Rate this post

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta trao đổi hay giới thiệu với nhau rằng cuốn sách này hay, cuốn sách kia không hay, cuốn sách này đáng đọc, thậm chí cần phải đọc một lần trong đời, cuốn sách kia nếu bận quá thì không đọc cũng được. Vậy tiêu chí nào để phân loại sách là hay hay không hay? Là nội dung hay văn phong của tác giả? Là kiến thức hay sự hài hước của người viết? Theo tôi, bốn tiêu chí sau đây đánh giá một cuốn sách là hay hay không hay:

1. Nội dung sách thuộc lĩnh vực quan tâm Nếu tìm được một cuốn sách nằm trong lĩnh vực mà mình quan tâm, thì thường ta sẽ đọc xong rất nhanh. Tôi quan tâm đến văn hóa phương Đông, lịch sử Việt Nam, chiến tranh Việt Nam, vật lý lý thuyết, triết lý nhân sinh…, nên tôi điểm lại thấy mình đọc nhiều sách về các lĩnh vực này. Khi có sách về các đề tài này, tôi thường đọc chúng rất nhanh, nhẹ nhàng hơn cách lĩnh vực khác. Cầm trong tay cuốn sách mình không thích, dù biết là cần phải đọc, cảm giác đó thật nặng nề.

2. Yêu thích văn phong của tác giả Văn phong của tác giả hợp với mình hay không là điều khá quan trọng. Có những cuốn sách không thuộc chủ đề tôi quan tâm, nhưng vì yêu thích văn phong của tác giả, thích cách tác giả dẫn dắt, diễn giải vấn đề nên tôi cũng đọc xong rất nhanh. Gặp cuốn sách thuộc lĩnh vực mình yêu thích, nhưng không hợp với văn phong của tác giả, thì đọc cũng ngại không kém gì sách không thuộc chủ đề mình yêu thích. Tất nhiên, điều tuyệt diệu nhất vẫn là, sách thuộc lĩnh vực mình quan tâm và yêu thích văn phong của tác giả.

3. Cung cấp kiến thức giá trị Sách khác truyện ở chỗ phi hư cấu, tức là nó phải cung cấp cho người đọc một kiến thức gì đó về khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, về toán học hay vũ trụ, về chính trị hay kinh tế, về hải dương hay thiên văn học, về văn hóa hay tôn giáo. Các bạn lưu ý phân biệt giữa sách và truyện. Sách là phi hư cấu, là kiến thức như bên trên vừa nói, còn truyện là hư cấu, phần lớn là không có thật. Truyện có nhân vật, cốt truyện, các đoạn hội thoại và quan trọng nhất là mâu thuẫn. Mâu thuẫn mới sinh ra đấu tranh, đối kháng với nhau. Hồi tuổi hai mươi tôi mới hay đọc truyện, còn giờ có truyền hình trả tiền nên tôi xem phim cho tiện.

4. Thay đối thế giới quan người đọc Thay đối thế giới quan là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một cuốn sách hay. Một cuốn sách hay không chỉ cung cấp kiến thức, mà nó còn thay đổi thế giới quan của người đọc. Tất nhiên, thay đổi trong lĩnh vực nội dung cuốn sách và thay đổi theo hướng tích cực, giúp người đọc mở rộng tầm hiểu biết, từ đó mà tiến bộ hơn, thậm chí cùng với việc đào sâu suy nghĩ người đọc có được tiến bộ vượt bậc về nhận thức. Ai trong chúng ta cũng có một vài cuốn sách ghi dấu ấn trong cuộc đời mình, đó là những cuốn sách sau khi đọc xong ta thay đổi thế giới quan. Đọc sách hay như là tiếp chuyện với người thông thái. Người đó giải thích cho ta các vấn đề trong sách một cách tường minh, khiến cho ta hiểu một cách sâu sắc.

Lời kết Xã hội bây giờ đã rất phát triển, mọi thứ đã dễ dàng và tiện lợi hơn rất nhiều, trong đó có việc xuất bản sách. Sách hiện nay trên thế giới và ở nước ta xuất bản rất nhiều, không ai có đủ thời gian mà đọc được tất cả chúng. Tất nhiên, không phải tất cả chúng đều là sách hay. Kết quả của việc đọc một cuốn sách hay là ta thay đối thế giới quan của mình về cuộc sống, trong lĩnh vực nội dung của sách. Thay đổi thế giới quan là thay đổi cách ta tiếp nhận và phản ứng với cuộc sống, thay đổi cách sống. Thay đối cách sống sẽ thay đổi được số phận.

Tuy vậy, tri thức phát triển vào bên trong. Ta thay đối, tiến bộ bên trong mình thì chỉ chúng ta biết, chứ xã hội bên ngoài họ không biết. Ta phải rất lưu ý điều này, để tránh sinh ra kiêu căng hay ngộ nhận. Chỉ những cuốn sách hướng dẫn kiếm tiền, làm chủ một kĩ năng hay bổ sung loại kiến thức nào đó áp dụng được ngay, thì mới cho ra những kết quả trực quan mà xã hội có thể nhìn thấy ngay được. Khi đó, tất nhiên xã hội sẽ ghi nhận và đánh giá con người ta. Tuy nhiên, những cuốn sách đó lại không được xếp vào hàng sách để đời hay bất hủ.

Vì sao? Đơn giản thôi, thành công trên đời này phải là một sự nghiệp lớn. Mà sự nghiệp lớn thì cần sự nỗ lực trong thời gian dài, thậm chí là cả đời mới đạt được. Chủ thể của những sự thành công đó cần phải tập trung thời gian và tâm trí một cách bền bỉ vào mục tiêu của mình, thì mới có được các thành quả. Rồi tập hợp các thành quả mới tạo thành được sự nghiệp. Chứ ai đó chỉ cần đọc xong một cuốn sách là có thể thành công, thì thành công đó là thứ thành công gì? Thứ thành công mà nhiều người có thể đạt được, thì chỉ là thứ thành công bình thường, không phải là thứ thành công hiếm có.