1.4/5 - (20 bình chọn)

Tiếp nối sự thành công đáng ngạc nhiên cùa The House That Never Dies, phần hai của bộ phim đã được ra mắt trước sự kỳ vọng và háo hức của đông đảo tín đồ yêu thích dòng phim kinh dị Châu Á.

Về nội dung, The House That Never Dies II – Nhà Số 81 Kinh Thành 2 xoay quanh nhân vật nam chính Tống Đằng (Trương Trí Lâm)- kỹ sư nhận trách nhiệm phục hồi căn biệt thự số 81. Có rất nhiều chuyện bí ẩn xoay quanh căn nhà này, nhiều người cho biết, chủ nhân cũ của căn biệt thự là một vị tướng và người đó đã tự sát cùng gia đình mình. Tống Đằng càng ngày càng hoang mang khi trong quá trình phục hồi, anh ta phát hiện ra rất nhiều bộ hài cốt được yểm bùa chôn trong khuôn viên.

Bên cạnh đó, cuộc hôn nhân của anh và người vợ hiện tại – Hạ Phỉ (Mai Đình) – rạn nứt vì Hạ Phỉ từng sảy thai cách đây 5 năm khiến cho cuộc sống của anh gặp nhiều bế tắc. Tống Đằng gặp cô trợ lý xinh đẹp Lâm Dao (Chung Hân Đồng), người có cùng chí hướng trong công việc, chính mối quan hệ này đã dẫn đến nhiều rắc rối sau này. Để cứu vãn mối quan hệ với chồng, Hạ Phỉ đã chuyển đến sống cùng Tống Đằng ở ngôi biệt thự đang trùng tu. Từ đây, cô thường xuyên gặp ảo giác và chứng kiến nhiều chuyện kỳ bí khác thường.

Review phim - The House That Never Dies II : Bước thụt lùi gây thất vọng

Câu chuyện quá khứ ở ngôi biệt thự cũng dần được hé lộ qua những lần Hạ Phỉ gặp ảo giác. Chủ nhân cũ của căn nhà – Trương Chất Sinh – từng phải chấp nhận cưới con gái cấp trên – Kỷ Kim Thúy – để có được sự hậu thuẫn vững chắc. Ngoài ra, còn một lý do khác là người vợ cả Nữu Mộng Hạc không thể sinh con. Thế nhưng, tình cảm của anh vẫn dành cho Mộng Hạc và điều đó khiến Kim Thúy nổi cơn ghen. Sự xung đột, đố kị, những âm mưu thâm độc đã dẫn đến cuộc thảm sát tại ngôi biệt thự để lại bao oan hồn chưa được siêu thoát.

Phần hai của Căn nhà số 81 là một câu chuyện hoàn toán khác so với phần trước đó, điểm giống nhau duy nhất là phim kể về câu chuyện của những con người cùng sống tại căn biệt thự cổ quái. Hai biên kịch là Thái Tuấn và Đàm Quảng Nguyên đã thu thập hơn 300 câu chuyện truyền thuyết dân gian như Vụ án đứa trẻ thời dân quốc, Mười ba mũi kim của quỷ, Quan âm tống tử… để xây dựng cốt truyện và hình ảnh các nhân vật trong phim.

Tuy nhiên, điều đó là không đủ để cứu vớt bộ phim nhàm chán lần này. Có thể thấy rõ, phim có những ý tưởng tốt như chuyện dùng trẻ em để làm thuốc trị vô sinh hay những chuyện kỳ bí xảy ra trong căn biệt thự, nhưng nhà làm phim đã không làm tới được và yếu ớt trong việc đầy mạch phim lên tới đỉnh điểm cao trào. Có chăng chỉ là vài chi tiết “cũ” nhằm khiến người xem giật mình. Phim thực sự không để lại nhiều nỗi sợ hay những hình ảnh gây ám ảnh – điều mà phần một đã làm rất tốt.

Review phim - The House That Never Dies II : Bước thụt lùi gây thất vọng 2Trương Trí Lâm và Mai Đình

Các tuyến nhân vật trong phim chưa được khai thác hợp lý. Phim chỉ tập trung xoay quanh Hạ Phi và Tống Đằng, điều đó dễ hiểu vì họ là nhân vật chính. Tuy nhiên, các nhân vật phụ khác như Kỷ Kim Thúy hay vị đại phu chữa vô sinh vốn rất thú vị lại không được chú ý nhiều. Nếu phim bổ sung thêm đất diễn và khắc họa mạnh hơn sự độc ác trong họ thì có lẽ sẽ đem đến hiệu quả hơn. Nhân vật gieo nỗi sợ – con ma sống trong căn nhà có lẽ quá hiền, mờ nhạt và không để lại bất kỳ nỗi ám ảnh nào cho người xem. Hơn nữa, sự xuất hiện những đứa trẻ ngoài mục đích giúp lột tả nỗi đau khổ của một người mẹ mất con – Hạ Phỉ, còn lại có vẻ khá thừa thãi, thậm chí gây rối cho mạch phim.