Rate this post

Hành trình kiếm sách cho bé sơ sinh nhà mình rất cực khổ. Nhà sách có 1 đống loại sách, cuốn thì ghi phát triển trí thông minh, cuốn thì kích thích thuỳ não. Trên mạng thì vô số các shop bán online, hình vẽ, thể loại thì khỏi phải nói, người lớn nhìn đến còn mê.

Nghĩ đi nghĩ lại vẫn không biết nên đọc sách gì cho bé sơ sinh. Nếu mẹ nào hoa mắt chóng mặt khi tìm đủ mọi chỗ mà vẫn chưa quyết định được thì mom đã đến đúng chỗ rồi đó.

Mình sẽ giúp các moms chọn sách cho trẻ sơ sinh và cách đọc sách cho bé sơ sinh dựa vào quá trình tìm hiểu từ web Mỹ đến Nhật. Mẹ hãy kéo đến cuối bài để đọc review sách ehon cho bé 0-1 tuổi nhé. Buzz còn gợi ý cho ba mẹ cách đọc từng sách như thế nào cho tốt và hay nữa.

Để biết được sách nào phù hợp cho trẻ 1 tuổi, ba mẹ nên xem qua những giai đoạn và cột mốc phát triển của trẻ nhé. Như thế mình mới biết được ở độ tuổi này bé đang phát triển những gì và cần những quyển sách như thế nào để hỗ trợ sự phát triển đó.

1/ Sự phát triển của trẻ sơ sinh từ 0 đến 1 tuổi

Trong vòng 3 năm đầu, bé sơ sinh trải qua giai đoạn dựa dẫm vào người lớn trong vấn đề an toàn, sinh tồn và sinh hoạt xã hội. Tuy nhiên, giai đoạn này không phải là nhược điểm tí nào nhé vì não của bé được lập trình để học từ những người chăm sóc bé.

Nói qua 1 chút về phát triển não bộ của bé theo tháng thì như vầy:

  • Bé sơ sinh 2 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi: Các dây thần kinh não bộ của bé được liên kết với nhau 1 cách tích cực trong năm đầu tiên qua những trải nghiệm hàng ngày và mối quan hệ được thiết lập dần dần giữa bé và ba mẹ hay người chăm sóc. Vậy nên những tương tác tuy nhỏ nhưng thường xuyên có 1 tác động khổng lồ đến sự phát triển của trẻ sơ sinh
  • Bé 6 tháng tuổi đến 9 tháng tuổi: Trước thời điểm 9 tháng, não bộ của trẻ đã trải qua sự tăng trưởng bứt phá giúp tạo nên sự nối kết giữa những thứ mà bé nhìn, nghe, cảm nhận và nếm thấy. Thời gian chơi và tương tác với ba mẹ và gia đình lớn cung cấp cơ hội học hỏi cho giai đoạn phát triển sớm này.

1 vài sự thật về thị giác của bé mà ba mẹ nên biết để chú ý hơn trong lúc đọc sách cho bé dưới 6 tháng:

  • Bé 2 tháng tuổi chỉ có thể nhìn được ở khoảng cách 45cm, có thể nhận ra gương mặt và giọng nói của mẹ.
  • Bé 3 tháng tuổi bắt đầu bị thu hút bởi những màu sắc tương phản nhau
  • Bé 5 tháng có thể nhận biết các sắc thái khác nhau của màu sắc mặc dù thị lực vẫn chưa được 10/10 (WebMD)

Trong khoảng thời gian này, bé dưới 1 tuổi học bằng cách bắt chước ba mẹ trong cách suy nghĩ, cảm xúc và hành động.

Nghiên cứu cho thấy rằng não bộ của bé sẵn sàng cho việc nói nhiều tháng trước khi bé bắt đầu nói từ đầu tiên. Để não hoàn thành tốt nhiệm vụ này, bé cần được nghe ngôn ngữ. Bên cạnh trò chuyện với bé, đọc sách cho bé nghe tạo cơ hội để nghe từ vựng mới mà ba mẹ có thể ít sử dụng trong giao tiếp hàng ngày với bé.

