Rate this post

“Khi bạn tìm kiếm Thượng Đế, bạn thấy bản thân mình

Khi bạn tìm kiếm bản thân mình, bạn tìm thấy Thượng Đế”

Rumi

Jalal-ud-din Rumi (1207-1273) là nhà thần bí đồng thời là nhà thơ vĩ đại nhất của thế giới Islam cổ đại. Ông là nhà thần bí quan trọng trong trường phái bí giáo Islam có tên là Sufi – trường phái tâm linh đạt được chứng nghiệm về Thượng Đế và toàn thể thông qua nhảy múa, âm nhạc và thơ ca. Rumi xuất hiện vào cuối Kỷ nguyên vàng Islam, kỷ nguyên của đỉnh cao văn hóa và khoa học tại Trung Đông. Ông thừa hưởng tinh thần tự do của rất nhiều các học giả đi trước đã ca tụng, kết hợp với tính thơ ca thiêng liêng trong kinh Koran. Do đó, các vần thơ của ông vừa đẹp đẽ lại vừa hướng thượng, vừa đắm đuối say mê lại vừa siêu thoát tựa loài phượng hoàng, vừa khoái lạc ở cõi trần tục lại vừa bay bổng ở cõi thiêng. Thơ của ông nằm chênh vênh giữa hai thực tại: thế giới hiện hữu và thế giới siêu tuyệt. Bởi thế, mỗi vần thơ của ông chính là những chỉ dẫn cho chúng ta đến với cõi thiêng mà bất cứ ai đã bước chân trên con đường tâm linh nên đọc và chiêm nghiệm.

Thơ Rumi được ghi chép lại rất nhiều và mỗi người ghi chép và dịch sang tiếng Anh lại tiếp cận đến một phần trong lời chỉ dẫn của ông. Trong số các bản tuyển tập thơ Rumi, phải kể đến tập thơ “Lời dạy của Rumi” (Teachings of Rumi) của Andrew Harvey. “Lời dạy của Rumi” đã được xuất bản ở Việt Nam do Trung tâm Văn hóa Đông Tây phát hành, bản dịch của Nguyễn Kim Liên – Trần Thị Ánh Ngọc. Tập thơ đã tập hợp những triết luận và tư tưởng của Rumi về các đối thoại tâm linh ở bên trong và con đường chúng ta phải bước trên khi tìm kiếm Thượng Đế:

“Nếu bạn chối bỏ một phần của ánh sáng này, bạn giống như con dơi nói “Tôi phản đối mặt trời năm nay, nhưng tôi chấp nhận mặt trời năm ngoái”. Thật vậy, mặt trời năm nay hay năm ngoái thì có khác gì nhau. Nếu bạn nghĩ là bạn cảm thấy sự khác biệt nào thì đó là do bạn chưa thật sự trải nghiệm mặt trời năm ngoái”.

(Trích “Ánh sáng chỉ có một nhưng cửa sổ thì nhiều”)

Những lời dạy của Rumi có thể chia ra làm bốn bài học:

Trước tiên, bạn phải học rằng linh hồn của bạn là vô biên không giới hạn và bạn phải nới rộng kích cỡ của linh hồn mình. Mọi tôn giáo, triết học, khoa học đều có định nghĩa linh hồn, nhưng linh hồn là thứ không thể định nghĩa, bởi linh hồn có thể là giới hạn nhưng cũng có thể là vô hạn. Khi bạn bước trên con đường tâm linh, bạn cần thiết đối mặt với sự bất tận của linh hồn mình. Bạn sẽ hoang mang trước sự đối mặt này và cảm thấy đi mãi không biết được tận cùng, nhưng đó chính là con đường đúng đắn. Càng nới rộng kích cỡ linh hồn mình, bạn càng đến cần sự vô hạn và đạt tới toàn thể:

“Rượu nho là ân sủng vô hạn của thiên đàng:

Mọi giới hạn chỉ đến từ lỗi lầm của chiếc li.

Ánh trăng tuôn chảy từ chân trời này đến chân trời khác.

Những trăng vào phòng nhiều ít, tùy nơi ô cửa sổ

Em hỡi, hãy khiến cuộc đời mình là chiếc li xứng đáng

Vì Thượng Đế tạo nó, để giữ rượu thánh cho ngài”

(Trích “Rượu nho và chiếc li”)

Bài học thứ hai là linh hồn luôn say đắm với toàn thể và cuộc sống. Nếu linh hồn của bạn không thể thấy yêu cuộc sống dù nó có trăm ngàn cảnh tượng u tối, tức là linh hồn của bạn “đang lầm lạc” hoặc bị “lũ kền kền” dụ dỗ đi sai đường. Sự say đắm với toàn thể và cuộc sống (chứ không phải đời sống tầm thường), là phẩm chất nguyên bản của linh hồn. Nếu không say đắm đến vậy, linh hồn không thể kiến tạo ra thế giới muôn hình vạn trạng để rồi tự nới rộng kích cỡ của mình đến mênh mông:

“Trước khi linh hồn vũ trụ bắt đầu kiến tạo thế giới

Linh hồn chúng ta đã từng hạnh phúc trong kho rượu của Chân lý Thiêng Liêng

Linh hồn chúng ta đã từng như vũ trụ, và cái lý đựng linh hồn giống như mặt trời.

