Rate this post

Thông tin bộ phim

Đạo diễn: Stanley KubrickBiên kịch: Stanley KubrickDựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Anthony Burgess (1962)Diễn viên: Malcolm McDowell, Patrick Magee, Adrienne Corri, Miriam KarlinÂm nhạc: Wendy CarlosĐánh giá: 8.3/10 IMDb – 89% Rotten Tomatoes

(*) Bài viết có thể tiết lộ nội dung phim

KHUYẾN CÁO PHIM KHÔNG DÀNH CHO LỨA TUỔI DƯỚI 16

Hôm nay xin được phép hoài cổ một chút. Những bộ phim thời xưa luôn thu hút mình một cách đặc biệt phần vì chúng ở một thế hệ khác khiến cho mình tò mò và phần vì mình là người thích những gì cũ kĩ.

Còn nhớ cách đây khoảng 2-3 năm gì đó khi lượn lờ dạo quanh đọc các trang blog về phim ảnh, mình đã tình cờ bắt gặp cái tên A Clockwork Orange và sự tình cờ ấy đến như một cái duyên, đầy bất ngờ nhưng lại không bao giờ quên.

A Clockwork Orange (ACO) là một trong những bộ phim cực kỳ kinh điển của một đạo diễn huyền thoại Hollywood – Stanley Kubrick. (chắc phải có một bài viết riêng về người đạo diễn tài ba này, cái này để sau nhé) Phim được chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anthony Burgess.

Bạn đang tự hỏi điều gì khiến cho ACO trở thành một kiệt tác? Bởi nó là tổng hòa của rất nhiều yếu tố từ nội dung, âm nhạc, diễn xuất, nhân vật, v…v và nó được nhào nặn bởi một đạo diễn theo trường phái hoàn mỹ, tôn thờ sự hoàn hảo.

Tuy là một bộ phim được làm từ tận năm 1971 xa xôi, thế nhưng ACO vẫn làm bạn cảm thấy lạ lẫm, mới mẻ. Stanley Kubrick thực sự đã quá tài ba khi có thể kết hợp được tất cả hội họa, âm nhạc, bạo lực, tình dục vào trong một bộ phim mà không hề khiến ta cảm giác ông quá tham lam và ôm đồm. Không phải ai cũng có thể làm được như thế!

Mở đầu bộ phim là một cảnh mình không bao giờ quên. Đó là một cảnh quay cận, trực diện vào khuôn mặt của Alex (nhân vật chính). Một khuôn mặt được hóa trang có phần kì dị với ánh mắt đầy hằn học, đầy ham muốn và thực sự ám ảnh. Sau đó, máy quay mới lia rộng ra toàn cảnh. Ngồi cạnh Alex là ba “người anh em” của hắn. Chúng cũng hóa trang, mặc bộ đồ trắng phau nom như những thằng hề bước ra từ một đoàn xiếc vô danh nào đó. Mặt ai nấy cũng đờ đẫn do phê ma túy. Cảnh vật xung quanh thậm chí còn quái dị hơn. Đó là những con mannequin khỏa thân nằm dài ra và đan chân vào nhau tạo thành những chiếc bàn. Tất thảy mọi thứ đều trắng tinh tương phản với nền đen của bức tường phía sau 4 kẻ dị hợm. Một màn mở đầu kì lạ, bí ẩn và có phần đáng sợ.

Dường như cảnh quay nào cũng đẹp và đáng để bàn luận hết. Cảnh làm mình ấn tượng tiếp theo của ACO là sau khi Alex cùng đồng bọn phê ma túy và cùng nhau làm-việc. Chúng trấn lột tiền của, đánh đập bất cứ ai mà chúng thấy ngứa mắt và ghê tởm, tra tấn tình dục phụ nữ và thậm chí là giết người không gớm tay. Ở phân cảnh này, Stanley Kubrick đã tài tình biến hóa cảnh quay trở thành một màn kịch đầy nghệ thuật. Bắt đầu bằng hình ảnh những hoa văn sống động trên nền tường của nhà hát Opera sau đó góc quay chầm chậm lướt xuống sân khấu, nơi một băng đảng khác đang lột đồ và định hãm hiếp một cô gái. Một màn kịch đầy châm biếm, một cảnh quay đầy tính biểu tượng. Cay độc và ám ảnh hơn là khi nhạc nền được sử dụng là tiếng piano du dương hòa lẫn với tiếng hét thất thanh của cô gái.

