Rate this post

Chương 1: Nghệ thuật trong tình yêu

Tình yêu giống như mật ngọt, khi yêu dường như cả thế giới mỉm cười với bạn; Tình yêu lãng mạn biết bao, dường như mọi vật đang tung bay theo bước chân của bạn. Tuy nhiên, tình yêu không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng, có lúc tình yêu cũng đầy gập ghềnh, chông gai… Chúng ta luôn phải đứng trước sự chọn lựa: Đi hay ở? Yêu hay không yêu? Duyên phận thật phức tạp, chỉ cần quay bước là có thể đã rẽ sang một lối khác. Nghệ thuật tình yêu sẽ giúp chúng ta nhìn thấu bản chất câu chuyện, phán đoán chính xác, tìm đúng phương hướng cho trái tim.

Một đôi tình nhân nói chuyện với nhau. Cô gái nói: “Anh ơi, chúng mình yêu nhau như vậy, chỉ cần có nước uống, có bánh mì ăn nữa là được!”. Chàng trai nói: “Được, em yêu, anh sẽ giải quyết vấn đề nước uống, còn em đi tìm bánh mì nhé!”.

Chúng ta luôn cho rằng lãng mạn sẽ khiến tình yêu thêm thi vị, nhưng cuộc sống lại là thực tế trước mắt, chúng ta không thể chỉ yêu thôi mà không cần đến những thứ khác.

Tình cờ trong một hội thảo tại Hà Nội, Cường đã gặp Đào – một nữ doanh nhân đến từ Lào Cai. Không bao lâu thì hai người yêu nhau. Sau đó, Đào từ bỏ sự nghiệp ở quê để chuyển lên Hà Nội cho gần Cường. Công việc của Cường rất vất vả nên Đào rất thương anh, muốn làm hậu phương vững chắc cho anh. Cô cho rằng phụ nữ nên ở nhà để đàn ông ra ngoài lập nghiệp, thế nên công việc chủ yếu của cô là chăm sóc, hỗ trợ cho Cường. Cô đã chối từ mọi cơ hội việc làm, tập trung chăm sóc cho hạnh phúc nhỏ của mình. Lúc đầu, Cường rất cảm động, hàng ngày anh đều chăm chỉ làm việc, về nhà luôn tâm sự và chia sẻ với Đào mọi chuyện. Sau đó, do công việc ngày càng bận rộn, thời gian ở nhà càng ngày càng ít, anh còn không có cả thời gian nói chuyện với Đào. Dần dần, Đào đau đớn phát hiện ra rằng, tình yêu của họ không thể tiếp tục duy trì được nữa.

Tình yêu là niềm vui, là hạnh phúc trong sáng, là chủ đề vĩnh hằng của nhân loại. Ở độ tuổi 20, phụ nữ chúng ta thường quan tâm đến tình yêu nhiều nhất. Khi có tình yêu, thế giới trong bạn trở nên lung linh, ngọt ngào; nhưng khi tình yêu lụi tàn, thế giới sẽ trở nên lạnh lẽo, u ám.

Trên thực tế, cuộc đời không phải lúc nào cũng tươi đẹp, tình yêu cũng không là màu hồng, trong thế giới phức tạp và hỗn loạn này, phụ nữ khi yêu thường trở nên mù quáng, mất đi lí trí và sự sáng suốt vốn có. Khi đã rơi vào lưới tình, có thể bạn sẽ mất kiểm soát, trao đi yêu thương chân thành nhưng bạn sẽ có thể bị lừa dối, đổi lại chỉ là kí ức buồn bã, tối tăm.

Vì sao Cường và Đào yêu nhau chân thành như vậy mà kết cục lại là chia tay? Đó là vì tình yêu cần có sự cân bằng, bất cứ bên nào mất cân bằng cũng ảnh hưởng đến đối phương. Sự mất cân bằng này không phải là khoảng cách, không phải là tính cách, mà là không cùng mục tiêu. Đào khi đã từ bỏ sự nghiệp, cũng có nghĩa là không còn nhiệt tình, trí tuệ và hứng thú trong công việc, đương nhiên không thể chia sẻ với Cường về chủ đề này. Có lẽ rất nhiều bạn gái băn khoăn: Chúng ta đã có tình yêu thì cần gì sự nghiệp nữa?

Có ý kiến cho rằng, khi chỉ biết chăm lo cho sự nghiệp, phải đối mặt với những khó khăn vất vả trong công việc, có thể chúng ta sẽ không có thời gian để chăm chút cho tình yêu. Tuy nhiên, sự nghiệp vững vàng sẽ đem đến hậu thuẫn vững chắc cho người phụ nữ – Kinh tế độc lập, tự nắm giữ vận mệnh bản thân. Khi đã có “số vốn” nhất định, chúng ta sẽ có thể thoải mái nói “không” với những gì bản thân không hài lòng!

