Rate this post

1. Tại sao bạn không nên mua cuốn “Suy Tưởng” của NXB Tri Thức, do Tiết Hùng Thái dịch

Xu hướng chung: Hiện nay, các dòng sách Stoic tiếng Việt trên thị trường vẫn chưa nhiều và phần lớn trong số này không đạt các tiêu chuẩn để truyền tải Stoicism một cách đúng đắn. Như tôi đã phân tích trong bài đánh giá các sách Chủ Nghĩa Khắc Kỷ Stoicism, do chạy theo thị hiếu đám đông (vốn thích đọc những gì dễ chịu, dễ nuốt, lọt tai) và tối ưu hóa lợi nhuận nên có thể tác giả và nhà xuất bản bất chấp, thuê thợ dịch công nghiệp, cắt đầu cắt đuôi.

review đánh giá sách Suy Tưởng của vài anh em
review đánh giá sách Suy Tưởng của vài anh em

Cuốn “Meditations” của Marcus Aurelius là một kiệt tác. Nhưng bản gốc hay bao nhiêu thì bản dịch tiếng Việt là sách “Suy Tưởng” lại khó hiểu bấy nhiêu. Nguyên nhân khách quan là do: Marcus Aurelius xem “Meditations” như một quyển sách nháp để ông vắn tắt ghi lại những châm ngôn đạo đức cho riêng mình. Ông có ước nguyện rằng nó sẽ được đốt đi khi ông qua đời, nhưng những người thời đó quyết định lưu lại cho hậu thế. Marcus Aurelius chưa bao giờ định xuất bản cuốn “Meditations”, nên văn phong của ông ngắn gọn, có chỗ cụt lủn, không thành câu hoàn chỉnh, viết vắn tắt, ghi chú khá khó hiểu. Khi dịch sang tiếng Việt cuốn “Suy Tưởng’ bị ảnh hưởng bởi style dịch word-by-word nên nhiều chỗ khó hiểu vô cùng. Tiếng Việt Nam lại KHÔNG ĐỦ TRÌNH thỏa mãn việc truyền tải 100% ý nghĩa từ tiếng Anh trong khi vẫn bảo đảm một văn phong ngắn gọn dễ hiểu. Tôi mua cuốn này đọc thử, dù trước đó đã đọc qua cuốn “Meditations” bản tiếng Anh và phải bỏ nó xuống sau khi đọc xong 20 trang. Tôi cũng chẳng dám cho lại ai vì sợ người được cho sách hiểu sai về Stoicism.

Để dịch cuốn này, tốt nhất nên nhóm các ghi chép của Marcus Aurelius lại theo chủ đề rồi diễn giải ra mới thoát ý được.

Ngoài ra để thực hành Chủ Nghĩa Khắc Kỷ Stoicism đúng cách, các bạn phải nắm vững các bài sau đây. Nếu không, bạn rất dễ hiểu sai và trở nên bàng quan, xa rời thực tại.

CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ STOICISM LÀ GÌ

ĐÁNH GIÁ VỀ CÁC QUYỂN SÁCH CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ STOICISM

BỐN ĐỨC HẠNH CỦA STOICISM

DOWNLOAD SÁCH CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ STOICISM TIẾNG VIỆT

NGUYỄN DUY CẦN, HỌC GIẢ ĐẬM CHẤT STOIC, VIẾT SÁCH CỰC CHẤT.

2. Nội dung sách “Suy Tưởng” bản rút gọn:

Đây là tóm tắt của quyển Meditations của Đại Đế Marcus Aurelius, nếu bạn muốn hiểu quyển “Suy Tưởng” nhưng ngại dài không muốn đọc nó, hay muốn lướt qua một lần nữa thì bài này dành cho bạn. “Suy Tưởng” là một quyển sách nháp mà vị đại đế ghi lại những suy nghĩ trong suốt 19 năm. Các ghi chép không có thứ tự và có thể lặp lại nhiều lần khi các ý tưởng na ná nhau trồi lên vào các dịp khác nhau. Bạn không nên đọc quyển Suy Tưởng như sách khoa học, giải thích cách thế giới hoạt động. Thay vào đó, hãy đọc nó như một series của các kĩ năng tinh thần để đạt được cuộc sống yên tĩnh và thoả mãn hơn. Nó là quyển ghi chép của một người đàn ông với gánh nặng vương triều Roma trên vai. Một người đàn ông chiến đấu để trở nên tốt đẹp và ghi chép lại cách đạt được mục đích đó. Tôi sẽ sắp xếp lại, và trình bày ngắn gọn hơn và sẽ cố hết sức để không làm lệch nghĩa. Khi tóm tắt từ 50 nghìn từ xuống còn 4 nghìn, tôi dự là sự văn vở và hầu hết các vần thơ bị mất đi.

