Rate this post

Giới thiệu phim

Một trong số những kiệt tác để đời của vị đạo diễn tài hoa Christopher Nolan, Inception mang đến cho người xem một thế giới đầy mê hoặc, bên trong những giấc mơ, với những nguyên tắc và luật lệ riêng.

Là một trong hai bộ phim quy tụ một dàn sao hùng hậu nhất của Nolan, với Leonardo Dicaprio là kép chính. Cùng hàng loạt những cái tên quen thuộc khác như Tom Hardy, Ellen Page, Cillian Murphy, Joseph Gordon-Levitt,…

Có nhiều người đánh giá Inception là một bộ phim hại não, thậm chí là hại não nhất mà họ từng xem. Theo mình thì phim khá phức tạp, nhưng gán cái mác hại não nhất thì hơi thái quá, chí ít là so với Memento – tác phẩm đã định hình nên phong cách chả giống ai của Nolan.

Phim lấy bối cảnh một thời điểm nào đó mà chả ai biết trong tương lai, nơi mà con người có thể thâm nhập vào giấc mơ của nhau bằng những trang thiết bị hiện đại.

  • Xem thêm : Những bộ phim giả tưởng có ý tưởng mới lạ

Tuy nhiên công nghệ này không được đưa vào rộng rãi bởi chính phủ chưa công nhận và những người sử dụng nó đa phần là cho mục đích bất chính.

Cobb (Leo) là một kẻ cắp giấc mơ có tài, nhờ khả năng của mình mà anh thường nhận được những nhiệm vụ khó trong việc đánh cắp thông tin. Con người này còn có một quá khứ mập mờ và dường như anh luôn cảm thấy đau khổ mỗi khi nghĩ về.

Cho đến một ngày, Cobb nhận được một nhiệm vụ cực kỳ xương xẩu : khiến cho người con trai của một ông chủ lớn, cũng chính là người thừa kế, phá nát di sản của bố anh ta để lại.

inception 2 Giải thích phim Inception - Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ - Viết Gì Đây

Nói một cách ngắn gọn, Cobb và những người bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ của chàng tỷ phú trẻ kia, bằng cách…chui vào giấc mơ của anh ta.

Inception là một bài toán cực kỳ thú vị đang chờ bạn giải mã. Hãy thưởng thức bộ phim trước khi đọc tiếp nhé.

Giải thích phim

Mặc dù mình là một fan của Christopher Nolan nhưng bài viết này bây giờ mới xuất hiện ở đây bởi một lý do, đó là vì mình xem Inception cách đây đã lâu, mình còn chẳng thể nhớ nổi lần đầu xem nó mình đã viết blog hay chưa nữa, thế nên cũng mất đi cảm hứng viết.

Inception là bộ phim duy nhất của Nolan mà mình không quá ấn tượng trong lần xem đầu tiên. Tuy nhiên sau này khi xem lại thì mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, và đó là lý do bài viết này xuất hiện.

Ban đầu mình chỉ ước chừng bài viết này sẽ rơi vào khoảng 1200 – 1500 từ, đắng lòng là mọi thứ đã vượt quá sức tưởng tượng khi mà mình vừa xem vừa gõ chữ. Dù số lượng các tình tiết của phim chưa lằng nhằng như Memento, tuy nhiên một mớ những định nghĩa, khái niệm thì lại áp đảo hoàn toàn.

Kết quả là mình đành phải chia những điều cần nói đến thành từng phần nhỏ vậy.

Ý tưởng

Điều mình thích nhất ở ý tưởng này là nếu đang ở trong mơ, người tạo ra giấc mơ đó có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn. Về điểm này thì chắc không chỉ mình mà tất thảy những ai có trí tưởng tượng bay xa cũng đều cảm thấy phấn khích khi nghĩ đến.

Cảnh tượng Ariadne lật ngược cả thành phố lại không chỉ là một trong những phân cảnh đáng nhớ nhất phim mà còn trở thành một biểu tượng của dòng phim giả tưởng.

Ý tưởng của phim độc đáo, chấm phá nhưng lại có một vài chỗ hơi thiếu tự nhiên so với các tác phẩm giả tưởng khác : một đám người cùng một đống đồ nghề tìm cách gây mê người khác để thâm nhập vào giấc mơ của họ.

Nếu hình thức đánh cắp thông tin này xuất hiện ngoài đời thực, nó sẽ tốn nhiều thời gian và không gian hơn bạn tưởng, chưa kể đến nguy cơ trắng tay trở về từ giấc mơ mà chả moi móc được cái gì là tương đối cao. Thậm chí việc “ngủ vĩnh viễn” là hoàn toàn có thể xảy ra.

Nếu bạn từng xem qua một vài bộ phim về đề tài giấc mơ, mình lấy một ví dụ điển hình là Total Recall, bạn sẽ thấy nền tảng ban đầu của bộ phim này cuốn hút hơn và hoàn toàn không bị gò bó, mức độ hại não cũng chả phải dạng vừa.

  • Xem thêm : 5 bộ phim về vòng lặp thời gian hay nhất

Nhất là khi giấc mơ trong Inception thậm chí có thể…share được. Tức là bạn hoàn toàn có thể để người khác bước vào giấc mơ của mình và tương tác như ngoài đời, ví dụ như bạn bè chẳng hạn.

Rõ ràng là nếu điều này có thật thì chắc hẳn người ta sẽ sử dụng nó cho mục đích…giải trí hơn là để khai thác thông tin, hốt bạc đó.

Tuy nhiên, việc đánh cắp thông tin lại chỉ chiếm có một thời lượng khá ngắn ngủi trong Inception, nằm ở ngay đầu phim.

Thực tế thì nhiệm vụ diễn ra trong phim của Cobb và đồng nghiệp là cấy suy nghĩ vào đầu Robert Fischer, người thừa kế của đế chế năng lượng tỷ đô. Một nhiệm vụ rất phức tạp, đòi hỏi tâm huyết lớn cũng như sự kỳ công trong việc lên kế hoạch.

Hành động này xem chừng có vẻ thuyết phục được mình hơn, bởi việc một ông nhà giàu chi cả đống tiền để hạ gục một đối thủ ngang ngửa mình bằng những công nghệ tốt nhất, nghe logic hơn hẳn việc chui vào giấc mơ chỉ để tìm kiếm một cái gì đó. Nói một cách ngắn gọn là đã mất công tưởng tượng thì thôi cho nó bay xa luôn.

inception 3 Giải thích phim Inception - Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ - Viết Gì Đây

Các khái niệm

Tiếp đến là cách trình bày ý tưởng, trong trường hợp này chính là các khái niệm. Về khoản này thì Nolan làm quá tuyệt vời, khi mà ông đã xây dựng bài bản một thế giới trong mơ, mọi thứ được chế tác tỉ mỉ như bộ máy của một chiếc đồng hồ Rolex vậy.

Inception và Interstellar có một điểm tương đồng, đó là Christopher Nolan đều cố gắng diễn giải mọi thứ cho thật dễ hiểu, vậy nên chỉ tập trung là đã đủ để bạn nắm bắt được phần nào nội dung rồi.

Tuy nhiên, nếu xét về mức độ hại não thì mình vẫn đánh giá Interstellar nhỉnh hơn, nhờ vào câu chuyện muôn thuở : du hành thời gian. Còn đối với Inception, sự phức tạp của phim chủ yếu đến từ việc các khái niệm về một vấn đề quá ảo diệu, không có thực ở ngoài đời, lại còn được “bắn” tới tấp vào mặt bạn.

  • Xem thêm : Một vài bộ phim hại não nên xem thử

Đầu tiên có thể kể đến khái niệm “các tầng mơ”, lý thuyết này ngoài làm tăng sự phá cách cho phim thì còn có tác dụng giúp người xem bơm máu lên não nhanh hơn.

Tiếp theo là “nhà kiến tạo”. Về cơ bản đây là người đã xây dựng nên những cấu trúc ở trong mơ để đưa “người mơ” vào. Trong nhiệm vụ lần này thì “nhà kiến tạo” là Ariadne.

Rồi sau đó là “người mơ”. Mình không nhớ có đúng là cái tên này không nhưng về cơ bản thì họ là những người làm chủ giấc mơ đó. Nói như trong bóng đá thì những người này đang được chơi trên sân nhà.

Khá dễ dàng để nhận ra những người này, họ là những người không đi lên tầng tiếp theo mà sẽ ở lại. Như trong phim thì Yusuf là người mơ ở tầng 1, Arthur là tầng 2, còn Eames là tầng 3.

Tuy nhiên cái tên “người mơ” này có vẻ không hợp lý lắm, ban đầu nó còn làm mình nhầm lẫn với “nhà kiến tạo” và làm cho mọi thứ rối tung hết cả lên. Đổi thành “người dẫn dắt” nghe chừng sẽ sát với nhiệm vụ của họ hơn.

Nếu tiềm thức của những người này gặp vấn đề, sẽ xảy ra một hiện tượng thú vị mà hẳn bạn đã thấy : họ kéo theo cả những “vật thể lạ” trong tiềm thức của mình vào giấc mơ. Trong trường hợp của Cobb thì người thường xuyên bị nhét vào là vợ anh – Mal và hai đứa con – kẻ chẳng bao giờ quay mặt lại.

Cuối cùng trong danh sách các thành viên là “người tham gia”, đây chỉ đơn giản là những người cùng tham gia vào giấc mơ. Tuy nhiên, đối với giấc mơ có nhiều tầng, mà cụ thể ở đây là nhiệm vụ Fischer, “người tham gia” có thể sẽ trở thành “người mơ” ở tầng kế tiếp.

Một lưu ý nhỏ ở đây là nếu các nhân vật có chết trong mơ thì cũng…chả làm sao cả, chỉ đơn giản là tỉnh dậy thôi. Trái ngược với The Matrix, khi mà chẳng may chết trong Ma Trận thì ngoài đời cũng hịu luôn. Tất nhiên so sánh giữa một bên là thực tế ảo, một bên là giấc mơ thì cũng không liên quan lắm.

Tuy nhiên, việc chết trong mơ rồi tỉnh lại chỉ đúng khi người mơ tiêm một lượng thuốc mê vừa phải. Còn trong phi vụ cha con nhà Fischer, như bạn có thể thấy là Saito đã chết trong mơ, nhưng ông không thể tỉnh lại do lượng thuốc mê quá lớn. Hậu quả là ông đã lạc trôi đến tận Limbo.

Đây là một khái niệm cũng khá quan trọng và làm nên sự mới lạ của phim. Chính là tầng cao nhất của giấc mơ. Mặc dù là một tầng đặc biệt nhưng Cobb và Ariadne lại có thể “bước lên” bằng cách thức thông thường, đây là điều khiến mình khó hiểu.

Bên cạnh đó, dù không được đề cập tới trong phim nhưng mình nghĩ hoàn toàn có thể tồn tại tầng 4,5,6,… rồi mới tới Limbo.

Trước đây mới chỉ có đúng hai người lên đến đây là vợ chồng Cobb. Thế giới mà bạn được thấy trong Limbo cũng chính là do Cobb và vợ xây dựng nên.

Điểm thú vị nằm ở chỗ, Limbo chỉ có 1, và tất cả mọi người đều “share” chung cái chốn bồng lai tiên cảnh này. Đặc biệt hơn, nếu đã lên đến đây rồi thì rất khó quay trở lại, và nếu quay lại được thì nguy cơ bị lẫn lộn giữa mơ và thực là rất cao. Vâng, và thế là chúng ta sẽ có một Mulholland Drive được lồng trong Inception.

Và cuối cùng là totem, cái này nhân vật Arthur đã có một phần giải thích rõ ràng. Đó là một vật dụng nhỏ để người mơ có thể mang vào giấc mơ, giúp họ nhận ra rằng mình có đang mơ hay không.

Vẫn còn một số “đặc trưng” riêng của Inception như ” thời gian kéo dài hơn khi mơ”, “cú hích” hay “không được xây dựng giấc mơ dựa trên tiềm thức”, nhưng thực sự thì mấy cái này không quá quan trọng như các khái niệm mà mình đã nêu trên.

inception 4 Giải thích phim Inception - Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ - Viết Gì Đây

Từ một lô một lốc các lý thuyết chặt chẽ và có quan hệ mật thiết với nhau, có thể thấy Inception là đứa con tinh thần được Christopher Nolan chăm chút cẩn thận nhất trong số các siêu phẩm của ông.

Nội dung

Chúng ta đã xem xét đến ý tưởng, rồi các khái niệm để hiện thực hóa ý tưởng này, vậy thì tiếp theo chỉ có thể là nội dung phim. Mình sẽ chỉ nêu vắn tắt một vài điểm quan trọng, có tác động đến mạch phim.

Nói một cách ngắn gọn và cũng đồng thời tiết lộ tất tần tật, Inception là cuộc hành trình “cấy ghép ý tưởng” của Cobb và những đồng nghiệp bên trong bộ não của Robert.

Người giao nhiệm vụ này cho Cobb là Saito, đối thủ của Maurice – bố Robert, hòng phá nát cơ nghiệp của ông già sắp chết kia. Lý do Cobb nhận việc này là bởi anh bị nghi ngờ là giết vợ mình và bị mất quyền nuôi con.

Kế hoạch của cả nhóm là : tạo ra 3 tầng mơ, mỗi tầng sẽ lần lượt cấy một ý nghĩ vào đầu của Robert, để anh ta thay đổi từ từ. Cú knockout nằm ở trong chiếc két sắt đặt trên tầng thứ 3.

Một trong những điểm mấu chốt của kế hoạch này nằm ở Eames, ông thần này bằng một cách nào đó có thể giả dạng cả diện mạo của người khác trong mơ. Sự thật là nếu không có nhân vật này thì còn lâu mới cấy được “hạt giống” vào não của Robert.

Tuy nhiên, cả nhóm gặp khá nhiều trắc trở ngay khi mới bước chân vào giấc mơ. Đám người có vũ trang đã truy đuổi cả nhóm được tạo ra bởi tiềm thức của Robert, do anh ta đã được huấn luyện cho trường hợp này. Còn chiếc tàu chạy giữa lòng thành phố thì chỉ có thể do tâm trí Cobb tạo ra mà thôi.

Đen đủi hơn, Saito trúng đạn từ tầng đầu tiên, nhưng vẫn ngắc ngoải được đến tận tầng thứ ba. Lý do cho điều này tất nhiên cũng là bởi thời gian sẽ ngày càng kéo dài ra ở các tầng trên. Cảnh tượng xuất hiện ngay ở đầu phim chính là lúc Cobb ở Limbo và Saito thì đã trở thành một ông già.

Chưa kể đến việc “nhóm trộm giấc mơ” còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn trước cái đầu có thể nóng lên bất cứ lúc nào của Cobb. Và đó là tất cả những tình tiết lớn nhất của phim.

Nhờ một kịch bản chặt chẽ, nhiều cao trào mà gần như bạn sẽ bị cuốn hút từ đầu đến cuối, đặc biệt là càng xem lại càng thấy hấp dẫn hơn.

Các nhân vật

Ghi là các nhân vật cho nhiều chứ thật ra đoạn này đa phần là nói về Cobb. Không nhìn thì cũng thấy đây là nhân vật đáng chú ý nhất phim.

Về cơ bản thì đây là một tên trộm, thậm chí nói thẳng là hắn cực kỳ khốn nạn khi mà đồng ý thay đổi cả tiềm thức của một con người để được về nhà. Đây rõ ràng là một tội ác không chỉ ở mức độ bình thường, nó còn phá hủy cả một cơ ngơi đồ sộ và người sẽ trở thành chủ của nó.

Cobb không phải kiểu nhân vật chính diện thường thấy : một tên lừa đảo, nhưng cũng là một ông bố thương con và một người chồng yêu vợ.

Từ bộ phim này, ta còn có thể rút ra hai điều về Leonardo Dicaprio. Thứ nhất là khuôn mặt nhăn nhó của anh rất hợp cho những vai diễn kiểu…mồ côi vợ. Leo từng hóa thân vào nhân vật kiểu này ít nhất là hai lần, một cho Inception, một cho Shutter Island.

Thứ hai là anh cũng rất hợp với các nhân vật…lừa đảo. Từng có ít nhất ba bộ phim của anh về kiểu nhân vật này : Inception, The Wolf Of Wall Street và Catch Me If You Can. Với Inception thì mặc dù là một tên trộm nhưng cảm xúc mà Cobb để lại dường như khiến người ta thương cảm nhiều hơn.

Nhân vật đáng thương nhất phim, không phải Cobb hay cô vợ rắc rối của anh, mà là Robert. Dễ thấy anh bạn này đã bị dắt mũi từ đầu đến cuối phim bởi một vở kịch thế kỷ. Tất cả những gì Robert có thể làm là nghe theo sự sắp đặt trong bộ dạng “ú ớ” của mình. Cillian Murphy bị ăn hành tương đối nhiều trong bộ phim này.

Ngoài ra thì Saito cũng là một nhân vật khá thú vị, ban đầu khi xem phim mình nghĩ ông này sẽ kiểu mafia bao ngầu, ai ngờ càng xem càng thấy ông cũng vui tính phết.

Cái kết

Câu hỏi muôn thuở được vô số các bạn trẻ đặt ra ở đây là con quay sẽ dừng hay không. Và câu trả lời của mình là : dừng hay không thì cũng…kệ nó. Sự thật là đến chính Cobb cũng chả mấy quan tâm đến điều này.

Đùa thôi, mình nghĩ là nó sẽ dừng, bởi nó đã hơi lảo đảo rồi. Hơn nữa việc Saito chuẩn bị nhấc khẩu súng lên trước đó, cùng ánh mắt hoang mang của ông khi ở trên máy bay đã củng cố sự thật này thêm phần vững chắc. Đó là còn chưa kể đến việc hai nhân vật “không bao giờ quay mặt lại” cuối cùng cũng đã lộ diện.