Đọc sách cho bé nghe là 1 trong những tương tác giúp bé phát triển não bộ, ngôn ngữ và kĩ năng đọc viết đó các moms.

2/ Các tiêu chí chọn sách cho bé 0-1 tuổi

Phần này sẽ trả lời cho câu hỏi “Ok, đọc sách tốt thì ai cũng biết rồi, nhưng nên đọc sách gì cho bé sơ sinh?”

Câu trả lời ngắn gọn là sách giấy cứng, hình to, màu rực rỡ, rất ít chữ.

Đọc tiếp để tìm hiểu kĩ hơn nhé các mẹ (NCFL)

1/ Sách ehon cho bé sơ sinh 0-6 tháng

  • Sách có màu sắc tương phản nhau, trắng-đen
  • Hình to và đơn giản vì thị giác của bé vẫn chưa được hoàn thiện, 1 hình trên 1 trang là tốt nhất
  • Sách không có chữ hoặc rất ít chữ (1-2 từ/trang). Sách thơ có âm vần hào hứng cũng được
  • Sách giấy cứng và dày để tránh bị bé vô ý xé, sách có tay cầm
  • Sách bằng vải hay nhựa vinyl cho bé dọc lúc tắm cũng được
  • Sách mà bé có thể tương tác được, như thiết kế đóng mở, có gương không vỡ

2/ Sách ehon cho bé từ 7-12 tháng

  • Sách giấy cứng và dày, có thể dựng sách lên để trước mặt bé khi bé nằm sấp
  • Màu sắc rực rỡ và tương phản
  • Có hình của em bé khác hay hình của các vật dụng xung quanh bé như bình sữa, trái banh
  • Sách bằng nhựa vinyl hoặc bằng vải để bé tự do khám phá bằng khác cho vào miệng
  • Có 1 câu ngắn trên 1 trang

Đọc thêm: 6 hoá chất độc hại trong đồ dùng em bé và cách tránh

3/ Cách đọc sách cho trẻ sơ sinh

Theo như những tiêu chí trên, mình có thể thấy được điểm chung của sách cho bé từ 0-1 tuổi là sách hình (tiếng nhật là ehon). Khi được khoảng 9 tháng, bé sơ sinh có thể đón nhận 1 cách nồng nhiệt các sách mà bé có thể sờ hay sách làm ra tiếng động.

Trước khi đi sâu hơn vào cách đọc sách cho trẻ dưới 1 tuổi, mình muốn nhấn mạnh là vì bé sơ sinh còn rất bé, ba mẹ đừng đặt nặng vấn đề giáo dục cho con thông minh hay biết đọc sớm. Nghiên cứu của đại học New York chỉ ra rằng bé sơ sinh không thể học đọc. Họ không tìm thấy sự khác nhau trong kĩ năng nhận biết mặt chữ, âm của chữ, từ vựng giữa 2 nhóm trẻ 9 tháng đến 18 tháng, 1 trong 2 nhóm bé được tham gia chương trình học đọc, bao gồm: thẻ học, DVD, online, …

Quan trọng là tạo hứng thú đọc sách cho bé bằng cách để bé cảm nhận sự an toàn và liên kết sách với tình thương và sự che chở của ba mẹ.

Quay lại chủ đề chính, cách đọc sách hình như thế nào là tốt nhất cho cục cưng nhà bạn?

1/ Thu hút trẻ bằng hình minh hoạ

Như người lớn, con nít cũng dễ bị dụ dỗ bởi vẻ bề ngoài. Chúng dễ bị thu hút bởi những hình minh họa bắt mắt lắm.

Lúc trẻ dưới 6 tháng, do thị lực của bé còn yếu, mom có thể chọn theo sở thích của mình hay dựa vào gợi ý ở phần sau của bài viết này. Khi bé lớn hơn 1 tí, mẹ có thể mua thử sách giấy cứng có hình động vật, hình những vật quen thuộc với bé. Sau đó, mẹ hãy quan sát và nếu câu trả lời cho 3 câu hỏi sau là “Có” thì chúc mừng mẹ đã tìm ra loại sách ưa thích của bé rồi:

  • Bé có tập trung nhìn lâu hơn trong giờ đọc không?
  • Bé có với tay lấy, vỗ hay chỉ vào trang sách không?
  • Bé có nhận ra hình mà bé đã từng thấy bằng cách mỉm cười và tỏ ra phấn khích không?

Thời điểm cho bé đọc cũng quan trọng nhe các mẹ. Lúc bé tỉnh ngủ và không bị phân tâm (không đói, không khó chịu), ba mẹ hãy cho bé ngồi vào lòng hay ẵm trên tay. Khi bé có thể ngồi vững, mẹ thử để bé vào ghế ngồi ăn dặm hay để bé ngồi vào góc của ghế sofa. Mẹ nên có 1 góc đọc sách cho bé, gồm tủ sách và 1 ghế ngồi đọc sách cho bé thật dễ thương để bé hứng thú với khu đọc sách. Hơn nữa, để rèn thói quen đọc sách cho bé từ nhỏ, mẹ có thể đọc sách vào cùng 1 thời gian trong ngày, trước khi ngủ chẳng hạn.

Đầu tiên, mẹ hãy lật sách từng trang, chỉ vào hình và diễn tả những gì mẹ thấy trước khi bắt đầu đọc cho bé nghe. Ví dụ như mẹ chỉ vào trang và nói cho bé nghe “Có 1 con hươu cao cổ màu vàng cao thiệt cao ở trang này”, “Trang này thì có con gấu đang đứng, nhìn thật dữ tợn, con ha” . Khi mẹ đọc cho bé 2 tháng trở xuống, hãy để sách trong khoảng cách 45cm đến mắt của bé nhé.

Thời gian đọc sách nên được làm như chơi game có qua có lại á ba mẹ. Trước tiên, bạn làm 1 động tác (lật trang sách). Sau đó, bé làm cái gì đó đáp lại (cười hay tỏ vẻ thích thú, đạp chân, vẫy tay). Được đà làm tới, mẹ hãy tiếp tục nói “Em bé/Con gà đang nhìn con kìa!”. Bé càng hưởng ứng bằng cách nhìn, chạm thì càng tốt.

2/ Kết nối hình ảnh và từ vựng

Kĩ năng đọc bắt đầu bằng việc nhận biết được hình và chữ đi đôi với nhau như thế nào trong từng trang sách cho trẻ dưới 1 tuổi.

Khi bé được 5 hay 6 tháng trở lên, mẹ có thể chọn sách có hình mặt người, đồ chơi và vật quen thuộc với bé. 1 hình và 1 từ trên trang là tốt nhất.

Mẹ hãy cho bé xem hình trong khi chỉ vào từ. Rồi mẹ hỏi những câu như “Con có thấy … ?”. Bất cứ khi nào trẻ với lấy, sờ hay chỉ vào hình hay từ, mẹ lặp lại từ đó. Khi bé hứng thú hơn, mẹ nói mở rộng ra, kể về những thứ liên quan đến bức hình đó để khuyến khích sự quan tâm của bé.

Mẹ không nhất thiết phải đọc hết 1 cuốn 1 lượt đâu. Nên dừng đọc trước khi bé mất hứng thú. Giống như câu “Tình (yêu đọc sách) chỉ đẹp khi tình còn dang dở” đó mà ^^

Làm thế nào để biết chiến lược này có hiệu quả? Mẹ hãy trả lời 3 câu hỏi sau

  • Con mình có sờ hay nhìn hình thường xuyên hơn không?
  • Trẻ có ê a, bi bô hay cố gắng nói từ đó sau mẹ không?
  • Trẻ có muốn mẹ đọc hết cuốn sách không?
CTA-group-facebook

3/ Lặp lại, lặp lại và lặp lại

Cách đọc sách này nên được thực tập khi mẹ chọn sách có cốt truyện nhẹ nhàng, hay lặp lại, đơn giản và ngắn gọn. Nội dung có thể về gia đình, thú cưng, đồ ăn ưa thích hay đồ chơi. Khi này, mẹ chọn sách có từ 3 đến 5 câu thôi là ok rồi.