Khi bạn gặp phải sự không tử tế : Khi bạn bị ai đó đối xử tệ hoặc chỉ trích, khả năng là họ đúng và trong trường hơp này bạn không có quyền phàn nàn. Nếu họ phán xét bạn sai thì trước đó họ lầm và bản thân họ đã phạm lỗi. Hãy tự nhắc nhở rằng chính bạn cũng phạm nhiều lỗi trong cuộc sống và cảm thấy thương hại lẫn cảm thông cho họ. Bằng mọi cách, hãy chỉ ra cho họ thấy họ sai ở đâu một cách trìu mến chứ không quạu hay chỉ để gây ấn tượng với những người đứng xem. Nói thẳng với họ nếu điều trên không hiệu quả. Tự vấn bản thân những giá trị nào mà tự nhiên đã ban cho chúng ta để đương đầu với khiếm khuyết. Ví dụ, tạo hoá ban cho chúng ta lòng tốt như thuốc giải độc cho sự không tử tế để quan sát những gì đang diễn ra. Rất ít người có thể tiếp tục đay nghiến khi bạn liên tục cho họ sự tử tế. Mặc kệ họ nói gì hay làm gì, nhiệm của bạn là giữ vững bản chất tốt đẹp.

Nếu bạn lầm tin một người gian manh hãy tự trách mình, lỗi do bạn cả ! Hãy nhận ra rằng những người không đáng tin, xấu xa và thậm chí tà ác…luôn tồn tại trên cõi đời. Việc tưởng bở rằng ta không bao giờ chạm trán họ là ngu ngốc. Nhắc nhở bản thân rằng “tôi đã đụng độ một trong số bọn họ, điều này sớm muộn cũng xảy ra”. Sau đó nhớ rằng những việc xấu từ người khác chỉ ảnh hưởng tới tâm hồn bạn khi bạn đáp trả lại y hệt. Việc của bạn là giữ vững sự tốt đẹp và không được để việc xấu từ người khác ảnh hưởng. Sự trả thù “cao quý” nhất là đừng làm giống kẻ thù của bạn.

Nhớ điều đó, và nhận ra rằng mọi thứ dựa vào cách bạn diễn giải chúng. “Tất cả dựa trên sự diễn giải” được Marcus Aurelius trích dẫn từ một nhà triết học yếm thế (Cynicism). Marcus lưu ý rằng câu đó không hoàn toàn đúng nhưng nó như chiếc nạng hữu dụng, chống vững cho tinh thần. Nếu áp dụng đúng vào cuộc sống, bạn có thể gặt hái kết quả đáng kinh ngạc. Nhớ rằng, cách tâm trí bạn diễn giải sẽ ảnh hưởng tới việc mọi thứ tác động đến bạn ra sao, chứ không phải những gì thuộc ngoại cảnh. Dù bất cứ điều gì xảy ra, bạn có quyền chọn cách tâm trí mình diễn giải chúng, vì vậy, nếu nghĩ rằng bạn không bị hại thì bạn không cảm thấy bị hại. Nếu trời mưa, bạn có thể chọn giữa việc tức giận ông trời và ghét cảm giác nước mưa văng đầy quần áo so với cảm thấy dễ chịu vì mình vẫn còn sống và tận hưởng cảm giác ấy trong cơn mưa. Thật dễ để chống lại và xoá đi những ấn tượng phiền toái hoặc không thích hợp để ngay sau đó cảm thấy bình an. Cố gắng điều khiển tâm trí bạn suy nghĩ theo hướng tích cực. Cuối cùng, bạn là những gì bạn liên tục nghĩ đến, bởi vậy, hãy xem xét kĩ những suy nghĩ nào được phép tồn tại trong đầu bạn.

Những gì bạn thường xuyên nghĩ về, sẽ định hình tâm trí bạn… vì tinh thần của con người được tô sắc bởi những suy nghĩ như vậy. Do đó, tâm trí bạn nên ở đẳng cấp vượt trội hơn so với cơ thể và cảm giác. Bạn có một cơ thể và một tâm trí. Lý trí là lợi thế mà bạn có so với các loài vật. Thuận theo bản chất tự nhiên có nghĩa là nhận ra và sử dụng những gì tạo hoá ban cho bạn. Từ sâu thẳm, bạn thừa biết mình nên làm những gì nhưng lại không làm bởi vì bạn không điều khiển được tâm trí. Bất cứ khi nào bạn quyết tâm làm điều gì đó nhưng lại thôi, cơ thể bạn đưa ra cho bạn những lý lẽ bàn ra.

Đừng cho phép cơn đau, sự buồn ngủ, cơn sốt, việc ăn mất ngon… thay đổi hành vi của bạn. Khi những thứ đó ảnh hưởng đến bạn, hãy nhắc nhở rằng “tôi đang đầu hàng nỗi đau”. Khi bạn đầu hàng trước những cảm giác này, tâm trí bạn trở thành nô lệ của cơ thể, nguyên nhân sinh ra bất hạnh. Đau khổ vô độ bắt nguồn từ việc không để cho tâm trí làm đúng việc của nó. Bằng khả năng hành động một cách đức hạnh, bạn mới lấy lại được quyền điều khiển tâm trí. Và chỉ bằng việc sống đức hạnh ta mới có được hạnh phúc đích thực (eudaimonia). Một khi bạn bắt đầu dùng lý trí, sự khác biệt sẽ như ngày và đêm. Trong vòng 10 ngày, bạn đổi mới như một vị Thần so với bạn của ngày hôm nay ( tựa như con thú, con vượn) nếu bạn trở về với các nguyên tắc của mình và tôn thờ lý trí. Bởi vậy, hãy lưu ý và hành động cẩn trọng. Thường thì chúng ta để cuộc đời trôi qua ở chế độ lái tự động chúng ta thường không nghĩ về phần lớn những thứ sẽ làm. Quá đủ rồi ! “Hành động tự phát là những hành động vô nguyên tắc”. Đừng đi rông vô mục đích mà hãy hành động cẩn trọng. Quan sát tâm trí của bạn một cách phê phán như cách bạn nhìn vào người khác vậy. Trong mọi trường hợp, hãy hỏi bản thân rằng bạn đang nghĩ gì. Thể loại linh hồn nào của bạn được phơi bày ra khi bạn hành động như trẻ con, như tên bạo chúa và súc vật ? Nguyên nhân tại sao bạn hành động như vậy ? Nếu bạn có thể điều khiển hành động, suy nghĩ và thực hành một cách có hệ thống, cuộc đời bạn sẽ suôn sẻ. Nếu bạn không theo dõi diễn biến trong tâm trí thì bạn sẽ không hạnh phúc.

Xa hơn, bạn có thể tìm bình yên trong các sự kiện ngoại cảnh bất cứ khi nào, bằng cách hướng vào tâm trí bên trong, nhưng làm vậy nhanh gọn thôi. Đừng rút lui khỏi đời thực. Nhân bản được sinh ra để phục vụ cho sự hợp tác giữa người và người. Đừng cho phép bản thân trở nên nóng giận với những người xung quanh, ganh ghét hoặc ngừng tạo ra sự khác biệt tích cực trong xã hội. “Nếu bạn có suy nghĩ rằng tất cả các sinh vật có lý trí được tạo ra để phục vụ một tập thể, thì việc giúp đỡ người khác trở thành niềm vui, chứ không chỉ là thứ đúng đắn để làm”.

Học cách thương yêu người khác kể cả khi họ phạm lỗi. Để thực hiện, bạn hãy nhận ra họ cũng là con người và tất cả chúng ta đều mắc lỗi và cũng tới lúc họ phải chết, cũng như bạn thôi, và chúng ta tồn tại cùng nhau. Hơn hết, dù đã làm gì đi nữa thì họ không thật sự làm tổn thương (quyền được chọn lựa) của bạn. Marcus Aurelius còn cho ta một công cụ hỗ trợ tinh thần khác : thưởng ngoạn những giá trị tích cực của những người xung quanh. Tất cả chúng ta có những khả năng và tài năng khác nhau, ý thức được điều này bạn sẽ nghĩ tốt hơn về họ. Khi bạn cần sự động viên, hãy nghĩ về phẩm chất của những người xung quanh. Năng lượng của người này, sự khiêm tốn của người kia, sự rộng rãi của người nọ. Hãy luôn nghĩ về họ như vậy.

Người lạ ý kiến về bạn vẫn không quan trọng bằng bạn đánh giá bản thân mình. Tôi luôn ngạc nhiên khi thấy chúng ta yêu bản thân mình hơn cả người khác, nhưng lại quan tâm thiên hạ nghĩ gì hơn cả ý kiến cá nhân. Điều này không cổ suý cho sự cao ngạo, mà nhắc bạn làm những gì bạn cho là tốt nhất, mặc kệ phản ứng của người khác. Bạn biết kế hoạch và lý do tại sao bạn làm như vậy và không cần giải thích cho tất cả mọi người. Tệ hơn là khi chúng ta luồn cúi và tìm sự tán dương từ kẻ mà ta thậm chí chả tôn trọng. Nghĩ đi, tìm kiếm sự tán dương của những kẻ đáng bị khinh thường. Để không quá bị ảnh hưởng bởi lời tán dương, Marcus Aurelius đề xuất việc suy ngẫm xem sự tán dương tạo ra khác biệt gì khi nó thật nhỏ nhoi trong kế hoạch tổng thể. Sự nổi tiếng trong thế giới này là vô dụng. Từ tất cả những điều này, Marcus kết luận chúng ta nên chân thật và thẳng thắn. Chúng ta không nên vênh váo, hay phác hoạ sai lệch về bản thân (sống ảo) chúng ta. Cũng nên tránh những lời hoa mỹ cũng như việc nuông chiều hay ủng hộ sự thiên vị.

Tuy nhiên, hãy mở lòng với sự chỉnh đốn. Được chỉnh đốn thì tốt hơn sống trong ảo tưởng. Bạn không nên xem việc phải thay đổi tâm trí là thua cuộc. Dù rằng sự cưỡng bách có thể xảy ra, vẫn là một việc tự do và cao quý khi bạn thay đổi tâm trí mình nếu các bằng chứng đưa ra đều chống lại bạn. Đừng thay đổi vì áp lực của bạn bè hay chỉ để lấy lòng người khác. Nhớ rằng việc thay đổi tâm trí và chấp nhận sửa đổi cũng là quyền lựa chọn tự do của bạn. Bạn làm như vậy dựa trên ý chí, quyết định – và tâm trí của bạn.

Vì vậy, hãy trân trọng sự tự do của mọi người và học cách chịu đựng quyền tự do ngôn luận của người khác. Vì không thể điều khiển họ, bạn nên học cách kiểm soát phản ứng của mình. Học cách tiếp nhận những sự thật phũ phàng, lắng nghe người khác một cách chăm chú và tự đặt mình vào vị trí của họ. Tập thói quen để ý đến những gì người khác nói và tập đi guốc trong bụng người ta càng nhiều càng tốt. Hãy xem quyền lợi của mọi người là bình đẳng trước luật pháp. “Từ những người anh em mà tôi nhận thức được một xã hội bình đẳng về luật pháp, được điều hành bởi sự bình đẳng về địa vị và ngôn luận và bởi những nhà điều hành biết tôn trọng sự tự do của người dân trên tất cả mọi thứ khác”.

Ý thức rằng quyền lực có thể phá hỏng con người, và gây ra những thứ ác ý xảo quyệt lẫn đạo đức giả. Người có gia cảnh tốt cũng có thể tàn nhẫn đến kỳ lạ. Nếu bạn có quyền lực trong tay, hãy nhớ điều này và kiểm tra bản thân, đừng trở thành người độc đoán, đừng biến thành một người như Caesar, đừng bị vấy bẩn ; nếu những thứ như vậy xảy ra hãy chiến đấu để trở thành con người mà triết học đang giáo huấn. Vì vậy, hãy có lòng tự trọng. Với mỗi hành động, hãy tự chất vấn xem bạn có tôn trọng bản thân khi làm vậy không. Nếu thấy hối hận trong lòng, hãy coi chừng và bỏ qua bất cứ sự bốc đồng khi bày tỏ những gì bạn không thật sự tin tưởng.

Những thứ khiến bạn thất hứa và mất đi lòng tự trọng và chán ghét người khác…sẽ không có ích lợi nào. Khi cơn giận trồi lên, nhớ rằng việc đầu hàng cảm xúc chẳng nam tính chút nào. Sự tử tế và lịch sự định nghĩa một con người và người đàn ông. Người nào có những tính chất này thì sở hữu sức mạnh, khí phách và lòng can đảm, chứ không phải những kẻ làm bị ảnh hưởng bởi đam mê và sự bất mãn. Đừng trở thành một tên bạo chúa hay nô lệ của bất cứ ai.

Dù cho bất cứ gì xảy ra, tránh phàn nàn. Hãy làm việc và ngừng than thở. Làm những công việc trước mắt, làm đi và đừng phàn nán. Nếu không thể, hãy nhờ người khác giúp và đừng cảm thấy xấu hổ nhưng chớ kêu ca, dù là thầm nghĩ. Trong cuộc sống, thường thì “trở ngại chính là con đường – obstacle is the way”. Nếu có gì đó tồi tệ xảy đến, hãy xem đấy là lúc những cơ hội mới mở ra. Tương tự như khi nhận thức rằng việc diễn giải về các sự kiện có thể ảnh hưởng xấu, bạn có thể tự hỏi rằng nếu diễn giải sự việc như vậy thì có mang lại lợi ích gì cho bạn không ? Tâm trí có thể thích nghi và chuyển đổi những trở ngại theo hướng có lợi. Trở ngại mang lại sự tiến bộ. Những gì nằm chắn trên đường, trở thành con đường. Tất nhiên, đây vẫn chỉ là một công cụ hỗ trợ tinh thần, bởi vì nếu bạn muốn xe mình hỏng, bạn có thể tự mình phá hỏng nó, nhưng hiện tại nó đã hư rồi, hãy tự hỏi bạn rút ra được điều gì tốt từ đấy ? Chướng ngại trở thành con đường là sự giác ngộ rằng tất cả sự kiện tạo ra những cơ hội mới và nói với bản thân rằng “tốt thôi ! ” khi nghịch cảnh xảy ra và việc tìm kiếm cơ hội mới tốt hơn rất nhiều so với kêu ca, phàn nàn. Jocco Willink cũng từng tóm tắt rất hay. Link nè : sachvui.co/joccowillink001

Marcus Aurelius sử dụng những công cụ hỗ trợ tinh thần rất nhiều. Có thể xem quyển “Suy Tưởng” như một series các mẹo tâm lý học thực dụng để giúp cuộc sống dễ dàng hơn. Nhờ những thói quen tinh thần đó mà bạn có thể mỉm cười và hạnh phúc kể cả khi nghịch cảnh xảy ra. Vận xui luôn là một phần của tự nhiên. Vũ trụ xem bạn như tất cả những người khác, rất bình đẳng. Nhiều điều sẽ xảy ra khiến thế giới của bạn chao đảo, hãy chấp nhận ! Những khó khăn, thất bại và thậm chí bi kịch là một phần của cuộc sống, thậm chí của việc “còn sống”. Tất cả mọi người sẽ nếm trải chúng.

Marcus Aurelius nhắc rằng những thứ đó nằm trong tay của Thượng Đế hay Số Phận, bạn không nên hi vọng và nguyện cầu rằng chúng đừng xảy ra, mà hãy ước rằng bản thân mình có đủ sức mạnh của cá tính để tận hưởng khi chúng đến. Tại sao lại không cầu nguyện cho khả năng vô vi trước những thứ này, không cần khao khát không phải buồn bã trước chúng, thay vì ước rằng chúng nên hoặc không nên xảy ra? Điều này giúp bạn tập trung vào những thứ trong vòng điều khiển như là rèn luyện sức mạnh của cá tính để đương đầu trước vận xui, thay vì phó mặc diễn biến cho số phận…và khi nghịch cảnh xảy ra hãy như đất mũi chống lại những cơn sóng dữ. Đất mũi vững vàng và thuần hoá những con sóng điên cuồng xung quanh. Marcus Aurelius tiến xa hơn và chỉ ra rằng sau khi trải qua nghịch cảnh, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Thật không may là điều này đã xảy ra ? Không ! may mắn là nó đã xảy ra nhưng lại không làm hại được tôi ! Thật mỉa mai trong đời, khi những khó khăn lại cho ta cơ hội để kiểm tra chính mình và trở nên vững mạnh hơn.

Trong tất cả những tình huống khiến bạn buồn rầu, nhớ rằng việc chịu đựng vận xui một cách bản lãnh lại là vận may! Marcus Aurelius chỉ ra rằng hầu hết mọi thứ đã xảy ra trước đây. Tuy vũ trụ liên tục chuyển động, nhưng chẳng có điều gì mới mẻ dưới ánh mặt trời. Những gì đang là thử thách hiện tại của bạn, đã được người khác trải qua lâu rồi. Rõ ràng là xã hội và công nghệ đã tiến xa, nhưng con người vẫn như cũ. Bạn bị người yêu cắm sừng, bạn bè phản bội, không được thăng chức… nhân loại đã trải nghiệm những điều này từ rất lâu rồi ! Thay vì khóc lóc giận dữ và sốc, rồi lặp lại các hành vi của những người trước đây, hãy để những sự kiện nhỏ nhoi này rửa sạch bạn và hướng sự chú ý đến những gì thật sự quan trọng. Luôn ý thức về tỉ lệ và điều này giúp bạn đương đầu với những thứ như vậy. Trong những sự kiện xảy ra, nhớ về những người đã trải qua y hệt như bạn nhưng đã sốc, giận dữ và hối hận. Những người đó hiện đã đi đến đâu ? Chẳng đâu hết ! Bạn có muốn giống họ, thay vì né tránh những sao nhãng để làm việc khác và tập trung vào những việc cần làm ? Bởi vì bạn có thể sử dụng và đối xử với nó như nguyên liệu thô. Hãy chú ý và quyết tâm sống theo những mong đợi của bạn.

Trong mọi thứ, và khi phải lựa chọn lựa hãy nhớ rằng chúng ta chỉ nên dành thời giờ cho những thứ thật sự quan trọng. Vì thế, hãy thực tế và giải quyết những thứ trước mắt bạn, đừng vô mục đích và đừng để bản thân bị sao nhãng. Cố giữ một cam kết bền vững và hãy tập trung một khi đã ra quyết định. “Nếu bạn tìm kiếm sự bình an, hãy làm ít việc hơn, nhưng tốt hơn” “Hãy làm việc như thể nó là việc cuối cùng bạn làm trong đời và ngừng cái sự vô mục đích, đừng cho phép cảm xúc lấn át tâm trí”. Hãy loại bỏ những suy nghĩ thừa thãi và đừng để cảm xúc đan xen vào tương lai, nguỵ tạo ra những lo lắng viễn vông. Hãy tôi luyện và thực hành chúng ở hiện tại, khi làm những việc trước mắt như thể đó là điều cuối cùng trong đời.

Gạt bỏ đi những ấn tượng từ sự tưởng tượng, đừng bị giật dây như con rối, giới hạn bản thân vào thời điểm hiện tại. Qua khổ luyện, bạn có thể học được những thứ tưởng như vô vọng trong thời điểm hiện tại. Đứng trước mỗi nhiệm vụ, hãy tự hỏi tại sao bạn không thể chịu đựng được ? Bạn sẽ bối rối khi trả lời đấy. Đừng tập trung vào những đặc tính vật lý mà bạn không thay đổi được và đừng mong muốn hoặc theo đuổi những thứ ngoài tầm với. Thay vào đó, hãy tập trung vào những đức hạnh trong tầm kiểm soát trung thực, nhân phẩm, bền bỉ, giản dị, cam chịu, kiêng khem, kiên nhẫn chân thành, chừng mực, nghiêm túc rộng lượng… Với tâm thế đó, hãy tập trung làm những điều đúng đắn và chuẩn bị cho việc đối đầu với sự kháng cự.

“Nếu việc đó không đúng thì đừng làm, nếu điều đó không có thật thì đừng nói”. Đừng nói những gì không thật và đừng làm những điều bất công. Và đừng bận tâm liệu mọi người có nhận ra những điều bạn làm không. Nếu bạn làm việc tốt, đừng mong chờ phần thưởng bởi vì bản thân những việc đó đã là phần thưởng và khiến cuộc sống cao quý rồi. Niềm hân hoan thật sự và sự tĩnh lặng là khi bạn làm những việc vô vị kỷ. Vì bạn cần hành động với đức hạnh, hãy làm thật tốt mặc kệ người khác phản ứng ra sao và đừng để hành động xấu từ người khác ảnh hưởng đến bạn. Đừng mong đợi một kết quả hoàn hảo, hãy hạnh phúc với sự tiến bộ nhỏ nhoi nhất và cả trong việc cố làm việc tốt. Có nghĩa là, khi bạn luôn cố làm việc tốt, nếu có gì đó bất đắc dĩ xảy ra thì bạn vẫn thành công vì bạn đã cố gắng làm điều tốt rồi.

Tham vọng là trói hạnh phúc và sự hưng thịnh của bạn vào những gì người khác nói hay làm. Sự tỉnh táo là hướng chúng vào hành động của bạn. Nếu bạn có quyền lực, bạn vẫn có thể bị ghét khi làm những việc tốt. Việc quan trọng là đừng đi chệch hướng để tìm kiếm sự tán dương. Một vị vua thì nên làm việc tốt và sẵn sàng nghe chửi. Tập khát vọng hành động với đức hạnh và đừng để người khác ảnh hưởng. Ghi nhớ điều đó, thực hiện nghĩa vụ và khinh khi sự hèn nhát. Hãy đứng thẳng và ngẩng cao đầu trong cuộc sống, đừng dựa dẫm vào người khác và can đảm thực hiện nghĩa vụ. Giống như thế này, thưa các quý bồi thẩm đoàn : vị trí mà người lính chọn để đứng gác hoặc vị trí mà người chỉ huy sắp đặt cho anh ta – tôi nghĩ đó là nơi anh ta phải đứng vững và đối mặt với kẻ thù của mình và chẳng lo lắng về việc bị giết hay bất cứ gì khác ngoài thực hành nghĩa vụ. Tập trung suy nghĩ liệu việc bạn đang làm là đúng hay sai, hơn là nguy cơ mà nó mang lại. Bạn phạm sai lầm lớn nếu nghĩ rằng bất cứ người đàn ông tài giỏi, quan tâm đến cái chết mà lại không tập trung vào việc liệu những gì anh ta đang làm là đúng hay sai và hành vi của anh ta là tốt hay xấu.

Hiểu rằng cuộc đời thì ngắn và chúng ta ai cũng phải chết…có nghĩa là phải hành động ngay. Quyết định một lần duy nhất : Theo đuổi sự công bằng, trung thực… lòng can đảm, sự tự chủ và hành động lý trí… hơn tất cả những thứ khác. Nhắc nhở bản thân đã bao lần bạn chần chừ và trì hoãn, bạn đã có bao nhiêu cơ hội nhưng lại bỏ phí ? Hãy nhớ rằng thời gian của bạn có hạn và nó đang trôi qua dần. Đừng tìm kiếm sự công nhận từ người khác, đừng chần chừ… Ngày hôm nay, hãy quyết định hành động. Đừng sống như thể bạn bất tử, nên nhớ, cái chết đang lượn lờ ở đâu đó khi bạn còn sống và tỉnh táo, hãy là người tốt. Một khi quyết định như vậy, trong tâm bạn sẽ không còn đau khổ nữa. Bạn đau khổ vì bạn chọn mình sẽ tốt vào ngày mai thay vì hôm nay. Một mẹo cho tinh thần mà Marcus Aurelius đề xuất : những khoảng thời gian đã trôi qua đã “chết” và từ ngày hôm nay bạn sống một cuộc sống mới ngắn ngủi hơn vì vậy, hãy sống đúng cách. Nghĩ rằng bạn đã chết, bạn đã sống cuộc đời mình trong thời gian qua, bây giờ hãy tận dụng những gì còn lại và sống đúng đắn. Thật là ô nhục khi linh hồn bạn bỏ cuộc trong khi cơ thể vẫn hoạt động tốt chán. Tuổi càng cao thì cơ hội bạn trở thành thực tập sinh kế tiếp càng thấp, khi còn trẻ bạn có thể tưởng tượng mình là nhà thông thái trong tương lai, như vận động viên Olympics chuyên nghiệp hay là thay đổi thế giới với các khám phá mới… Nếu những ước mơ đó chưa thành công thì cũng đừng nản lòng. Bạn vẫn có thể tập trung xây dựng cá tính và làm điều tốt cho đời. Dù bạn bỏ dở ước mơ trở thành khoa học gia hay nhà tư tưởng vĩ đại, đừng từ bỏ việc tìm kiếm tự do, trở nên khiêm nhường, phục vụ anh em, nghe lời Thượng Đế. Chiều cao của bạn có giới hạn, cuộc đời bạn cũng thế cuối cùng cái chết sẽ đến với tất cả mọi người và việc lo sợ về tương lai hoàn toàn vô nghĩa và ngăn chúng ta hành động can đảm ngày hôm nay.

Vậy nên, hãy tập lấy lại cân bằng cuộc đời là một chuỗi dài các nghịch cảnh dù bạn thông thái đến đâu, sẽ có lúc vận xui xảy đến khiến bạn mất cân bằng khi đó, hãy định tâm lấy lại cân bằng ngay, trước khi tiếp tục. Bạn thực tập như vậy càng nhiều bao nhiêu thì sẽ trở nên tốt hơn bấy nhiêu. Khi chẳng đặng đừng bị hoàn cảnh vả vào mặt hãy trở về với bản thân và đừng mất nhịp quá nhiều (giống khi bạn hát) bạn sẽ bắt lại được hoà điệu nếu bạn tìm cách quay trở lại. Nói cách khác, bất cứ thứ gì tiêu cực xảy đến, sẽ có lúc bạn ngã ngựa và trở về đường lối xưa cũ. Khi đó, hãy tập vực dậy bản thân và đừng nghe giọng nói trong đầu bảo rằng bạn phải từ bỏ, bởi vì hôm nay chỉ đến một lần rồi thôi. Đừng cảm thấy bực tức thua cuộc hay tuyệt vọng vì ngày hôm nay của bạn không tồn tại những hành động thông thái và đạo đức, mà hãy đứng dậy khi bạn thất bại để hân hoan vì đã hành động như con người, dù không hoàn hảo, và để ôm lấy con đường bạn đã lựa chọn và theo đuổi.

Cố tránh việc bị sao nhãng bởi niềm tự hào và khoe khoang. Nó không những làm bạn đi lệch đường, mà những lời hoa bướm bạn nhận được cũng thật vô nghĩa. Tự hào và khoe khang là sự cám dỗ của lý trí, khi bạn nghĩ mình bị chiếm đóng bởi những thứ khó nhằn nhất thì bạn dính chưởng rồi. Trong mọi tình huống hãy nhìn sâu hơn để thấy được bản chất sự việc. Một phương pháp giảm bớt sự bám víu vào vật chất là nhìn chúng như đúng bản chất của chúng. Món ngon bày ra trước mặt là phần thịt của con cá chết, gà chết. Rượu đắt tiền cũng chỉ là nước cốt từ trái nho lên men. Áo choàng màu tím đại đế hay mặc cũng chỉ là vải len nhuộm với máu con sò. Phương pháp này ta có thể áp dụng không chỉ với vật chất mà còn cho hành động và hành vi. Phân tích nguyên tắc cầm quyền của những người đàn ông, thậm chí cả người thông thái xem họ tránh né hoặc theo đuổi những gì ? Tưởng tượng tâm hồn ai đó bị lột trần, cái gì gợi lên tình yêu, sự ngưỡng mộ, tính tự phụ…vv… trong họ ? Bây giờ tưởng tượng liệu sự khinh bỉ của họ có làm hại được ai không ? lời tán dương từ họ giúp được ai không ? Bạn có muốn được tán dương bởi một người tự nguyền rủ bản thân ba lần mỗi giờ ? Bạn có muốn làm hài lòng một người thậm chí không hài lòng với chính họ ? Khi đối mặt với những lời sỉ nhục bực ghét, hãy xem coi họ là người như thế nào, bạn sẽ thấy mình chả cần phải cố gắng gây ấn tượng với họ, nhưng nên đối xử tốt với họ vì họ vẫn là con người.

