Rate this post

Bằng Chứng Vô Hình là tựa phim mới của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, cha đẻ của tác phẩm Thưa Mẹ Con Đi từng gây ấn tượng tốt với khán giả vào mùa hè năm 2019. Được remake từ bộ phim Nhân Chứng Mù của Hàn Quốc, Bằng Chứng Vô Hình thuộc thể loại trinh thám, rùng rợn nói về cuộc rượt đuổi giữa một gã sát nhân hàng loạt biến thái và cô gái mù – nhân chứng duy nhất có thể đứng ra chỉ tội hắn.

Câu chuyện của phim bắt đầu khi Thu (Phương Anh Đào) trong một lần tình cờ đã rơi vào tầm ngắm của gã sát nhân (Quang Tuấn), tuy nhiên Thu đã may mắn thoát được nguy hiểm. Hiện trường khi ấy ngoài sự có mặt của Thu thì vẫn còn một nhân chứng khác là Hải (Otis), chính vì sự hiện diện “không đúng chỗ” nên Hải cũng bị truy sát để bịt đầu mối.

Từng là một cựu học viên cảnh sát có thành tích xuất sắc, vì tai nạn giao thông nên Thu đã mất đi người em trai và hỏng vĩnh viễn thị lực của mình. Chính nhờ kỹ năng được đào tạo bài bản nên cô đã phối hợp cùng Hòa (Ái Phương) – nữ cảnh sát chỉ huy trực tiếp điều tra vụ án. Dựa trên số chứng cớ ít ỏi, Thu, Hải và Hòa phải rất khó khăn mới có thể định vị và truy lùng gã tội phạm kia.

Nội dung được xây dựng bám sát nguyên tác, nhưng đạo diễn vẫn khéo léo có sự điều chỉnh để các tình tiết phù hợp với văn hóa Việt Nam. Với đề tài điều tra, phá án pha lẫn chút ly kỳ nên Bằng Chứng Vô Hình không khai thác mạnh về khía cạnh điều tra hoặc các kỹ thuật hỗ trợ tiên tiến. Mạch phim chủ yếu được xây dựng dựa trên tâm lý nhân vật và các chi tiết nhỏ mang tính chất “chìa khóa” giải quyết vấn đề.

Phương Anh Đào hoàn toàn chứng minh được thực lực diễn xuất của bản thân qua vai Thu. Các phân cảnh sinh hoạt hằng ngày cũng như sự căng thẳng khi đối đầu với tên sát nhân đều được Phương Anh Đào thể hiện ở mức tốt. Đặc biệt là với cách biểu đạt nội tâm hoàn hảo, người xem hiểu được nỗi đau và sự dằn vặt của Thu từ một sự việc đáng tiếc trong quá khứ và đồng cảm thêm về mối liên hệ giữa cô và Hải. Ở phần hành động, mức độ lăn xả vì vai diễn đã đủ giúp Phương Anh Đào ghi điểm bởi sự nghiêm túc đầu tư vào vai diễn, ngoài ra cũng phải nhắc đến người bạn đặc biệt đã đồng hành với cô – chú chó Ben vô cùng đáng yêu và trung thành.

Bằng Chứng Vô Hình: Ăn Mắt, Ái Tử sachvui.vnến Thái Đầy Táo Bạo!

Ở phía phản diện, sau vai diễn thầy pháp Lưu Huỳnh tàn độc trong bộ phim Thất Sơn Tâm Linh, nam diễn viên Quang Tuấn tiếp tục cho thấy “cái duyên” khi hóa thân vào các nhân vật giết người với tâm sinh lý không bình thường. Lần này gã sát nhân do anh thủ vai vốn là một bác sĩ thẩm mỹ chuyên khoa về mắt, sau khi bị phản bội trong tình cảm thì hắn quyết định trả thù tất cả phụ nữ bằng cách dẫn dụ họ với sự hào nhoáng vật chất rồi sau đó ra tay sát hại. Sự bất ổn trong tâm lý được thể hiện rõ khi hắn quan hệ với xác chết của những nạn nhân đáng thương, đồng thời còn thực hiện hành vi tàn nhẫn khó lường trên cơ thể của họ. Diễn xuất của Quang Tuấn thuyết phục nhờ vào cử chỉ dứt khoát, ánh mắt lạnh lùng và giọng nói trầm gây ám ảnh.

Vai diễn nữ trinh sát Hòa của Ái Phương hay Hải do Otis đảm nhận đều ở mức tròn trịa về cảm xúc và tạo hình vô cùng hợp vai.

Ánh sáng trong phim được sử dụng hợp lý, với tông màu xám xanh u tối bao trùm thể hiện không khí căng thẳng xuyên suốt phim. Sự kịch tính và chất ly kỳ được truyền tải đầy đủ với góc máy đặc tả cận cảnh gương mặt gã sát nhân, trong bóng tối đôi mắt điên dại trắng dã của hắn hiện lên như sẵn sàng đoạt mạng bất cứ người nào.

Bên cạnh đó, âm thanh của phim thật sự là điểm nhấn đặc sắc. Việc sử dụng những đoạn nhạc tình huống đậm chất “thriller” được thể hiện trong các cảnh rượt đuổi hoặc ở các tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, đã giúp tăng thêm cao trào cho phim. Với chân dung nhân vật chính là một người mù, việc phát huy thế mạnh của mảng âm thanh là sự sắp đặt tinh tế vô cùng cần thiết.

Hiển nhiên bên cạnh các điểm sáng, Bằng Chứng Vô Hình vẫn còn tồn tại đâu đó các điểm chưa hoàn hảo. Do tính chất remake nên phần nội dung kịch bản đôi chỗ vẫn còn gượng ép, thiếu tính tự nhiên khi phát triển đường dây cốt truyện. Cách giải quyết vấn đề cũng như Các diễn viên tuy hoàn thiện phần cảm xúc, nhưng vẫn chưa đủ độ sâu về việc khắc họa tính cách nhân vật. Nhân vật phản diện cũng vì thế mà phần động cơ và biến chuyển tâm lý cũng mờ nhạt. Thoại phim vẫn có đôi chỗ hạn chế ở mặt đài từ của diễn viên. Bên cạnh đó, việc lạm dụng chất màu tối để tăng tính chất hình sự cho phim, thỉnh thoảng đã khiến vài bối cảnh không phù hợp.

Dù vậy, Bằng Chứng Vô Hình trên tổng thể vẫn là một phim hay, hoàn toàn chứng tỏ được chất lượng đang dần phát triển của phim Việt. Nếu đang trông đợi vào một tác phẩm đậm tính giải trí, thỏa mãn phần nhìn và cả nội dung thì hoàn toàn có thể đến ngay rạp chiếu phim gần nhất, để tìm hiểu sự thật về tội ác được phơi bày trong Bằng Chứng Vô Hình.