Mẹ nào mà hay đóng kịch hồi nhỏ sẽ thấy phần gợi ý sau khá dễ. Còn không thì vẫn không sao, mẹ cứ chế đại, con có hiểu gì đâu mà lo.

Mẹ hãy dùng những cử chỉ hài hước, giọng đọc nhí nhố và làm lố (nhiều) tí khi kể chuyện con nghe. Cho con làm nhân vật chính luôn càng tốt ba mẹ ạ. Gỉa bộ như nhân vật trong sách là con mình.

Mẹ hãy động viên bé tham gia kể chuyện. Hỏi những câu đơn giản rồi tự trả lời luôn cho các bé sơ sinh. Khi bé lớn và nói được thì mẹ chờ bé trả lời. “Cục cưng có thích câu chuyện này hông nèaa? Con giỏi quáaa, biết mang giày luôn taa”. Mẹ đừng lo là bé không hiểu gì vào lúc này. Cốt lõi của chiến lược này là để làm việc nói và nghe thêm hào hứng. Nghe cùng 1 lượng từ vựng và câu lặp đi lặp lại sẽ thu hút sự ý của bé. Mẹ hãy tìm hiểu vì sao sự lặp lại tốt cho bé. Mẹ nên cho bé đọc 1 quyển sách nhiều lần thay vì đọc nhiều quyển. Thí nghiệm ở link trước cho thấy số lần lặp lại của 1 cuốn sách giúp tăng vốn từ vựng và tác động đến đến sự phát triển kĩ năng đọc viết về sau.

Mẹ quan sát xem bé có trở nên hào hứng khi mẹ lấy sách ra rồi bắt đầu đọc không. Xem xem bé có chú ý đến những từ ngữ và hành động của mẹ không và bé có cười hay phát ra âm gì không khi mẹ đọc.

4/ Tạo cơ hội cho bé sờ và cảm nhận

Mẹ có thể bế bé, ngồi cùng 1 hướng, để sách trong tầm tay của bé để trẻ dễ dàng với lấy trang sách. Mẹ hãy nói và diễn tả hình mà bé đang chỉ vào. Lặp lại bất kì động tác hay âm thanh mà bé làm để khuyến khích bé đọc tiếp.

Cũng như gợi ý ở trên, mẹ hãy kiếm sách có hình của những vật ưa thích của bé và chất liệu đa dạng.

5/ Cho bé tiếp xúc với mặt chữ alphabet

Học chữ cái bắt đầu từ lâu trước khi bé sơ sinh có thể nói hay nhận biết mặt chữ. Mục đích của cách đọc này không phải để dạy chữ cho bé, mà chỉ cho bé nhìn thấy chữ cái trong sách hình.

Mẹ có thể tự làm 1 quyển sách ABC hay kiếm sách hình khiến bé phấn khích. Mẹ cho bé ngồi vào lòng hay cùng nằm lăn ra sàn để đọc sách với nhau cũng vui.

Ví dụ như mẹ Nhím cho Nhím 9 tháng tuổi ngồi trong lòng và đọc sách Chicka Chicka Boom Boom, 1 câu chuyện kể về cuộc đua của các chữ cái trong lúc chơi nối chữ. Mẹ Nhím đọc và hỏi Nhím “Tiếp theo là gì nữa nhỉ, Nhím ơi?”. Mẹ cứ đọc rồi dừng lại hỏi bé cái gì sẽ xảy ra tiếp theo. Như thế, Nhím sẽ cười phấn khích khi nghe được chữ cái mà bé nhớ.

