Rate this post

Chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thanh Quý, ở Trung Tâm tư vấn Truyền thông, sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ cộng đồng thuộc Hội Kế hoạch hoá Gia đình Việt Nam, cho biết có rất nhiều phụ nữ gọi điện đến đây để tâm sự về nỗi bức xúc, đau đớn khi phát hiện chồng đi “ăn bánh trả tiền”.

Chồng họ vốn không phải kiểu đàn ông trăng hoa, thích của lạ hay vô trách nhiệm, bỏ bê vợ con, ngược lại, còn rất đúng mực nên sự thật ấy càng khiến họ bị sốc và ám ảnh nhiều hơn.

Chị Thanh đã gọi điện đến Trung tâm rất nhiều lần với tâm trạng bấn loạn, thường chỉ nói cho nhẹ bớt lòng chứ không nhờ tư vấn gì. Theo lời chị Thanh, từ trước đến giờ, ai quen biết cũng ao ước có được gia đình ấm cúng, nề nếp như anh chị. Chị cũng từng tin thế. Vậy mà, mới đây, chị lại biết, 3 năm trước, anh đã vui vẻ tới bến nhiều lần với gái nhà hàng.

Mặc dù, hiện tại anh không còn quan hệ với những cô gái này nữa, nhưng khi rà lại khoảng thời gian chồng thường “vui vẻ” ấy, chị thấy vừa uất vừa giận. Lúc đó, anh mới thành danh, bận công việc, phải tiếp khách và đi công tác liên tục. Chị thương chồng, ôm hết việc nhà, lại đón bà mẹ anh đang ốm yếu từ quê ra chăm sóc. “Hoá ra, khi mình vất vả thế, anh ta lại đi hú hí với đứa con gái dơ bẩn, không nghĩ một chút đến tấm lòng vợ”, càng nghĩ, chị càng đau đớn, dằn vặt và có lúc căm thù anh.

Thực ra, chị Thanh vẫn thương chồng, sợ anh mất danh dự khi còn đương chức, lại không muốn mọi người nghĩ khác về hạnh phúc hai người đã có, nên chẳng dám tâm sự với ai, đành tìm đến đường dây tư vấn.

Bà Thanh Quý cho biết, trong xã hội hiện nay, việc này không phải là hiếm gặp, nhất là với các ông trong giới kinh doanh. Họ là những người phải giao tiếp, quan hệ nhiều và đôi khi như cái lệ, sau tiệc chiêu đãi ở các nhà hàng sẽ là quán karaoke và có khi kết thúc tại nhà nghỉ.

Có nhiều người không chủ tâm nhưng lại khó cưỡng được ham muốn trong điều kiện quá thuận lợi, với hơi men, ánh sáng mập mờ, sĩ diện đàn ông, sự mời mọc của các “em” hay thái độ rủ rê khích bác của bạn bè.

Bà Quý kể, mới đây, có thanh niên đã gọi điện thoại đến tỏ ra rất lo lắng về một lần “trót dại” của mình. Anh ta vốn là phó giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Nội. Để nhận được hợp đồng, gói thầu, dự án, anh thường xuyên phải mời khách đến nhà hàng và đã quen với việc đưa họ đi giải trí “từ A đến Z”.

Anh sắp cưới vợ và không hề muốn dính vào chuyện đó. Nhưng gần đây, trong lần tiếp một ông khách nước ngoài, lúc hơi men chếnh choáng, anh không còn tự chủ được nữa và đã “quan hệ” với gái nhà hàng. “Liệu tôi có bị nhiễm bệnh không và phải làm sao để cô ấy không biết việc này?”, anh hoang mang hỏi các chuyên viên.

Theo bác sĩ Đào Xuân Dũng, chuyên gia về tâm lý và sức khỏe tình dục, điều nguy hiểm nhất khi người đàn ông “ăn bánh trả tiền” là họ rất dễ mắc các về tình dục và có thể lây cho vợ.

Có nhiều ông chồng “ăn bánh trả tiền” lại chỉ vì sĩ diện. Như anh Vinh, một thợ điện vốn hiền lành, chăm chỉ, yêu vợ, thương con ở Hà Đông, Hà Tây, chẳng hạn. Sau buổi liên hoan họp lớp cấp 3 vào ngày cuối năm, cánh con trai rủ nhau đến quán karaoke và đi “vui vẻ” tiếp. Mặc dù không thích nhưng Vinh không dám về trước vì bị mấy thằng bạn châm chọc là “sợ vợ”, “đụt”.

Lúc đầu, anh cũng định chỉ đi cùng rồi hát hò tí thôi, không “làm” gì cả nhưng bạn bè khích bác, rồi sĩ diện nổi lên, Vinh tặc lưỡi: “Thôi, chỉ một lần, chắc cô ấy không biết đâu”.

