Rate this post

IMG 0800 [Review] Bộ sách Tâm lý học tội phạm - Stanton E.Samenow - Dudu Blog

Bạn nghĩ tội phạm có thể là ai? Là kẻ giết người hàng loạt khét tiếng? Là trùm buôn ma túy hay là kẻ diệt chủng giết hàng triệu người vô tội? Nhưng tội phạm cũng có thể là một cậu nhóc học sinh, một vị cha sứ được mọi người kính nể, một người cha lạm dụng chính đứa con của mình…

Tội phạm có thể là bất cứ ai xung quanh chúng ta, kề cạnh chúng ta. Vậy có thể nhìn ra một người nào đó có “tố chất” tội phạm hay không? Điều gì khiến họ phạm tội? Liệu hoàn cảnh có phải là nguyên nhân chủ yếu? Đọc ấn phẩm “Tâm lý học tội phạm” của Stanton E.Samenow, bạn sẽ có được câu trả lời!

Trước khi đi vào nội dung chính của cuốn sách, chúng ta hãy bàn về bộ môn “Tâm lý học tội phạm”. Với tư cách là một bộ môn khoa học, tâm lý học tội phạm nghiên cứu về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của tội phạm hoặc những người tham gia vào hoạt động tội phạm. Câu hỏi “Tại sao tội phạm lại hành động như vậy?” vẫn luôn là bài toán hóc búa đối với toàn xã hội. Nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực tội phạm học và tâm lý học tội phạm giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc hiểu được các mô hình tư duy của những cá nhân lệch lạc.

Một trong những khó khăn lớn nhất mà cơ quan thực thi pháp luật phải đối mặt là làm thế nào để xử lý người phạm tội một cách hiệu quả, giúp họ thay đổi để trở nên sống có trách nhiệm, và cuốn sách “Tâm lý học tội phạm” của tiến sĩ Stanton E.Samenow đã đề cập trực tiếp đến vấn đề này bằng cách thảo luận về nhân cách cơ bản của tội phạm, về sự khác biệt rõ rệt trong quá trình suy nghĩ của hắn ta so với một công dân bình thường.

Ấn bản đầu tiên của cuốn “Tâm lý học tội phạm” được xuất bản năm 1984. Ngay tại thời điểm ấy, cuốn sách đột phá này đã trình bày một hồ sơ rùng rợn đầy tính chân thực về tâm trí tội phạm, điều đã đập tan hoàn toàn những huyền thoại lâu đời về nguồn gốc về cách trừng trị cũng như cải tạo tội phạm. Cuốn sách lý giải về việc tại sao tội phạm lại khó xác định và tại sao hầu hết các nỗ lực cải tạo tội phạm đều không mấy khả thi. Năm 2004, được trang bị thêm vốn kiến thức cùng cái nhìn sâu sắc có được sau hơn 20 năm hành nghề, Stanton Samenow đã một lần nữa đặt lại vấn đề nghiên cứu về chủ đề này, ấn bản thứ hai gồm các cuộc thảo luận mở rộng của các chương để giải thích rõ hơn về đặc điểm chung của tất cả tội phạm, bất kể xuất thân của họ như thế nào. Giờ đây, cùng với sự mở rộng các lĩnh vực hành vi phạm tội, cũng đã đến lúc tác giả cung cấp một phiên bản cập nhật hoàn chỉnh hơn đối với cuốn sách kinh điển của mình, ấn bản bao gồm 16 chương, mô tả chi tiết từ sự khởi đầu của tội ác ở một người trong thời thơ ấu cho đến cách tiếp cận mới lạ về việc “chuẩn bị” phạm tội.

Stanton Samenow đưa ra lý giải cặn kẽ về sự giống nhau trong cách thức tư duy giữa những tên tội phạm cổ cồn trắng chiếm đoạt hàng triệu đô la và những kẻ côn đồ đường phố đe dọa nạn nhân bằng dao chỉ để cướp lấy 20 đô la.

