Rate this post

Ngay cái tựa đề “Thiện, Ác và Smartphone” có lẽ đã giúp mọi người hiểu khái quát về nội dung quyển sách này phải không? Nhưng mà “góc khuất”, “ánh sáng” nào là tốt nhất cho cuộc sống cá nhân mỗi người?

Review sách Thiện, Ác và Smartphone

“Thiện, Ác và Smartphone” là một quyển sách thời sự nóng bỏng, sâu sắc và đầy tính nhân văn. Xoáy vào vấn đề miệt thị, buông lời cay đắng của những “cư dân mạng” đầy hào hùng, trượng nghĩa dành cho những người vi phạm một chuẩn mực nào đấy của cộng đồng hoặc thậm chí chả liên quan gì đến mình.

Chẳng qua là bị đổ oan rồi mở rộng, liên hệ đến thực tế trong cuộc sống, tác giả cho người đọc thấy một bức chân dung khắc họa rõ nét “thảm họa” của thời đại internet: “Miệt thị người khác”.

Với 307 trang bao gồm 6 phần, chúng ta sẽ đi qua những khái niệm về sự lăng nhục với chiều dài lịch sử của nó. Đi qua kì thị, giận dữ và căm ghét để tới ngôn ngữ bất bạo lực, khoan dung, sự điềm tĩnh, tôn trọng nhân phẩm và tha thứ.

sách thiện, ác và smartphone

Tác giả Thiện, Ác và Smartphone – Đặng Hoàng Giang là ai?

Đặng Hoàng Giang là một Tiến sĩ người Áo gốc Việt. Ông đã chọn con đường về lại với quê hương để phát triển sự nghiệp của mình. Văn phong của ông thường xoáy vào những vấn nạn của xã hội, con người. Từng câu từng chữ, từng nhận định đều khiến người đọc khật gù khâm phục.

Một số điều cần biết về tác giả TS. Đặng Hoàng Giang:

  • Ông tốt nghiệp Thạc sĩ CNTT – Đại học Kỹ thuật llmenau tại Đức
  • Bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực Kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna của Áo
  • Năm 2008, ông trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng – CECODES. Đây là một tổ chức phi chính phủ đi đầu ở Việt Nam trong việc thúc đẩy xã hội. Nâng cao tiếng nói của người dân, sự minh bạch, rõ ràng về mọi vấn đề.

Ông có rất nhiều năm nghiên cứu về xã hội và kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, ông am hiểu về thói quen và cách hành xử ở quê hương mình rất rõ. Đó cũng là lý do ông cho ra đời cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone.

Giới thiệu về Thiện, Ác và Smartphone

Đến với “Thiện, Ác và Smartphone”, bạn sẽ được gặp gỡ một nền “văn hóa” mới, đó là “Văn hóa làm nhục”. Đây là nơi mà một tập thể có thể thoải mái, hồn nhiên chửi rủa bất cứ ai nếu họ vi phạm vào một chuẩn mực nào đấy của cộng đồng và thậm chí là của riêng “cư dân mạng”.

Với sức mạnh đông đảo, lấn áp, họ hả hê, vui sướng, thỏa mãn khi chứng kiến “tội nhân” đau đớn, nhục nhã, thậm chí chịu không nổi đành phải tự kết liễu. Điều này không chỉ đơn thuần xảy ra trên mạng ảo, mà còn có thật ở ngoài đời, tiêu biểu là những phiên tòa xét xử lưu động ở Việt Nam hiện nay và trên khắp các nước thế giới.

Đớn đau thay khi nhục mạ, chì chiết người khác lại được trở thành một “văn hóa”, được rất rất rất nhiều người tham gia và đa phần là người trẻ, trí thức. Ai ai cũng nhân danh công lý mà thản nhiên dìm đến chết đồng loại của chính mình. Ai ai cũng tự cho mình là kẻ thế thiên hành đạo, có quyền quyết định sinh sát trong tay, khi mà luật pháp chưa kịp hay chưa đủ thỏa mãn đối với họ.