Tuy nhiên cũng có người cho rằng: Tình yêu là hạnh phúc cả đời, nếu mất đi thì không thể tìm lại được nữa. Cuộc sống chỉ có sự nghiệp không phải quá tầm thường, tẻ nhạt ư? Lại cũng có người nói: Chỉ có công việc là không phản bội bạn, chỉ biết yêu đương đắm đuối thì cuối cùng cũng đói mà thôi.

Thực ra, tình yêu và sự nghiệp không đối nghịch nhau, không phải chúng ta cứ chọn tình yêu là phải từ bỏ sự nghiệp, hoặc theo đuổi sự nghiệp thì không thể có tình yêu. Tình yêu và công việc đều là một phần của cuộc sống, cuộc sống không thể thiếu tình yêu và cũng không thể thiếu công việc, chỉ cần chúng ta dùng trí tuệ và khả năng của mình chọn lựa một cách lí trí. Vậy làm thế nào để có phương án tốt nhất? Nghệ thuật tình yêu sẽ dẫn chúng ta đến con đường hạnh phúc.

Mục tiêu của chúng ta là: Tìm ra điểm cân bằng giữa tình yêu và sự nghiệp. Mục đích của nghệ thuật sống không nhất thiết phải tìm ra cách tốt nhất, vì không có ai hoàn hảo, cũng không có tình yêu nào hoàn hảo và không có công việc nào thỏa mãn tất cả yêu cầu của bạn. Mục đích của chúng ta là có thể tìm ra điểm cân bằng nhất trong phạm vi lựa chọn và có được “Mr Right” phù hợp nhất.

Một cô gái xinh đẹp được rất nhiều chàng trai theo đuổi, tuy nhiên, hầu hết những chàng trai ấy đều thuộc tuýp chơi bời lêu lổng, đến với cô chỉ vì vẻ bề ngoài, tâm hồn thì nhạt nhẽo và cũng chẳng có chí hướng cho tương lai. Bởi vậy, cô gái xinh đẹp và thông minh ấy chẳng thèm để ý đến người nào. Trong một lần tình cờ, cô quen một luật sư. Anh này khuyên cô nên tham gia một khóa học luật để có thêm kiến thức, bổ trợ cho việc kinh doanh và cô đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Anh chàng luật sư đang độc thân và rất nghiêm nghị. Tuy nhiên qua tiếp xúc, cô gái phát hiện anh chàng luật sư này có rất nhiều ưu điểm: Chân thành, tốt bụng, khiêm tốn, uyên bác…

Dưới sự khích lệ và giúp đỡ của anh, cuối cùng cô cũng hoàn thành xuất sắc khóa học và có được sự hỗ trợ đắc lực cho công việc của mình. Dần dần, vì hai người có nhiều điểm chung và luôn hỗ trợ đắc lực cho nhau trong công việc, họ cùng nhau thành lập văn phòng luật sư riêng. Về sau, tình yêu giữa họ cũng đơm hoa kết trái.

Câu chuyện trên có nội dung khá đơn giản, nhưng qua câu chuyện này, chúng ta có thể hiểu rằng: Nếu không vì sự nghiệp, thì cô gái sẽ không tìm được tình yêu đích thực của mình; Hơn nữa nếu không có sự cổ vũ của tình yêu, cô gái sẽ không bước chân vào ngành nghề mà cô không quen và cũng rất khó đạt được thành công. Cô gái thông minh này cuối cùng đã tìm được điểm cân bằng giữa sự nghiệp và tình yêu. Khi hai người yêu nhau cùng nhau cố gắng, cùng phấn đấu vì sự nghiệp, địa vị của hai người sẽ trở nên bình đẳng, có mục tiêu chung. Tình yêu và sự nghiệp song hành cùng nhau, và nhờ vậy, tình yêu càng trở nên ngọt ngào! Có cùng chí hướng, cùng mục tiêu, tâm hồn đồng điệu, lại yêu thương nhau, cả hai sẽ bay cao, bay xa hơn!

Như vậy chắc chắn một điều rằng, tình yêu không phải là khung cảnh “một túp lều tranh hai trái tim vàng”, nó luôn cần sự ổn định về kinh tế. Để không phải hối hận chúng ta cần suy nghĩ chín chắn, chúng ta cần có tình yêu nhưng cũng cần có vật chất, hãy cùng nỗ lực củng cố vật chất để tình yêu của chúng ta đẹp đẽ và lâu bền.

Bài học

1. Cần có sự nghiệp và cần có cả tình yêu, không bỏ phương diện nào.

2. Suy nghĩ thực tế, cân nhắc trên mọi phương diện để cân bằng trong tình yêu.

Tình yêu không phải là kì tích, nếu bạn hiểu được nghệ thuật trong tình yêu thì tình yêu sẽ ở rất gần bạn, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể với tới được.