Vũ trụ đã từng ngập tràn trong ánh sáng của rượu thiêng.”

(Trích “Linh hồn của chúng ta từng như vũ trụ”)

Bài học thứ ba là linh hồn có thể nới rộng vô biên và vươn tới điều thiêng liêng bằng lý trí thánh nhân chứ không phải lý trí đời thường. Lý trí đời thường tự giới hạn linh hồn chúng ta trong những lập luận khô cứng, triệt tiêu khả năng cảm nhận cảm xúc, và biến chúng ta thành kẻ nhai lại các khái niệm cổ xưa rồi bước trên con đường mòn của những định kiến. Ngược lại, lý trí thánh nhân với sự thấu suốt và tình yêu (chứ không phải lập luận và định kiến) dẫn lối cho chúng ta đến với các chiều kích của nhiều thực tại, nâng tinh thần của chúng ta bay bổng, và bởi thế ta là loài phượng hoàng cao quý:

“Này em đáng thương của tôi ơi

Lí trí mập mờ như con kền kền

Nó đập cánh trên thi thể thối nát

Lí trí của Thánh nhân thì khác

Bay qua những tầng trời

Như đôi cánh Gabriel

Vút lên trong huy hoàng

Về nghỉ ngơi dưới bóng địa đàng.

Nó nói, “Ta – loài phượng hoàng

Ta lộng lẫy, phú quý,

Ta đâu cần rỉa xác

Ta không phải kền kền

Hãy bỏ kền kền phía sau,

Để ta dẫn đường cho em

Chỉ cần một bên cánh,

Còn hơn cả vạn kền kền suốt chuyến bay.”

(Trích “Bỏ con kền kền lại phía sau”)

Bài học thứ tư đó là kết nối với Thượng Đế hay toàn thể hay chân lý (bất cứ ngôn từ nào bạn có thể gọi tên) khiến chúng ta trở nên sống động và hài hòa chứ không phải trở nên khô héo và thiếu sức sống. Tư tưởng này của Rumi trái ngược hoàn toàn với hệ thống giáo hội của Islam cùng thời với ông, và càng trái ngược với bất kỳ một hệ thống tôn giáo nào lấy khổ tu và sự tĩnh lặng như cái chết làm tiêu chuẩn:

“…khi ta kết nối với Chúa trong hài hòa

Ta giống như cây sáo có thể cất lời ca về mọi thứ

Rời xa Ngài, ta trở thành câm lặng dù có biết cả ngàn bài ca.

Khi bông hồng đã ra đi và vườn hồng phôi pha

Em sẽ không còn nghe câu chuyện nào của loài họa mi nữa.

Chúa là tất cả những gì sống động, người yêu kính Chúa chỉ là vật chết”

(Trích “Chúa là tất cả”)

Thơ Rumi rất khó dịch. Nếu dịch bằng những ngôn từ trần tục thì tất cả các diễn giải sẽ trở nên trần tục và thơ ông không khác nào các bài thơ tình trai gái tầm thường. Nếu dịch bằng một tâm thức đang tìm kiếm Thượng Đế hay điều thiêng, bạn sẽ khiến thơ ông khô cứng bởi các triết luận và thuyết giáo. Đạt được sự hài hòa trong thơ ông thì chính bản thân bạn cũng phải có sự hài hòa ở bên trong. Khi các bạn đọc một bản dịch thơ, hãy bay bổng cùng với ý tưởng và bỏ lại những xét đoán lý trí và chấp nhặt, nhờ thế, bạn sẽ gần với Rumi và thi giới thiêng liêng của ông hơn, bất chấp mọi rào cản ngôn ngữ.

Ở Việt Nam, người biết đến thế giới Islam không nhiều, người biết đến Rumi lại càng ít ỏi, thế nên người dám dịch và xuất bản Rumi đều rất dũng cảm. Dù bạn có thật sự cảm nhận và bay bổng được cùng với đôi cánh phượng hoàng của Rumi hay không thì bạn cũng nên đọc cuốn sách này. Bởi đó là một trong những nỗ lực của người làm sách đang cố kéo các bạn khỏi “loài kền kền ăn xác thối”.

Hà Thủy Nguyên

Link mua sách “Lời dạy của Rumi”: