Rate this post

Người cuối cùng trên thế giới này bạn nên đi du lịch cùng, có lẽ là Tom Hanks. Bay ra ngoài vũ trụ thì tàu không gian gặp nạn. Hai lần đi thuyền thì một lần bị đắm, một lần bị cướp. Đến khi trở thành phi công lão luyện trong Sully (Cơ trưởng Sully), thì chiếc máy bay ông điều khiển, lại rơi.

Không ai trong số 155 hành khách và phi hành đoàn chuyến bay số 1594 hãng US Airways biết điều gì chờ đợi họ vào ngày 15/1/2009. Bao gồm cả cơ trưởng Sully (Tom Hanks), cơ phó Jeff (Aaron Eckhart). Một chuyến bay bình thường như hàng trăm chuyến khác trong 40 năm kinh nghiệm của Sully, đã nhanh chóng thành thảm họa. Cất cánh chưa đầy 15 phút, chiếc máy bay va chạm mạnh với đàn chim di trú, hai động cơ bị phá hỏng hoàn toàn. Sully báo cáo xin đáp gấp. Nhưng trong giây phút quyết định, thay vì chuyển hướng đến sân bay gần nhất, ông đã đáp chiếc máy bay xuống thẳng dòng sông Hudson.

Có bao nhiêu chuyến bay thương mại gặp nạn, ở tải trọng và qui mô của 1594, từng đáp thành công xuống mặt nước? Trước ngày 15/1, là không. Có quá nhiều yếu tố bất lợi dễ dàng khiến chiếc máy bay lao thẳng xuống mồ. Không ai, kể cả người điều khiển không lưu khi ấy, tin rằng chiếc 1594 có thể nguyên vẹn, chưa kể có người sống sót. Nhưng “Điều kì diệu trên sông Hudson”, như cách báo chí gọi về sự kiện này, đã xảy ra. Bằng tài năng và kinh nghiệm, Sully đã đáp thành công khối kim loại nặng gần 70 tấn và cứu sống toàn bộ người có mặt trên chuyến bay. Điều gần như không tưởng.

Câu chuyện này được ghi lại đầy đủ trong hồi kí Highest Duty (Nghĩa vụ cao nhất) của Chesley ‘Sully’ Sullenberger, tên đầy đủ của cơ trưởng Sully. Phần tốt đẹp mọi người đều biết là ông được tôn làm “anh hùng”, trở thành một huyền thoại trong giới phi công, cũng như thúc đẩy các nghiên cứu về phương pháp đáp an toàn trên mặt nước. Phần giấu kín là Sully đã bị Ban An toàn Giao thông Quốc gia điều tra, buộc tội ông đã gây nguy hiểm cho các hành khách. Họ đã cố chứng minh rằng chiếc máy bay đã có thể đáp an toàn nếu lựa chọn bay về phi trường. Đây chính là chất liệu cho tác phẩm chuyển thể của đạo diễn kì cựu Clint Eastwood, ở bộ phim thứ 35 trong sự nghiệp.

Sully là lần đầu tiên Clint Eastwood và Tom Hanks hợp tác. Cả hai đều có thể xem là những “anh hùng” của Hollywood nói riêng, và cả nước Mỹ nói chung. Eastwood đã là biểu tượng từ thời hoàng kim phim cao bồi, vẫn duy trì phong độ đỉnh cao đến hiện tại. Còn Hank đang dần “chết vai” với các hình mẫu người hùng xứ cờ hoa. Thuyền trưởng Phillips trong Captain Phillips (2013) hay người đám phán trong Bridge of Spies (2015) là ví dụ điển hình. Giống như Sully, cả Eastwood lẫn Hank đều là những “cơ trưởng” hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của họ. Cả hai đều biết phải làm gì.

Tâm lý không phải là thể loại người ta nhớ đến mỗi khi nhắc đến Eastwood, nhưng đó là thứ chất liệu mà ông có khả năng xử lý nhuần nhuyễn ở mức bậc thầy. Ai có thể quên The Bridges of Madison County (1995) hay Million Dollar Baby (2004)? Sully trước hết là một thành tựu khác trong khả năng khai thác tâm lý nhân vật của Eastwood. Một cơ trưởng vừa cứu sống 155 sinh mạng sẽ cảm thấy thế nào? Chắc chắn có nhiều hơn là cảm giác tự hào. Có nỗi ám ảnh và sợ hãi, được Eastwood thể hiện bằng cơn ác mộng đầu phim. Có áp lực nặng nề từ dư luận và buổi điều tra. Có những vấn đề gia đình và cuộc sống, những khoản nợ và mâu thuẫn với người vợ, khắc họa dần chân chung của Sully: Một người đàn ông bình thường phải đối mặt với quá nhiều điều bất thường, cùng một lúc.

