Rate this post

Để bày tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Bác, nhân dịp kỉ niệm 131 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2021), chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những lời dạy quý báu mà Bác dành cho thanh niên.

1(214) NHỮNG LỜI DẠY CỦA BÁC DÀNH CHO THANH NIÊN

“… Ngày nay chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nhà nước trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

(Thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tháng 9/1945).

“… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.

(“Thư gửi các bạn thanh niên”, ngày 12/8/1947)

“Không có việc gì khóChỉ sợ lòng không bềnĐào núi và lấp biểnQuyết chí ắt làm nên”.

(Bài thơ Bác tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312 làm đường tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn, ngày 28/3/1951)

“Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là “tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là: phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn, vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát. Bác mong mỗi cháu và toàn thề các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để xứng đáng với cái huy hiệu tươi

đẹp và vẻ vang ấy”.

(Thư gửi thanh niên, tháng 4/1951- Hồ Chí Minh toàn tập)

“…Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”

– Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực.

Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tư lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 455)

“Tính trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng to lớn thì phải có nhiệm vụ to lớn”

(“Nhiệm vụ của thanh niên ta”, báo Nhân dân ngày 20/12/1955)

“Bác rất yêu quý thanh niên:- Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai – tức là các cháu nhi đồng.- Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.- Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc”.

(Bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, ngày 20/12/1961)

“…phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên, gặp gian khổ phải đi lên phía trước, khi hưởng thụ phải hưởng thụ sau mọi người”.

(Bài phát biểu tại Hội nghị Cán bộ Đoàn thanh niên lao động toàn miền Bắc, tháng 9/1962)

“Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên… Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt.…Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.- Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”.- Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ.”

(Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc tháng 9/1962)

“ …Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.- Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.- Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”.

(Thư gửi thanh niên Ngày 2/9/1965)

“Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”.

(Nhiệm vụ của thanh niên ta, Báo Nhân Dân số 657 – Tháng 12/1955)

“Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn. Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa”

(Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, 20/12/1961, Sđd, tập 10, trang 489)

“Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:

– Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.

– Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.

– Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, trang 106)

Ngày nay, dù Bác đã đi xa nhưng những lời dạy ân cần, sâu sắc và vô cùng quý báu của Người mãi mãi khắc sâu trong muôn triệu trái tim thanh niên Việt Nam. Những lời dạy đó là minh chứng cho tình yêu thương vô bờ bến và niềm tin Bác dành cho thế hệ trẻ. Đó sẽ là động lực lớn lao, là kim chỉ nam cho lớp lớp thanh niên Việt Nam cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện để trở thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên” như Bác hằng mong.

Sưu tầm và tổng hợp: Nguyễn Trung Anh – Lớp 11A1