Rate this post

Mình phân vân giữa 3* và 4* cho 1984. Và cũng phân vân không biết đây là một cuốn tiểu thuyết hay một luận văn về quan điểm chính trị không nữa.

Xét về mặt tiểu thuyết, những kỹ thuật miêu tả nội tâm nhân vật hay cảnh vật, lời thoại lẫn nút thắt cao trào, tầng lớp bí mật đều không quá đặc sắc. Người đọc có thể đoán ra tình tiết cũng như kết thúc nếu như tinh ý một chút. 3* có lẽ sẽ hợp lý hơn.

Tuy nhiên, có lẽ tác giả vốn dĩ không quan trọng lắm những kỹ thuật trên, ông chỉ mượn tiểu thuyết để vẽ nên một thời đại tương lai, nơi Chủ nghĩa xã hội Anh quốc (Chuanh) được hoàn thiện về mọi mặt và phân tích vào bản chất của nó. Mình bị thuyết phục bởi cách tác giả dẫn dắt người đọc dần dần hiểu ra “làm thế nào” và “vì sao” của chủ nghĩa xã hội Anh quốc nhân danh bởi Đảng.

Để dễ hiểu, hãy tưởng tượng thời đại 1984 là một nước Anh có chế độ chính trị như VN, kinh tế xã hội thời bao cấp và công nghệ của thế kỉ 22. Đường lối của Đảng thể hiện qua 3 câu khẩu hiệu cần ghi nhớ:

NGU DỐT LÀ SỨC MẠNH

CHIẾN TRANH LÀ HÒA BÌNH

TỰ DO LÀ NÔ LỆ

  1. Ngu dốt là sức mạnh

Kim tự tháp cấu trúc xã hội của Oceania:

Đỉnh kim tự tháp là Anh Cả. Anh Cả là người lãnh đạo sáng suốt, đầy quyền năng, một dạng chúa trời tạo ra tất cả cho dân chúng, bí ẩn và bất tử. Là đại diện cho tập thể cầm quyền (Đảng), là điểm tụ hội tình yêu, sợ hãi và sùng bái của toàn thể dân tộc. Dưới Anh Cả là Đảng Nội Bộ được xem như bộ não của Chuanh, có đặc quyền đặc lợi nhất trong xã hội. Tiếp theo là chân tay của Chuanh, Đảng Ngoại Vi, sống kham khổ hơn, bị kiểm soát chặt chẽ đến từng cái nhíu mày. Nhưng vật chất vẫn còn tốt chán so với bọn cu li – tầng lớp dưới đáy kim tự tháp. Cu li chiếm 85% dân số Oceania, nghèo khổ nhưng được sống phóng túng nhất.

Để cấu trúc xã hội luôn vững vàng, quyền lực luôn nằm trong tay Đảng thì phải ngu dốt hóa cả đám cu li lẫn trong hàng ngũ Đảng. Bọn cu li sống trong bần cùng, chỉ nghĩ đến miếng ăn, lại được sống thả phanh không kiềm kẹp nên chẳng màng đến lật đổ chính quyền. Vấn đề sống còn là Giáo dục Đảng viên. Vô tuyến và Cảnh sát tư tưởng ở khắp mọi nơi mọi lúc để trừ khử bất kì dấu hiện manh nha phản động nào. Tất cả Đảng viên phải nhiệt huyết, không được có tình yêu, nhục dục, tín ngưỡng,… để những bản năng bị đè nén, chà đạp chuyển sang tình yêu sùng bái Anh Cả và lòng hận thù với bè lũ phản quốc, kẻ thù chiến tranh. Trẻ em vừa sinh ra sẽ được Đảng giáo dục trở thành tay sai cho chính quyền. Một dạng tẩy não từ trong trứng nước. Quan trọng hơn là thay đổi quá khứ, Đảng sẽ thay đổi thông tin trong quá khứ, hủy bỏ mọi chứng cứ để phù hợp với Chân lý: Anh Cả sáng suốt và Đảng không bao giờ sai.