4/ Các sách cho trẻ sơ sinh đáng mua nhất

Mình sẽ kết thúc bài này bằng các top các truyện hay nên đọc cho bé. Danh sách này sẽ bao gồm sách ehon của Nhật và truyện tiếng anh có bản dịch tiếng Việt. Mình đã phải lục tìm list các sách bán chạy trên Rakuten và Amazon, các trang dạy kĩ năng đọc viết cho bé 3 tháng tuổi bằng tiếng Anh rồi ngồi đọc review thay cho các ba mẹ đó. Các sách này đều có trên nhà sách Tiki và Shopee nha các mẹ.

1. Sách ehon Bé trứng

Sách ehon cho bé 0-1 tuổi này có màu sắc rất dễ thương, tương phản nhau (đỏ-xanh dương) và hình minh hoạ đơn giản, không rối mắt như quyển cá vàng bên trên nên thích hợp cho các trẻ sơ sinh từ 0 tuổi trở lên. Sách này rất tuyệt vời cho các mẹ đóng vai và giả tiếng động vật “Chíp chíp chíp”, “Gừ gừ”, không nhất thiết phải theo sát sách mà có thể chế ra tiếng sao cho bé phấn khích là được (Bé có biết đọc đâu hihi). Chắc chắn các bé sẽ rất thích luôn.

Trứng là 1 thức ăn rất gần gũi trong hoạt động thường ngày, khi bé ăn dặm cùng với gia đình, ba mẹ có thể cho bé xem quả trứng thiệt và kết hợp với việc đọc sách ehon.

Ehon Bé trứng cũng có câu từ có cấu trúc lặp lại rất phù hợp với trẻ sơ sinh và mẫu gíao nữa “Ra đây đi nào!”, “ Ai đang trốn…”

1 nhược điểm duy nhất là giấy có vẻ mỏng và dễ bị xé hỏng.

Các moms đọc tiếp để nhận link mua combo khuyến mãi của thêm cả 2 cuốn ehon được review tiếp theo nha.

2. Sách ehon Cá vàng trốn ở đâu rồi nhỉ

Quyển sách ehon của tác giả Gomi Taro được xuất bản cách đây 40 năm nhưng vẫn rất thích hợp với bé 6 tháng tuổi trở lên. Đọc reviews sách, ngay cả những bé 2 tuổi vẫn còn rất thích đọc quyển này đó các mẹ. Loại sách về tìm kiếm đồ vật rất thích hợp để tăng tương tác với trẻ mẫu gíao. Các mẹ có thể dễ dàng thấy xuyên suốt sách là những câu và từ được lặp lại rất nhiều lần “Bạn cá lại trốn ở đâu thế nhỉ?”, “Lại trốn nữa rồi”. Khi mẹ đọc cho bé nhiều lần rồi, mẹ có thể đọc tới gần cuối câu “Bạn cá lại làm gì thế con”, “Bạn cá đâu rồi con?” và động viên bé trả lời “Trốn (rồi)”, với các bé lớn hơn khi biết nói nhiều rồi thì mẹ giúp bé mở rộng vốn từ.

1 nhược điểm của sách ehon cho bé này là giấy mỏng, có thể dễ bị các bé 2 tháng tuổi, bé 3 tháng tuổi xé mất sách. Ngoài ra, các hình có khá nhiều chi tiết nên thích hợp hơn với các bé gần 1 tuổi hơn 1 tuổi.

Còn 1 chi tiết nữa mà ba mẹ có thể để ý đó là tại sao gọi là cá vàng mà hình vẽ cá lại màu hồng kì vậy, có làm ảnh hưởng đến nhận thức của bé không? Thiệt ra, sách này đúng là nói về cá vàng (goldfish tiếng anh, kingyo tiếng nhật). Có điều cá vàng có rất nhiều loại và màu sắc cũng đa dạng nữa, không chỉ có màu vàng. Khi bé lớn lên hiểu được 1 chút thì ba mẹ có thể giải thích cho con. Còn bây giờ lúc bé còn dưới 1 tuổi, ba mẹ có thể tập trung vào hình ảnh và cấu trúc lặp lại dễ đi vào đầu của bé, cũng như hấp dẫn bé. Vả lại, sách không gọi cá vàng mà chỉ là bạn cá. Ba mẹ vẫn có thể cho con học màu bằng các sách khác mà đúng không?