Bạn sẽ như mình, sẽ rất ngạc nhiên và sốc khi biết những cú click chuột, gõ phím vô thưởng vô phạt hằng ngày lại có sức hủy hoại một con người cả về thể xác lẫn tinh thần. Đằng sau cái nick đang nhấp nháy, cái ảnh đại diện vô hồn, là một con người thật bằng xương bằng thịt và cũng biết đau.

Mỗi người trong chúng ta, trong từng phút từng giây, dù là vô tình hay cố ý, đều đã góp 1 phần độc ác dồn ép ai đó vào tận cùng bi kịch bằng những câu thóa mạ.

Những phần tiếp theo của cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone, tác giả lý giải để người đọc nắm rõ bản chất của vấn đề, đó là nguyên nhân tại sao người ta lại làm nhục nhau, người bị làm nhục phải hứng chịu những gì, và cách từ giã “văn hóa làm nhục”.

Thông điệp của quyển sách rất rõ ràng, đó là muốn khắc họa lên bức tranh “thảm họa” của thời đại công nghệ, và thông qua đó, kêu gọi, cảnh tỉnh mọi người hãy yêu thương nhau. Muốn tốt đẹp, muốn có công lý, thì phải điềm tĩnh và tha thứ.

Những con người lầm lỗi đó, “họ bị trừng phạt, nhưng không bị hạ nhục và dán nhãn để dẫn tới bị kì thị. Họ bị trừng phạt, nhưng không bị ruồng bỏ. Trừng phạt, nhưng với tình thương.” Bởi con người là những sinh vật sợ hãi cô đơn – “giết người đi thì ta ở với ai?”.

Thay vì kêu gào tẩy chay, mắng mỏ người phạm chuẩn trên mạng xã hội và một mực đòi xử tử kẻ thủ ác để làm cuộc sống trong sạch hơn, sao không mở rộng lòng cho họ một cơ hội? “Ác quỷ không dọn đường cho một cái thiện lớn hơn. Nó dọn đường cho một bãi chiến trường”.

Ở đây, ai cũng ghê tởm ác quỷ và luôn luôn muốn cũng như khao khát được công nhận là thiên thần, vậy thì hãy tha thứ cho nhau. Tha thứ là đặc ân riêng biệt mà chỉ mỗi loài người có và thực hiện được. Khi ai đó bị coi là tội phạm, họ phải chịu rất nhiều đau đớn, khổ sở.

review sách thiện, ác và smartphone

“Người ta có thể bị đóng vết nhơ bởi muôn ngàn lý do: người đồng tính, người khuyết tật, người có HIV, người đã từng phạm tội, phụ nữ không lập gia đình, phụ nữ ly dị,… Vết nhơ dẫn tới định kiến. Người có HIV được mặc định là hư hỏng, phụ nữ không có con là ích kỷ, người đồng tính là bị bệnh tâm thần.

Định kiến dẫn tới kỳ thị và phân biệt đối xử. Vết nhơ là giấy phép để người ta coi người bị dán nhãn không hẳn là người. Kể cả khi vết nhơ không liên tục tác động vaò những việc làm hằng ngày của cá nhân bị dán nhãn, nó vẫn ở trong ký ức và tâm tâm trí của anh ta. Anh ta sống trong trạng thái lưu vong trong xã hội của chính mình”.

“Đây cũng là lý do vì sao chữ “phục hồi nhân phẩm” mà chúng ta vẫn dùng cho những người phạm chuẩn là sai. Họ có thể bị tước đi các quyền dân sự nhất định, nhưng không bao giờ mất nhân phẩm, bởi họ chưa bao giờ ngưng làm người. Cái họ cần phục hồi là khả năng sống lành mạnh và lương thiện trong cộng đồng.”

Cũng từng là nạn nhân của “văn hóa làm nhục”, tác giả Đặng Hoàng Giang diễn tả lại rất chân thực cảm giác của bản thân khi đứng giữa “tâm bão” và quá trình đối mặt, giải quyết.