Theo bà Quý, trong khi đa số đàn ông đều coi việc “ăn bánh trả tiền” là bình thường, chỉ để giải trí, thoả mãn nhu cầu sinh lý, thì với phụ nữ, nó lại là một chấn động tâm lý rất lớn. Các chị bị ám ảnh và thường không bao giờ quên được việc này. Họ dễ bị ức chế trong quan hệ chăn gối, có chị còn không muốn gần chồng, cảm giác ghê sợ và trở nên khinh bỉ khi biết sự thật.

Có chị tên Mai, giáo viên một trường cấp 2 ở Hà Nội, tâm sự vợ chồng chị chung sống 3 năm và đã có một cô con gái rất xinh xắn. Gần đây, chị được tin anh đã thuê nhà nghỉ để vui vẻ với một cô gái làng chơi. Chị không tin nhưng khi hỏi tới, anh đã thú nhận và tỏ ra rất hối lỗi, mong chị tha thứ. “Mặc dù thương con, và vẫn còn yêu chồng, quyết định sẽ bỏ qua cho anh ấy nhưng tôi không còn muốn nhìn mặt và nói chuyện với chồng. Mỗi lần nghĩ đến cảnh anh ta quấn lấy một đứa con gái khác là đầu tôi muốn vỡ tung”, chị nói.

Theo bác sĩ Dũng, người đàn ông có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân thường ở 3 dạng: Có tình cảm với phụ nữ khác như sự bù đắp cho những gì không tìm thấy ở vợ, không có tình cảm đặc biệt, quan hệ để thoả mãn nhu cầu chinh phục hay chỉ là ham vui và vui chơi kiểu “ăn bánh trả tiền”.

Theo ông, xét trên góc độ lý trí, thì ở dạng ngoại tình thứ ba, các bà vợ lẽ ra phải cảm thấy không đau khổ nhất. Bởi khi ấy, chồng họ “quan hệ” với phụ nữ khác mà không có một chút tình cảm nào, có thể quên ngay và chẳng ai nghĩ sẽ bỏ vợ để theo “bánh”.

Tuy nhiên, thực tế tâm lý các bà vợ lại không như vậy. Bởi với phụ nữ, trong quan hệ vợ chồng, ngoài tình cảm, họ còn dành cho người đàn ông của mình cả sự kính trọng, tin tưởng. Bởi thế, họ có cảm giác thất vọng, đau đớn là điều dễ hiểu.

Việc “xử lý” tội lỗi của chồng thế nào lại tuỳ vào sự hiểu biết, kinh nghiệm sống và sự độ lượng của mỗi người vợ. Theo ông Dũng, những người chín chắn, có hiểu biết về tâm sinh lý nam giới, thực sự yêu thương chồng thường ứng xử ôn hoà, bình tĩnh hơn và thực tế họ đã giữ được gia đình bằng cách đó.

Tuy nhiên, điều này còn tuỳ thuộc vào thái độ của người chồng. Nếu chồng vì bồng bột, không tự chủ được và đó chỉ là lần duy nhất thì các chị nên cho anh ấy cơ hội sửa sai và làm lại, còn nếu đã có tính “thích ăn bánh” sẵn thì khó thay đổi được.

Bà Thanh Quý thì cho biết, có những bà vợ còn bỏ bao cao su vào cặp trước khi chồng đi công tác hay nhắc nhở “vui vẻ nhưng nhớ an toàn”. Thế nhưng, mối quan hệ vợ chồng khi ấy chỉ còn là chịu đựng hoặc sự sòng phẳng mà thôi. Hoặc người vợ phải cam chịu chồng như thế, hoặc họ thấy cái người gọi là chồng còn giá trị lợi dụng (nhưng không muốn mình bị lây bệnh) nên phòng tránh cho bản thân. Trong cả hai trường hợp đó gia đình không còn mang nghĩa đơn thuần nữa.

Những bà vợ khéo léo thường “phòng hơn tránh” và dùng cách nói gián tiếp để cảnh báo chồng. Có thể là câu chuyện anh A ở công ty “trót dại”, mang bệnh vào thân, gia đình tan vỡ để cảnh báo ông xã về hậu quả của việc làm thiếu suy nghĩ. Hay có chị nhân một bài báo, một trường hợp nào đó mà thủ thỉ với chồng về cảm giác đau đớn, thất vọng của phụ nữ như thế nào khi biết chồng làm thế, rồi những nguy cơ bệnh tật có thể xảy ra.

Theo các chuyên viên tư vấn tâm lý và tình dục, dù trong trường hợp nào thì người vợ cũng cần khơi gợi được trách nhiệm của chồng với chính mình, với gia đình, vợ con. Một người chồng yêu vợ và có ý thức, trách nhiệm sẽ biết phải làm gì để bảo vệ mình và hạnh phúc gia đình.

Theo Thuỳ Minh

VNE