Dĩ nhiên, điều người xem quan tâm nhất trong một vụ rơi máy bay, là bản thân sự kiện. Trong phim, Eastwood miêu tả cảnh tượng khó tin này không phải một, mà đến ba lần. Không hề là một cách kéo dài thời gian, hay lặp lại nhàm chán. Đó là áp lực mà Eastwood muốn người xem cảm nhận, theo diễn biến tâm lý của Sully. Ai từng có trải nghiệm cận tử sẽ hiểu rằng, ký ức về trải nghiệm đó rất mờ nhạt khi vừa trải qua. Bộ não chưa đủ sức để giải nghĩa nó. Rồi khi có đủ thời gian, nó rõ ràng và chân thực dần lên. Cứ mỗi lần Sully trở lại buồng lái trong giây phút định mệnh, ông càng nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa điều mình làm. Ông càng chắc chắn mình làm đúng.

Khi biết tin quyển sách của mình được chuyển thể, Sully “thật” đã mong muốn phim truyền tải được tinh thần lớn nhất là về lòng tốt. “Mọi người đều nghi ngờ về bản chất con người. Nhưng những hành khách đã hành động cùng nhau, một cách vô tư, để cùng nhau sống sót. Tôi nghĩ điều đó sẽ mang đến cho mọi người hi vọng, khi họ cần nó nhất,” ông nói. Eastwood đã hoàn thành tốt yêu cầu này, khi khắc họa chân dung các hành khách cùng cảnh hạ cánh chân thực nhất có thể. Không có người xấu, không có cảnh xô đẩy hay toan tính, như thường thấy. Điều này khiến cảnh phim có vẻ tầm thường, thiếu kịch tính. Nhưng nếu đặt bản thân vào hoàn cảnh của các hành khách, chúng ta sẽ cảm thấy vẻ đẹp lạ lùng. Ai có thể xấu xa, khi vừa trở lại cuộc sống từ cõi chết?

Một điểm đáng khen khác là Eastwood đã tiết chế được chất anh hùng ca, trong một tác phẩm đậm chất anh hùng ca. Có những cảnh phim dễ dàng sa lầy vào cường điệu, như khi Sully đứng lại đếm các hành khách sống sót, hay những người xa lạ lao vào ôm lấy ông. Một cảnh khác người ta nói với ông “Lâu rồi chúng ta không có tin tốt về máy bay”, gợi đến vụ khủng bố 11/9. Tất cả đều đáng tin và dễ chịu, nhờ vào diễn xuất đầy đặn của Tom Hank. Đây là kiểu vai diễn mà Hank yêu thích gần đây, và gần như dành sẵn cho ông. Hank xử lý các trường đoạn khó, như trong phiên điều trần, dễ dàng và tự nhiên như thở. Phối hợp với ông là một Aaron Eckhart xuất sắc bất ngờ. Trong màn trình diễn nội tâm của Hank, luôn cần một kép phụ hài hước để lấy lại cân bằng. Eckhart làm rất tốt điều đó, và còn tăng thêm sức hấp dẫn khi tạo ra sự nghi ngờ trong vài phân cảnh. Một ánh mắt ngạc nhiên trong buồng lái, anh khiến người xem phải tự hỏi: Liệu Sully có ý đồ nào khác? Jeff là vai diễn ấn tượng nhất của Eckhart kể từ sau vai “kỵ sĩ trắng” trong The Dark Knight (Kỵ sĩ bóng đêm, 2008) – mà từ đó, sự nghiệp anh bị chững lại.

Thành công lớn nhất của Sully là xây dựng được một hình mẫu “anh hùng đời thường” mà chúng ta có thể bắt gặp bất kì đâu. Một người làm tốt công việc của họ và được tôn vinh. Và điều kì diệu, nếu có, luôn xuất phát từ khả năng con người. Quyết định của Sully là kết quả từ nhiều năm kinh nghiệm, làm việc cần mẫn, nắm vững kĩ thuật. Và trong một khoảnh khắc, ông tin vào chính mình hơn là các thông số. Đó là điều không máy móc nào, dù hiện đại đến đâu, có thể thay thế được. Đó là lý do vì sao, luôn cần có con người trong những công việc liên quan đến tính mạng con người.

Riêng Tom Hanks, một lần nữa, cho thấy rằng ông là một bạn đồng hành tồi trong những chuyến đi. Sau đắm thuyền, bị cướp, rơi máy bay, sẽ là gì? Nhưng với những người có máu phiêu lưu, họ nên vui mừng khi thấy Hank xuất hiện. Bởi sau mỗi tai nạn, ông luôn có một câu chuyện hay để kể.

TỔNG KẾT: Màn hợp tác thành công của hai “người hùng”: Clint Eastwood và Tom Hank.

Theo 35mm