Rate this post

Nếu bạn chưa thỏa mãn với những dòng vắn tắt trong sách lịch sử giáo khoa, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam một cách nghiêm túc và kỹ càng hơn, bài viết này là món quà gửi tới bạn.

Book Hunter xin giới thiệu đến các bạn danh mục ebook gồm một số bộ sử quan trọng được biên soạn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Kho Ebook này được chia sẻ hoàn toàn miễn phí, các bạn có thể download sách hoặc đọc online tùy ý, nhưng vui lòng không sử dụng ebook cho các mục đích tải xuống và bán trên các kênh ebook khác hoặc in ra để bán sách lậu.

  1. An Nam Chí Lược

Cuốn sử được viết vào đầu thế kỷ XIV. Trước đó, Lê Tắc vốn là quan hầu cận Trần Kiện. Chiến tranh giữa quân Nguyên và nhà Trần nổ ra, Trần Kiện hàng quân Nguyên, rồi quân Nguyên bị đánh bật khỏi Đại Việt, Lê Tắc chạy sang Trung Quốc sống đến khi mất. Năm tháng tha hương, ông soạn ra bộ An Nam chí lược, gồm 20 quyển, trong đó có cả những bức địa đồ. Nội dung bao gồm: núi sông, cổ tích, phong tục An Nam; thư từ giao thiệp các cấp giữa nhà Nguyên với nhà Trần; thư, biểu nhà Trần gửi sang nhà Nguyên, hoặc của các nhà đời trước gửi sang Trung Quốc; lịch sử chiến tranh của An Nam với các triều đại Trung Quốc; lịch sử cai trị của Trung Quốc ở An Nam, các đời quan phương Bắc cai trị trong thời Bắc thuộc, chuyện nước Nguyên đánh An Nam… Sách rất được các đời vua quan Trung Hoa nâng niu gìn giữ.

  1. Lam Sơn Thực Lục

Sau khi chiến thắng giặc Minh, Lê Lợi sai soạn Lam Sơn Thực Lục, và chính tay vua viết đề tựa. Nội dung sách kể về những diễn biến từ khi Lê Lợi khởi nghĩa cho đến khi hoàn toàn đánh đuổi được quân Minh ra khỏi đất nước. Bản sách lưu hành ngày nay đã qua nhiều lần chỉnh sửa và không còn nguyên vẹn như bản đầu tiên.

  1. Đại Việt sử ký toàn thư

Bộ sách được soạn dưới triều vua Lê Thánh Tông, chép từ đời Hồng Bàng đến Lê Thái Tổ, chia dòng lịch sử ấy ra làm 2 phần là ngoại kỷ (từ trước đến thời mười hai sứ quân) và bản kỷ (từ Đinh Tiên Hoàng trở về sau). Ngô Sĩ Liên đã dựa nhiều vào hai bộ sử đã có trước đó là Đại Việt Sử ký soạn bởi Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký tục biên soạn bởi Phan Phu Tiên mà viết thành. Ngoài ra, ông cũng thêm thắt các tích truyện thần thoại về giai đoạn trước thời Triệu Đà.

  1. Ô châu cận lục

Ô Châu cận lục do Dương Văn An làm từ năm 1553, sửa chữa và ấn hành vào năm 1555, dưới triều vua Mạc Tuyên Tông. Đây là tài liệu “địa phương chí sớm nhất” của Việt Nam, ghi chép về nhiều phương diện như núi sông, thành quách, phong thổ, nhân vật…của dải đất miền Trung từ Quảng Bình trở vào đến Quảng Nam ở thế kỷ 16.

  1. Đại Việt Thông Sử

Lê Quý Đôn viết sách Đại Việt Thông Sử trong những năm đèn sách mỏi mòn chờ ngày thi Hội, năm 1749. Sách gồm 30 quyển (theo Phan Huy Chú), viết theo thể kỷ truyện (chỉ có phần Bản kỷ là chép theo lối biên niên) chép từ thời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đến vua Lê Cung Hoàng (theo Phàm lệ của tác giả).

  1. Việt sử tiêu án

Bộ sử được Ngô Thì Sĩ soạn năm 1775, dựa trên sử cũ (Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử toàn thư…) Nội dung ghi chép lại lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng tới thời thuộc nhà Minh

  1. Phủ biên tạp lục

Phủ biên tạp lục là bộ sách gồm 8 quyển được chia làm 2 phần của Lê Quý Đôn ghi chép lại hầu hết các thông tin quan trọng về kinh tế và xã hội của xứ Đàng Trong trong gần 200 năm từ cuối thế kỷ 16 đến thời kỳ ông làm quan Hiệp trấn xứ Thuận Hóa của chính quyền Lê-Trịnh, vào khoảng năm 1776.