Chàng trai kia quen một cô gái nọ. Một lần, anh ta chat hỏi cô gái: “Bạn trai em làm nghề gì vậy?”. Cô gái lập tức đoán hiểu chàng trai đang có tình ý với mình, cô trả lời: “Em chưa có bạn trai”. “Ồ…”. Sau đó, họ hẹn gặp nhau.

Hai người hẹn nhau ăn tối tại một nhà hàng sang trọng. Cô gái đến sớm còn chàng trai đến muộn. Cô ngồi tự gọi một đĩa bánh ngọt ăn, trong lòng thầm rủa: “Anh nghĩ anh là ai chứ? Thêm một phút nữa mà anh không tới thì tôi sẽ đi”. Nhưng đến hơn nửa tiếng sau mà cô vẫn không rời đi. Sau đó, chàng trai vội vàng bước vào.

Ra về, đôi bên “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Nhưng lúc chia tay, chàng trai không hứa hẹn gì, còn cô gái thì chỉ bướng bỉnh nói một câu “Tạm biệt” rồi quay người bỏ đi. Trên đường về, cô gái mấy lần kiểm tra điện thoại nhưng không thấy có tin nhắn, cũng chẳng thấy cuộc gọi nào, điều này làm cô rất buồn.

Cô gái là một người kiêu ngạo, cảm thấy tự ái vì sự vô tâm của chàng trai, nhưng cô vẫn đợi hồi âm của anh cả đêm. Còn chàng trai thì vẫn coi như không hề có chuyện gì xảy ra, những ngày sau đó, anh tiếp tục hẹn gặp cô gái. Mỗi lần nhận điện thoại của chàng trai, cô gái luôn tỏ ra là một người lạnh lùng, luôn nghĩ là phải từ chối thẳng thừng lời mời của kẻ vô tâm như anh ta, nhưng rồi lần nào cô gái cũng nhận lời hẹn hò của anh và còn trang điểm rất xinh đẹp trước mỗi buổi hẹn.

Hôm đó, đột nhiên chàng trai hỏi cô gái: “Em có yêu anh không?”, trái tim cô gái lúc đó như loạn nhịp, tuy nhiên trước bộ dạng bình thản của anh, cô đã bình tĩnh hỏi ngược lại anh: “Còn anh thì sao?”. Chàng trai không nói gì, chỉ chăm chăm nhìn cô gái. Họ cứ thế nhìn nhau, từ ánh mắt đối phương đều nhìn thấu câu trả lời, rồi cả hai cùng cười. Sau đó, họ hẹn nhau ít hơn, rất lâu mới gặp một lần. Ngày nào cô gái cũng rất nhớ chàng trai, mấy lần nhấc điện thoại lên định bấm số của anh mà cô đã thuộc lòng, nhưng cuối cùng lòng kiêu ngạo đã khiến cô bỏ máy xuống.

Rồi một hôm, cô gái nhận ra đã hai tháng họ chưa gặp nhau. Cô gái rất nhớ chàng trai, có lúc nhớ đến nỗi tim nhói đau. Thế rồi cô nghĩ: “Nếu hôm ấy, mình trả lời anh ấy là mình yêu anh ấy, kết quả sẽ thế nào nhỉ?”. Cô nhớ đến buổi hẹn gặp hôm đó, khi đó trái tim cô đập loạn nhịp, nhưng họ vẫn chỉ nhìn nhau im lặng. Và đến giờ, họ vẫn cứ im lặng thế thôi, không ai chịu nói ra tình cảm của mình.

Nhiều lúc, chúng ta cũng gặp phải trường hợp này, cả hai đều mến nhau nhưng không ai là người chủ động rút ngắn khoảng cách giữa hai người. Lúc này, hai người giống như đứng ở hai bên bờ sông, chẳng thể nào gần được nhau. Vậy, trong tình yêu, phụ nữ chủ động hay bị động thì tốt hơn? Một số bạn gái chọn bị động chờ đợi, giống như người ôm cây đợi thỏ, có lẽ sẽ có con thỏ đâm vào bạn và bạn sẽ không đợi chờ mất công, nhưng tỉ lệ này không cao. Chúng ta thường quan niệm rằng phải để “trâu đi tìm cọc” chứ ai lại “cọc đi tìm trâu” bao giờ. Phụ nữ luôn cho rằng nam giới mới là người chủ động, thế nên cứ chờ đợi đối phương thể hiện trước, trong khi bạn không lường trước được rằng đôi khi đối phương vì sợ bạn từ chối tình cảm của họ mà không dám thổ lộ, để rồi kết quả là chẳng ai nói với ai, cuối cùng tình yêu bị rơi vào bế tắc.