Hãy nói sự thật theo cách bạn nhìn, với sự tử tế và khiêm tốn. Nhớ rằng của cải vật chất không tốt cũng chẳng phải tà ác. Bản chất của tài sản không tốt cũng không xấu mà cách bạn sử dụng nó mới quyết định. Từ “Goods – của cải” bị hiểu sai khi nói về sự sở hữu, sở hữu quá nhiều thứ có thể khiến cuộc sống tệ hơn, cho nên không phải lúc nào cũng “goods – những sự tốt đẹp”. Goods thật sự của bạn đến từ đức hạnh. Tôn trọng tâm trí của chính mình và đánh giá cao nó. Hài lòng với bản thân mình, nếu bạn cứ đánh giá cao những thứ khác, bạn sẽ không bao giờ tự do. Bạn sẽ luôn ghen tị hoặc lo sợ người khác cướp mất những thứ đó từ bạn. Trong khi một số người khao khát tài sản vì bị lạc lối, một số người khác lại ghét nó hoặc cảm thấy tội lỗi vì khi sở hữu của cải, họ ngày càng bám víu lấy nó hơn. Tốt hơn hết, đừng để tài sản có ảnh hướng quá lớn lên bạn, hãy học cách sử dụng nó nhưng cũng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để nó ra đi. Sử dụng nó một cách không hối tiếc nhưng cũng không kiêu ngạo. Hãy xem những thứ bạn không sở hữu không tồn tại trên đời, nhìn vào những gì bạn đang có những thứ có giá trị cao nhất với bạn, và nghĩ xem bạn sẽ thèm khát như nào nếu bạn không có chúng. Nhưng cẩn thận, đừng quá hài lòng vì khi bạn đánh giá chúng quá cao, bạn sẽ rất buồn khi mất chúng.

Do đó, hãy thể hiện lòng biết ơn Marcus Aurelius dành cả chương đầu của cuốn “Suy Tưởng” để liệt kê ra những thứ ông ta biết ơn khi được học lúc còn trẻ:

Xây dựng cá tính (character) cho riêng mình, quản lý tâm trạng, phát triển cá tính mạnh mẽ, sự rộng lượng, từ thiện và khiếu hài hước. Giá trị của việc đầu tư vào giáo dục (mướn giáo viên giỏi về dạy thay vì học ở trường công), chịu đựng lao động tay chân, làm những việc với đôi tay trần và ham muốn ít lại, không can thiệp vào việc của người khác và không tốn thời gian cho sự vu khống, không bận rộn cho những cái tầm thường hay tốn thời gian cho những thứ phù phiếm, để viết đơn giản và thăng thắn, chịu đựng tự do ngôn luận và làm hoà với những người tôi không thích, kiên định với mục đích, tự kiểm soát không bị sao nhãng và không để cảm xúc làm lu mờ phán xét. Làm thế nào để nhận lãnh quà cáp một cách ân cần mà không mất đi lòng tự trọng hoặc nhìn như thể vô ơn. Làm sao để tán dương mà không cần biểu lộ. Lãnh đạm với thứ danh dự phù phiếm. Không lấy cớ rằng tôi quá bận để khỏi làm việc, lắng nghe các vấn đề của bạn bè tôi, bày tỏ sự kính trọng với thầy cô và tình cảm chân thật với trẻ nhỏ đối xử với mọi người theo cách mà họ xứng đáng được nhận, sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đề xuất cho mục đích chung, ngừng soi mói, ngừng việc liên tục sửa sai người khác, tham khảo các chuyên gia khi cần thiết, biểu lộ nhân phẩm một cách trung thực, và cuối cùng : Hãy trở thành một người đàn ông tốt trong đời thực chứ đừng ngồi đó bàn luận về lý thuyết suông. ______________ Có thể vài bạn muốn in ra cho dễ đọc, nên tôi làm thêm một bản PDF của sách “Suy Tưởng” bản rút gọn cho các bạn tiện in ấn.

Theo dõi Facebook Page của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ để tải thêm nhiều tài liệu hay (Click)
Tải sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” tiếng Việt (phát hành vào tháng 9 hoặc 10 năm 2021)
Nghe sách nói bản đầy đủ dài 7 tiếng của sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” :