  1. Đại Việt sử ký tiền biên

Đại Việt sử ký tiền biên là bộ sử biên niên gồm 17 quyển, viết bằng chữ Hán do Ngô Thì Sĩ biên soạn, Ngô Thì Nhậm hiệu đính. Bộ sử này được khắc in năm 1800, dưới triều đại nhà Tây Sơn. Sách chép lịch sử từ Hồng Bàng đến hết thời thuộc Minh, chia thành 2 phần: ngoại kỉ từ Hồng Bàng đến Ngô sứ quân gồm 7 quyển; bản kỉ từ nhà Đinh đến hết thuộc Minh, gồm 10 quyển. Phần đầu sách liệt kê danh sách các sử gia: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Lê Tung, Nguyễn Nghiễm, Ngô Thì Sĩ.

  1. Lịch triều hiến chương loại chí

Sách do Phan Huy Chí soạn trong khoảng thời gian 1809 – 1819. Sách gồm 49 quyển ghi chép và phân loại phép tắc các triều đại, nội dung được chia ra thành 10 phần: địa dư chí, nhân vật chí, quan chức chí, lễ nghi chí, khoa mục chí, quốc dụng chí, hình luật chí, binh chế chí, văn tịch chí, bang giao chí…

  1. Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí

Hoàng Việt nhất thống Dư địa chí là sách địa chí do Lê Quang Định Thượng thư Bộ Binh khởi sự biên soạn chỉ sau 1 năm ngày lên ngôi của vua Gia Long (1806). Đây là bộ địa chí đầu tiên của nhà Nguyễn, mở đầu cho các bộ địa chí có quy mô lớn và những phương chí sau này. Nét nổi bật nhất của bộ sách chính là việc ghi chép một cách tường tận về hệ thống giao thông đường bộ lẫn đường thủy của nước ta vào đầu thế kỷ XIX.

  1. Gia Định nhất thống chí

Gia Định thành thông chí hay Gia Định thông chí là một quyển địa chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) viết về miền đất Gia Định bằng chữ Nho và chữ Nôm, là một sử liệu quan trọng về Nam bộ Việt Nam thời nhà Nguyễn.

  1. Quốc sử di biên

Quốc sử di biên, tên đầy đủ là Dưỡng Hạo Hiên đỉnh tập Quốc sử di biên, là một quyển sử tư nhân, viết theo lối Hán văn cổ, ghi chép và bổ sung những sự kiện mà quốc sử của triều Nguyễn (Việt Nam) còn bỏ sót hoặc đề cập chưa chính xác. Sách do Thám hoa Phan Thúc Trực biên soạn bằng chữ Hán, chép theo lối biên niên, thực hiện khoảng năm Tự Đức thứ 4 đến thứ 5 (1851-1852).

  1. Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục

Khâm định Việt sử Thông giám cương mục được vua Tự Đức chỉ đạo biên soạn vào năm Tự Đức thứ 8 (1856), do Phan Thanh Giản làm tổng tài (chủ biên). soạn theo thể biên niên dựa trên cơ sở Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên, có tham khảo các sách sử của Trung Quốc cùng các sách sử khác của Việt Nam. Bộ sách được viết theo thể “cương mục” của Chu Hi thời Tống, chia ra “cương” (phần tóm tắt gọn và sáng) và “mục” (việc chép rộng ra cụ thể hơn), theo thứ tự năm, tháng, ngày ghi chép sự kiện lịch sử, tiểu sử các nhân vật, lời cẩn án giám định một số sự kiện, nhân vật và niên đại trên cơ sở khảo chứng các sách sử, tư liệu của Việt Nam và Trung Quốc, lời chú thích tên người, tên đất, chế độ thi cử, tổ chức hành chính, rải rác có các lời phê của vua Tự Đức.

  1. Đại Nam thực lục

Sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, gồm nhiều cuốn, hoàn thành rải rác từ 1821 đến 1909. Đại Nam thực lục ghi chép các sự kiện từ khi chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến đời vua Khải Định (1925).

Minh Hùng tổng hợp