luôn là người biết lắng nghe, bởi có chịu khó lắng nghe thì mới có cái để mà kể lại và mới biết kể như thế nào cho thích hợp đối với người sẽ nghe mình.

Sau hết và có thể nói là trước hết là ta “phải tự coi mình là người bình thường”. Điều này không phải ai cũng thể hiện được, nhất là các “ngôi sao” đang lên, các vị chức sắc ở các ngôi vị cao trong xã hội. Chúng ta vẫn thường nghe nói: “cái khó nhất là biết dừng ở chỗ nào” và “cái cần biết trước hết là tự biết mình”. Người biết tự coi mình là người bình thường sẽ dễ “biết mình” và cũng dễ “biết dừng” đúng lúc, đúng chỗ.

Hữu Giới