Thậm chí còn cả cảnh khi Alex, lúc đó đã trở thành một “mẫu thí nghiệm” bị đưa lên sân khấu và để cho người khác lăng mạ, hạ nhục. Trong khi đó, bên dưới là những vị khán giả đặc biệt, những vị bác sĩ, viên sĩ quan và vị thứ trưởng ngồi xem và mỉm cười vỗ tay một cách vui sướng.

Âm nhạc là một thứ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong ACO. Thật chua cay làm sao khi bài hát Singing In The Rain được cất lên trong khi Alex và ba người anh em đang tra tấn, đánh đập đôi vợ chồng nhà văn. Chúng nhảy múa, vừa tra tấn vừa hát như thể đó là một buổi tiệc tại gia của học sinh cấp 3. Hay bản Sympothy no.9 được lồng vào làm nhạc nền cho những thước phim đầy bạo lực và chết chóc khiến cho không chỉ ta mà Alex – một kẻ biến thái nhưng lại yêu nhạc Beethoven hơn tất thảy mọi thứ trên đời khó chịu và phát điên.

Nhân vật Alex được xây dựng hệt như những kẻ giết người hàng loạt trên thế giới, những kẻ có đầu óc không-bình-thường. Ba mẹ của Alex, đặc biệt là người cha là những kẻ nhu nhược và sống thiếu quan tâm đến con cái. Họ chẳng màng bận tâm xem cậu con trai 15 tuổi của mình buổi đêm đi làm công việc gì, bạn bè, học hành ra sao. Ngay khi con trai bị đi tù, họ như thể rũ bỏ đi một gánh nặng, một nỗi ô nhục và nhanh chóng thay thế vị trí trống đó bằng một cậu con trai lý tưởng khác. Ba điều khiến Alex yêu thích và cảm thấy đam mê nhất là bạo lực, tình dục và nhạc Beethoven. Ta bắt gặp bức tượng hoặc khung hình của nhà soạn nhạc vĩ đại được Alex đặt cạnh những tấm poster gái khỏa thân dán chằng chịt trên tường. Hắn là một kẻ thích làm thủ lĩnh và cực ghét khi những người anh em làm trái ý mình. Nhân vật này làm mình liên tưởng đến Adolf Hitler – một người giỏi giang, tài ba nhưng lại vô cùng độc ác và máu lạnh. Thế mới biết, trên đời này ranh giới giữa vĩ nhân và những kẻ biến thái (Quỷ đội lốt người) thật mong manh đến nhường nào!

Thế nhưng sự châm biếm của Stanley Kubrick không chỉ nằm ở những thước phim hoàn hảo và âm nhạc được lồng ghép khéo léo mà còn bởi nội dung của bộ phim. A Clockwork Orange là một câu chuyện mà trong đó nói lên nhiều điều, như thể một xã hội được thu nhỏ ở trong đó vậy. Từ hoành hành mất kiểm soát của tội ác, một thế hệ trẻ chỉ có ma túy và tình dục cho đến một chính phủ mục nát thối rữa toàn những kẻ hám lợi, sự vô nhân tính và xung đột giữa tôn giáo và chính trị, quyền làm người, v…v

