Rate this post

Mỗi năm, cứ đến mùa hè là người ta lại rầm rộ phát hành một loạt những phim bom tấn, hành động. Mà phải nói thật, phim bom tấn của Hollywood chưa bao giờ làm tôi “rung động”, muốn bỏ tiền và thời gian ra rạp. Nếu như bạn cũng giống tôi, không thể kiên nhẫn xem hết những thước phim hành động vô hồn, ghét cảnh cháy nổ CGI hoành tráng mà sáo rỗng, ghét những kiểu nhân vật nhạt phèo, không chút cá tính thì chắc chắn nên xem Baby Driver. Đây hẳn sẽ là một quyết định đúng đắn, khiến bạn thay đổi quan điểm về phim hành động.

Baby Driver là một bộ phim hành động hài được viết và đạo diễn bởi Edgar Wright, có sự góp mặt của dàn diễn viên ấn tượng như Ansel Elgort, Jamie Foxx, Kevin Spacey, Lily James,… Bộ phim kể về Baby – một chàng trai trẻ luôn phải nghe nhạc để tập trung, có biệt tài lái xe. Vì mắc nợ ông trùm Doc mà cậu phải lái xe cho những vụ cướp táo tợn, đưa đồng bọn thoát khỏi sự truy đuổi của cảnh sát. Cũng vì “được việc” mà Doc trọng dụng cậu, coi cậu là bùa hộ mệnh và ép Baby phải đi theo con đường tội phạm kia. Cuộc đời cậu thay đổi khi nhuốm màu hồng của tình yêu. Baby phải lòng cô bồi bàn Debora như một định mệnh khi cô đang ngân nga ngọt ngào câu hát có tên cậu: B-A-B-Y.

quai-xe-baby-baby-driver-14906036525437

Trước hết, Baby Driver ngầu bởi những cảnh đua xe nghẹt thở. Nói đến đây, hẳn nhiều người sẽ so sánh với các thương hiệu đình đám như Fast and Furious, Need For Speed,… Nhưng thực sự, bộ phim của vị đạo diễn người Anh sẽ đưa ta đến những trải nghiệm rất khác. Không có cảnh cháy nổ hay dàn siêu xe bóng nhoáng (vì có muốn thì kinh phí cũng đâu đủ), Baby Driver cuốn hút bởi những cảnh quay không dùng CGI, cách quay gọn ghẽ và đặc biệt được dẫn dắt bởi thứ nhạc tuyệt vời. Nhạc được sử dụng trong Baby Driver thực sự xuất sắc, phù hợp đến nỗi tôi không hiểu Edgar Wright đã phải mất bao lâu để tìm, phối mới được những bản nhạc như thế. Thứ âm nhạc ấy còn được cộng hưởng bởi tiếng tăng ga, tiếng drift hay thậm chí cả tiếng đếm tiền, xếp tiền, càng làm tăng sự hấp dẫn của từng thước phim.

Tiếp đến, Baby Driver không ngớ ngẩn bởi nó không đi những con đường đã mòn của anh chị trước nó, không mắc những lỗi muôn thuở mà hàng loạt bộ phim Hollywood vẫn thường mắc phải.

Thứ nhất là phim bom tấn Hollywood thường có nhiều cảnh cháy nổ, phá làng phá xóm mà tôi ghét cay ghét đắng. Tôi không hiểu sao họ cho thế là ngầu, là mãn nhãn trong khi tôi (mà có lẽ không chỉ mình thôi) chỉ thấy sự vô trách nhiệm, “làm màu” ngớ ngẩn. Và đáng quý là Baby Driver không có điều đó.

Thứ hai, mục đích của nhân vật chính trong những bộ phim kia thường dễ đoán, theo mô típ đã cũ. Nào là cứu thế giới khỏi người ngoài hành tinh, đua xe đơn thuần, truy đuổi băng cướp hay trốn chạy cảnh sát. Không thể nói rằng những cảnh nghẹt thở trong Baby Driver không xuất phát từ cuộc trốn chạy cảnh sát nhưng mục đích của Baby không hẳn là thế, điều băn khoăn của khán giả không hẳn là anh có thoát khỏi cuộc truy đuổi này được không, mà là anh định làm thế đến bao giờ, làm thế nào để thoát khỏi cuộc đời tội lỗi, và nếu thế thì làm sao để bảo vệ những người mà anh yêu thương. Con đường của Baby khác nhiều so với các quái xế Hollywood kia, là con đường hướng thiện.

Thứ ba, trong Baby Driver không có nhân vật xã hội đen “nửa mùa”. Đây là điều tôi hay để ý khi xem những bộ phim hài hành động, rằng sẽ luôn luôn có một nhân vật phản diện giết người không ghê tay, nhưng lại đi làm những trò ngớ ngẩn, gây cười một cách dễ dãi. Điều đó không xuất hiện trong Baby Driver mà ngược lại, mỗi nhân vật đều có bước tiến, sự phát triển về suy nghĩ, hành động. Nếu như Baby ngày càng mạnh mẽ, biết chiến đấu chống lại cái ác, đứng lên nhận trách nhiệm cho hậu quả mình gây ra thì Buddy từ một người tưởng chừng dễ gần, cảm thông lại chính là kẻ thù nguy hiểm nhất sau này. Dẫu sao thì đó cũng là một bước tiến có lý bởi anh bị Baby phản bội, mất tất cả, người con gái mình yêu thương cũng chết, bản thân thì bị truy nã khắp nơi.

Và cuối cùng, thứ mình thích nhất chính là cái kết của phim. Bắn giết, cướp bóc đủ rồi, nhiều nhà làm phim sẽ cho nhân vật chính của mình chút tuổi thơ bi kịch, đổi lấy sự thương hại dễ dãi cho rằng “anh ta không thể làm khác được” rồi “bôi máu” vào tay những nhân vật khác để bảo vệ sự “trong sạch nửa vời” cho nhân vật chính. Rồi hắn sẽ cao chạy xa bay, với cô bồ xinh đẹp vừa kiếm được trong chặng đường gian khổ. Baby cũng suýt được thế, tay cậu có dính máu nhưng ít hơn và cũng là máu của tội phạm. Dù chỉ lái xe cho bọn cướp, cũng từng cướp xe nhưng ăn nói lễ phép thì Baby vẫn phải chịu trách nhiệm cho những gì đã làm. Cái kết ấy khiến phim không mất đi phần kịch tính mà ngược lại, còn tăng thêm sự thú vị, cuốn hút với ý nghĩa trách nhiệm.

ansel-elgort-in-baby-driver-1500920652587
Ansel Elgort vừa mang chút gì ngây thơ, vừa ngầu và quyết đoán khi cần thiết.

Tóm lại, Baby Driver không phải là một bộ phim thuần nghệ thuật, nơi bạn có thể tìm được những thông điệp, câu thoại ám ảnh để đặt làm tôn chỉ cả đời. Mặc dù vậy, xét trên phương diện giải trí hay mặt bằng chung những bộ phim hành động đua xe cùng thời thì Baby Driver vẫn bứt phá, vượt trội hẳn. Cũng chính vì thế mà phim được cả giới chuyên môn lẫn người xem phổ thông đánh giá cao. Sẽ không ngoa khi cho rằng Baby Driver là một tác phẩm mãn nhãn và mãn nguyện về nhiều mặt, một tác phẩm đáng xem cho mùa hè bí bách.

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết – Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Nguyễn Minh Hằng

“Một đứa trẻ tâp viết về thế giới”

Xem thêm nhiều bài viết của tác giả tại: sachvui.co/

Follow Facebook Authority – Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.