Rate this post

Giới thiệu phim

Psycho là tác phẩm điện ảnh đầu tiên khai thác đề tài đa nhân cách, vốn là một mỏ vàng được sử dụng làm tư liệu cho vô số những tựa phim khác sau này.

Được đạo diễn bởi Alfred Hitchcock, người vốn được biết đến là bậc thầy các tác phẩm khiến khán giả bị bối rối theo một cách độc đáo. Đa số phim của ông đều thuộc dạng siêu cũ nên rất khó có thể tiếp cận giữa cái năm 2019 này.

Vì là tác phẩm đi đầu nên nội dung của của Psycho khá đơn giản nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao. Phim không sử dụng yếu tố bệnh lý để làm twist như American Psycho, The Machinist hay Fight Club mà thay vào đó là tiếp cận trực tiếp để miêu tả hội chứng một cách chân thực nhất.

Chỉ có một lưu ý nhẹ rằng đây là một bộ phim đen trắng nên sẽ tương đối khó xem. Nếu bạn không thuộc dạng phim nào cũng cân được thì hãy cân nhắc nhé.

Marion Crane là một nhân viên văn phòng bất động sản. Sau khi biển thủ 40,000 USD của một khách hàng ký gửi để mua nhà cho con gái, Marion quyết định lặn luôn một hơi. Người phụ nữ không bao giờ biết được lựa chọn đó của mình tai hại đến nhường nào.

Trên đường đi, do trời mưa lớn nên cô phải rẽ vào Bates Motel – một nhà nghỉ bên vệ đường. Chủ của nơi này là Norman Bates, người đàn ông hiền lành có dáng vẻ thư sinh sống cùng mẹ của mình, một bà già khó tính và hay cằn nhằn.

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như tối hôm đó, bà mẹ lẻn vào phòng Marion và giết cô. Quá hoảng loạn nhưng vì phải giúp mẹ nên Norman đành dọn dẹp hiện trường. Sau khi nhét tất cả đồ đạc và nhét xác Marion vào chiếc xe của cô, hắn đẩy nó vũng bùn gần nhà.

Lila – chị gái Marion bắt đầu lo lắng vì không biết em gái mình đang ở đâu. Cô tìm đến bạn trai Marion là Sam để hỏi nhưng anh này cũng chịu. Lần theo các manh mối, cuối cùng họ cũng đến được căn nhà trọ và rồi sự thật kinh hoàng dần được phơi bày.

psycho 2 Psycho (1960): kinh điển về đa nhân cách - Viết Gì Đây

Hãy thưởng thức phim trước khi đọc nốt phần bên dưới bạn nhé.

Cảm nhận phim

Psycho khắc họa cực kỳ khoa học chứng bệnh bất thường về tâm lý, về cả biểu hiện bệnh lẫn nguyên nhân gây ra nó một cách dễ hiểu.

Norman Bates có một tuổi thơ bất hạnh: bố mất sớm, sống cùng mẹ và người tình của bà. Bà mẹ có tính tình cực kỳ khó chịu và chẳng thèm đoái hoài gì đến con trai. Kết quả là hắn giết cả mẹ mình và thằng cha kia.

Tuy nhiên sau khi thực hiện điều đó, Norman – với tâm hồn của một đứa trẻ – chối bỏ thực tại này. Và thế là hắn phải tự tạo ra một bà mẹ trong tiềm thức của mình. Từ giọng nói, ngoại hình cho đến thói cằn nhằn đều giống y hệt, vốn là để hình ảnh bà mẹ sẽ sống mãi. Tất cả những điều này đã được nhà tâm lý học ở cuối phim giảng giải cặn kẽ.

Với cách lập luận của ông này thì khả năng cao sẽ chẳng có bản án nào dành cho Norman cả, hoặc cùng lắm thì sẽ được giảm nhẹ một cách tối đa, với lý do “bà mẹ mới là hung thủ”.

Ở kết thúc phim, nhân cách Norman hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại “bà mẹ” nhìn thẳng vào máy quay nở một nụ cười man rợ đã đi vào lịch sử điện ảnh. Nếu pause lại kịp bạn sẽ thấy cái đầu lâu của bà ta hiện lên chớp nhoáng.

Để khắc họa nên một kẻ tâm thần biến thái chân thực như vậy có sự góp công lớn của Anthony Perkins. Đáng tiếc là ông thậm chí còn không giành được nổi một đề cử cho vai diễn kinh điển này của mình.

Và đó là một vài dòng cảm nhận của mình về Psycho. Đừng quên quay trở lại Viết Gì Đây để tìm hiểu về những tựa phim thú vị tiếp theo nhé.