Lấy đơn cử như việc Alex bị những người anh em của mình bán đứng và đưa hắn vào tù. 14 năm sau khi hắn được nhìn thấy ánh mặt trời và quay trở về cuộc sống bình thường một lần nữa thì trớ trêu thay, hai kẻ đã hãm hại hắn nay lại là hai viên cảnh sát. Nhưng điều này không khiến chúng trở nên tốt đẹp hơn. Đó như thể một lớp vỏ bọc đầy giả dối, bởi ngay khi nhìn thấy Alex chúng lập tức hành hạ hắn đến suýt chết. Hay như liệu pháp Ludovico được chính quyền đưa ra nhằm khắc phục sự quá tải của nhà tù và biến kẻ xấu thành người tốt. Nhưng thực chất đó là một việc làm cực kỳ phi nhân tính, họ lôi chính con người ra làm những sinh-vật-thí-nghiệm cho cái liệu pháp mà sự khả thi còn chưa được chắc chắn. Cái lương thiện nhân tạo mà họ cố gắng làm ra đã vô tình biến Alex trở thành một người gần như chẳng còn quyền làm người khi quay trở về xã hội. Anh không có khả năng phản kháng khi bị người ta tấn công, anh bị xã hội ruồng bỏ vì cho rằng anh là một sự thất bại – một kết quả của khoa học nhưng chẳng ai quan tâm, và đáng buồn hơn là cái thứ lương thiện giả tạo đó không hề giúp xã hội mở lòng và cho anh cơ hội được hối cải. Để rồi cuối cùng, Alex tìm đến cái chết như một sự giải thoát.

  • a clockwork orange [Review phim] A Clockwork Orange (1971) - GREEN BRUJA

Tuy nhiên, bi kịch không dừng lại ở đó. Trớ trêu thay, Alex lại không chết. Anh được cứu sống và một lần nữa, mạng sống của anh được lôi ra như thể một công cụ cho truyền thông, một thứ để chính quyền và những kẻ cầm quyền đánh bóng tên tuổi của mình. Hãy nhìn cách vị thứ trưởng giả bộ vui vẻ và quan tâm khi đến viện thăm Alex, trao đổi với anh về một món quả như thể một sự thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Alex “được trở lại làm người” còn ông già nhơ nhuốc kia lại được giới truyền thông tung hê vì sự hối cải và cao thượng. Thật lố bịch làm sao!

Sự tưởng phản được nhà làm phim tận dụng tối đa trong suốt hơn 2 tiếng của phim. Từ hình ảnh, âm nhạc, các tình huống, nút thắt trong phim đều có sự đối lập nhau một cách đầy khéo léo. Để từ đó, cao trào nối tiếp cao trào, cảm xúc của người xem được dẫn dắt và đẩy lên theo nhịp của bộ phim. Vừa coi phim, ta lại vừa thấy cảm phục lối làm phim của Kubrick, vừa bị cuốn theo mạch truyện cũng như phẫn nộ khi nghĩ đến một xã hội được đưa vào phim quá chân thực. Lời thoại trong phim cũng đầy tính triết lý

Mọi thứ trong phim được đạo diễn Stanley Kubrick chăm chút vô cùng cẩn thận. Tất thảy những điều trên cộng thêm những nhân vật phụ như vị cha sứ, viên sĩ quan hay gã nhà văn, v…v không hề thừa thãi một chút nào. Từng yếu tố hòa quyện vào nhau tạo nên một thứ nghệ thuật đỉnh cao. A Clockwork Orange từng là một bộ phim tốn giấy mực của báo chí, gây ra không ít tranh cãi trong giới chuyên môn. Thậm chí phim còn được liệt vào X-files và đạo diễn Stanley Kubirck đã từng bị chỉ trích rất nhiều. Nhưng những khó khăn đó không làm mất đi giá trị thuần túy của bộ phim và biến nó trở thành một kiệt tác điện ảnh mà mình nghĩ thật quá uổng phí nếu bạn bỏ qua nó!

Cái hay của những bộ phim cũ là chúng không chỉ phản ảnh xã hội hoặc những vấn đề nổi cộm thời bấy giờ mà hơn hết, chúng không hề “cũ” một chút nào. Ta vẫn thấy những nhức nhối ấy khi nhìn vào xã hội hiện nay, dù ở Anh hay ở Việt Nam đi chăng nữa. Ta giật mình khi thấy thế hệ trẻ bây giờ cũng có những thứ thật đáng sợ đang hiện hữu. Ta phiền lòng khi nhận ra có những thứ, chẳng cần tốt đẹp vẫn tồn tại bất chấp thời gian.