Hai nhân vật trong ví dụ trên cũng vậy, rõ ràng họ rất yêu nhau, nhưng lại không dám bày tỏ với nhau. Họ thông minh nhưng cũng quá ngoan cố, cố chấp. Có thể thấy, tình yêu gần trong gang tấc nhưng đôi khi lại xa tận chân trời, nếu hai người không biết cách trân trọng và thể hiện. Vấn đề ở đây chính là ai sẽ là người phá vỡ khoảng cách vô hình giữa hai người?

Tạm gác vấn đề này một chút, chúng ta hãy cùng nghe Chuyện về những chú lợn thông minh trong Lí thuyết trò chơi(1):

Hai chú lợn, một lớn, một nhỏ được thả chung vào cùng một chuồng. Ở một góc chuồng có cái van. Khi bấm vào, thì thức ăn được đẩy ra ở góc phía bên kia. Vì vậy, chú lợn nào mà nhấn van, thì phải chạy thục mạng sang bên kia để ăn. Nhưng tới nơi, thì chú lợn không nhấn van đã ăn gần hết số thức ăn đó. Khi hai chú lợn ở cùng một máng ăn, thì chú lợn to luôn có thể đẩy chú lợn nhỏ sang một bên, và chiếm trọn cả máng. Giả sử các chú lợn có khả năng tư duy như những lí thuyết gia về trò chơi, thì chú lợn nào sẽ nhấn van?

Để xác định. Giả sử có 6 đơn vị thức ăn được đẩy ra mỗi khi van bị nhấn. Nếu như chú lợn nhỏ nhấn van, thì chú lợn to sẽ ăn hết sạch cả 6 đơn vị thức ăn. Nhưng nếu chú lợn to nhấn van, thì chú lợn nhỏ sẽ chỉ kịp ăn hết 5 đơn vị thức ăn trước khi chú lợn to đến và huých nó sang một bên. Tình huống ít xảy ra hơn là cả hai chú lợn cũng nhấn van một lúc, rồi thục mạng chạy sang bên kia, nếu thế thì vì con lợn nhỏ thon hơn, nên chạy nhanh hơn nên nó kịp ăn 2 đơn vị thức ăn trước khi con lợn to hùng hổ lao đến. Cuối cùng, giả sử rằng nhấn van rồi chạy tốn một số năng lượng, bằng nửa đơn vị thức ăn. Cuộc chơi có thể được tóm tắt lại như sau:

Để giải “bài toán” này, ta phải phú cho các chú lợn khả năng tư duy trừu tượng. Trước tiên hãy thử xem con lợn nhỏ nghĩ gì. “Giả sử tay lợn to nhấn van mà mình không nhấn thì mình sẽ có 5 đơn vị thức ăn, còn hắn nhấn và mình cũng nhấn thì mình sẽ có 1,5 đơn vị thức ăn. Ngược lại, nếu tay này to xác, lười, không chịu bấm van mà mình nhấn thì mình sẽ chịu mất 0,5 đơn vị thức ăn, nhưng sẽ chẳng mất gì nếu không nhấn. Như vậy, cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa thì mình cũng chẳng nên nhấn van.” Bây giờ xem thử con lợn to nghĩ gì. “Nếu tay lợn nhỏ mà dại dột nhấn van, thì mình cứ việc ngồi đợi ở bên máng và ăn trọn cả 6 đơn vị thức ăn. Ngược lại, nếu nó không chịu làm cái việc ấy, thì mình nên làm, để còn được 0,5 đơn vị thức ăn, còn hơn là nhịn đói nếu không nhấn.” Chú lợn to giờ đây thật sự đối mặt với nan giải. Sự ứng đáp tốt nhất (best response) của nó tuỳ thuộc vào điều lợn nhỏ sẽ làm: Nó không nên nhấn van, nếu nó đoán con lợn nhỏ nhấn van; và nên nhấn van, nến như nó đoán là lợn nhỏ không nhấn. Làm thế nào để nó quyết định? Con lợn to đặt địa vị nó là con lợn nhỏ và nhận thấy rằng, con lợn nhỏ sẽ không bao giờ nhấn van. Vì lợi ích của mình, con lợn to phải nhấn van để có thức ăn.

Như vậy, mấu chốt của câu chuyện này là: Người chủ động hành động thường là kẻ mạnh. Ở đây người theo đuổi chính là người chủ động hành động, còn người bị theo đuổi là người ở vị trí bị động. Đàn ông muốn có được tình yêu thì cần cố gắng theo đuổi, hơn nữa cần nâng cao và rèn luyện kiến thức ở mọi phương diện, để bản thân trở thành đối tượng để các cô gái theo đuổi. Nếu người đàn ông ở thế yếu, các điều kiện đều không đạt yêu cầu của các cô gái thì cũng giống với chú lợn nhỏ trong câu chuyện con lợn thông minh kể trên, cho dù có chủ động theo đuổi cũng không đạt được kết quả.