Cảm nhận về Thiện, Ác và Smartphone

Cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone nói về vấn đề thời sự nhưng không khô khan, cứng nhắc, trái lại rất sinh động, chân thật, dễ hiểu. Câu cú rõ ràng, chặt chẽ, mạch lạc. Mỗi chủ đề đều có tính liên kết, chủ đề sau tiếp nối và giải thích cho chủ đề trước. Ví dụ rất nhiều và thực tế.

Mở đầu và đi xuyên suốt vấn đề của quyển sách là vụ án của 2 anh em ăn cắp kính Nhâm Tiến Dũng và Nhâm Thị Hồng Phương (đã chết vì áp lực dư luận) và 2 bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý. Tiếp theo là hàng loạt những vụ án khác, đều là nạn nhân của “văn hóa làm nhục”, như dịch giả Dương Tường, “ông hoàng thơ tình yêu” Xuân Diệu,…

So với “Những chấn thương tâm lý hiện đại” của Vương Trí Nhàn, thì “Thiện, Ác và Smartphone” nhỉnh hơn hẳn về mọi mặt. Không sa đà vào quá nhiều những vấn đề để rồi thành lan man, bỏ ngỏ, “Thiện, Ác và Smartphone” chỉ tập trung duy nhất vào 1 vấn đề và đào sâu, xoáy mạnh, không những nêu ra thực trạng, chỉ dẫn nguyên nhân cũng như quá trình và kết quả, mà còn cung cấp hướng giải quyết.

Cách hành văn của tác giả rất dễ chịu, những khái niệm, những thông tin khoa học, từ ngữ chuyên môn được truyền đạt ngắn gọn, dễ hiểu. Thật ngạc nhiên và nể phục khi tác giả đã từng đi du học và có thời gian sống ở nước ngoài cũng kha khá nhưng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ vẫn thành thục, nhuần nhuyễn và hay đến thế này.

review thiện, ác và smartphone

Đến nỗi khi review sách này, mình không có từ ngữ nào và không biết sắp xếp làm sao để diễn đạt cho ổn, ngoài 1 từ chung chung là CỰC KỲ HAY.

“Thiện, Ác và Smartphone” là quyển sách thay đổi quan điểm mình. Trước đây mình nghĩ và sống theo lối “Có qua có lại mới toại lòng nhau”, nghĩa là ai dành cho mình những gì mình luôn luôn đáp trả lại đầy đủ, kể cả yêu thương hay ghét bỏ.

Nói theo văn hóa ông bà là “Ăn miếng trả miếng”. Còn nói theo mấy bộ phim chưởng của tụi Trung quần què một thời chết mê chết mệt với Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Dương Quá, Tiểu Long Nữ,… thì là “Nợ máu phải trả bằng máu”. Nhưng hôm nay mình nghĩ khác.

Sân si, đanh đá, nóng giận trên mạng ảo mà làm gì. Biết đâu một câu chửi vô tình của mình khi còn chưa kết luận rõ ràng điều gì lại gián tiếp đẩy 1 mảnh đời vào đường cụt? Cứ mãi hằn học như thế trên mạng ảo quen rồi thì liệu ngoài đời có hiền hậu được hay không?

1 tư tưởng nữa ở “Thiện, Ác và Smartphone” là tha thứ và hòa giải. Chúng ta sẽ thanh thản hơn, bình an hơn nếu vứt bỏ được hận thù với những kẻ đã làm tổn thương mình và tiến lên 1 bước cao hơn đó là “hòa giải” – hàn gắn lại mối quan hệ với kẻ đã làm tổn thương mình.

Review by Tường Vân

BẠN ĐANG MUỐN MUA SÁCH MỚI? SÁCH GIẢM GIÁ THÌ SAO NÀO? Lazada: Tiki: Adayroi:

___ Bản quyền này thuộc Kệ sách Online – Sách hay nên đọc. Thánh nào chặt chém đề nghị để nguồn giúp em nhé!___