Tác giả đã chứng minh rằng việc một người phạm tội hoàn toàn không phụ thuộc vào môi trường nơi mà người đó sinh ra, lớn lên, thực tế trái ngược với niềm tin phổ biến của nhiều người.

Ông dành một chương nói về vấn đề tình dục trong cuộc đời của kẻ phạm tội. Tại đây, tâm trí “bệnh hoạn” của tên tội phạm được mô tả tỉ mỉ để giúp độc giả hiểu về tâm lý của những “kẻ săn mồi” trong tình dục. Việc theo đuổi vấn đề tình dục và thực hiện hành vi phạm tội tình dục gần như không mấy liên quan đến nhu cầu tình dục, mà hơn cả, đó là sự thể hiện sức mạnh, nuôi dưỡng bản ngã, khẳng định rằng không ai có thể kháng cự lại hắn ta. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích tâm lý của những người giữ vị trí “đáng tôn trọng” như nhà giáo dục, cố vấn, giáo sĩ,…những người có thể thao túng người khác và lợi dụng vị trí của mình để lấy lòng tin, sau đó dụ dỗ trẻ em trở thành nạn nhân tình dục.

Tác giả cũng đã vạch trần các chi tiết “huyền thoại” của việc phạm tội nằm ngoài phạm vi tính cách thông thường, thảo luận về tính cách thực tế của những người “có vẻ” tốt cho đến khi người đó bị phát hiện hành vi phạm tội. Ông bác bỏ quan điểm cho rằng một vài người “tốt” có thể đã phải chịu một sức ép, một hoàn cảnh căng thẳng nào đó đến mức khiến người đó “sa lưới” và phạm tội, được minh chứng thông qua các vụ án khét tiếng và những nghiên cứu chuyên sâu.

Một chương nói về ma túy trong thế giới tội phạm, về những tác động chết người của của việc sản xuất, phân phối các loại ma túy tổng hợp, việc lạm dụng một số loại thuốc kê đơn có khả năng gây nghiện, tất cả đều khiến cho cuốn sách trở thành một tác phẩm học thuật được đánh giá cao với những luận điểm mạnh mẽ.

Tác giả nhấn mạnh rằng bản chất con người không bao giờ thay đổi, rằng các yếu tố như nghèo đói, ly hôn và bạo lực trên phương tiện truyền thông không gây ra tội phạm, thay vào đó, tất cả bọn chúng đều có chung một luồng suy nghĩ, một cách tư duy đặc biệt thường thấy từ thời thơ ấu, khác hẳn với một công dân có trách nhiệm. Nhận thức được điều này là cấp thiết để đưa ra bất kì tác động tích cực nào đối với con đường của tội phạm. Lập luận xuyên suốt trong ấn bản này đó là, hành vi là sản phẩm của tư duy, từ đó hiểu được phương thức suy nghĩ của tội phạm là dựa trên bản chất tuyệt đối. Việc xây dựng và phát triển chính sách công hoặc luật hình sự chỉ có thể cải thiện khi có hiểu biết thực tế về phương thức, thủ đoạn và hành vi cực đoan điển hình của tất cả tội phạm. Không thể nào khiến tội phạm từ bỏ tội ác và sống có trách nhiệm nếu như không giúp hắn thay đổi điều cốt lõi, đó chính là tư duy tội phạm. Chương cuối cùng đã tóm gọn một cách hoàn hảo luận điểm đặc sắc của cuốn sách.

Đôi điều về tác giả, tiến sĩ Stanton E.Samenow: Ông là nhà tâm lý học, người đã dành 40 năm với tư cách là một nhà nghiên cứu, bác sĩ lâm sàng, nhà tư vấn và là nhân chứng chuyên môn chuyên về hành vi tội phạm. Ông cũng là người đánh giá độc lập về các tranh chấp quyền nuôi con trong hơn 20 năm qua và được bổ nhiệm vào ba đội đặc nhiệm của Tổng thống về thực thi pháp luật, quyền của nạn nhân và một nước Mỹ không có ma túy.