Vì vậy, các bạn nữ cần biết mình là kẻ mạnh hay kẻ yếu trong việc “theo đuổi”, nếu bản thân ở thế yếu, cần thận trọng chờ đợi, không nên chủ động. Lúc này, bạn có thể thực hiện một vài “mẹo nhỏ” để tăng sự hấp dẫn của mình nhằm thu hút đối phương.

Nếu bạn ở vị thế của kẻ mạnh, cần biết hi sinh một chút, vì sự hi sinh tạm thời của bạn có thể đổi lấy thắng lợi cho cả hai bên. Nhiều người đàn ông thường ở tư thế “đợi bị tấn công”. Nếu bạn từ bỏ không cố gắng thì duyên phận sẽ không bao giờ sánh bước cùng bạn, kết quả này sẽ khiến bạn hối tiếc. Trong trường hợp này, các bạn cần nữ cần phải dứt khoát, không do dự nhùng nhằng.

Tại sao Hoàng Dung lại chủ động thể hiện tình cảm với chàng Quách Tĩnh khờ khạo? Chính vì Hoàng Dung ý thức được mình ở vị trí của “kẻ mạnh”. Tại sao Dương Quá lại chủ động bày tỏ tình cảm với Tiểu Long Nữ? Vì Tiểu Long Nữ ở vào vị thế của “kẻ yếu”, cô thường không chủ động làm việc này, Dương Quá thông minh đương nhiên phải tích cực chủ động rồi.

Tình yêu không phải là quá xa vời, nếu bạn hiểu được nghệ thuật trong tình yêu, tình yêu sẽ ở rất gần bạn, chỉ cần bạn chủ động là có thể nắm chắc.

Bài học

1. Phụ nữ ở vị thế “yếu” cũng không nên chờ đợi tình yêu gõ cửa, cần có “kế sách” làm tăng sự hấp dẫn của bản thân, như vậy người bạn yêu thương mới động lòng.

2. Có lúc, phụ nữ cần chủ động mới có thể khiến “đôi bên cùng có lợi”, nếu bị động sẽ khiến cả hai “lỡ thời cơ”, do dự có thể khiến đôi bên “lỡ dở”.

Khi yêu: Đàn ông cho rằng, người bị tổn thương chỉ có nam giới; Phụ nữ lại nghĩ rằng, người đau khổ chỉ có nữ giới.

Khi thực sự yêu một người phụ nữ, đàn ông sẽ đối xử với người ấy thật tốt, trân trọng hết mực. Anh ta sẽ yêu thương cô ấy và chỉ sợ làm cô ấy buồn. Do vậy, phụ nữ quen được nuông chiều và coi đó như một lẽ đương nhiên. Cô gái hoặc sẽ không cảm thấy “sự trân trọng” của chàng trai si mê dành cho cô là đáng quý, hoặc cô gái dần dần sẽ cảm thấy nhàm chán vì những chăm sóc ấy. Cho nên, trong trường hợp này người bị tổn thương chính là người đã cho đi, đã yêu thật lòng.

Khi thực sự yêu một người đàn ông, cô gái dùng cả tấm chân tình để yêu thương, chăm sóc anh ấy. Vì thế anh ta dần cảm thấy mình là “nhân vật quan trọng”, anh ta càng làm mình làm mẩy để được chăm sóc đặc biệt hơn. Nhưng rồi sẽ có ngày anh ta cảm thấy nhàm chán, cảm thấy muốn được chinh phục và đi chinh phục mới thú vị làm sao. Vậy là người phụ nữ đành ở lại với đống đổ nát anh ta bỏ lại.

Cho nên: Đàn ông nói, khi yêu chỉ đàn ông bị tổn thương; Phụ nữ nói, khi yêu chỉ phụ nữ là đau khổ.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tình yêu là một trò chơi không công bằng, người cho đi càng nhiều thì càng bị tổn thương. Trong trò chơi này, người chọn cách cho đi, kết quả có thể được, có thể mất; còn người chọn cách giấu giếm thì sẽ không bao giờ mất, nhưng đương nhiên cũng không thể xem là được.

Nếu coi tình yêu là chiến dịch giữa hai người, vậy chúng ta hãy tìm hiểu “chiến dịch” đặc biệt dưới đây để hiểu thêm về vấn đề này.