3. Sách ehon Ai ở sau lưng bạn thế

Sách ehon này thích hợp cho bé 2 tháng tuổi tới bé 4 tháng tuổi cũng đọc được luôn. Hình minh hoạ rất thật, chi tiết không quá nhiều, kích cỡ to. Như thế rất phù hợp để bé tập trung vào sách. Bộ sách này có nội dung rất giống với cuốn sách classic Gấu nâu, gấu nâu bạn nhìn thấy gì sẽ được review bên dưới. Cấu trúc câu lặp lại “… là ai thế nhỉ?”, “là bạn…” làm bé hồ hởi để đoán tiếp được từ cuối cùng, cũng như đoán xem con vật nào sẽ xuất hiện tiếp theo. Mình rất thích cách vẽ và trình bày của sách, kích thích trí tò mò của trẻ. Khi đọc sách, mẹ hãy chỉ tay theo từng chữ để thu hút sự chú ý của bé nha.

2 cuốn sách hay cho bé từ 0-1 tuổi tiếp theo sẽ là sách tiếng Anh có bản dịch tiếng Việt.

4. Sách hình Gấu nâu, gấu nâu, bạn nhìn thấy gì? – Brown Bear, Brown Bear, What do you see?

Nếu mẹ đang kiếm sách cho bé 3 tháng tuổi hay sách cho bé 4 tháng tuổi thì cuốn sách thì là phải có trong tủ sách đó nha. Hình ảnh rất to, chiếm cả 2 trang, không rối mắt, màu sắc cũng rất đa dạng. Cuốn này vừa có thể đọc cho bé bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Sách có cấu trúc lặp lại không thể thiếu ở sách thiếu nhi, nào là lặp lại tên con vật, lặp lại câu “Bạn nhìn thấy gì đấy?”, “Tôi thấy…”. Khi bé đã quen rồi, mẹ hãy để bé điền tiếp câu. Mẹ đọc tới đoạn “Tôi thấy..” và chờ bé trả lời “Con vịt”. 1 cách khác để tương tác với bé là giả vờ đọc sai thay vì “Tôi thấy 1 con vịt” thì mẹ đọc “Tôi thấy 1 con heo”, bé sẽ nhảy cẫng lên và sửa sai cho mẹ luôn đấy. Giấy thì cứng để bé thoải mái sờ, cầm và liếm mà không sợ bị rách. Bonus cho bé học màu bằng cuốn sách này cũng tốt các mẹ ạ.

Mình tìm mãi không thấy sách song ngữ nữa, nên đưa các moms link sách tiếng Anh ở Tiki nha. Trên Shopee thì không có đâu vì đây là sách ngoại văn.

5. Sách hình Chicka chicka boom boom

Cuốn sách này rất tiếc không có bản dịch tiếng Việt, nhưng mình vẫn muốn giới thiệu đến các mẹ vì rất có ích cho bé được nghe âm của chữ cái tiếng Anh.

Cuốn này kể về câu chuyện các chữ leo lên cây dừa. 1 cách để bé tiếp cận với mặt chữ khi còn nhỏ. Con chưa cần phải nhớ và liên kết hình vẽ của chữ với chữ cái trong đầu của bé. Để bé tập làm quen với phát âm của chữ là tốt rồi. Cái điểm nhấn làm sách thú vị chính là câu Chicka Chicka Boom Boom, nghe rất vui tai và khiến bé lặp lại và đọc theo mẹ mỗi khi tới khúc này.

Sách có màu sắc sinh động nhưng nhiều hình trên 1 trang. Mẹ có thể đọc sách cho bé vài tháng tuổi nghe thử 1 vài trang và xem bé có hứng thú không. Nếu không thì mẹ đành đợi qua đến 2 tuổi và đọc cho bé.

Hy vọng các ba mẹ thấy bài này có ích. Hãy share cho các mẹ bỉm sữa khác cùng biết nha.

Nguồn:

Timeline: brain development from birth

Caring relationships