Đối với Cobb, về được với các con đã là một niềm hạnh phúc, sau khi trải qua một cuộc hành trình không thể nào quên. Cuộc sống này đôi khi phải mập mờ một chút mới có cái để suy ngẫm.

Hình ảnh và âm thanh

Cá nhân mình đánh giá hình ảnh của Inception là cực kỳ đã mắt, không chỉ trong số những bộ phim của Christopher Nolan mà còn là của cả làng điện ảnh nói chung.

inception 6 Giải thích phim Inception - Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ - Viết Gì Đây

Về mảng âm thanh, mình cũng không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu Nolan hợp tác với người cộng sự quen thuộc của ông – Han Zimmers. Tuy nhiên lần này âm nhạc của Inception lại chưa đạt đến độ bứt phá so với Interstellar hay một số bản nhạc phim khác của nhà soạn nhạc tài ba người Đức.

Những điều thú vị

Nếu bạn là một “con chiên” của Christopher Nolan và chịu khó để ý một chút, bạn sẽ thấy hầu như các nhân vật trong phim của ông đều mang màu sắc nghiêm túc, hiếm khi cười. Inception là một tác phẩm hiếm hoi có khá nhiều tình tiết pha trò xuất hiện, đa số là đến từ nhân vật Eames và Yusuf.

Inception tuy là một bộ phim hư cấu một cách toàn diện, tuy nhiên vẫn còn một số tình tiết thực tế, tiêu biểu phải kể đến là việc Yusuf do uống quá nhiều sâm panh nên trời đã…đổ mưa trong giấc mơ. Cái này hồi bé mình áp dụng suốt, và lần nào tỉnh dậy cũng thấy…ướt đệm.

Điều tiếp theo có lẽ bạn cũng đã biết, đó là gần như tất cả các câu thoại của Inception đều góp phần giúp bạn hiểu một cách thâm hậu những gì đang diễn ra trong phim.

Tất nhiên là bạn không cần phải nghe một cách cẩn thận những lời thoại, bởi không phải cái nào cũng thực sự đáng để lưu tâm. Và dĩ nhiên là chẳng ai có thể tập trung toàn bộ trí lực trong tận 2 tiếng rưỡi thời lượng, có phải Lucy đâu. Đây cũng chính là điểm đặc sắc nhất phim bởi bạn có thể xem Inception cả chục lần mà không cảm thấy chán.

Và điều thú vị cuối cùng, đó là bài viết này đã ngốn tận…3 ngày cào phím của mình, à mà trước giờ mình viết cũng không được năng suất lắm, trừ những lúc uống cafe.

Nói vậy để bạn biết rằng sản xuất ra mấy cái bài toàn chữ là chữ thế này cực kỳ mất thời gian và tốn công sức ngồi xem lại phim. Bạn hoàn toàn có thể động viên mình bằng cách thức đơn giản là để lại ý kiến hoặc nhấn vào nút chia sẻ ở bên dưới nhé.

Cảm nhận chung

Nhìn nhận một cách tổng quan thì Inception là một bộ phim toàn diện về tất cả mọi mặt, ngoại trừ việc chui vào giấc mơ chỉ để đánh cắp một thứ gì đó nghe có vẻ khá lỉnh kỉnh và mất thời gian. Bởi như bạn đã thấy, để thực hiện một phi vụ phức tạp thế này cần phải có một đội ngũ thuộc hàng cực kỳ thông minh và có khả năng ứng biến tốt.

Xét về mức độ hại não thì cũng tương đối, nếu bạn đã nắm bắt được các định nghĩa chính thì cũng không khó hiểu lắm.

  • Xem thêm : Những bộ phim hay về du hành thời gian

Dễ dàng thấy được bao tâm huyết của ngài đạo diễn khi vẽ ra cả một thế giới giả tưởng kỳ vĩ, với đầy đủ những quy luật không khác gì ngoài đời thực vậy.

Bài viết về Inception sẽ dừng lại tại đây, dài quá rồi sợ bạn đọc đau mắt. Cũng đã lâu lắm rồi mình mới viết một bài cơ man là chữ như vậy, có lẽ chỉ là chỉ thêm một đoạn ngắn nữa là vượt qua cả bài Memento của mình, rất cảm ơn bác Nolan đã tạo công ăn việc làm cho cháu.

Hãy chia sẻ bài viết này lên facebook thông qua cái nút ở bên dưới, đừng quên cho mình biết cảm nhận của bạn tại phần comment. Nhớ ghé thăm Viết Gì Đây thường xuyên để cập nhật những bài viết thú vị tiếp theo.