Trong bộ phim “Mối tình nồng thắm”, khi gặp Bạch Lưu Tô, Phạm Liễu Nguyên tràn đầy tự tin cho rằng mình có sức thu hút đặc biệt với phụ nữ. Tuy nhiên, trước sự coi thường và lạnh lùng của Lưu Tô, anh rất tò mò và muốn “chinh phục”. Do đó, Phạm Liễu Nguyên tiếp cận Bạch Lưu Tô, nhưng cô ấy lại tránh anh, vì đã từng bị tổn thương nên cô tỏ ra rất dè dặt, thận trọng. Cô không muốn tin bất cứ điều gì, càng không dám yêu, cô sợ rằng cho đi quá nhiều chỉ đổi lại quá nhiều tổn thương. Đúng là Phạm Liễu Nguyên là một chàng trai rất lôi cuốn, trái tim cô cũng rung động, nhưng chỉ như vậy thôi, giống như con sóng nhỏ không thể xô vào bờ. Cô qua lại với anh vì không nỡ rời xa. Sau đó, cô đến Hồng Kông. Hai người bắt đầu chơi trò chơi tình ái. Hai người đều rất thông minh nên yêu rất lí trí. Cả hai đều hi vọng những thứ mình cho đi đều được đáp lại. Do đó, không ai dám cho đi nhiều hơn, họ cẩn thận dè dặt từng bước, anh tiến thì tôi lùi, giữa hai người luôn có một giới hạn an toàn, không ai dám bước qua. Cô hi vọng có một lời hứa, anh lại do dự không biết mình có gánh vác được lời hứa đó không. Với yêu cầu của cô, anh sợ, sợ trách nhiệm, sợ bị trói buộc, càng sợ mình cho đi mà không được đáp lại.

Hai người thông minh yêu nhau chắc chắn tình yêu đó sẽ rất chông gai. Tình yêu có lẽ là một trò chơi không công bằng, càng cho đi thì càng nhận lấy tổn thương sâu sắc. Đa số nam giới là lí trí, còn phụ nữ cảm tính, vì thế phụ nữ thường dễ bị tổn thương hơn.

Con người cần khôn ngoan, đặc biệt là phụ nữ yếu đuối càng cần “thông minh” khi cần thiết.

Con người thường nghi ngờ lẫn nhau, cho dù hai người có yêu nhau cũng thường xuyên nghi ngờ nhau. Đương nhiên, đây cũng là cách để bảo vệ tình yêu, bảo vệ thứ mà mình đã lựa chọn, tình yêu cần có nguyên tắc. Nhưng làm thế nào mới không để cả hai bên bị tổn thương và cả hai đều có tình yêu chân thành. Câu hỏi này có thể tìm được câu trả lời trong Lí thuyết trò chơi.

Trong quá trình giải quyết vấn đề, nghệ thuật trò chơi luôn đặt ra một mô hình để vấn đề càng trở nên rõ ràng. Bài toán “Chuyện về những chú lợn thông minh” là mô hình điển hình trong Lí thuyết trò chơi, trong tình yêu thực tế, rõ ràng luôn có “lợn to” và “lợn nhỏ”, cũng có kẻ mạnh và kẻ yếu trong đó tổ hợp điển hình là một mạnh một yếu, nhưng đương nhiên cũng có tổ hợp là hai mạnh hoặc hai yếu.

Khi xuất hiện trường hợp một mạnh một yếu, đương nhiên kẻ mạnh sẽ bỏ ra công sức nhiều hơn kẻ yếu, tình yêu này có thể thành công. Khi xuất hiện hai kẻ mạnh hoặc hai kẻ yếu, muốn thành công trong tình yêu thì cả hai bên đều phải cho đi mà không tính thiệt hơn. Nhưng làm thế nào để hai bên đều cho đi mà không tính thiệt hơn? Điều này cần có những biện pháp khác nhau, tình yêu của mỗi người đều khác nhau nên không có cách làm giống nhau.

Giống như Phạm Liễu Nguyên và Bạch Lưu Tô, họ đều đã từng bị tổn thương trong tình yêu, nên không dám cho đi quá nhiều, sợ cho quá nhiều sẽ lại bị tổn thương, cho dù trong lòng họ cũng rung động, nhưng họ luôn cẩn thận, dè dặt đề phòng. Sau khi đến Hồng Kông, lo lắng đã đè bẹp tất cả, khiến họ trở nên yếu đuối hơn, cuối cùng họ hiểu ra rằng cả hai không thể rời xa nhau, chẳng ai có thể rời xa đối phương. Tình cảm đó thôi thúc họ, khiến họ không tính toán đến được mất, không để ý đến thắng thua, họ đều quyết tâm hi sinh tất cả để bảo vệ đối phương và họ đã đạt đến giới hạn cuối cùng là “quên đi bản thân”.

Tình yêu trong bất cứ thời điểm nào cũng không bình đẳng, cho đi mà không tính thiệt hơn có nghĩa là chúng ta có thể đối diện với việc chẳng có gì. Những ở một góc độ khác, nếu bạn hiểu tình yêu, hi vọng có một tình yêu chân chính, vậy hãy cho đi mà không tính thiệt hơn, đó là lựa chọn duy nhất của bạn.