Tóm lại, ngu si để được an toàn.

2. Chiến tranh là hòa bình

Ngày xưa chiến tranh bao giờ cũng kết thúc và có kẻ thắng người thua với mục đích áp đặt tư tưởng hoặc tranh giành vật chất. Nhưng đến 1984 chiến tranh giữa ba siêu cường Oceania, Eurasia và Eastania thì diễn ra triền miên bất tận, vì lẽ đó mà chiến tranh không còn cái bản chất ban đầu của nó. Ba siêu cường giữ thế chân kiềng, về hình thức thì khác nhau nhưng bản chất lối cầm quyền và mục đích thì như nhau, ngầm định không xâm lấn lãnh thổ hay giao lưu văn hóa gì với vùng còn lại. Oceania là cả thế giới, không có chủ thể thứ 2 để so sánh. Một vài tên lửa thỉnh thoảng từ ngoài vào chỉ để nhắc nhở dân chúng về sự sợ hãi và căm giận chiến tranh. Chiến tranh là để kiềm hãm dư thừa vật chất cũng như sự phát triển kinh tế. Dân chúng sẽ mãi lao động, sẽ mãi nghèo đói và mãi ngu dốt (nhưng luôn nhớ là vẫn tốt hơn so với trước cách mạng). Đảng sẽ nghiễm nhiên giữ vững quyền lực nhân danh bảo vệ đất nước.

Chính vì thế chiến tranh lại tạo nên hòa bình.

3. Tự do là nô lệ

Phải đọc ngược lại, Nô lệ là tự do. Một mình – Tự do- bao giờ người ta cũng thua, vì ai cũng phải chết. Nhưng nếu từ bỏ tính cá nhân đi, hòa tan vào với Đảng – một tập thể, một tổ chức, cá thể trong đó chết đi thì cá thể khác sẽ thay thế ngay. Đảng là bất tử, nô lệ cho Đảng chính là tự do. Tự do khỏi Đảng dẫu là trong cơn mê ngủ cũng trở thành nô lệ, hoặc một cái xác tả tơi.

Nhưng VÌ SAO? Vì sao Đảng Chuanh lại phải làm tất cả những điều ấy? Là quyền lực thuần túy. Quyền lực không phải là phương tiện mà là mục đích. Không ai đi thiết lập chuyên chính để bảo vệ cách mạng, người ta làm cách mạng để thiết lập chuyên chính.

Cuối cùng, khi chủ nghĩa xã hội hiểu ra bản chất của chính nó thì nó trở nên hoàn mỹ, những cá thể như Winston Smith dù có ảo tưởng mình khác biệt hay nắm được chân lý đi nữa thì cũng bẻ gãy nhận thức, đồng hóa linh hồn, bán rẻ tình yêu và khuất phục dưới tình yêu dành cho Anh Cả. Một cái kết hợp lý nhưng gây bất mãn cho không ít người.

Một điểm mình đánh giá cao ở 1984 chính là khái niệm “doublethink” – nước đôi. Từ mình hay sử dụng hơn là “ám thị”, dùng ý thức đàn áp ý thức. Ta nhận ra một sai lầm trong quá khứ, nhưng ta buộc ý thức quên đi sai lầm ấy, và đồng thời quên luôn hành động “quên” trước đó để nhận thức chỉ còn thông tin chính thống là “không có sai lầm nào cả”. Đấy là cách các Đảng viên phải luyện tập để có những suy nghĩ chính thống, suy nghĩ đúng và bản năng đúng hướng về Anh Cả và Đảng. Vừa ngu dốt lại vừa trí tuệ, kẻ thực sự làm chủ “doublethink” là kẻ làm chủ được thực tại, không điều gì là bất khả với kẻ ấy.

4* cho khả năng biện dẫn của Geore Orwell.