Rate this post

Bạn có bao giờ tự hỏi bạn của bốn năm trước có gì khác biệt với bạn của bây giờ không? Không hẳn chỉ là bốn năm. Có khi là một năm, hai năm, năm năm, mười năm. Chúng ta đôi khi vẫn hay muốn làm những cuộc du hành thời gian như thế để khảo sát lại bản thân. Và cô gái mang trong mình cái tên thể hiện sự yên bình ấy đã chọn mốc thời gian là bốn năm để làm cuộc khảo sát đó. Nếu bạn là độc giả đã yêu mến Phan Ý Yên với quyển sách đầu tay Em là để yêu cách đây bốn năm, bạn sẽ tìm được nhiều bất ngờ với phiên bản này năm 2014 như gặp một người quen mà lạ sau bao ngày xa cách. Còn nếu bạn chưa từng đọc Em là để yêu phiên bản năm 2010, quyển sách này sẽ hấp dẫn theo cách thức khác: nó như một tấm vé thông hành cho phép chúng ta khám phá những thay đổi trong bốn năm cuộc sống của một cô gái.

Ở Phần Mơ, Ý Yên hoàn thiện lại những gì đã in trong Em là để yêu vào năm 2010. Cô không can thiệp nhiều đến câu chữ, ngữ nghĩa cho dù ở nhiều trường đoạn, khi đọc lại bản thân cô cảm thấy rất vụng về và ngờ nghệch, nhưng cô vẫn quyết định giữ chúng vì “đó là tất cả những giản dị chân thành nhất tôi đã viết trong tuổi trẻ của mình, một tuổi trẻ đơn độc ở châu Âu, đón nhận tình yêu, nỗi buồn lẫn hạnh phúc bằng tất cả niềm tin, hi vọng, dũng cảm lẫn hoài nghi.” Mỗi một câu chuyện đều là một mảnh ghép để độc giả tìm thấy tiếng nói của chính mình giữa bộn bề những bỡ ngỡ lớn khôn. Và rồi sau đó, bạn có thể u uẩn, cảm thông, mãn nguyện hay nức nở. Mỗi chúng ta, ai cũng đã từng đi qua con đường ấy nhiều lần vào lúc thanh xuân đều hiểu rằng ta cần nhiều thời gian đến thế nào để tự cứu chính mình. Những câu chuyện rất ngắn này còn gọi là Phần Mơ vì được dành tặng cho những điều kì diệu, cho những góc nhỏ lấp lánh bạn vẫn nuôi dưỡng trong tim dẫu cuộc đời này có nhẫn tâm và cay nghiệt đến đâu.

Tại sao lại có Phần Thực khi ai cũng bảo thế mạnh của Ý Yên chính là những gì rù rì lãng đãng? Người phụ nữ nào cũng phải đi qua cái thời được mượn tuổi trẻ để làm cái cớ cho nhiều điều. Lúc đó, chúng ta thường nuối tiếc bước ra khỏi những giấc mơ, đối mặt với hiện thực, bổn phận, trách nhiệm. Nhưng cho dù ở độ tuổi nào, vị thế nào, phụ nữ vẫn luôn có một đặc quyền, phụ nữ là để yêu. Vì vậy, ngay cả khi đã tỉnh giấc, hãy vẫn cứ hãnh diện làm phụ nữ, bảo vệ phần yếu đuối và trân trọng lòng dũng cảm của bản thân! Vì thế, Yên viết: “Tôi không phải là một siêu nhân vô khuyết. Tôi đã qua cái thời cố níu giữ thanh xuân bằng mọi giá, chỉ dám hết mình sống sao cho mãn nguyện mỗi một ngày. Nên tôi tiếp tục làm công việc của một người chia sẻ, đi cùng bạn trưởng thành, ngay cả trong một thế giới trần trụi và tưởng như không còn chút lấp lánh bột màu nào.”