Nếu hiểu được bản chất của “trò chơi tình yêu” bạn sẽ có được tình yêu trong thế giới phức tạp này, đương nhiên cả những thứ ngoài tình yêu.

Bài học

1. Tình yêu thực sự không ở thiên đường, cũng không ở dưới địa ngục, tình yêu luôn tồn tại giữa thế gian này. Biết “cho đi” một cách khôn ngoan bạn mới được đáp lại, tình cảm đó mới được xác định.

2. Nếu yêu xin hãy yêu hết lòng. Nếu còn chút e dè, hãy dũng cảm theo đuổi, chỉ có vậy mới có thể có được tình yêu.

Có người hỏi: Tại sao trong tình yêu lại có sự phản bội?

Lí thuyết trò chơi đáp: Vì sự phản bội là phương án lựa chọn thích hợp nhất trong trò chơi tình yêu.

“Hỏi thế gian tình ái là chi, để đôi lứa thề nguyền sống chết”. Vậy rốt cuộc “tình ái” là gì? Tình yêu thực ra là là quá trình theo đuổi và bị theo đuổi hoặc là người chinh phục và người bị chinh phục. Những người yêu nhau “thề non hẹn biển” làm gì, mục đích của những người yêu nhau là hi vọng đối phương chung thủy với mình, yêu mình trọn đời, “tay trong tay đến đầu bạc răng long”.

Tuy nhiên, tình yêu lại có quá nhiều thay đổi, quá nhiều cám dỗ. Có người kiên trì, nhưng cũng có người bội bạc, có người vì tình yêu mà bước lên thiên đường, nhưng cũng có người vì tình yêu mà rơi vào bế tắc. Không có lời thề nào giữ được đến khi “trời long đất lở”, cũng không có tình yêu nào vững bền, không thay đổi. Bi kịch của tình yêu luôn bắt đầu từ sự bội ước, phản bội lời thề.

Điều này cũng giống như bài toán “Song đề tù nhân”, một bài toán nổi tiếng của Lí thuyết trò chơi.

“Song đề tù nhân” kể về câu chuyện của hai phạm nhân. Có hai người tù A và B bị bắt vì tội trộm cắp. Cảnh sát cách ly A và B để chúng không thể liên lạc, thông đồng với nhau. Cảnh sát yêu cầu chúng thành thật khai báo nhận tội, và đưa ra điều kiện: Nếu anh ta nhận tội và khai báo người kia thì sẽ chỉ bị 1 năm tù trong trường hợp người kia không nhận tội, và 5 năm tù nếu người kia cũng nhận tội. Mặt khác, nếu anh ta không nhận tội mà người kia nhận tội thì anh ta sẽ bị 10 năm tù. Cuối cùng nếu cả hai không nhận tội thì cả hai sẽ chỉ bị 2 năm tù.

Bài toán này có thể tóm tắt ở bảng sau:

“Trò chơi” này có hai người chơi là A và B. Hai người bị cách ly nên người này không biết người kia chọn điều gì (nhận tội hay không). Vì vậy tình huống là rất khó xử, như tên gọi của trò chơi.

Ta có thể thấy rằng, ở địa vị A (hoặc B) đều có thể suy nghĩ nếu nhận tội thì có thể chỉ bị 1 năm tù khi mà B (hoặc A) không nhận tội, còn B (hoặc A) sẽ chịu 10 năm tù; còn nếu B (hoặc A) cũng thú tội thì bị 5 năm tù. Ý nghĩ này xuất phát từ mong muốn ích kỷ sao cho mình có thể bị tù ít nhất nên nhận tội và “bội thề” với bạn. Trường hợp “phản bạn” khiến tổng thời gian tù của cả hai sẽ là 11 năm (trong có “kẻ phản bạn” chỉ chịu 1 năm), hoặc là 10 năm (nếu cả hai cùng suy nghĩ ích kỷ như nhau) nhiều hơn là khi không nhận tội (hợp tác với nhau) sẽ cùng bị 2 năm tù, tổng cộng chung cả hai là 4 năm. Như vậy cả A và B đều chỉ có hai lựa chọn là hợp tác và “phản bội”.

Ta có thể lập ma trận thưởng – phạt (payoff) như sau:

Qua ma trận trên, chúng ta nhận thấy là nếu cả hai chọn chiến lược hợp tác thì tổng “thiệt hại” là nhỏ nhất (2+2=4 năm tù). Còn nếu cả hai cùng chọn chiến lược “phản bội” (không hợp tác) thì tổng “thiệt hại” lên tới 10 năm tù. Một khi chỉ có một bên chọn chiến lược hợp tác, thì tổng “thiệt hại” chung lên tới 11 năm tù trong đó anh bạn phản bội hưởng lợi chỉ bị 1 năm tù, còn người kia chịu tới 10 năm tù.

Trong tình yêu, nếu hai bên vì rơi vào lưới tình mà không thể thoát ra ngoài được thì cũng giống như đôi tù nhân của trò chơi “Song đề tù nhân”. Nếu hai người cùng nhau kiên trì giữ được tình yêu này, đương nhiên đó là kết quả tốt nhất. Nhưng thế giới rộng lớn biết bao cám dỗ, có người trong tay đã nắm chắc bó lúa, nhưng trong chớp mắt nếu lại nhìn thấy một bó lúa đẹp hơn, chắc mẩy hơn có thể vứt bó lúa đang cầm trong tay đi. Nếu hai bên đều chọn lựa “hoàng tử” và “người tình trong mộng” của mình, không còn liên quan đến nhau, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi thì kết thúc này cũng không phải là xấu. Nếu một bên đã thay lòng tìm được đối tượng tốt hơn, nhưng một bên vẫn ngốc nghếch chờ đợi; Đối với người thay lòng đổi dạ thì phát hiện ra “mảnh đất mới” khiến người đó cảm thấy rất vui và hạnh phúc; Còn đối với người bị bỏ rơi thì đau khổ như trời đất sụp đổ, cảnh dù đẹp có bao nhiêu cũng trở nên tàn tạ, héo úa, đây mới chính là kết thúc bất hạnh.

Theo phân tích của bài toán “Song đề tù nhân”, cách chọn lựa “hài lòng” nhất của nữ giới là tìm được một người mới, cách chọn lựa “lí trí” nhất chính là đường ai nấy đi, kết thúc “bi thảm” nhất là bị đối phương bỏ rơi đi tìm người mới. Đương nhiên, phương án lựa chọn nào cũng có sự cực đoan, cách lựa chọn “hài lòng” nhất lại thiếu đạo đức, cách lựa chọn “lí trí” nhất lại quá tàn nhẫn, còn kết thúc “bi thảm” nhất lại khiến con người không cảm thấy lạc quan vào tình yêu.

Lẽ nào tình yêu chỉ có kết thúc như vậy thôi sao?

Thực ra, các bạn gái hoàn toàn có thể tránh gặp phải kết cục của “Song đề tù nhân”: Cố gắng không phải là người đầu tiên phản bội đối phương. Nếu đối phương có hành vi phản bội, đến lượt sau họ sẽ “ăn miếng trả miếng”, trừng trị nghiêm khắc kẻ phản bội. Nếu đối phương đã từng hợp tác với bạn, thì cho dù trước đó anh ta có hành vi phản bội, bạn cũng nên đối xử khoan dung. Bài toán này cũng nói lên rằng người lương thiện, khoan dung, ý chí kiên cường, có suy nghĩ sáng suốt mới là người chiến thắng cuối cùng. Tình yêu cũng giống như vậy quá trình yêu đương của mỗi người phụ nữ đều là một bài toán, một nghệ thuật, và ai cũng có nhiều cơ hội để “ăn miếng trả miếng”. Do đó, nguyên tắc để có được hạnh phúc trong tình yêu chính là đối xử chân thành, khoan dung với người yêu. Những người hạnh phúc trong tình yêu không phải ai cũng là người chung thủy nhất, nhưng họ có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, chủ yếu là họ có trái tim khoan dung, không trọng tiểu tiết, biết nhìn nhận đúng đắn khuyết điểm của đối phương.

Một điều quan trọng nữa là tình yêu nên giản đơn và minh bạch, không nên làm cho tình yêu trở nên phức tạp, những sách lược quá phức tạp dễ làm đối phương bối rối, thậm chí có cảm giác bất lực. Bạn cần để đối phương thấy rằng bạn đang nghĩ gì, muốn làm gì để tránh gây hiểu lầm, tình yêu kị nhất là phải “đoán”, “ra câu đố”, giấu giếm, trốn tránh…. Nếu cả hai người đều trốn tránh nhau, vậy ai sẽ “hưởng thụ” tình yêu?

Do đó, các bạn gái hãy nhớ, muốn tình yêu đơm trái ngọt thì đầu tiên hai người cần tin tưởng lẫn nhau, đối xử chân thành, cho dù có “xa mặt” thì cũng không được “cách lòng”, cho dù thế giới bên ngoài có bao nhiêu cám dỗ cũng không thể làm lay động trái tim sắt đá của hai bạn.

Bài học

1. Tình yêu không phải là “duy nhất”, nếu cứ muốn theo đuổi kết quả lí tưởng nhất, có thể bạn sẽ rơi vào nghịch cảnh của bài toán “Song đề tù nhân”.

2. Có khi sự đơn giản sẽ khiến bạn tìm ra tình yêu thật sự, tình yêu cần sự rõ ràng và chân thành, đó mới là tình yêu đáng tin cậy.